Vi khuẩn Listeria liên quan đến thực phẩm chế biến sẵn

Ít nhất 10 người ở Mỹ đã bị nhiễm bệnh trong một đợt bùng phát vi khuẩn Listeria liên quan đến các sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn.

Theo VTV, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết, giới chức liên bang, các bang và địa phương đang điều tra đợt bùng phát vi khuẩn Listeria liên quan đến thực phẩm do công ty Fresh & Ready Foods LLC ở San Fernando, bang California sản xuất. FDA xác nhận 10 người đã nhiễm bệnh ở các bang California và Nevada và đã phải nhập viện điều trị.

Cơ quan này cho biết sản phẩm đã được bán ở các bang Arizona, California, Nevada và Washington tại nhiều địa điểm, bao gồm những cửa hàng bán lẻ và điểm bán dịch vụ thực phẩm - trong đó có bệnh viện, khách sạn, cửa hàng tiện lợi, sân bay và các hãng hàng không.

Các triệu chứng của bệnh Listeria thường bắt đầu trong vòng hai tuần sau khi ăn thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Những trường hợp nhẹ có thể bao gồm sốt, đau nhức cơ, buồn nôn, mệt mỏi, nôn mửa và tiêu chảy, trong khi các triệu chứng nghiêm trọng hơn sẽ gồm đau đầu, cứng cổ, lú lẫn, mất thăng bằng và co giật.

(Ảnh: Food Safety News)

Giới chức liên bang Mỹ cho biết họ đã bắt đầu điều tra đợt bùng phát gần đây vào năm 2024, nhưng không có đủ bằng chứng để xác định nguồn lây nhiễm. Cuộc điều tra đã được mở lại vào tháng 4 năm nay, khi các nhà điều tra của FDA phát hiện ra rằng vi khuẩn Listeria trong các mẫu thu thập được từ Fresh & Ready Foods trùng khớp với chủng vi khuẩn từ đợt bùng phát.

Fresh & Ready Foods cho biết trong một thông cáo báo chí rằng công ty đã thực hiện các bước khắc phục ngay lập tức.

FDA phát hiện ra rằng 6 trong số 10 người bị bệnh đã phải nhập viện trước khi bị nhiễm vi khuẩn Listeria. FDA thông tin các mặt hàng do Fresh & Ready Foods sản xuất đã được phục vụ tại ít nhất ba cơ sở chăm sóc sức khỏe nơi bệnh nhân đã được điều trị trước đó.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh thông tin các mẫu thử nghiệm từ bệnh nhân bị bệnh đã được thu thập từ tháng 12/2023 đến tháng 9/2024.

Fresh & Ready đã tự nguyện thu hồi một số sản phẩm nên sử dụng trước ngày 22/4 đến ngày 19/5 năm nay dưới các tên thương hiệu Fresh & Ready Foods, City Point Market Fresh Food to Go và Fresh Take Crave Away.

Người phụ nữ bị vi khuẩn "ăn" thủng van tim sau nhiều tháng sốt cao

Sốt cao nhiều tháng không khỏi, người phụ nữ 46 tuổi được phát hiện nhiễm vi khuẩn Burkholderia khiến van động mạch chủ hở nặng, suy tim.

Theo TS.BS Trần Vũ Minh Thư, Trưởng khoa Nội tim mạch 2, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, Burkholderia là loại vi khuẩn tồn tại rộng rãi trong tự nhiên. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, chúng tấn công các mô gây nên bệnh lý về da, viêm phổi, áp xe đa cơ quan (như gan, lách, thận, xương, não, tiền liệt tuyến, tuyến mang tai), viêm màng não, nhiễm trùng máu.

Trường hợp vi khuẩn âm thầm “ăn” thủng van tim như bệnh nhân L. là rất hiếm gặp, bác sĩ Thư chia sẻ, thêm rằng hơn 25 năm công tác trong ngành y, đây là lần đầu tiên gặp một ca bệnh hở van tim nặng do bị vi khuẩn Burkholderia tấn công.

Cứu sống người đàn ông ở TP HCM nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người”

Người đàn ông 42 tuổi nhiễm trùng huyết nặng do vi khuẩn "ăn thịt người" vừa được Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn (TPHCM) cứu sống.

Ngày 26/4, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn (TP HCM) cho biết, các bác sĩ nơi đây vừa cứu sống ông N.V. (42 tuổi, trú tại TP HCM) bị biến chứng nặng do nhiễm vi khuẩn gây bệnh Whitmore.

Khai thác bệnh sử, 10 ngày trước khi nhập viện, người đàn ông này bắt đầu cảm thấy đau nhức gối trái, cử động khó khăn. Ông V. tìm đến bệnh viện địa phương điều trị nhưng bệnh không thuyên giảm và chuyển sang cơ sở y tế khác can thiệp thêm 5 ngày. Tuy nhiên tình trạng bệnh nhân thậm chí còn diễn tiến nặng hơn nên tiếp tục được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.

Cuu song nguoi dan ong o TP HCM nhiem vi khuan “an thit nguoi”
Bệnh nhân đang được bác sĩ theo dõi. Ảnh: BVCC. 

Tại đây, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị áp xe gối trái do viêm khớp trên tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp. Khi thực hiện thêm các cận lâm sàng chuyên sâu như chụp CT và xét nghiệm máu, họ bất ngờ phát hiện ổ viêm ở gối trái của bệnh nhân không chỉ lớn bất thường mà còn lan rộng lên đùi, kèm dấu hiệu xuất huyết khớp, áp xe nhiều nơi ở phổi.

Kết quả xét nghiệm và nuôi cấy, định danh vi khuẩn bằng kháng sinh đồ xác định nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, gây bệnh Whitmore.

Bệnh Whitmore - hay còn được nhiều người gọi là vi khuẩn "ăn thịt người" - căn bệnh hiếm nhưng cực kỳ nguy hiểm do vi khuẩn này kháng nhiều loại kháng sinh thông thường, đòi hỏi phác đồ điều trị kéo dài (3-6 tháng) với thuốc đặc hiệu.

Bệnh Whitmore có khả năng gây tử vong cao đối với những trường hợp có bệnh nền gây suy yếu hệ miễn dịch.

Trường hợp ông V. là ca nhiễm trùng huyết nặng, do vi khuẩn đã gây tổn thương đa cơ quan từ mô mềm, khớp gối và lan đến phổi gây áp xe phổi. Người bệnh có nguy cơ tử vong cao nếu không điều trị kịp thời.

Các bác sĩ khoa Nội Tổng hợp và khoa Chấn thương chỉnh hình đã phối hợp rất chặt chẽ để lên phác đồ dùng kháng sinh đặc trị, cắt lọc ổ áp xe, hút dịch khớp gối liên tục cho người bệnh bằng máy hút dịch áp lực âm.

Sau hơn 1 tháng điều trị, bệnh nhân có những chuyển biến tích cực, ổ viêm ở gối trái dần được kiểm soát, tình trạng tràn dịch màng phổi thuyên giảm, sức khỏe ổn định trở lại. Từ chỗ nằm liệt giường, người đàn ông có thể đứng dậy cử động nhẹ nhàng, chức năng vận động dần phục hồi và được xuất viện.