“Tám” chuyện đám cưới

Dù là đám cưới thời nào, dễ hay khó, cuối cùng người ta vẫn mong mỏi hạnh phúc bền lâu cho cô dâu chú rể. 

Bạn tổ chức đãi cưới dưới quê. Bọn mình vài đứa chơi thân ham vui về tận quê bạn từ ngày hôm trước để phụ, nhưng nhất là để cùng tham dự không khí của đêm trước khi cô dâu xuất giá. Chao, vui thì thiệt là vui, có điều cả đám vui với nhau là chính, còn cô dâu bận rộn thoắt ẩn thoắt hiện, nàng đang ngổn ngang rộn ràng trước dặn dò của chú, dì, ngoại, nội…
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Bọn mình ngồi một bàn tiệc nhỏ dành cho bạn bè thân thiết, “thảng thốt” nhìn cô dâu, vì con bạn ngâng ngáo ngày thường hôm nay lạ quá nhìn không ra.
- Con V. làm cô dâu đẹp bá cháy, bây!
- Cả tá người chỉ có một nhiệm vụ là làm sao cho nó đẹp nhất đêm nay mà, ha ha!
- Giờ đám cưới cũng dễ quá hén! Ngày mai ra nhà hàng còn thấy dễ nữa. Cô dâu chú rể chỉ cần làm sao cho thiệt đẹp, đứng cười thiệt tươi đón khách là được rồi, còn lại dịch vụ tiệc cưới lo từ A đến Z.
- Sướng hen! Vậy cũng đỡ. Chứ như ba mẹ tui cưới nhau ngày xưa cơ cực luôn. Đêm trước này nè, mẹ tui thức đến tận sáng để phụ làm đám tiệc đó.
- Ông nói cứ như hồi đó ông sinh rồi vậy! Đó là ngày trước. Giờ có tiền thuê dịch vụ cho khỏe. Chứ con V. cũng như tụi mình, đi làm cả ngày, thời gian, sức lực đâu mà dốc cho đám cưới như bố mẹ.
- Ê, mà tui thấy nghen, hình như ngày xưa cưới nhau cực quá, người ta cũng biết quý hơn, biết chùn lại khi nghĩ nhỡ đến lúc bỏ nhau. Tiếc công tiếc của chứ bộ! Làm gì có chuyện trai gái giao lưu dễ dãi như bây giờ, bố mẹ tui gặp nhau đã khó, nói chi đến lúc hai bên nội ngoại đồng ý cho cưới, cũng mấy phen trầy trật. Thế thì cưới được nhau rồi, sao bỏ nhau cho được.
- Ý ông là, giờ cưới nhau dễ bỏ nhau hả?
- Không hẳn. Nhưng rõ ràng là, cái gì dễ quá thì không quý. Cái đám cưới bây giờ lung linh bề mặt thôi, bà thấy không? Nghĩa là một đám cưới đẹp, lưu lại bằng phim hay ảnh đẹp, người ta chỉ cần nhìn vào đó. Vẻ đẹp đó vừa máy móc, vừa đua đòi, vì ai cũng phải làm sao cho ảnh cưới của mình đẹp nhất. Các dịch vụ ảnh cưới làm ăn ngày càng phất.
- Hiểu rồi, hiểu rồi. Ý ông là giờ đám cưới đã trở thành một dịch vụ, một hình ảnh lung linh bề mặt của xã hội hiện đại chứ gì. Cao siêu quá! Tui chỉ biết giờ cưới dễ hơn, đỡ mệt cho cô dâu chú rể, cho cả hai nhà, vậy là tốt rồi!
- Ầy, chưa chắc dễ hơn đâu nghen! Giờ mà không tiền, tui đố bà cưới ai! Một khi cưới thành dịch vụ, thì bà chỉ là khách hàng thôi. Muốn không tốn tiền chỉ còn cách tự về ở với nhau, nhưng đứa nào chịu không có một ngày đãi cưới cho bằng bạn bằng bè, không có một bộ ảnh cưới cho lộng lẫy để khoe trên Facebook hả?
- Ờ, dễ mà cũng khó quá hen!
- Cuối cùng là chuyện này. Quan trọng là bà cưới cho ai, cho bà hay cho bố mẹ, dòng họ, cho thiên hạ? Nếu chỉ cưới cho bà, có cần mời tất cả bạn bè của dòng họ mà bà chả biết là ai không? Nữa, nếu chỉ cưới cho bà chứ không vướng bận thiên hạ, bà cũng chẳng cần tổ chức đám cưới luôn.
Chu cha! Cuộc “trà dư tửu hậu” của bọn mình đã đi đến tận chỗ cực đoan. Mới nhớ ra hôm nay là đám cưới V. Tám chuyện thời trước thời nay, thì cũng chỉ vì đám cưới là một sự kiện quá đặc biệt trong đời người. Dù là đám cưới thời nào, dễ hay khó, cuối cùng người ta vẫn mong mỏi hạnh phúc bền lâu cho cô dâu chú rể. Dễ hay khó đâu chỉ là việc tổ chức “cho ra” một đám cưới, mà hơn cả, là quan niệm tình yêu - hôn nhân vững vàng hay lỏng lẻo.

Tôi chọn ly hôn sau khi đã tha thứ quá nhiều

Hạnh phúc vợ chồng không phải là thứ mình cứ cố gắng là được.

Ngày tôi và anh ngồi bên nhau trước thẩm phán, tim tôi buốt nhức. Tôi không nhìn anh, vội vã ra khỏi tòa khi vừa kí xong mọi giấy tờ. Và bỗng nhiên thấy mình nhẹ bẫng, bay lên bằng đôi cánh tự do…

Ngày tôi nhận lời lấy anh, ba mẹ và bạn bè đều cật lực phản đối. Từ nhỏ tới lớn, mẹ luôn yêu thương, chia sẻ và là một người BẠN LỚN của tôi – bỗng dưng khi đó, mẹ và tôi trở thành đối nghịch.

Lúc đó, tôi vừa đi qua một cơn bão lòng. Chẳng kịp hiểu mình có yêu anh không. Chỉ cảm thấy cần một điểm tựa, khi biết anh đã thầm yêu tôi gần 10 năm trời. Và, tôi đã thuyết phục mẹ rằng, với một tình cảm như thế, anh sẽ đối xử tốt với tôi.

Anh nói làm đám cưới, tôi như người mộng du nghe theo, chẳng biết mình quyết định đúng hay sai. Chưa kịp suy nghĩ thì tôi có bầu. Anh là người sướng điên lên. Chăm sóc tôi tận tình.

Sau ngày cưới, tôi và anh ngồi đối diện trong một quán café, (mãi sau này tôi chợt nhận ra rằng, 6 năm yêu nhau và làm vợ chồng, tôi chưa bao giờ ngồi kế bên anh mỗi khi chúng tôi đi café với nhau), tôi nói với anh về suy nghĩ, về mong muốn của mình dành cho gia đình nhỏ. Tôi muốn rằng cho dù thế nào, chúng tôi hãy tôn trọng nhau, hãy cùng chăm lo cho tổ ấm nhỏ bé này. Bởi tôi với anh đều từ hai bàn tay trắng, đều không ở gần nội ngoại.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Tôi hăm hở về một tổ ấm nhỏ bé, vợ chồng yêu thương nhau, chia sẻ với nhau mọi điều và sẽ cùng hạnh phúc bên những đứa con ngoan. Tôi làm vợ anh với một trái tim vừa liền sẹo về một mối tình tan vỡ trước đó, nhưng đầy hăm hở cho một gia đình nhỏ tương lai.

Tôi chấp nhận vất vả, đi làm xa nhà bằng xe bus hàng ngày để thuận tiện cho anh trong công việc và được ở gần bên anh. Mỗi lần vác bụng bầu lên xuống xe bus… tôi đều nhận được cái nhìn cảm thông, chia sẻ của mọi người. Tôi vẫn chu toàn cơm nước, nhà cửa để anh có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn sau mỗi ngày làm việc khuya, mệt mỏi.

Một hôm đang đi chợ thì bị ngất xỉu, vào bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán tôi bị hở van tim. Tôi sợ hãi và lo lắng. Cho mình và cho con. Bác sĩ hẹn sáng thứ 2 vào viện sớm để khám kĩ hơn. Và trong 2 ngày cuối tuần chờ đợi đó, tôi gần như không ngủ được mà không dám nói để anh khỏi lo lắng thêm.

Sáng thứ 2, mặc cho tôi gọi và hàng xóm gọi, anh vẫn say sưa ngủ không thể dậy để đưa tôi vào viện. Tôi nước mắt ngắn dài gọi xe ôm một mình vào viện C. Nỗi lo lắng cho con khiến tôi quên đi cả cái sợ hãi và tủi thân khi chỉ có một mình trong viện. Kết quả, tôi bị hở van tim 2 lá. Và nên vào Bạch Mai để được theo dõi tốt hơn.

Những ngày mang bầu là những ngày vất vả khi tôi phải cố gắng vượt qua những cơn ngất xỉu đột ngột. Nhưng thật may, em bé rất khỏe mạnh và ngoan ngoãn. Con đã chào thế giới tươi hồng vào một ngày mùa thu dịu mát.

Mẹ đẻ lên chăm cháu được một tuần, thì mẹ chồng lên thay. Và cũng mới được một tuần thì vì tự ái, mẹ chồng bỏ về. Anh đưa mẹ về và ở luôn quê 3 ngày, mặc một mình tôi với con còn đỏ hỏn. Tôi gửi con hàng xóm, đội nón đi chợ, tự mình giặt giũ, tự mình nấu nướng tự ăn… Khi đó, nhà chưa có bình nóng lạnh, chưa có máy giặt. Tôi đã khóc nhiều vì buồn tủi.

Cái tát đầu tiên anh dành cho tôi, là khi con được 4 tháng. Tôi hẹn anh sáng đó đưa con đi tiêm phòng sớm. Nhưng gọi mãi anh không dậy được (công việc của anh thường làm đêm tới 1-2h sáng), và khi tôi sắp phát khóc vì giận thì đột nhiên anh bật dậy và tát tôi một cái tối tăm mắt mũi. Tôi chết lặng. Tôi không bao giờ tin được chồng lại đánh mình. Tôi không bao giờ nghĩ rằng anh có thể cư xử thô bạo như thế. Lần đó, tôi giận anh 5 ngày, và khi anh năn nỉ, xin lỗi… tôi tha thứ.

Và tôi đã tha thứ quá nhiều

Anh thất nghiệp. Tôi động viên anh đi học thêm tại chức (vì anh chưa có bằng cấp gì), vì tôi muốn anh tự tin hơn với vợ, với bạn bè và có một công việc tốt hơn. Tôi cũng đi học văn bằng 2 để anh không thấy lạc lõng với việc học hành. Nhưng, việc học khiến vợ chồng tôi nhiều lần cãi vã và mâu thuẫn. Thêm nhiều lần anh không kiểm soát được cơn nóng giận và vung tay với tôi… Nhưng, chỉ cần anh tỏ ra hối lỗi, chỉ cần anh chăm sóc gia đình, con cái… là lòng tôi lại mềm xuống. Tôi lại tha thứ.

Công bằng mà nói, ngoài những cơn nóng giận bất thường và không kiểm soát được lời nói và hành động của mình – thì anh là một người cha tốt, tình cảm và thương con. Anh biết chia sẻ với tôi việc nhà, biết quan tâm tới bạn bè tôi và không ghen tuông vô lối. Nhưng anh không hiểu rằng, tôi sống tình cảm nên những lời nói vô tâm của anh đã dần dần làm tổn thương tình cảm tôi dành cho anh.

Tôi có bầu lần hai. Lần này, sức khỏe của tôi xuống cấp trầm trọng. Tôi bị đe dọa sẩy thai, tôi phải nằm một chỗ, phải tiêm nội tiết rất nhiều. Tôi vẫn phải chăm con lớn, tôi vẫn phải đi làm. Tôi vẫn phải lo toan từng chút cho gia đình.

Anh lại thất nghiệp. Tôi biết anh mặc cảm tự ti với tôi, biết anh tự ái và sĩ diện với bạn bè… nên càng tránh cho anh cảm giác ăn bám vợ. Tôi lẳng lặng một mình lo toan, lẳng lặng một mình đối mặt với mọi khó khăn về kinh tế. Anh thì không hề mảy may bận bịu chút nào. Tôi cứ biện minh cho anh và tha thứ cho mọi chuyện anh vô tâm, vô tình…

Anh thả tôi một mình giữa đường phố với cái bụng bầu, trong người không một xu, không điện thoại liên lạc. Tôi ngồi ven đường khóc tưởng hết nước mắt. Nhưng rồi tôi lại tha thứ…

Tôi vẫn lo cho anh và con từng bữa ăn ngon miệng, đủ chất. Lo cho anh từng chiếc áo sơ-mi đẹp, từng đôi giày tốt. Tôi vẫn làm tròn trách nhiệm một người con dâu trong gia đình, làm tròn bổn phận của một người chị, người em với gia đình anh. Và tôi cảm thấy vui vì điều đó. Tôi đi nhiều, tôi có nhiều bạn là Tây, nhưng không hiểu sao, trong tôi, bản năng làm vợ, làm người phụ nữ của gia đình vẫn rất truyền thống. Tôi vẫn đinh ninh phụ nữ là người giữ lửa trong gia đình, là nội tướng trong nhà, là người “xây tổ ấm”…

Nhưng… tôi cần sự hợp tác

Tôi cần sự yêu thương và chia sẻ của anh.

Đổi lại, anh vẫn hồn nhiên và vô tâm, vô tình đến không thể nào hiểu nổi. Sự xa cách, sự mâu thuẫn, và khác biệt giữa tôi và anh ngày một lớn.

Cho đến ngày có người con gái gọi cho tôi, nói rằng cô là bạn gái của anh. Cô yêu anh và chỉ cần có thế. Dù cô biết rằng anh tìm đến cô chỉ là để lấp chỗ trống mà tôi để lại.

Tôi đau đớn, tổn thương. Tôi tưởng như trái tim mình vỡ toác. Anh khóc, nói anh yêu tôi và cô gái kia chỉ là cách mà anh thử xem có thể quên tôi không.

Tôi muốn tha thứ cho anh, nhưng…

Nhưng mỗi người đều có một cái “ngưỡng”.

Và bây giờ, tôi không vượt qua được cái “ngưỡng” đó thêm một lần nữa.

Ngày tôi ra tòa nộp đơn, trời mưa tầm tã. Tôi nghĩ tới hai đứa con, nước mắt trộn lẫn nước mưa. Không còn thấy vị mặn. Chỉ thấy rát bỏng mặt những hạt mưa tới tấp tạt vào mặt.

Tôi đã không còn nhớ quá khứ. Tôi đã tha thứ cho anh mọi chuyện anh làm tôi buồn và đau lòng, tổn thương. Tôi không ân hận điều gì, tôi không nuối tiếc điều gì. Vì những gì có thể, tôi đều đã cố gắng.

Hạnh phúc vợ chồng không phải là thứ mình cứ cố gắng là được.

Hợp đồng níu kéo hôn nhân

Với ông là sự sòng phẳng đến cạn nghĩa, với bà là để “được chút gì” từ cuộc hôn nhân, sau phán quyết ly hôn của tòa.

Ông cho là bà đến với ông vì thực dụng. Bà khẳng định, nếu không yêu, sao có thể gắn bó cùng ông suốt mười năm. Ai cũng có lý lẽ biện minh cho mục đích của mình. Với ông là sự sòng phẳng đến cạn nghĩa, với bà là để “được chút gì” từ cuộc hôn nhân, sau phán quyết ly hôn của tòa.

Nạn nhân của một sự toan tính?

Trước khi đến với nhau, ông có nhà riêng ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Cưới xong, ông đón bà về chung sống, một năm sau phải chuyển chỗ ở vì nhà nằm trong quy hoạch. Tiền đền bù cộng với tiền dành dụm, ông mua hai căn chung cư, một ở Q.Gò Vấp, một ở Q.Bình Thạnh. Theo ông, đó là tài sản riêng nên sau ly hôn, phải thuộc về ông. Bà đồng ý là hai căn chung cư được mua từ tiền của ông, nhưng khoản thêm vào để mua cho đủ không phải do ông dành dụm mà là tiền mừng cưới của hai người và vay mượn người khác, nay đã trả xong. Bà khẳng định, như vậy là bà có công đóng góp và đó là tài sản tạo dựng trong quá trình hôn nhân nên ly hôn, bà phải được chia phân nửa. Tháng 9/2013, xử sơ thẩm, tòa tuyên ly hôn theo yêu cầu của ông, tài sản là của riêng ông, không phải chia cho bà. Thuận tình với bản án ly hôn nhưng bà kháng cáo quyết định không chia tài sản.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Phiên phúc thẩm ở TAND TP.HCM sáng 22/1, phản bác lý lẽ của bà, ông nói: “Khi đến với nhau, bả đâu có gì, mọi khoản lo đám cưới đều tự tôi bỏ ra thì tiền mừng cưới tất nhiên tôi phải thu về, là của tôi”. Bà nghe vậy, rưng rưng: “Của chồng, công vợ. Tôi sống với ông mười năm, nay ly hôn trong tình cảnh bệnh tật, không tiền bạc, không chốn dung thân, mong ông nghĩ lại”. Tòa cũng giải thích, dù thời gian chung sống không quá dài nhưng không phải là ngắn để ông có thể quay lưng trong hoàn cảnh bà không có gì để ổn định cuộc sống riêng. Ông quả quyết: “Tôi không chia cho ai hết. Đi bộ đội về tay trắng, tự tôi gầy dựng, tất cả là mồ hôi nước mắt của tôi”. Nói xong, ông bất ngờ... chảy nước mắt, chùng giọng kể về cuộc hôn nhân mà theo ông, bản thân mình là nạn nhân của một sự toan tính…

"Sòng phẳng"

Ông đã 65 tuổi, từng có một đời vợ và hai con. Ly hôn một thời gian khá lâu ông mới đến với bà - nhỏ hơn ông 18 tuổi. Ông chậm rãi: “Đó là năm 2002, trong một cuộc họp mặt bạn cũ, người bạn nói có cô em vợ độc thân muốn làm mai cho tôi. Tuổi này, nghĩ mình cũng cần một người để sớm hôm chăm sóc cho nhau nên tôi thuận lòng”. Đám cưới diễn ra sau chưa đầy hai tháng tìm hiểu, nên chung sống ông mới nhận ra đó là một sai lầm. Sở dĩ ông mua hai căn chung cư vì nhận thấy mâu thuẫn giữa bà và các con ông ngày càng trầm trọng. Ông và bà ra riêng, hạnh phúc kéo dài đến năm 2009 thì mọi sự thay đổi. Đăng ký cho bà học một lớp kế toán, ông không ngờ đã tạo cơ hội để bà có nhân tình. Một hôm, bà về khoe với ông là mình đang có thai, hỏi: “Anh sẽ cho mẹ con em những gì?”. Đã mất lòng tin vào sự thủy chung của người đầu ấp tay gối nên ông đanh giọng: “Cô sinh xong rồi thử ADN, nếu con tôi cô muốn gì được nấy, nếu không thì tôi không có trách nhiệm”.

Câu trả lời của ông khiến bà giận, vài tuần sau thì thông báo… sẩy thai. Hai người sống với nhau trong ngờ vực thêm một thời gian thì bà bất ngờ gửi đơn xin ly hôn. Ông năn nỉ, thuyết phục, cuối cùng bà đồng ý rút đơn nhưng đổi lại, một hợp đồng níu kéo hôn nhân được lập giữa hai người. “Hợp đồng” ghi rõ: nếu bà sống đúng với vai trò, trách nhiệm của người vợ; gia đình yên ổn, hạnh phúc thì sau này có chuyện gì, trong trường hợp ông mất trước, tất cả tài sản sẽ để lại cho bà; còn nếu ông đòi ly hôn trước, sẽ phải chia cho bà 60% tài sản. “Hợp đồng” ký kết không lâu thì chính ông đứng đơn xin ly hôn. Ông lý giải: “Tôi chịu không thấu nữa. Một phần, tôi đâu làm gì mà bà ấy liên tục gửi đơn tố cáo tôi bạo hành, gia trưởng, có hành vi thô lỗ. Phần khác, bà ấy vẫn lén lút với nhân tình. Ngày nào tôi cũng nhận tin nhắn chửi bới, xúc phạm từ tình nhân của bà ấy”. Bà phản bác, những gì ông nói đều không có chứng cứ nên bà không muốn cãi. Giải thích chuyện thực dụng, bà quả quyết, nếu không yêu, cuộc hôn nhân liệu có thể kéo dài đến ngần ấy năm?

Hợp đồng vô giá trị

Tòa xác định, về pháp lý, hợp đồng níu kéo hôn nhân giữa hai người hoàn toàn không có giá trị; nhưng nếu xét về tình, “sức nặng” của nó có hay không tất cả thuộc về ông. Chậm rãi trình tòa bản xác nhận tài sản, ông kể: “Một hôm, bà ấy đòi chia đồ đạc trong nhà, cái gì của ai người đó lấy. Tôi với bà ấy ngồi kê chi tiết từng món đồ của mỗi người, từ chiếc giường đến ti vi, bộ bàn ghế. Cái nào lấy được bà ấy đã mang đi hết, cái nào không lấy được thì ép tôi mua. Không có tiền, tôi phải vay mượn để mua lại. Bà ấy tính toán sòng phẳng đến vậy thì đòi hỏi tình nghĩa gì ở tôi?”. Bà im lặng. Tòa tuyên không chấp nhận kháng cáo của bà.

Ông hoan hỷ sau phán quyết của tòa. Trong khi bà lầm lũi bước nhanh thì ông kéo tay người dự khán kể chuyện. Tổng kết cuộc hôn nhân, ông nói, ngày này là cái giá - ra đi tay trắng - bà phải trả cho sự thực dụng, tính toán khi đến với ông. Ngày này cũng là cái giá - hôn nhân đổ vỡ - ông nhận lãnh cho sự vội vàng, không tìm hiểu kỹ… Ly hôn là chuyện riêng của mỗi gia đình, phải là người trong cuộc mới hiểu hết những khúc mắc, mâu thuẫn nảy sinh suốt quá trình chung sống. Nhưng, mười năm hôn nhân lẽ nào chỉ có sự toan tính tồn tại? Phải còn có những yêu thương, nghĩa tình mà những người trong cuộc hoặc đã quên, hoặc không muốn nhắc đến nên mới quá lạnh lùng, sòng phẳng với nhau…