Sau phiên tăng mạnh, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến những rung lắc trong phiên giao dịch ngày 23/7. Kết phiên, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 2,77 điểm để đóng cửa ở mức 1.512,31 điểm. Thanh khoản thị trường ghi nhận hơn 38.179 tỷ đồng, tăng hơn 4.000 tỷ đồng so với phiên liền trước.
Đây là mức thanh khoản cao nhất của VN-Index kể từ phiên giao dịch ngày 3/4 khi thị trường chứng kiến mức giảm 87,99 điểm để đóng cửa ở mức 1.229,84 điểm. Kể từ phiên giảm điểm mạnh này, VN-Index đã chứng kiến mức tăng tới 252,47 điểm, tương đương mức tăng gần 30%.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index ghi nhận mức tăng 1,48 điểm để đóng cửa ở mức 249,33 điểm. Thanh khoản ghi nhận hơn 2.968 tỷ đồng. Chỉ số Upcom-Index ghi nhận tăng 0,78 điểm để đóng cửa ở mức 104,80 điểm, thanh khoản thị trường ghi nhận hơn 1.021 tỷ đồng.

Khối tài sản của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tăng mạnh cùng đà tăng của cổ phiếu VJC và HDB - Ảnh VJC
Trong ngày chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng nhẹ 2,77 điểm, mã cổ phiếu VJC của CTCP Hàng không VIETJET và HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh do nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đang làm lãnh đạo ghi nhận mức tăng mạnh.
Trong đó, VJC ghi nhận mức tăng kịch trần phiên thứ 2 liên tiếp để đóng cửa ở mức 108.800đ/cổ phiếu. Tuy nhiên, thanh khoản giảm mạnh chỉ còn hơn 1,7 triệu cổ phiếu được các nhà đầu tư sang tay với giá trị giao dịch đạt hơn 186 tỷ đồng. Đây là phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp của VJC. Vốn hoá thị trường của VJC đạt hơn 64.367 tỷ đồng.
Trong khi đó, HDB cũng ghi nhận mức tăng 1.050đ/cổ phiếu, tương đương tăng 4,13% để đóng cửa ở mức 26.500đ/cổ phiếu. Đây là phiên tăng điểm thứ 6 liên tiếp của mã cổ phiếu này. Cùng với đó, thanh khoản thị trường ghi nhận hơn 35 triệu cổ phiếu được các nhà đầu tư sang tay với giá trị giao dịch hơn 919 tỷ đồng. Trong khi, giá trị vốn hóa thị trường của HDB vượt mức 92.619 tỷ đồng.
Đà tăng của VJC và HDB không chỉ mang về niềm vui cho các cổ đông, mức tăng này còn giúp cho khối tài sản của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo ghi nhận tăng mạnh.
Theo thống kê của Forbes, chỉ tính riêng phiên giao dịch ngày 23/7 mang về cho doanh nhân 55 tuổi 277 triệu USD (tương đương hơn 7.243 tỷ đồng). Forbes ước tính, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đang nắm giữ khối tài sản trị giá 3 tỷ USD và vươn lên đứng thứ 1.310 trên bảng xếp hạng các tỷ phú USD thế giới.
Đến nay cả VJC và HDB vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh quý 2 và nửa đầu năm 2025. Trước đó, trong quý 1/2025, Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet ghi nhận doanh thu hàng không đạt 17.920 tỷ đồng với lợi nhuận trước thuế đạt 820 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2024.
Kết quả kinh doanh hợp nhất, Vietjet đạt mức doanh thu 17.952 tỷ đồng và 836 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2024.
Cuối tháng 6 vừa qua, Vietjet và Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus vừa trao thoả thuận mua mới 20 máy bay thân rộng A330neo, góp phần thúc đẩy kim ngạch hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Pháp và Châu Âu, đồng thời phục vụ kế hoạch phát triển mới của hãng hàng không trong thập kỷ tới.
Cùng với đó, vào đầu tháng 7 vừa qua VJC cũng đã công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Sơn đảm nhận vị trí Giám đốc Điều hành của công ty, kế nhiệm ông Đinh Việt Phương, dẫn dắt hãng hàng không thế hệ mới trong kỷ nguyên tăng trưởng tiếp theo. Ông Nguyễn Thanh Sơn là Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh, cử nhân kinh tế hàng không với hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành hàng không.
Trong khi đó, quý 1/2025, HDBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 5.355 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất đạt 9.205 tỷ đồng, tăng trưởng bền vững nhờ sự đóng góp tích cực từ các hoạt động cốt lõi cùng các chỉ tiêu kinh doanh số tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Tại thời điểm 31/3/2025, tổng tài sản của HDBank đạt 711.311 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ; tiền gửi khách hàng đạt 465.321 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ, phản ánh niềm tin của khách hàng và vị thế của ngân hàng trên thị trường.
Dư nợ tín dụng đạt 449.901 tỷ đồng, tăng 19,9% so với cùng kỳ, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tài chính chuỗi, các thị trường đô thị loại 2 và khu vực nông nghiệp nông thôn. Hệ số an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II đạt trên 14,9%, mức cao toàn ngành.