CTCP Tập đoàn Xây dựng Tracodi (HoSE: TCD) vừa thông báo sẽ thoái toàn bộ phần vốn góp tại Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Sơn Long.
Cụ thể, Tập đoàn dự kiến chuyển nhượng toàn bộ 65 triệu cổ phần, tương đương với 40,625% vốn điều lệ tại Sơn Long.
Tracodi ủy quyền cho Tổng Giám đốc Lê Huỳnh Thương Minh đứng ra thương lượng và ký kết hợp đồng. Thời gian thực hiện từ tháng 5 đến hết tháng 12 năm nay. Giá trị thương vụ chưa được tiết lộ.
Theo BCTC hợp nhất của Tracodi, tại thời điểm ngày 31/12/2024, ghi nhận giá gốc đầu tư vào Sơn Long hơn 970 tỷ đồng. Toàn bộ khoản vốn góp này cùng dự án Bãi Cháy thuộc sở hữu của Đầu tư Phát triển Sơn Long được Tracodi dùng để đảm bảo cho các nghĩa vụ thanh toán liên quan đến mã trái phiếu TCDH2227002 do công ty phát hành.
Song song việc thoái vốn, HĐQT Tracodi quyết định mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu mã TCDH2227002 không muộn hơn 31/12/2025. Công ty cho biết sẽ mua lại trái phiếu với giá bằng mệnh giá, cùng với lãi phát sinh tính đến thời điểm mua lại. Nguồn tiền mua lại đến từ việc thoái vốn Sơn Long và hoạt động kinh doanh.
Đây là trái phiếu có mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, được phát hành vào tháng 9/2022 và sẽ đáo hạn vào tháng 9/2027. Tổng khối lượng phát hành 990.000 trái phiếu, tương đương giá trị theo mệnh giá 990 tỷ đồng.
Trái phiếu được phát hành riêng lẻ, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản bảo đảm (quyền tài sản phát sinh từ và/hoặc liên quan đến dự án Bãi Cháy thuộc sở hữu của CTCP Đầu tư và Phát triển Sơn Long).
Dự án Bãi Cháy là Khu khách sạn, dịch vụ, du lịch tại phường Bãi Cháy, TPHạ Long, tỉnh Quảng Ninh với quy mô 3,2 ha. Dự án do công ty Sơn Long làm chủ đầu tư (được UBND tỉnh chấp thuận từ tháng 9/2016) và đơn vị phát triển dự án là Vinahud (công ty thành viên thuộc Bamboo Capital).
Nguồn vốn để mua lại từ hoạt động kinh doanh và số tiền thu được từ việc chuyển nhượng 65 triệu cổ phần Sơn Long bên trên.
Trước đây vào năm 2022, Tracodi thông báo nhận chuyển nhượng 65 triệu cổ phần Sơn Long từ Tập đoàn R&H, qua đó nắm giữ 40,625% vốn điều lệ. Giá trị nhận chuyển nhượng khi đó là hơn 970 tỷ đồng.

Ở diễn biến khác, vào ngày 19/05, HĐQT TCD đã tiếp nhận đơn từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân đối với nhiệm kỳ 2022-2027 của 2 thành viên gồm ông Nguyễn Văn Bắc và ông Tomas Sven Jaehnig. HĐQT cho biết sẽ trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm 2 thành viên trên tại cuộc họp ĐHĐCĐ gần nhất.
Trong thông báo cùng ngày, lãnh đạo Tracodi cho biết sẽ tiến hành bầu mới 3 thành viên HĐQT, trong đó có 1 thành viên độc lập, bên cạnh việc bầu bổ sung 2 thành viên BKS. Công ty dự kiến triển khai lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản liên quan đến công tác nhân sự HĐQT và BKS.
Liên quan đến cổ phiếu, theo quyết định ngày 20/5 của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) thông báo chuyển TCD từ diện kiểm soát sang hạn chế giao dịch từ 27/05, do chậm nộp BCTC kiểm toán 2024 quá 45 ngày so với quy định.
Trong khi đó, công ty mẹ của Tracodi là CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (HoSE: BCG) cũng bị HOSE xử lý tương tự, với cùng lỗi vi phạm.
Trước đó, do lỗi chậm nộp BCTC kiểm toán 2024, bộ đôi cổ phiếu BCG và TCD đã bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 23/04, sau đó chuyển sang diện kiểm soát từ ngày 13/05 do chậm nộp quá 30 ngày.
Trong công văn giải trình việc chậm nộp và phương án khắc phục vào ngày 8/5 vừa qua. Tracodi cho biết đang chịu áp lực lớn trong bối cảnh kinh tế và tình hình hoạt động Công ty có nhiều biến động, bên cạnh việc đang tiến hành tái cấu trúc toàn diện nhằm ổn định tình hình kinh doanh trong bối cảnh mới.
TCD cũng cho biết nhân sự mới đang tiếp cận làm việc với đơn vị kiểm toán, do đó cần thêm thời gian làm việc và thống nhất số liệu với đơn vị kiểm toán.
Thực tế cho thấy tình trạng của 2 cổ phiếu này trên thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng tiêu cực sau khi loạt lãnh đạo bị khởi tố hồi cuối tháng 2/2025. Cổ phiếu liên tục giảm sàn, bị công ty chứng khoán cắt margin kéo theo hàng loạt đợt bán giải chấp sau đó.