Vải khúc bạch - món ăn hot trend dù mát miệng nhưng dễ “đốt gan”: Chuyên gia khuyên gì?

Khi vào mùa vải, rất nhiều người ngoài ăn trực tiếp còn biến tấu thành nhiều món ăn độc lạ và ngay lập tức thành hot trend. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, việc sử dụng không đúng cách và thiếu khoa học sẽ rất nguy hiểm với sức khỏe.

Vải là loại quả chín rộ vào mùa hè, đặc biệt năm nay loại quả này được mùa, nhưng giá lại rất rẻ vì thế mọi người ngoài ăn trực tiếp theo kiểu truyền thống, còn chế biến thành nhiều món ăn gây sốt mạng xã hội. Theo đó, trên mạng xuất hiện các món ăn liên quan đến vải được nhiều người hưởng ứng như vải khúc bạch, vải nhồi thịt, thạch vải, sinh tố vải…

Đa số mọi người đều cho rằng, do giá vải rẻ vì thế họ mua về chế biến thành các món khác nhau, phần để thử cảm giác lạ, phần để tránh lãng phí vì vải tươi không để được lâu. Điều đáng nói, khi các món ăn độc lạ được biến tấu từ vải xuất hiện lập tức hot trend và được nhiều người áp dụng làm theo, điển hình nhất là món vải khúc bạch. Các chuyên gia cho rằng, việc thực hành ăn uống đúng cách là rất quan trọng, điều này không chỉ giúp bổ sung dinh dưỡng mà còn tránh tác dụng phụ nguy hiểm.

Vải khúc bạch - món ăn đang "làm mưa, làm gió" trên mạng xã hội nhưng ăn nhiều dễ hại gan. Ảnh minh họa. 

Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, trong y học cổ truyền vải có vị ngon, tính ôn, quy vào kinh can, tỳ thận. Về công dụng, vải có thể bổ huyết, sinh tân, làm ấm tỳ vị, nhưng nếu ăn không khoa học, đúng liều lượng sẽ sinh hỏa, từ đó dẫn tới hại gan và biểu hiện rõ nhất với người ăn nhiều vải đó là táo bón, sinh mụn nhiều.

Trong khi đó, việc dùng vải làm chè, vải khúc bạch thì nguy cơ này lại càng tăng lên, thậm chí chúng còn “đốt cháy” gan vì dung nạp quá nhiều đường cùng lúc từ nguồn tự nhiên là vải và nguồn nhân tạo là các loại kem, sữa trong khúc bạch. Từ đó khiến gan phải làm việc nhiều hơn, dễ dẫn đến khí trệ huyết ứ, gan tích độc và khi không thể đảo thải, chuyển hóa được hết chúng sẽ phát ra bằng cách mọc mụn.

PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, vải là trái cây truyền thống, có nhiều giá trị dinh dưỡng trong đó nổi bật nhất là chứa hàm lượng đường cao và các vitamin. Tuy nhiên, để mang lại lợi ích cho sức khỏe mọi người nên ăn theo cách truyền thống, trong đó ăn quả vải chín tươi là tốt nhất. Ngoài ra, để có thể ăn khi hết mùa vải, mọi người cũng có thể sấy khô, cách làm này có thể bảo quản được lâu hơn.

Với cách biến tấu vải thành nhiều món ăn khác, bác sĩ Hưng cho rằng không nên, nhất là các món độc lạ chưa từng xuất hiện, vì như vậy chúng ta không thể kiểm soát được số lượng, hàm lượng dinh dưỡng trong món ăn đó. Ngoài ra, còn làm mất đi nguồn dinh dưỡng quý giá trong quả vải, mà chúng chỉ có khi còn tươi.

Tốt nhất nên ăn vải chín tươi và ăn với số lượng ít để không ảnh hưởng sức khỏe. Ảnh minh họa. 

Theo đó, nhiều người làm món thịt nhồi vải rồi đem đi hấp thành món ăn, khi đó thịt quả vải có thể bị mềm nhũn, giảm độ ngon của món ăn. Đặc biệt, lượng đường trong vải hay vitamin C trong vải sẽ bị mất đi hoặc chuyển hóa, như vậy giá trị dinh dưỡng không còn nhiều.

Hay như món ăn đang hot là vải khúc bạch, khi kết hợp món này có thể về mặt an toàn thực phẩm không vấn đề gì, nhưng hàm lượng các chất trong đó sẽ thay đổi rất nhiều so với ăn vải tươi, đặc biệt là lượng đường nap vào cơ thể. Bởi vải vốn chứa nhiều đường, trong khi khúc bạch được làm từ kem, sữa, gelatin cũng chứa nhiều đường và chất béo. Khi ăn cơ thể sẽ nhận một lượng đường lớn, dù món ăn rất mát có thể là ngon, nhưng lại không tốt cho sức khỏe.

Khi nạp quá nhiều đường vào cơ thể gan sẽ phải làm việc nhiều hơn, thậm chí là quá tải. Đó là chưa kể, nếu ăn nhiều sẽ có nguy cơ thừa cân, béo phì và tiểu đường. Do vậy, mọi người cần đặc biệt chú ý trong cách chế biến, biến tấu và sử dụng các loại trái cây”, bác sĩ Hưng cho hay.

Để sử dụng vải đúng cách, không ảnh hưởng đến sức khỏe, mọi người nên:

- Ăn vải chín khi còn tươi, không ăn quả sâu hỏng;

- Chỉ nên ăn 3-5 trái vải (khoàng 100g)/ngày;

- Không ăn vải khi đang mệt, đang đói;

- Người táo bón, gan yếu, nóng trong, tiểu đưởng, béo phì nên hạn chế ăn vải;

- Nếu vải sấy khô nên ăn ít, tránh quả bị mốc, vỡ dập có dấu hiệu hư hỏng.

Bạn có thể quan tâm