Trả giá cho sự lăng nhăng

Cũng như Nhi, Sơn đang phải trả giá cho những toan tính vụ lợi của chính mình…

Nhận tấm thiệp cưới của Nhi, tôi cứ đinh ninh chú rể là Đức, nhưng mở ra lại thấy một cái tên lạ hoắc. Sau ngày cưới, Nhi lột xác thành quý bà sang trọng. Bảy năm sau gặp lại, thêm một lần nữa, cô ấy làm tôi kinh ngạc…
1. Nhi và Đức quen nhau khi cả hai còn là sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Ra trường, bạn bè ai cũng nghĩ họ sẽ sớm nên vợ nên chồng. Vậy mà...
Chú rể là Thịnh, Việt kiều Singapore. Nhi kể, đây là cuộc hôn nhân đã được hai bên gia đình sắp đặt trước. Nếu cô không chấp nhận, mẹ cô sẽ tự tử. Không biết Nhi nói có thật lòng không, nhưng nếu chỉ nhìn bên ngoài thì Thịnh có nhiều cái hơn Đức như đẹp trai hơn, giàu có hơn… Bằng chứng của sự giàu có đó là sau ngày cưới, Nhi bỏ hết đồ cũ, xài toàn hàng hiệu. Chiếc xe Max màu tím chở đầy tình yêu của cô và Đức cũng được thay bằng chiếc Dylan màu xanh ngọc. Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp Thịnh đưa đón Nhi đi làm, đi mua sắm và thầm ghen tỵ với hạnh phúc của cô.
Nhưng, dường như Nhi không bằng lòng với hạnh phúc của mình. Cứ mỗi lần Thịnh qua Singapore công tác, Nhi lại tìm cách để “vui vẻ” với Đức. Nhi bảo, người cô yêu là Đức. Cô lấy Thịnh không chỉ vì chữ hiếu, mà còn vì tiền. Khi Thịnh đi công tác về, cô vẫn làm tròn bổn phận của một người vợ…
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Sau nhiều năm, gặp lại Nhi, thêm một lần nữa, cô gây sốc cho bạn bè. Nhi giờ trông tiều tụy và thật đáng thương.
Cô kể, sau nhiều năm vụng trộm với nhau, một ngày Đức “ném” vào mặt cô cái thiệp cưới, mỉa mai: “Tôi chỉ trả lại những gì cô đã cho tôi mà thôi”. Đau đớn, tủi nhục nhưng Nhi nghĩ mình vẫn còn có chồng, tự hứa sẽ hết lòng với chồng. Cô quyết định sinh con cho Thịnh, nào ngờ anh ta nói: “Cô có thai với thằng Đức, bây giờ nó bỏ cô, cô định lừa tôi nữa sao?”. Rồi Thịnh chuyển công tác về Việt Nam. Vài ba ngày, anh ta lại dẫn gái về nhà quan hệ ngay trên giường của vợ chồng cô. Anh ta còn thường xuyên đi nhậu về khuya, bắt cô hầu hạ. Không ít lần anh ta mượn rượu đánh đập cô. Khốn nạn hơn là trước mặt gia đình Nhi, Thịnh luôn luôn tỏ ra mình là người cao thượng, dù biết mối quan hệ của Nhi và Đức nhưng anh ta vẫn tha thứ. Vì vậy, Nhi có nói gì, gia đình cô cũng không tin. Khi Nhi nói muốn ly hôn, mẹ cô lại dọa tự tử. “Mẹ tôi mắc bệnh tim nặng, một cú sốc nhỏ cũng có thể lấy đi mạng sống của bà”, Nhi nói. Đó cũng là lý do buộc cô phải chịu đựng một cuộc sống chẳng khác địa ngục…
2. Không chỉ có ngoại hình hấp dẫn mà ngay cả giọng nói cũng rất quyến rũ, vậy mà dù có nhiều cô gái “xin chết”, Sơn đều từ chối. Thế rồi, anh làm bạn bè té ngửa khi quyết định lấy Hà - vừa "cứng tuổi", vừa khiêm tốn nhan sắc, như nhận xét của mọi người.
Với Sơn, người anh lấy không phải là Hà mà là cái ghế phó giám đốc công ty của cha vợ. Chân ướt chân ráo từ miền Bắc vào TP.HCM, Sơn chẳng có gì ngoài gương mặt bảnh bao, nên anh phải tận dụng để kiếm một chỗ nương thân, sau này tính tiếp. Nhưng, người tính không bằng trời tính…
Sau ngày cưới chẳng được bao lâu, cha vợ Sơn bị kỷ luật phải về hưu sớm, toan tính của Sơn đổ sụp. Sơn đang loay hoay kiếm chuyện để ly hôn thì Hà có thai, lại là song thai. Dù có tàn nhẫn đến đâu thì Sơn cũng phải đợi Hà sinh con rồi mới bàn đến chuyện chia tay.
Hà chưa kịp sinh con, cha vợ lại “đuổi khéo” vợ chồng Sơn ra ngoài ở riêng, thế là hai vợ chồng phải đi thuê phòng trọ. Hà học hành không đến đâu, lại đang bụng mang dạ chửa nên không xin được việc làm. Sơn phải lăn ra làm để có tiền lo cho vợ. Hai đứa trẻ ra đời, gánh nặng càng nặng thêm. Đã vậy, con vừa mới dứt sữa, Hà lại thông báo với chồng: “Em có thai rồi”…
Tiền lương của Sơn không đủ để mua sữa cho con, nói chi đến chuyện quần là, áo lượt như trước đây. Sau một thời gian ngắn lấy Hà, từ một người đàn ông phong độ, Sơn trở thành kẻ bê tha, nợ nần như chúa chổm.
Gặp Sơn, bạn bè hay gọi là “ông 53” vì mới 35 tuổi mà trông Sơn tiều tụy chẳng khác nào một ông lão. Sơn kể, đôi lúc cũng muốn ly hôn, bỏ quách cô vợ vừa già, vừa xấu, lại vừa vụng về cho nhẹ cái thân. Khổ nỗi, nếu Sơn bỏ cô ta thì mấy đứa trẻ sẽ ra sao. Hơn ai hết Sơn hiểu, Hà không đủ năng lực để nuôi con khi không có chồng. Vả lại, Sơn cũng không đành lòng chia cắt tình mẫu tử, tình anh em của các con khi chúng còn quá nhỏ.
Cũng như Nhi, Sơn đang phải trả giá cho những toan tính vụ lợi của chính mình…

Người yêu em đào hoa, đa tình

- Em 22 tuổi, là công nhân nhà máy. Em yêu anh ấy được hơn 1 năm. Anh ấy làm nghề buôn bán xe máy. Khi yêu anh ấy, em cũng có chút hãnh diện vì anh ấy đẹp trai, ăn nói có duyên, đi đâu cũng có phụ nữ liếc theo. Nhưng chính điều này lại làm em lo phiền.

Hối hận thì đã quá muộn

Tôi là người đàn ông không may mắn trên con đường tình duyên, 43 tuổi đã hai lần đổ vỡ.

Lần thứ nhất, tôi kết hôn do mai mối. Vợ tôi trẻ đẹp, nấu ăn ngon. Tôi lo kinh tế, tạo dựng một cuộc sống đầy đủ về vật chất, vợ tôi chỉ ở nhà nội trợ. Thế nhưng, cô ấy lại sa vào đề đóm, cờ bạc làm hao hụt một số tiền rất lớn. Tôi tuy giận nhưng cũng đã tha thứ. Nợ nần trả hết được vài tuần, cô ấy lại tiếp tục cờ bạc, bị công an bắt quả tang, lập biên bản xử phạt. Lần này, tôi rất giận, quyết tâm ly hôn. May mà chúng tôi chưa có con.

Hai năm sau, tôi tái hôn với một người tôi thực sự yêu. Cô ấy lớn hơn tôi một tuổi, không chồng nhưng đã có con riêng! Con trai cô ở với bà ngoại. Khi đến với tôi, cô ấy chỉ hai bàn tay trắng. Tôi lo vốn liếng cho cô mở shop thời trang. Vợ sau của tôi thông minh, lanh lợi lại có giang buôn bán nên làm ăn phát triển, kiếm được không ít tiền. Chúng tôi có với nhau hai con một trai, một gái. Thời gian đó, tôi bận đi công tác triền miên nên giao phó hết tiền bạc, nhà cửa, con cái cho vợ quản lý. Rồi tôi nghe phong thanh vợ mình có nhân tình, nhưng hỏi thì cô ấy chối biến. Đến khi tôi “bắt tận tay, day tận trán” cô ấy mới xuống nước xin tha thứ. Chúng tôi chiến tranh lạnh với nhau. Giữa lúc chuyện còn chưa có hồi kết, cô ấy biến mất cùng tất cả tiền bạc, tư trang vợ chồng dành dụm bấy lâu. Cú sốc này với tôi thật kinh khủng. Tôi rơi vào hoàn cảnh “gà trống nuôi con” trong sự uất hận tột cùng. Tôi căm ghét đàn bà từ dạo ấy, quyết sống một mình nuôi dạy các con…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Đến tuổi 52, một lần nữa tôi lại vướng chuyện tình cảm. Lần này là phụ nữ lỡ thì, không xinh đẹp. Tôi thích cô ấy ở sự nhu mì, hiền thục. Thời trẻ, cô ấy đã hy sinh tuổi xuân để lo cho đàn em sáu đứa, khi các em đã yên bề gia thất thì cô cũng trở thành “gái già”. Cô thường lui tới nhà tôi dọn dẹp và chăm sóc các con tôi chu đáo. Hai con tôi cũng rất quý cô. Rút kinh nghiệm hai lần trước, giờ tôi chỉ muốn qua lại với cô như bạn tình chứ không có ý định thành vợ chồng. Cô ấy thì bảo muốn làm vợ hợp pháp của tôi, chỉ cần đăng ký kết hôn chứ cô cũng chẳng cần cưới xin. Tôi không chấp nhận yêu cầu đó, vì tôi từng thề với lòng sẽ không bao giờ có vợ thêm lần nữa. Ba năm thuyết phục tôi không lay chuyển, cuối cùng cô ấy chủ động rời xa tôi.

Cô ấy đi đâu, làm gì tôi không biết nhưng vắng cô trong căn nhà rộng lớn, tôi bỗng thấy tâm hồn mình hoang lạnh vô cùng. Tôi biết mình đã yêu người phụ nữ đó và không thể sống thiếu cô. Nhận ra điều đó, tôi cất công tìm, khi gặp được thì cô đã kết hôn với người đàn ông khác. Tôi hụt hẫng, suy sụp tinh thần đến mức chẳng còn thiết tha gì đến việc làm ăn. Sau đó, tôi ngã bệnh. Nằm một chỗ trên giường bệnh, không có bàn tay phụ nữ chăm sóc, tôi càng cảm nhận rõ hơn nỗi cô đơn và bất hạnh của mình. Chính tôi đã tự đánh mất cơ hội hạnh phúc của mình, hối hận thì đã quá muộn...

Hạnh phúc như cái bóng

Từng ấy năm sống ở ngôi nhà này, đến hôm nay cô mới nhận ra mình chỉ như cái bóng.

24 tuổi, lấy chồng rồi về làm dâu, ai cũng bảo số cô là số hưởng. Gia đình chồng tuy không giàu đến “nứt đố đổ vách”, nhưng với hoàn cảnh một mẹ, một con, căn nhà rộng hơn 60m2, có hai lầu và một sân thượng, thêm cô về nữa thì chừng ấy diện tích vẫn là quá rộng.

Mẹ chồng chỉ mới ngoài 60, chuyện bếp núc khỏi phải bàn. Khoảng thời gian trước khi cô sinh em bé, thỉnh thoảng nàng dâu mới vào bếp tự tay chế biến món này món kia đãi chồng và mẹ chồng. Còn lại hầu hết các bữa ăn trong ngày, hai vợ chồng đã quen với việc đi làm về nhà có cơm canh dọn sẵn, chỉ việc thay đồ, tắm rửa xong là ngồi vào bàn ăn, cà kê trăm ngàn chuyện vụn vặt trên đời. Thu chi trong nhà đã có một tay mẹ chồng quán xuyến.

Mỗi tháng, hai vợ chồng chỉ gửi bà một khoản cố định gọi là tiền chợ, tiền điện, tiền nước. Hơn một năm đầu hạnh phúc trong cảnh vợ chồng son, cô chưa một lần bận tâm đến chuyện chợ búa, tiền bạc. Cơm canh mỗi bữa mẹ chồng cho ăn gì, hai người ăn nấy. Món nào không hợp khẩu vị thì cứ vờ chạm đũa, đến tối hai vợ chồng trốn ra ngoài với lý do “hóng gió”, song thực tế là lang thang hàng quán kiếm món “tủ”.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Cuộc sống cứ thế yên ả trôi qua, mãi đến khi cô có bầu rồi sinh con, chồng thuyên chuyển công tác. Không còn “đồng minh” trong những phi vụ ra ngoài “hóng gió”, với lại con còn nhỏ, cô cũng ngại ra ngoài một mình. Cả chuyện nấu cháo cho con, mẹ chồng cũng giành làm nốt. Nhiều lúc đọc sách báo, xem ti vi, cô biết nên bổ sung thêm chất gì cho con, không nên kiêng kỵ những món ăn nào, nhưng hỡi ôi, tất cả đã vào guồng do mẹ chồng quán xuyến, không cách nào thay đổi. Giải thích xa gần đủ điều, mua sách báo, tạp chí dinh dưỡng về cho bà coi nhưng đều bị bà thẳng thừng từ chối: “Ngày xưa một tay mẹ nuôi thằng Minh khôn lớn, học hành đỗ đạt đến hôm nay. Trước giờ con không biết gì chuyện bếp núc, cứ để mẹ lo, đừng nhúng tay vào”. Tối về tỉ tê với chồng, anh xua tay bảo: “Mấy chục năm qua mẹ quán xuyến trong ngoài có xảy ra việc gì đâu. Em cứ để mẹ lo, chẳng chết đâu mà sợ”.

Ừ, thì chẳng chết. Nhưng nhìn con ăn uống một cách thiếu khoa học, có người mẹ nào chặc lưỡi cho qua. Ngay đến việc mua đồ chơi cho con, chọn loại tã lót, sữa tắm em bé của hãng nào cũng bị mẹ chồng chi phối. Lần nào cũng vậy, cô chỉ biết trốn vào phòng riêng ngồi khóc một mình. Từng ấy năm sống ở ngôi nhà này, đến hôm nay cô mới nhận ra mình chỉ như cái bóng. Người ta đã quen với việc mặc định cô được phép làm, không được phép làm điều gì, ngay cả chuyện can thiệp hay góp ý cũng là điều không tưởng.

Ngày xưa còn có chồng hú hí. Ở nhà không ưng bụng điều gì hai vợ chồng trốn ra ngoài tìm cái “ưng” cho riêng mình. Còn bây giờ, chồng bận bù đầu, con đã có nội trông. Cô làm mẹ mà ngay cả những điều nhỏ nhặt nhất cũng không quyết định được cho con mình. Ngày qua ngày trôi theo một chu trình được cài đặt sẵn: buổi sáng dắt xe ra khỏi nhà đến chỗ làm, buổi trưa chạy về nhà ăn cơm và ngồi làm khách nhìn bà nội chăm cháu. Chiều quay lại chỗ làm, chờ đến hết giờ lại chạy về nhà làm khách. Muốn nhúng tay vô việc gì cũng bị chặn “để đó mẹ làm cho”. Hai việc cô có thể làm trong ngôi nhà này mà không bị ai ngăn cản hay cấm đoán là quét nhà và… cho con bú.

Bạn bè nhìn vào, nội ngoại hai bên trông sang, ai cũng cho cô là có số hưởng. Ừ thì đúng cô được “hưởng” nhiều thật. Cô giống như con rô–bốt được người ta ôm về chưng trong tủ kính, chẳng biết thời tiết nóng lạnh là gì, đến giờ ăn thì người ta nhấn nút báo hiệu cho nó ngồi vào bàn ăn, đến giờ ngủ thì đọc câu mệnh lệnh cho nó phải ngủ. Trong ngôi nhà hai tầng rộng thênh thang đó, nó gần như chưa có quyền đưa ra bất cứ quyết định hay yêu cầu gì, dù đôi khi quyết định đó liên quan đến chính bản thân nó hay núm ruột do nó đứt ruột đẻ ra.

Cô thèm một lần được bận bịu như chú ong cần mẫn chăm sóc cho chồng con. Thèm được nấu một món ăn ngon, mua một món đồ chơi đẹp và hạnh phúc ngồi nhìn con ăn hết chén hoặc ôm chầm lấy mẹ. Nhưng than ôi, ngay cả quyền được nói ra những mong muốn, khao khát thầm kín đó cô còn không có, nói chi đến quyền làm mẹ, làm vợ, làm dâu.