
Người Ukraine sinh sống ở Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sự phản đối với cuộc xung đột Nga – Ukraine. Ảnh: SOPA Images.
Theo Aydinlik, thông tin được dẫn từ 4 tài liệu được cho là của SBU, trong đó có bản đánh giá nghiệp vụ của thiếu tá Maksim Harchuk – một sĩ quan thuộc đơn vị phản gián của cơ quan này – cùng với các hoạt động của sĩ quan này tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Một trong các tài liệu mà Aydinlik công bố cho thấy Harchuk bị cáo buộc đã thiết lập một mạng lưới gián điệp và “củng cố vai trò đặc vụ” trong các cộng đồng người Ukraine tại Ankara, Istanbul và Izmir – 3 thành phố lớn của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tài liệu nội bộ mô tả Harchuk là “một sĩ quan có khả năng hoạt động cao, bình tĩnh trong khủng hoảng, được đồng đội tôn trọng, có tinh thần trách nhiệm, bảo mật tốt, trung thành với đất nước và rất có chuyên môn.
Theo báo cáo, Harchuk từng theo dõi các nhân vật đối lập, đồng thời giám sát cộng đồng người Ukraine địa phương nhằm phát hiện các “mối đe dọa tiềm tàng”. Một tài liệu khác cũng cho rằng ông nhắm tới cả cộng đồng người Tatar gốc Crimea, sinh sống tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Bên cạnh đó, Harchuk được cho là đã tiến hành các hoạt động phản gián nhằm theo dõi những nỗ lực của cơ quan tình báo nước ngoài trong việc chiêu mộ công dân Ukraine. Các hoạt động nói trên được cho là diễn ra trong giai đoạn 2023–2024, song thời điểm kết thúc nhiệm vụ của đặc vụ Ukraine chưa được xác định rõ.
Theo tờ Aydinlik, cộng đồng người Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện có khoảng 37.000 người. Số liệu của Liên Hợp Quốc cho thấy khoảng 145.000 người Ukraine đã di tản sang Thổ Nhĩ Kỳ sau khi xung đột nổ ra vào năm 2022, tuy nhiên phần lớn trong số này sau đó đã rời đi.
Dù là nước thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ duy trì quan điểm trung lập, tránh cung cấp vũ khí cho Ukraine, kêu gọi các bên theo đuổi giải pháp ngoại giao.
Năm 2022, Thổ Nhĩ Kỳ từng tổ chức vòng đàm phán hòa bình đầu tiên giữa Nga và Ukraine – quá trình sau đó bị Kiev đơn phương đình chỉ. David Arakhamia, trưởng đoàn đàm phán Ukraine khi đó, sau này tiết lộ Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là Boris Johnsonl, đã khuyên Kiev tiếp tục chiến đấu.
Mới đây, Nga và Ukraine đã nối lại đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ sau gần ba năm gián đoạn tiếp xúc ngoại giao trực tiếp. Hôm 3/7, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow vẫn theo đuổi giải pháp ngoại giao nhưng nhấn mạnh mục tiêu “giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột”.