Vợ bệnh cũng không yên thân vì chồng vô tâm

Khi em bệnh nằm xuống thì cũng chẳng có giây phút nào được yên thân. Anh hết hỏi cái này lại hỏi đến cái kia.

“Em ơi, bấm nút nào để giặt đồ?”. “Em ơi, muốn hầm thịt thì bấm nút nào?”. “Em ơi, anh muốn hút bụi dưới sàn thì làm sao gắn mấy cái ống vô?”... Những câu hỏi liên tiếp của anh làm cho em muốn nhảy khỏi giường bệnh để tự tay mình làm lấy tất cả.
Anh có thấy thật là kỳ khi mà nhà mình đã xài máy giặt 15 năm nay rồi không? Chiếc máy hút bụi đó chính anh và em đi mua ở trung tâm điện máy lớn nhất thành phố và từ ý kiến của anh. Còn cái nồi áp suất cũng vậy. Nó được đem về nhà bởi anh thích ăn bò kho, gà hầm, chè đậu đen…
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Còn rất nhiều thứ khác trong nhà mình mà anh cùng em “tha” về với mục đích giúp cho em bớt nhọc nhằn hơn. Nhưng thật sự thì em cũng chẳng thiết tha gì đến những thứ ấy. Đơn giản là từ khi có chúng, anh không hề xem cách vận hành như thế nào mà cứ cho rằng chuyện đó là của em và các con.
Muốn giặt quần áo phải làm sao, muốn hút bụi thì như thế nào, nấu thức ăn bằng nồi áp suất thì bấm ở đâu..., anh không bao giờ tìm hiểu. Đôi lần em bận việc nhờ anh cho quần áo vô máy, anh làm đúng như vậy chứ không hề biết cho xà phòng, nước xả và bấm nút để giặt. Em nhờ đặt nồi cơm thì anh quên bấm nút nấu, để gạo sình lên. Nhờ rửa cái chảo không dính thì anh lấy miếng bùi nhùi bằng sợi kim loại chà cật lực... Riết rồi em chẳng muốn nhờ anh làm gì!
Đâu phải là em muốn giành hết công việc cho cực thân mà là vì anh chẳng chú ý, chẳng nhớ, chẳng muốn làm. Chính vì vậy mà bây giờ khi em bệnh nằm xuống thì cũng chẳng có giây phút nào được yên thân. Anh hết hỏi cái này lại hỏi đến cái kia, y như thể đây không phải là nhà của mình. Em mệt lắm rồi, từ giờ chẳng muốn làm gì nữa. Sao cái gì anh cũng không biết hết vậy?

Cảm động người chồng cưng nựng vợ tàn phế

"Vợ tôi đã một đời tần tảo, cùng tôi chung vai gánh vác gia đình, nuôi dạy các con, nên khi cô ấy bệnh tật, dù tàn tạ, héo úa thế nào, tôi vẫn nhớ mãi vẻ đẹp của vợ!”, anh Sơn chia sẻ.

Cùng chị Nguyễn Thị Hồng Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương đến thăm nhà anh chị, chúng tôi chứng kiến cảnh anh Nguyễn Văn Sơn đang ở trần, mồ hôi như tắm, nắm hai bàn tay đang giơ lên chới với của vợ, anh dỗ dành: “Được rồi, được rồi, tôi đã đi làm về rồi, có bỏ em đâu!”…

Anh Nguyễn Văn Sơn đang chăm sóc vợ
Anh Nguyễn Văn Sơn đang chăm sóc vợ 

Đàn ông nam tính đâu phải lạnh lùng

Một người đàn ông nam tính, ngoài việc làm được những chuyện lớn cho gia đình, còn phải có trái tim ấm áp, lúc nào cũng sẵn sàng yêu thương.

Con đón sinh nhật lần thứ 18, ba muốn nói với con nhiều điều với tư cách là một người đàn ông đi trước chia sẻ với người đàn ông đi sau, chàng trai của ba!

Con đã phụng phịu khi nhận từ mẹ món quà không ưng ý. Ba biết là con thích món quà đắt tiền hơn, nhưng mẹ không đủ khả năng để đáp ứng. Mẹ đã cố gắng giải thích để con vui lòng, vậy mà con tỏ thái độ lạnh tanh. Một người đàn ông nhận quà từ phụ nữ, mà có thể lạnh tanh như vậy sao? Ba thật sự buồn, nhất là khi người đàn ông đó lại là con ba.

Trong nhà mình, chẳng phải ba đã thỏa thuận với con rằng, hai người đàn ông chúng ta phải học cách yêu thương và chiều chuộng người phụ nữ là mẹ con, con không nhớ sao? Có lần, con khen một nhân vật trong phim Hàn là “đầy nam tính” bởi anh ấy lúc nào cũng lạnh lùng, không bao giờ mở miệng nói xin lỗi bạn gái, để cuối cùng cô bạn gái phải hạ mình xin lỗi ngược hòng giữ tình yêu. Nhưng con ơi, cái lạnh lùng và bất cần chẳng làm nên nam tính đúng nghĩa đâu.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Một người đàn ông nam tính, ngoài việc làm được những chuyện lớn cho gia đình, còn phải có trái tim ấm áp, lúc nào cũng sẵn sàng yêu thương. Thay vì cố tạo ra ánh mắt lạnh lùng, bất cần đời như nhân vật trong phim, con hãy tập quan tâm đến người khác, để ánh mắt con luôn trìu mến. Vài năm nữa thôi, con sẽ có bạn gái, và sau đó sẽ có vợ. Rồi con sẽ hiểu, người phụ nữ yêu người đàn ông của họ vì rung động trước những cử chỉ quan tâm, đỡ đần, bảo vệ…

Ba cũng không hài lòng khi con đã lớn mà chưa biết làm những việc cơ bản cho bản thân. Con luôn muốn có một đôi giày thời thượng, nhưng con lại lúng túng trong cách xỏ dây giày, phải nhờ đến ba. Con sung sướng khi có một chiếc áo hiệu đắt tiền, nhưng con không biết cách ủi nó, cũng không biết cách xếp nó. Ba cũng đồ rằng, con chưa biết cách thắt cà vạt. Đó là lỗi của ba. Ba sẽ dạy con cách xếp một chiếc áo sơ mi vào vali như thế nào để không bị nhăn, dạy con cách xỏ dây giày cơ bản, dạy con cách thắt cà vạt. Có thể, đó là những việc lặt vặt, nhưng một người đàn ông phải bắt đầu trở thành người “lớn” bằng cách làm thật tốt những việc nhỏ. 

Con cần phải phân biệt được các chất liệu vải để biết loại nào có thể giặt máy, loại nào phải giặt bằng tay, loại nào chỉ phơi trong mát chứ không phơi ngoài nắng. Con cũng cần tập quan sát những đôi giày của phụ nữ, để biết từng loại đế, từng loại da. Khi con có gia đình, người phụ nữ của con có thể hờ hững với số tiền lớn con mang về, nhưng sẽ rất xúc động và yêu con thật nhiều khi chồng biết giúp vợ giặt đồ, âm thầm sửa lại đôi giày cho vợ…

Ba cần nhấn mạnh với con rằng, người đàn ông nam tính không phải là người khệnh khạng bước vào nhà hàng, nói năng trịch thượng với người phục vụ, ngồi ăn ung dung, lạnh lùng. Đó phải là người nhã nhặn với mọi người, thuần thục trong động tác kéo ghế cho người phụ nữ đi cùng và quan tâm, chăm chút đối với người cùng bàn.

Có thể, khi đọc những dòng này, con sẽ nghĩ, nhà mình có người giúp việc rồi, sao con vẫn phải quan tâm đến những chuyện vặt vãnh như vậy? Con ạ, người giúp việc có thể giúp chúng ta đỡ đần việc nhà, nhưng bản lĩnh của một người đàn ông là có thể làm được cả việc lớn lẫn việc nhỏ, từ đó làm chủ mình. Nếu con đang rảnh, con tự tay ủi chiếc áo cho mình, trông con sẽ nam tính hơn là lạnh lùng “lệnh” cho người giúp việc ủi áo.

Và, ba cần nhắc lại rằng, trước một người phụ nữ, kể cả người đó là mẹ con, việc yêu chiều, quan tâm, nâng đỡ sẽ tô đậm nét nam tính hơn là lạnh tanh, lười động tay vào những việc nhỏ.

Ba mong, sau này, khi không còn ba bên cạnh nhắc nhở, con vẫn là người đàn ông ấm áp yêu thương trong ánh mắt, nhẹ nhàng và dịu dàng trong hành động, nhất là đối với phụ nữ; và luôn ở tâm thế quan tâm, chia sẻ với người khác trong từng việc nhỏ nhất, con nhé!

Có cần phải giữ gia đình cho con?

Thà là một con người hạnh phúc một mình, còn hơn là kẻ bất hạnh có đôi. Hãy để con trẻ học bài học đó từ thời thơ ấu...

Hầu như mọi ông bố bà mẹ khi đứng trước ngưỡng quyết định ly hôn thường được nghe lời khuyên sau đây: “Bố mẹ ly hôn sẽ ảnh hưởng xấu đến con cái”. Tất nhiên, không thể bàn cãi gì nữa, trong gia đình ly hôn, con trẻ chịu thiệt thòi và đau khổ.

Trẻ con sẽ hạnh phúc hơn khi được sống trong gia đình toàn vẹn, được nhận sự quan tâm, chăm sóc của cả mẹ lẫn cha, nhận được sự quan tâm, chia sẻ, chăm sóc của cả hai người – chiếc chìa khóa cho hạnh phúc riêng của đứa trẻ trong tương lai khi nó hiểu được ý nghĩa của một gia đình bên nhau. Nhưng tất cả những sự phát triển hòan hảo đó, thật không may, chỉ diễn ra trong hình ảnh của các nhà tâm lý học.

Còn thực tế thường diễn ra như thế nào? Có một quan niệm hết sức thông thường và phổ biến rằng người phải bảo vệ gia đình, giữ gìn sự ấm áp của mái nhà là phụ nữ - và tệ hơn nữa là người ta cho rằng phụ nữ phải làm điều đó bằng mọi giá – bắt đầu từ sự hy sinh tự do riêng, cảm xúc riêng, vân vân – bất kể thực tế rằng thường sau khi ly hôn, cuối cùng là trẻ vẫn ở với mẹ. Hãy đừng xem xét các vấn đề vật chất và áp lực nuôi dạy con cái. Hãy xem xét điều gì diễn ra trong tâm lý của trẻ trong tình huống này?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Hãy tưởng tượng sự việc: người phụ nữ quyết định ly hôn với chồng. Bỏ qua những nguyên nhân như sự phản bội trắng trợn, bạo lực gia đình và những vấn đề nặng nề khác, ta chỉ xét tới nguyên nhân thông thường nhất: chồng không quan tâm tới gia đình, con cái, không kiếm tiền đủ cho đời sống sinh hoạt, anh ta chẳng mấy khi có mặt ở nhà.

Cuối cùng thì người vợ cũng nhận ra rằng đằng sau cái hàng rào hôn nhân đó là một thế giới tuyệt vời mà ở đó, cô ấy không phải chịu đựng những vấn đề căng thẳng do người chồng gây ra và cô ấy tuyên bố dự định ly hôn của mình. Chỉ cần nghe thấy thế là tất cả họ hàng, người thân sẽ đổ lên đầu cô ấy những lời mắng nhiếc: “Chị làm sao thế? Chị thật là ích kỷ. Chị chỉ nghĩ đến chị thôi sao? Phải nghĩ tới con cái chứ! Chị làm cho con chị mất cha! Nó sẽ phải chịu đựng những người xa lạ! Hãy nghĩ đến những điều tồi tệ mà con chị sẽ phải gánh chịu từ quyết định của chị! Chị làm sao nuôi dạy con cái một mình!” – vân vân và vân vân.

Cũng không hiếm trường hợp, chính người cha, người chẳng hề động đậy một ngón tay cho việc bảo vệ và gìn giữ gia đình lại là người dọa dẫm người mẹ. Và cũng có không ít trường hợp người mẹ khi không muốn buông tay thả người đàn ông đi khỏi gia đình đã từ lâu không còn tồn tại của mình thì lấy con trẻ ra đề đe dọa chồng: “Anh mà ly hôn thì đừng bao giờ mong được nhìn thấy con”.

Có một câu hỏi thú vị là con trẻ có thể có hạnh phúc hay không trong một gia đình luôn luôn xung đột, với một người mẹ suy nhược hay một người cha luôn chán nản hoặc bị kích động? Có hay không sự liên kết để giáo dục con cái trong một thỏa thuận ngầm: “Chúng ta hãy sống vì con” và im lặng chịu đựng lẫn nhau, cố gắng giấu đi sự thù hằn? Con trẻ sẽ học được gì trong mối quan hệ đầy bệnh hoạn trong gia đình, khi người ta sống một cách bất hạnh, hy sinh thời gian sống quý báu của mình vì một ai đó?

Hơn nữa với kiểu chọn lựa sống này, chẳng ai khác ngoài chính con trẻ sẽ là người phải trả giá. Chúng trở thành kẻ tội đồ khi người mẹ tuyên bố: “Mẹ sống với bố chỉ vì các con! Mẹ đã chịu đựng khổ sở bao nhiêu năm qua chỉ đề các con có một ông bố!” Và cảm giác có lỗi với cuộc sống khổ sở của mẹ sẽ đè nặng lên vai của con trẻ ngay cả khi chúng đã lớn lên. Điều tội tệ nhất chính là con người từ thế hệ này sang thế hệ khác sẽ tiếp tục lặp lại cảnh “Chúng tôi chịu đựng bất hạnh chỉ vì con cái” và không có khả năng thoát khỏi lời nguyền số phận về sự bất hạnh, sự hy sinh, cảm giác có lỗi đó.

Chẳng lẽ lại không tốt đẹp hơn khi trẻ được sống với một người mẹ vui vẻ, hạnh phúc, tự do và thanh thản – thậm chí dù là sau đó phải có một ông bố khác không phải bố ruột của mình hay có thể là hoàn toàn không có ông bố khác nữa? Thà là một con người hạnh phúc một mình, còn hơn là kẻ bất hạnh có đôi. Hãy để con trẻ học bài học đó từ thời thơ ấu, bắt đầu từ cha mẹ mình, chứ không phải từ kinh nghiệm sống buồn tủi của chúng ngay cả khi đã là người lớn.