Van xin em ly hôn mà lòng tôi đau đớn

Với vợ, tôi vô cùng trân trọng tình cảm của em, nhưng cũng rất chân thành van xin em hãy ly hôn để đi tìm một hạnh phúc mới. 

Càng đau đớn về những điều không may mắn của bản thân khi quyết định xin vợ ly hôn bao nhiêu thì tôi càng thương em bấy nhiêu.
Trường mẫu giáo em dạy ở gần nhà tôi, sáng tôi dắt xe đi làm cũng là lúc em đến lớp, đều đặn như chiếc đồng hồ. Chạm mặt nhau nhiều lần thành quen, chúng tôi chào hỏi và bắt chuyện cùng nhau. Rồi tình yêu đến nhẹ nhàng, giản dị, như ông Trời đã định sẵn. Em yêu trẻ nhỏ lắm, em có thể chơi đùa, chăm sóc chúng cả ngày không biết chán. Em làm tôi cười với câu nói ngồ ngộ rằng sau này khi cưới nhau, em sẽ sinh cho tôi đủ một...đội bóng.
Thế nhưng cưới nhau đã ba năm, cả hai bên nội ngoại đều mong ngóng con đầu cháu sớm nhưng càng mong ngóng càng vô vọng. Bố mẹ tôi sốt ruột, giục tôi và em đi khám để cần thì thuốc thang chạy chữa nhưng tôi cứ nấn ná mãi vì nghĩ cả hai vợ chồng đều khỏe mạnh. Giục mãi vẫn không thấy tin mừng, mẹ tôi đã không ít lần nặng lời với em về chuyện “gái không con”. Vợ tôi buồn lắm, đi làm thì thôi, về đến nhà em luôn tìm việc này, cớ nọ để tránh tiếp xúc với bố mẹ chồng.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Em sống lầm lụi, khép kín. Gần đây nhận thấy sức khỏe và tâm lý của em ngày càng sa sút, bất ổn, đêm em rất ít ngủ, hay khóc thầm. Tôi quyết định đưa vợ đến khám bác sĩ. Trước khi đi khám, em ôm chặt lấy tôi, rưng rưng: “Chắc lỗi tại em, em yêu anh nhiều lắm. Nếu nhỡ có thế, anh đừng bỏ em, anh nhé". Nghe em nói, tôi xót xa vô cùng và tự nhủ thầm sẽ không bao giờ bỏ vợ. Tôi là người đã nói lời yêu và mong muốn được sống cùng em trước mà.
Kết quả làm vợ chồng tôi choáng váng. Muôn sự tại tôi. Lượng tinh trùng của tôi vừa ít, vừa yếu lại dị dạng khiến tôi không thể có khả năng làm bố. Chức năng sinh sản của vợ tôi hoàn toàn bình thường.
Lỗi là ở tôi, nhưng vợ tôi không hề hé răng nửa lời với gia đình nhà chồng về nguyên nhân vô sinh. Em vẫn một lòng một dạ yêu thương, chăm sóc tôi và ngày ngày hứng chịu nhiều thêm những lời cay nghiệt của bố mẹ chồng.
Tôi càng đau đớn bao nhiêu về sự không may mắn của bản thân, thì càng thương vợ bấy nhiêu. Tôi quyết định nói hết sự thật với bố mẹ mình, dù biết sự thật ấy tàn nhẫn và khiến bố mẹ tôi sẽ đau lòng lắm. Với vợ, tôi vô cùng trân trọng tình cảm của em, nhưng cũng rất chân thành van xin em hãy ly hôn để đi tìm một hạnh phúc mới. Em hoàn toàn có quyền được hưởng hạnh phúc và hưởng trọn vẹn niềm vui được làm mẹ.

Ly hôn - chẳng qua là hạnh phúc đến chậm

Tôi có đứa bạn có ông chồng ngoại tình. Bạn tôi đến đánh ghen nhưng thế nào về sau lại yêu luôn chồng của tình địch. Sau thì họ kết hôn với nhau. Cuộc hôn nhân sau thậm chí còn dài hơn cuộc hôn nhân trước. Đúng là kỳ lạ. Ly hôn chắc chắn không phải điều tồi tệ đâu.

Kết thúc tất yếu

Lớp vỏ lãng mạn của một mối tình cứu rỗi rơi xuống, Thu đối mặt với sự thật phũ phàng của một người chồng nghiện ngập, bê tha, bạc nhược…

Bạn học thời đại học đến chơi nhà sau gần mười năm ra trường. Cuộc trò chuyện đang vui chợt chùng xuống khi đột nhiên bạn hỏi: Bồ còn nhớ anh Văn, chồng nhỏ Thu không?

Làm sao lứa đàn em chúng tôi ngày ấy có thể quên được anh Văn. Ngày đó, trong khu nhà trọ của chúng tôi, anh Văn luôn là một đề tài thú vị. Anh cao to, đẹp trai, thông minh. Sự thông minh của anh được khẳng định bằng câu chuyện đồn thổi mà chúng tôi cũng chẳng kiểm chứng được, là anh đã ba lần bị đuổi học rồi ba lần vác lều chõng đi thi, lại đậu vào trường. Tuy nhiên, cái sự nổi tiếng của anh không phải là từ đó mà là từ việc chúng tôi chưa từng thấy một con ma men nào cỡ như anh. Ba lần bị đuổi học của anh nghe đâu cũng từ chuyện nhậu. Giờ nghe đến tên anh là tôi hình dung ngay một anh chàng thường xuyên đi đứng xiêu vẹo trên hành lang khu nhà trọ dài mấy chục mét, áo nhét nửa trong nửa ngoài, ánh mắt lờ đờ, vô hồn.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Bạn kể: Hôm rồi tao gặp anh Văn đang ngồi xin ăn ở cổng chợ… Tôi ngạc nhiên ngẩn cả người, hỏi dồn: “Sao lại như thế? Còn nhỏ Thu đâu?” Nhỏ Thu là bạn học cùng năm với tôi, gần như là hoa khôi của khóa học. Không chỉ xinh đẹp, Thu còn khiến khối người phải ngước nhìn vì bố là giám đốc một công ty xuất nhập khẩu thủy sản lớn ở miền Tây. Nhập học chưa được ba tháng, cả khóa sửng sốt khi nghe Thu phải lòng anh Văn. Đó có lẽ là kiểu mẫu của một tình yêu lãng mạn trong tiểu thuyết: tiểu thư phải lòng anh chàng nhà nghèo.

Thật tình chúng tôi cũng chẳng hiểu nổi Thu yêu anh vào lúc nào, vì gần như anh say xỉn 24/24. Từ lúc quen Thu, thỉnh thoảng mới thấy anh tỉnh táo một chút; nhưng hình như rượu đã ngấm vào máu nên nhìn anh lúc nào cũng lờ đờ, ngây ngây, dại dại. Có lẽ Thu nghĩ đó chính là cái vẻ phiêu lãng của một… nghệ sĩ chăng? Đang sống tại nhà một người quen của ba mẹ, Thu dọn tới ở hẳn trong khu nhà trọ cùng với anh Văn.

Chuyện tình của Thu và anh Văn ngày đó không ai là không biết. Ba má Thu đã lên tận trường, tận nhà trọ làm dữ, bắt con gái phải rời xa con ma men. Nhưng tình yêu vốn là thế, càng cấm đoán thì người ta càng yêu nhau, càng có cảm tưởng mình đang có một điều gì đó lớn lao lắm phải bảo vệ. Thu yêu anh Văn vì những ảo tưởng anh là người tài năng cũng có, vì bị cấm cản cũng có và cả vì những van xin, thề thốt sẽ thay đổi của anh khi tỉnh táo. Nó cảm thấy nó là người duy nhất làm chỗ dựa cho anh trên cuộc đời này. Đôi khi dù phát điên với những cơn say triền miên của anh, vì hết lần này đến lần khác anh vét sạch tiền trong túi nó đi nhậu, nhưng rồi nó vẫn cứ bị níu lại bên anh.

Rồi Thu có thai. Cái thai buộc gia đình nó miễn cưỡng nhìn nhận anh sau một đám cưới nhỏ. Đứa con ra đời giúp anh thay đổi hẳn. Anh ngừng uống rượu, chấm dứt cảnh sống vật vờ để chăm sóc vợ con. Dù được bố mẹ chấp nhận, nhưng Thu biết rất rõ là không nên đưa chồng con về nhà cha mẹ mình. Nó cũng chưa thật sự tin tưởng vào sự thay đổi của chồng. Ngày đó, thỉnh thoảng thấy cảnh anh Văn bế con, nựng con, chở Thu đi siêu thị, chúng tôi đã vội mừng…

Bốn năm đại học cũng là bốn năm chúng tôi chứng kiến cuộc sống nheo nhóc, khổ sở của Thu sau đó. Vợ chồng Thu xung đột quanh năm vì chuyện nhậu của anh. Chúng tôi chỉ có thể giúp Thu bằng cách những khi anh Văn say thì bế thằng bé về phòng, cho nó ăn, chơi với nó và ru nó ngủ. Bố mẹ Thu không còn muốn nhìn tới vợ chồng con gái nữa. Họ cung cấp tiền cho Thu thông qua… tôi. Tôi luôn được nhờ cậy giữ tiền họ gửi, giả vờ cho Thu mượn những khi nó bị chồng vét sạch không còn một đồng mua sữa cho con. Lớp vỏ lãng mạn của một mối tình cứu rỗi rơi xuống, Thu đối mặt với sự thật phũ phàng của một người chồng nghiện ngập, bê tha, bạc nhược…

Giờ Thu ở đâu, khi anh Văn đã đi đến cái kết cục được báo trước mà nhỏ bạn vừa kể? Nghe đồn cuối cùng Thu cũng bỏ được anh sau những cố gắng vô vọng giúp anh bỏ rượu. Bố mẹ nó thực hiện một cuộc giải thoát ngoạn mục cuối cùng cho con gái của họ: cho Thu đi du học nước ngoài. Thằng bé được ông bà nuôi. Anh Văn tất nhiên bị đẩy ra đường. Chẳng còn ai bấu víu, anh tuột xuống tận đáy cuộc sống. Chẳng thiên thần nào có thể cứu được anh, nếu chính anh không có nghị lực và can đảm để cứu lấy mình.

Khó ly hôn vì chồng “thoắt ẩn thoắt hiện“

Chồng chị tuy bỏ quê, bỏ vợ con sống với người phụ nữ khác ở tít tận đâu, nhưng cứ một năm đôi lần anh ta lại đảo qua nhà...

“Đối với tôi, ông ấy mất tích thật rồi, nhưng đối với chính quyền, tòa án, ông ấy vẫn hiện diện. Thử hỏi thế thì bao giờ tôi mới ly hôn được?”. Lời giãi bày trong nước mắt của người phụ nữ nông thôn đã có hơn 5 năm trời đệ đơn xin ly hôn mà không được giải quyết, nghe thật đắng lòng.

“Lẽ nào tôi phải mang tiếng có chồng hoài?”

Chị Thung là giáo viên của một trường cấp 2 thuộc huyện ngoại thành Hà Nội. Dạy văn nên tính chị nhẹ nhàng, nhẫn nhịn, trái ngược hẳn với ông chồng thợ mộc thô lỗ và hung bạo.

Lấy nhau được vài năm, khi đứa con gái đầu lòng 2 tuổi, chị Thung bắt đầu bị chồng chửi rủa, chê bai là “nhạt nhẽo như nước ốc”. Hóa ra trong một chuyến đi đóng đồ mộc xa quê, chồng chị Thung đã phải lòng một người phụ nữ buôn chuyến.

Khi con gái chị Thung lên 3, chồng chị đã bỏ nhà đi biệt tích. Được 5 năm như vậy thì chị Thung quyết định đệ đơn xin ly hôn. Cán bộ Tòa án hướng dẫn chị phải làm thủ tục tuyên bố mất tích cho ông chồng mới giải quyết ly hôn được. Nhưng chính quyền địa phương nơi chị Thung sống thì vẫn khăng khăng khẳng định chồng chị Thung còn sống.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Đến lúc này, chị Thung mới biết, chồng chị tuy bỏ quê, bỏ vợ con đi sống với người phụ nữ khác ở tít tận đâu, nhưng cứ một năm đôi lần anh ta lại đảo qua nhà mấy ông chính quyền trò chuyện dăm lời, rồi lại đi biệt tích mà không nói cho ai biết là anh ta đang ở đâu.

Làm như vậy, trong mắt chính quyền anh ta không mất tích, nên người vợ cũng khó có thể ly hôn để lấy người khác được. “Tôi không ngờ lão ta lại có mưu kế hèn hạ đến thế” - chị Thung ngao ngán nói.

Nghe chuyện của chị Thung, PV chợt nhớ đến chương trình tư vấn pháp luật “Lối thoát ly hôn” do một tờ báo thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức vào giữa năm ngoái để “mở điểm nghẽn” cho bạn đọc gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý trong quá trình ly hôn.

Trong chương trình tư vấn đó, “làm sao để ly hôn với người vắng mặt” là vấn đề nóng nhất. Có những câu chuyện thoạt nghe tưởng khó tin nhưng lại là sự thật. Ví dụ như chuyện của chị P.T.B.P. (ngụ tại P.2, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Chồng chị có địa chỉ thường trú ở Q.3 nhưng đã bỏ đi từ năm 1995.

Sau nhiều năm đơn thân nuôi con, năm 2012 chị đến TAND Q.3 xin ly hôn nhưng Tòa án ra quyết định đình chỉ thụ lý vụ án vì chồng chị không còn ở nơi đăng ký hộ khẩu. “Lẽ nào tôi phải mang tiếng có chồng hoài?” - chị P.T.B.P khắc khoải hỏi.

Như chị P.T.B.P, chị B.T.T.K. đã phải chịu cảnh có chồng mà như không 4 năm nay. Chồng chị đã bỏ mẹ con chị về Quảng Nam sống. Chị gọi điện về quê đề nghị ly hôn, anh ta dứt khoát không đồng ý. Chị nộp đơn, Tòa án Bình Dương không nhận, đề nghị chị ra Quảng Nam. Chị ra tận Quảng Nam, Tòa ở đây cũng không cho chị đơn phương ly hôn vì anh chồng còn có mặt ở địa phương này.

Tỉnh táo để tự cứu mình

Có thể thấy, về vấn đề thủ tục ly hôn nói chung và ly hôn với người vắng mặt nói riêng, Bộ luật Tố tụng Dân sự đã quy định rất rõ ràng, đơn giản.

Nhưng trong thực tế, những vấn đề mà những người phụ nữ, đàn ông đang vướng mắc khi ly hôn với người vắng mặt lại vô cùng đa dạng. Được biết, Nghị quyết số 03 (ban hành ngày 3/12/2012) của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn phần “Những quy định chung” của Bộ luật Tố tụng Dân sự có hiệu lực thi hành trong năm 2013 đã và đang là “lối thoát” cho những người vướng thủ tục ly hôn với người vắng mặt, mất tích. Căn cứ vào đó, rất nhiều trường hợp sẽ được tháo gỡ.

Tuy nhiên, theo các luật sư, luật có quy định nhưng trong nhiều trường hợp, chính người trong cuộc do nôn nóng, thiếu hiểu biết các thủ tục đã vô tình làm cho việc ly hôn lẽ ra đơn giản của mình ở tòa bị kéo dài, để rồi bản thân họ phải gánh chịu.

Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) lưu ý: khi chuẩn bị ly hôn, tuyệt đối không được suy đoán thủ tục, bởi đây là một vấn đề phức tạp, không thể tự suy đoán. Mỗi người phải tự tìm hiểu trình tự những quy định pháp luật có liên quan đến hoàn cảnh của mình.

Bên cạnh đó, khi đến tòa phải hỏi thật kỹ trường hợp của mình có những vướng mắc, khó khăn gì. Khi đã hỏi Tòa mà vẫn chưa hiểu, nên xin tư vấn từ người có chuyên môn như luật gia, luật sư. “Sở dĩ nói vậy vì khi có vướng mắc về thủ tục pháp lý, nếu không có người hướng dẫn, các đương sự sẽ rất khó dứt khoát được với cuộc hôn nhân” – Luật sư Trương Thị Hòa nhấn mạnh.