
Trùm tình báo Ukraine Kyrylo Budanov. Ảnh: Global Images Ukraine.
“Lịch sử Ukraine đã chỉ ra chúng ta thấy, rằng một quốc gia sẽ nếm mùi thất bại nếu bị rơi vào vòng xoáy xung đột nội bộ”, ông Budanov đưa ra tuyên bố trên mạng xã hội Telegram – nền tảng nhắn tin được các quan chức của cả Ukraine và Nga sử dụng để truyền tải thông tin.
Hôm 22/7, Quốc hội Ukraine đã thông qua luật cho phép Tổng công tố có quyền giám sát hoạt động của hai cơ quan chống tham nhũng chủ chốt, gồm Cục chống tham nhũng quốc gia (NABU) và Văn phòng công tố chuyên trách chống tham nhũng (SAPO).
Hai cơ quan này được phương Tây hỗ trợ Ukraine thành lập sau sự kiện Maidan năm 2014, với mục đích giúp Kiev tiến gần hơn đến khả năng gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Cuộc bỏ phiếu diễn ra một cách chóng vánh với 263 phiếu thuận. Các nghị sĩ Ukraine đối lập ra ngoài không bỏ phiếu. Cuối ngày 22/7, ông Zelensky đã ký thành luật, chính thức loại bỏ vai trò độc lập của NABU và SAPO.
Trong thông điệp ngày 23/7, ông Budanov viết: “Chúng ta có cùng chung một vấn đề, một đối thủ. Vậy nên, các mâu thuẫn nội bộ nên được giải quyết thông qua đối thoại để đạt được một mục tiêu chung. Đó là bảo vệ quốc gia. Tôi tin tưởng Ukraine sẽ có một quân đội vững mạnh và một thể chế mạnh mẽ”.
Luật mới cho phép Tổng công tố ban hành các chỉ thị ràng buộc đối với NABU và SAPO, có thể đơn phương yêu cầu ngừng điều tra các vụ án tham nhũng liên quan đến các quan chức cấp cao trong chính phủ.
Người dân Ukraine đã bày tỏ sự phản đối với luật mới. Các cuộc biểu tình với hàng nghìn người tham gia đã nổ ra ở thủ đô Kiev và các thành phố như Lviv, Dnipro, Odessa. Người biểu tình yêu cầu ông Zelensky đảo ngược quyết định đã ký.
Liên minh châu Âu (EU) cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc với diễn biến mới ở Ukraine. Phần lớn các nước thành viên EU có cơ chế độc lập trong việc điều tra và truy tố các vụ án tham nhũng.
Các nước gồm Pháp, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan có truyền thống trong việc sử dụng các cơ quan giám sát hoạt động độc lập với chính phủ. Các vụ việc liên quan đến chính trị gia cấp cao vẫn được xử lý công khai và nghiêm túc.
Hai quốc gia thành viên là Ba Lan, Hungary từng bị EU chỉ trích vì có cơ quan điều tra tham nhũng độc lập, nhưng được cho là chỉ mang tính hình thức.