Qua gần 300 trang sách, "Búp sen xanh" của nhà văn Sơn Tùng đưa người đọc vào cuộc hành trình đầy xúc cảm theo chân Chủ tịch Hồ Chí Minh từ thuở ấu thơ đến tuổi đôi mươi, qua ba chương "Thời thơ ấu", "Thời niên thiếu" và "Tuổi hai mươi". Tác phẩm không chỉ khắc họa những biến thiên lịch sử và đời sống gia đình nội ngoại đã hun đúc nên nhân cách vĩ đại của chàng thanh niên Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành, mà còn tái hiện sống động quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của Người, đỉnh điểm là cuộc chia ly lịch sử trên Bến Nhà Rồng ngày 5/6/1911.

Bên cạnh đó, "Búp sen xanh" còn là một bức tranh phong tục đậm đà, đưa ta về với làng Sen, làng Hoàng Trù xứ Nghệ đầu thế kỷ XX, lắng đọng trong những câu dân ca, bài vè, điệu ví dặm. Theo bước chân Người, ta lại được chiêm ngưỡng kinh thành Huế cổ kính bên dòng Hương thơ mộng, ghé thăm đình Dương Nổ, trường Pháp - Việt Đông Ba, Quốc Học và rồi cập bến Nhà Rồng, nơi mỗi vùng đất hiện lên với lời ăn tiếng nói, tập quán riêng được thể hiện một cách tự nhiên, chân thật.
Điểm cuốn hút của “Búp sen xanh” nằm ở lối kể chuyện tự nhiên, kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư liệu và cảm xúc. Các nhân vật lịch sử hiện lên vừa chân thực vừa gần gũi: Cụ Nguyễn Sinh Sắc – người cha mẫu mực, giàu nhân cách; Bà Hoàng Thị Loan – người mẹ đảm đang, hiền hậu; Người bạn thuở thiếu thời Trần Văn Lương, thầy giáo Hoàng Thông… Đặc biệt, hình ảnh Nguyễn Tất Thành hiện lên không như một thần tượng xa vời, mà là một người thông minh, tình cảm, có những rung động rất đời, rất người, nhưng sớm thể hiện khí chất và lý tưởng khác biệt.
Một trong những đoạn văn cảm động nhất là khi tác giả miêu tả cảnh cậu Thành quỳ bên bàn thờ mẹ, ánh mắt nhìn lên như muốn ôm trọn nỗi đau và biến thành hành động. Chính những chi tiết như thế, cộng với vốn ngôn ngữ trong sáng, giàu nhạc tính, đã làm nên chất thơ trong tiểu thuyết. Nhà phê bình văn học Vũ Tú Nam từng nhận xét: “Đọc ‘Búp sen xanh’, tôi thấy lòng mình lặng đi, rưng rưng vì cảm động. Có một sự thật được kể bằng cả trái tim và sự đau đớn mà nhà văn Sơn Tùng đã trải qua để viết được như vậy”.
Ít ai biết rằng khi viết “Búp sen xanh”, nhà văn Sơn Tùng đã mất một tay, liệt nửa người, mảnh đạn còn găm trong sọ, nói khó, đi khó… do bị thương nặng thời kháng chiến. Nhưng với nghị lực phi thường và lòng tin mãnh liệt vào con đường mình chọn, ông đã dùng tay trái để viết hàng chục cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó “Búp sen xanh” là đỉnh cao. Có thể nói, đây không chỉ là tiểu thuyết về một con người vĩ đại, mà còn là kết tinh của một nghị lực phi thường viết về vĩ đại.
Năm 1981, 100.000 bản "Búp sen xanh" đã được bán và gây tiếng vang lớn. Trong điện ảnh, sách được chính tác giả chuyển thể thành kịch bản Cuộc chia ly trên Bến Nhà Rồng, về sau được sản xuất thành phim truyện với tựa đề Hẹn gặp lại Sài Gòn do nghệ sĩ Long Vân làm đạo diễn.
Như lời nhà văn Sơn Tùng từng tâm sự: “Viết về Bác, tôi viết bằng cả máu thịt mình". Quả đúng như vậy, “Búp sen xanh” không đơn thuần là trang viết về một lãnh tụ, mà còn là minh chứng sống động cho tình yêu nước, cho lòng trung hậu và nghị lực của con người Việt Nam. Dù đã hơn bốn thập kỷ trôi qua, cuốn sách ấy vẫn tươi thắm, tỏa hương như một búp sen xanh mãi.