Người phụ nữ bị vi khuẩn "ăn" thủng van tim sau nhiều tháng sốt cao

Sốt cao nhiều tháng không khỏi, người phụ nữ 46 tuổi được phát hiện nhiễm vi khuẩn Burkholderia khiến van động mạch chủ hở nặng, suy tim.

Theo TS.BS Trần Vũ Minh Thư, Trưởng khoa Nội tim mạch 2, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, Burkholderia là loại vi khuẩn tồn tại rộng rãi trong tự nhiên. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, chúng tấn công các mô gây nên bệnh lý về da, viêm phổi, áp xe đa cơ quan (như gan, lách, thận, xương, não, tiền liệt tuyến, tuyến mang tai), viêm màng não, nhiễm trùng máu.

Trường hợp vi khuẩn âm thầm “ăn” thủng van tim như bệnh nhân L. là rất hiếm gặp, bác sĩ Thư chia sẻ, thêm rằng hơn 25 năm công tác trong ngành y, đây là lần đầu tiên gặp một ca bệnh hở van tim nặng do bị vi khuẩn Burkholderia tấn công.

Được biết bệnh nhân L. có biểu hiện sốt 38-39 độ C từ tháng 3/2024, thỉnh thoảng khó thở khi gắng sức. Thời gian đầu chị nghĩ chỉ sốt bình thường, tự uống thuốc hạ sốt nhưng không khỏi hẳn. Bệnh nhân đi khám ở một bệnh viện, bác sĩ xét nghiệm cấy máu thì phát hiện vi khuẩn Burkholderia trong cơ thể bệnh nhân. Bệnh nhân nhập viện điều trị kháng sinh một tuần vẫn không hết sốt. Tháng 6 cùng năm, bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe bệnh nhân một tuần sau mổ. Ảnh BVCC

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe bệnh nhân một tuần sau mổ. Ảnh BVCC

Cùng điều trị cho bệnh nhân, BS.CKI Đỗ Duy Long, khoa Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch, cho biết Burkholderia là vi khuẩn gram âm, nhỏ, di động, sinh trưởng và phát triển trong điều kiện hiếu khí (môi trường oxy hóa) nhưng một số loài có thể sống trong môi trường kỵ khí hoặc chuyển sang sinh trưởng kỵ khí trong một số điều kiện đặc biệt. Người làm công việc liên quan tới đất như trồng trọt, canh tác, đào xới…; người đi du lịch, công tác tại các khu vực dễ xảy ra dịch bệnh có khả năng nhiễm loại vi khuẩn này, đặc biệt khi mùa mưa tới. Đôi khi không thể xác định người bệnh nhiễm vi khuẩn Burkholderia qua con đường nào như trường hợp bệnh nhân L..

Bệnh nhân L. được xét nghiệm máu, siêu âm tổng quát để xác định mức độ tổn thương do vi khuẩn gây ra. Kết quả ghi nhận bệnh nhân bị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng. “Vi khuẩn đã tấn công van tim, làm thủng một lỗ lớn trên van khiến bệnh nhân bị hở van động mạch chủ nặng, suy tim”, bác sĩ Thư nhận định.

Bệnh nhân L. được điều trị bằng kháng sinh trong 6 tuần, dần giảm và hết sốt. Trong 8 tháng sau đó chị không sốt lại, sức khỏe ổn định, sinh hoạt và làm việc bình thường. Bệnh nhân L. tiếp tục uống thuốc, tái khám định kỳ để bác sĩ theo dõi sát. Bệnh lý này có khả năng tái phát, vì thế sau giai đoạn cấp tính, người bệnh cần duy trì kháng sinh đường uống tiếp tục ít nhất ba tháng.

Tháng 3/2025, thể trạng bệnh nhân hồi phục, được tiến hành phẫu thuật thay van động mạch chủ. Sau mổ, mẫu mô van được đem đi cấy để xem còn sót vi khuẩn không. Kết quả không còn mầm mống vi khuẩn Burkholderia, cho thấy mầm bệnh đã được triệt tiêu tối đa. Bệnh nhân hồi phục nhanh, chỉ số EF (chức năng co bóp tim) về mức trên 50% như người bình thường. Bệnh nhân xuất viện một tuần sau đó.

Theo bác sĩ Long, để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn Burkholderia, nên tránh tiếp xúc với nguồn nước nghi bị ô nhiễm hoặc bùn đất bẩn, nhất là khi cơ thể có vết thương hở, vết bỏng hoặc nhiễm trùng trên da; tránh bơi ở ao, hồ, sông bị ô nhiễm; sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) khi làm việc có tiếp xúc với đất, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh.

Người bệnh tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch cần kiểm soát tốt bệnh, ngoài ra phải chăm sóc, bảo vệ các vết thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Người nội trợ nên đeo găng tay khi chế biến thức ăn và thường xuyên khử trùng dao, thớt.

Khi xuất hiện triệu chứng nghi ngờ nhiễm vi khuẩn Burkholderia như sốt, ho, viêm màng phổi, đau khớp, đau cơ, nhức đầu, chán ăn, đổ mồ hôi đêm, nên đến bệnh viện để khám.