Vợ chồng “phố“

Nói phố cho lịch sự chứ bác là dân quê chính gốc, sinh ra và lớn lên bằng hạt lúa củ khoai quê nhà, nhưng bác lấy được vợ phố.

Vừa Tết xong, vợ chồng bác Lương Vũ ở Đường Thịnh, vùng đất lúa ngoại thành Hải Phòng tổ chức lễ cưới cho con gái, anh em con cháu tề tựu rất đông.
Tuy không mâm cao cỗ đầy nhưng cái tình gắn bó với nhau bền chặt lắm. Cả họ đang vui vẻ thì bác Trưởng, anh trai bác Vũ - khách ở thành phố về dự.
Nói phố cho nó lịch sự chứ bác là dân quê chính gốc, bởi bác sinh ra ở đây và cũng lớn lên bằng hạt lúa củ khoai quê nhà, nhưng bác lấy được vợ phố. Chẳng biết vợ chồng bác có khinh dân nhà quê không mà trông thấy các cụ lớn tuổi trong họ chỉ khẽ gật đầu, chẳng biết họ chào hay không, còn anh em, con cháu trong họ coi như bác không biết.
Thấy mọi người không thèm để ý đến mình, vợ bác Trưởng đứng lên, giọng the thé kẻ cả để mọi người phải chú ý:
- Này chú Vũ - Chị ta khoa chân múa tay như cố để những lắc vàng, dây chuyền, nhẫn mặt ngọc... xủng xoảng, ánh lên lấp loáng. - Bảo người xếp cỗ kia kìa, lấy đũa mà gắp thịt không thì xỏ đôi găng tay vào, chứ ai lại bốc thế kia trông nó ghê ghê lắm.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Nói rồi, chị nguẩy mông, lắc đầu làm cho cái thân hình phì nộn của chị như bị căng ra núng nính những thịt những mỡ như những khoanh giò bị bó chặt bởi những dây ngang dọc sau lần áo mỏng. Và khi chị quay lại, nhìn chiếc áo mốt thời thượng hở cổ, phơi nửa bộ ngực trần đồ sộ, làm cho các bà, các chị trong đám ngượng chín mặt.
Chuyện tưởng như thế đã là quá quắt, nào ngờ khi được mời ăn cỗ, vợ chồng con cái bác Trưởng chọn một mâm nhưng thiếu một người. Bác Vũ phải sắp xếp, mời mọc anh em họ tộc vào ngồi cùng cho đủ mâm nhưng chẳng ai chịu. Và thế là kệ thây những con mắt nhìn khó chịu, bốn người nhà bác coi như đủ mâm cứ ăn uống đàng hoàng như chẳng có chuyện gì xảy ra.
Khi các mâm chú bác, anh em hỉ hả chúc rượu nhau vui vẻ thì bác Trưởng, giọng hách dịch gọi gia chủ rồi đứng lên cầm trên tay cả xấp tiền, rút đưa 100 ngàn đồng cho bác Vũ:
- Vợ chồng tôi chỉ quen uống bia, chú cho người mua giúp tôi vài chai về uống cho ngon miệng.
Bác Vũ loay hoay thật khó xử. Bà con làng xóm, rồi ông bà chú bác nội tộc bề trên tất cả chỉ uống rượu, bây giờ anh mình ở phố về lại uống bia (mặc dù là tiền của anh) nhưng làng xóm biết đâu chuyện đó, họ cho là nhất bên trọng bên khinh, nghĩ người ở phố lắm tiền nhiều của nên được uống bia còn dân quê thì uống rượu.
Cầm 100 trăm ngàn đồng của anh trên tay mà bác Vũ không thể không nghĩ: Đất lề quê thói, chẳng lẽ anh mình quên hay cố tình hợm hĩnh bằng cách sống trưởng giả, lạc lõng khác người giữa vùng quê nghèo, nơi chôn nhau, cắt rốn, nơi nuôi anh lớn khôn và trưởng thành này chăng?
Bác Vũ quay lại anh trai, dúi nhanh tờ tiền vào tay anh:
- Bác cầm lấy để chiều anh em mình mua uống mừng hạnh phúc cho các cháu, còn bây giờ không tiện anh ạ.
- Không tiện? Chú hay nhỉ, tiền của tôi tôi mua tôi uống chứ bắt chú mua cho tôi đâu mà không tiện.
Không còn chịu được cách sống quá kênh kiệu không biết trên, biết dưới của anh mình, bác Vũ thẳng thắn:
- Nhà quê chúng em chỉ quen uống rượu không biết uống bia, bác cố ăn bữa cơm rượu mừng hạnh phúc cho các cháu.
Mâm cỗ cả vợ chồng con cái bác Trưởng không đụng miếng nào và họ cùng đứng lên, vợ bác Trưởng hằn học, rút chiếc phong bì đánh xoạch khỏi túi gọi bác Vũ:
- Vợ chồng tôi về mừng cho chú thím và cháu, chú thím cho ăn uống rồi, chúng tôi xin phép về trước bận công việc riêng.
Bác Vũ cười hể hả, tưởng nhìn thấy phong bì em cười tít mắt, vợ bác Trưởng bĩu môi vẻ khinh rẻ:
- Vâng, em cám ơn hai bác và các cháu, em xin nhận lời chúc của hai bác, còn gửi lại bác cái của quý này. Ở quê mình cái tình là quý chứ không phải quý ở chiếc phong bì. Với lại cỗ nhà em không có bia, hai bác và các cháu không thèm đụng đũa, ai lại dám cầm tiền mừng, hai bác thông cảm.
Chị dâu gạt chồng sang một bên, cầm chiếc phong bì mà như giật lại trên tay em trai chồng:
- Quý hóa quá, chú thím thật khách sáo...
Vợ chồng con cái bác Trưởng về trong tiếng cười tiễn biệt của cả hội hôn. Còn vợ chồng bác Vũ tiễn anh chị về mà thấy lòng buồn rười rượi. Chẳng lẽ người xưa dậy : "Bán anh em xa mua láng giềng gần" lại đúng như nhà mình sao?

Vợ chồng “đũa lệch“

Nhìn vào công việc của hai vợ chồng, bạn bè và những người thân đều đánh giá anh so với vợ cứ như “quạ sánh với công”.

Anh chỉ là một nhân viên hành chính quèn, làm ngày tám tiếng. Ngược lại, em là giám đốc một công ty, quanh năm bận tít mù với đủ thứ việc. Ngoài việc điều hành công ty, em còn phải làm ngoài giờ với những cuộc tiếp khách, tiếp lãnh đạo, tiếp thanh tra… đến phờ phạc cả người.

Anh rất thương và thông cảm cho vợ, tình nguyện đảm đương hết việc nhà. Hồi các con còn nhỏ, sáng anh lo cho con ăn uống, đưa tới trường. Về nhà lại lo cơm nước, giặt quần áo, quét dọn. Con bỏ ăn, bị ấm đầu, sổ mũi; quê nội, quê ngoại có chuyện vui, chuyện buồn, một tay anh lo liệu hết. Bận rộn vậy, tới cơ quan anh còn mượn miếng đất sau văn phòng tranh thủ trồng rau, mùa nào thứ nấy. Trong cơ quan ai cũng khen anh chịu khó, chỉn chu công việc, có năm còn được bình bầu là chiến sĩ thi đua. Mùa hè, được dăm ba ngày nghỉ cùng cơ quan, anh khóa cửa dắt hai đứa con xuống biển hay lên núi. Em nhàn tênh việc nhà, chỉ lo chu cấp tiền ăn học cho các con.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Hồi còn ở căn nhà cấp bốn, chiều nào anh cũng hì hục chẻ củi, phơi củi, lo chuyện bếp núc. Sau này khá hơn, vợ thương chồng nên sắm bếp gas, anh không phải chẻ củi nữa. Nhưng, ngôi nhà ba tầng xây cất xong, anh lại phải vất vả hai, ba ngày lau nhà, quét cầu thang một lần. Hai đứa con được học hành tử tế, đứa nào cũng thành đạt. Nhưng, mỗi khi gặp lại các con, anh cảm thấy hình như chúng đang dần xa cách cha. Mọi lời răn dạy phải sống như thế nào cho đúng, học thế nào cho tốt, chúng chỉ “dạ… dạ” cho đúng lễ nghĩa, chẳng bao giờ làm theo. Anh biết lúc này, ảnh hưởng của mẹ quan trọng hơn, bởi các nhu cầu về tiền bạc, đường công danh của con đều do em thu xếp.

Những ngày gia đình đoàn tụ, trong khi anh lo đi chợ, hoặc lui cui nấu ăn dưới bếp, thì ba mẹ con ngồi chuyện trò rôm rả, nhận xét chỗ này, chỗ kia trên thế giới đẹp hay xấu, văn minh hay lạc hậu. Cơm nước xong, mấy mẹ con kéo nhau ra xe đi siêu thị, shop thời trang, anh lại xắn tay áo với đống đồ dơ. Nhiều đêm em về muộn, say nhừ vì phải tiếp rượu đối tác, anh phải thay đồ, lau người cho vợ mà không hề phàn nàn, trách móc. Có lần, khách hàng người nước ngoài đòi được gặp mặt “phu quân giám đốc” trong tiệc chiêu đãi, anh khấp khởi mừng vì có cơ hội tiếp khách giúp vợ. Không ngờ ông khách nước ngoài tửu lượng cũng cao, anh vô tư uống rồi mời, mời rồi uống. Kết quả là cả khách lẫn chủ say mèm, báo hại em không ký được hợp đồng làm ăn. Từ đó, chẳng bao giờ anh được đi tiếp khách giúp vợ nữa.

Hai đứa con sợ “xấu mặt” cha, bắt mẹ phải mua cho anh chiếc xe hơi đi lại cho đỡ mưa nắng. Xe mua xong, anh phải mất thời gian học lái, thi lấy bằng. Cả năm chỉ đôi ba lần về quê giỗ họ hàng, ngày Tết về thăm ông bà nội, ngoại là anh chở vợ con đi, còn thường là xe trùm mền một chỗ.

Nỗi buồn của anh thật khó nói. Đàn ông vốn phải gánh vác những việc lớn trong gia đình, ngoài xã hội, chịu đảm đang công việc nội trợ như anh là do hoàn cảnh bất khả kháng. Anh chỉ cần sự ghi nhận và thông cảm của mẹ con em, mà biết có được không?

Nhà chồng khinh người, tôi có nên cao chạy xa bay?

Nhà chồng tôi làm kinh tế tư nhân nhưng phát triển rất tốt, trong nhà cả giúp việc nhà, người làm công ở xưởng lên tới hàng trăm người.

Con của người ta

Ba mẹ miễn cưỡng lắm mới phải nhờ đến đứa “con của người ta” là chị, trong khi nhà rõ ràng là có con trai...

Nhà chỉ có hai chị em. Thuở bé, em thèm ăn gì là chị nhín tiền quà của mình mua về cho em. Lớn hơn, em trai ước ao có cái máy ảnh kỹ thuật số, chị dành dụm tiền tiêu vặt nhiều tháng để mang lại niềm vui cho em.

Em trai học Y đằng đẵng sáu năm, thêm hai năm chuyên tu. Ba mẹ bảo, em học xong thì cả gia đình được nhờ, trong nhà có bác sĩ còn gì bằng... Từ bé đến lớn, ba mẹ luôn kỳ vọng ở em, con trai mới đích thực là con. Nhà vốn khó khăn nên ưu tiên em đi học, chị là con gái, "thập nữ viết vô", chỉ cần biết đọc biết viết là được… Thời gian đó chị đã đi làm, hàng tháng đều đặn giúi cho em tiền tiêu vặt và bao bạn gái. Bạn gái em không được lòng mọi người trong nhà cho lắm, nhưng chị vẫn tự nhủ, quan trọng là em mình hạnh phúc, những vụn vặt khác nào có đáng gì…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Ra trường em cưới vợ ngay. Cưới xong, em ra riêng. Chẳng bao lâu vợ chồng em sinh con. Vợ em nhờ ông bà ngoại lên chăm cháu cũng là lẽ bình thường. Nhà vợ em bán căn nhà dưới quê, đùm túm mua một chỗ ở tại thành phố. Từ căn nhà mới ấy đi về mái nhà nơi em đã sinh ra và lớn lên cùng chị, cứ như ở hai đầu nỗi nhớ. Ba mẹ muốn đi thăm cháu phải lặn lội qua vô số ngã ba ngã tư. Có lẽ vì những nguyên nhân khách quan như thế, em ngày càng ít về thăm nhà... Em trở thành đề tài cho những lần ba mẹ buồn phiền, hờn trách nhau, người này trách người nọ về lý do tại sao em lại có thể trở nên thờ ơ với tình thân ruột thịt đến vậy…

Giờ nhà có bác sĩ, nhưng ba mẹ “đau” triền miên không ai chữa trị được. Cái cảm giác “mất” con, lại là đứa con trai duy nhất mình đã đặt tất cả yêu thương, kỳ vọng, quả là không gì bù đắp được. Việc báo hiếu chỉ được thể hiện qua số tiền hàng tháng chuyển vào tài khoản của ba mẹ. Lời giải thích nhiều hàm ý cho con số hơi nhỏ nhoi trong tin nhắn ngân hàng là vợ chồng con cũng cần phải tích góp nuôi cháu… Muôn đời nước mắt chảy xuôi, chẳng phải là khó hiểu. Nhà vẫn đơn giản, nhưng ba mẹ chẳng tha thiết sửa sang, mua sắm gì nữa. Mỗi khi có việc gì phải gọi đến con cái, ba mẹ buộc lòng kêu chị trong nỗi khó chịu tạm bợ mà chị hiểu, ba mẹ miễn cưỡng lắm mới phải nhờ đến đứa “con của người ta” là chị, trong khi nhà rõ ràng là có con trai...

Mỗi khi nghĩ đến em, chị vừa thương vừa giận. Chị không mong đợi em “đáp lễ” những ân tình chị đã dành cho em, nhưng không khỏi chạnh lòng với ý nghĩ, đứa em trai mình từng thương yêu chăm chút chỉ vừa đủ lông đủ cánh là “quên” ngay ba mẹ, chị em. Bao trái ngọt, vợ con nó hưởng hết. Mà vợ của em trai, ngày xưa chị từng vun vào khi ba mẹ phản đối, nay sao nỡ thản nhiên lạnh lẽo với nhà chồng đến vậy? Chị giận em trai nhu nhược nghe theo mọi sắp đặt của nhà vợ, giận em dâu cư xử vô tâm vô tình…

Trông người lại nghĩ đến ta. Nhà chồng chị đông con, những sáu người, chồng chị là con trai lớn, trước còn một chị gái. Tuy nhà chật vật, nhưng anh được ăn học đàng hoàng, cũng vội cưới chị với lý do “sợ mất” ngay khi vừa tốt nghiệp. Chị thi thoảng nhắc chồng nhớ phụ giúp mẹ, đôi khi chị chủ động mua cho em gái anh ít áo quần, sách vở… Những lúc về quê chồng, chị vui vẻ cảm thấy mình cũng đã hoàn thành nghĩa vụ với bên chồng.

Nhưng, đàn ông lắm khi cũng vô tâm. Chồng chị hay quên. Có lúc em gái anh điện thoại thẳng thừng bảo, sao anh ích kỷ vô lo quá vậy, mẹ vất vả, không dám gọi vì sợ ảnh hưởng đến cuộc sống của anh, nhưng anh là con, phải tự hiểu chứ! Anh phải biết bổn phận với các em, có đâu như vậy… Chị dâu không cho anh đóng góp nuôi em út ăn học à? Tới đây thì em gái anh tủi thân bật khóc.

Anh về kể lại với chị trong nỗi xấu hổ và day dứt. Không thêm bớt giấu diếm, ngay cả cái câu cuối cùng khó nghe đó. Lâu nay anh thờ ơ với gia đình quá. Sao em không lo giúp anh một tay? Lời trách nhẹ bâng của anh làm chị ngỡ ngàng. Càng bất ngờ hơn khi biết, đã lâu lắm rồi anh chẳng nhớ gửi cho mấy em đồng nào, dù anh chi dùng cá nhân khá rộng rãi. Cũng đôi khi chạnh nghĩ đến mẹ, rồi tự suy diễn rằng, mẹ già rồi, có xài gì đâu. Em út ở nhà thì vẫn nghĩ đến đấy chứ, nhưng lu bu rồi quên mất “hành động thiết thực”… Hai vợ chồng bần thần một lúc, chị nhẹ nhàng bảo, thôi để sau này hàng tháng em lưu ý nhắc anh. Muộn còn hơn không.