Vợ chỉ chăm chăm chê bai chồng

Người ta bảo, thương nhau củ ấu cũng tròn, nhưng vợ anh thấy cái gì thuộc về chồng cũng muốn chê bai, cứ như anh đã làm gì có lỗi...

Khách đến chơi nhà, hỏi về cái bằng thạc sĩ anh vất vả mấy năm mới có, chị nói thẳng tưng:
- Ôi trời! Bây giờ mà có tiền thì bằng cấp gì chẳng mua được, đâu chỉ cao học, tiến sĩ, giáo sư còn có nữa là!
Anh ngượng không biết để đâu cho hết trước cái nhìn nghi hoặc và ái ngại của người quen. Vợ “bộc bạch” như vậy, chẳng khác nào vừa sỉ nhục vừa coi thường chồng.
Người ta bảo, thương nhau củ ấu cũng tròn, nhưng vợ anh thấy cái gì thuộc về chồng cũng muốn chê bai, cứ như anh đã làm gì có lỗi với vợ không bằng. Chung sống càng lâu, vợ càng thích “xài xể” chồng. Từ việc anh “dở ẹc”, ít biết về rau củ, hoa trái, thịt cá, như chẳng phân biệt được diếp cá với húng lủi, cá rô phi với cá chép, chẳng hạn. Đúng là anh vụng và ít kiến thức về chuyện đó thật, nhưng vợ có thấy anh sửa điện, nước và làm những công việc nặng nhọc trong nhà cũng được lắm chứ, phải không nào?
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Vợ xa gần bóng gió về cái xuất thân nông dân của anh. “Khách ở quê vô” là cụm từ nhạy cảm vợ dùng để gọi những người bà con của anh. Nhất cử nhất động của phía gia đình anh tất nhiên không qua khỏi cái máy soi là vợ, nên sau khi khách khứa ra về, thường là anh lãnh đủ. Nào là tự ý vô thăm mà chẳng báo trước, tưởng ai cũng rảnh rỗi hầu mình hay sao. Nào là ăn to nói lớn, thô thiển không sang. Nào là chẳng biết nền nếp sinh hoạt trong nhà, cái gì cũng tùy tiện bê bối. Mỗi khi có dịp, bạn bè đồng nghiệp của anh cũng không thoát khỏi việc tăm tia rồi chê bai của vợ.
Vợ bảo mùi mồ hôi của anh không sao chịu nổi. Thi thoảng, nhìn vô máy tính của chồng, vợ chê cả những thói quen làm việc của anh, dù nó chỉ là sở thích cá nhân, kiểu như sao anh để hình nền lúa quá vậy? Cái gì vợ cũng có thể cho lên thớt được. Riết rồi anh sợ, chỉ muốn giữ không để vợ dòm ngó bất kỳ điều gì, thêm phiền.
Đôi lúc, anh nghĩ mãi chẳng thể hiểu nổi vì sao vợ ngày càng “bạc miệng” đến thế. Anh mua thức ăn về, vợ chê dở, chê mắc. Anh sắm quà cho con, vợ “khen” vừa xấu vừa thường. Anh nói đùa vài câu, vợ mắng “vô duyên”.
Vợ chưa kịp già đã khó, sau này con dâu nào chịu nổi! Đôi khi anh buột miệng nói vui như thế, với ước mơ thầm kín là vợ có thể sửa đổi ít nhiều. Nhưng, vợ cứ thản nhiên chê bai chồng, cứ như để chứng tỏ mình vậy.
Có lần anh bạo gan góp ý, nhận lại lời giải thích của vợ nghe cũng… thấy thương là sợ chồng lên mặt, chủ quan, chê để chồng thêm phấn đấu, cũng nên mà! Nhưng vợ ơi, cái gì “quá” đều không tốt. Thường xuyên bị chê bai với “cường độ cao” thế này, anh thật sự không kham nổi! Anh đâu phải đứa trẻ sơ sinh mà không biết tổn thương, tự ái. Nếu lúc nào anh cũng chăm chăm bới lông tìm vết mà chê vợ, như đa số đàn ông thường làm thế để tỏ ra quyền uy, chiếu trên, vợ liệu có chịu nổi không? Cứ thế này hoài… làm sao anh tránh khỏi ý nghĩ bi quan là có thể do mình dở quá, đầy khiếm khuyết nên vợ mới dành cho mình những lời lẽ thiếu tế nhị? Vợ coi thường chồng chăng? Hay là lúc nào cũng phải chê được chồng vài câu gì đó, vợ mới thấy sướng miệng?
Cái cách ngao ngán lắc đầu, im lặng bĩu môi của vợ có sức công phá ghê gớm lắm. Nó làm anh e dè. Chung sống với người phụ nữ thân thương nhất của mình, anh cũng không thể thoải mái được, cứ nơm nớp sợ bị bắt lỗi, chê bai thế này thì cuộc sống gia đình thật đáng sợ.

Chê chồng xấu, vợ cặp bồ, có con với giai đẹp

Sau một thời gian chung sống, chán người chồng thấp bé, quê mùa như tôi, em chạy theo cái vẻ cao ráo, bảnh bao, miệng lưỡi ngọt như mía lùi của một gã đàn ông.

Tôi hụt hẫng, đau khổ tưởng chừng không gượng dậy được. May mắn tôi còn đứa con trai, là niềm an ủi giúp tôi vượt qua nỗi đau. Tôi ý thức được giá trị hạnh phúc gia đình, trân trọng những gì mình đã gầy dựng bao năm nên quyết chờ đợi em hồi tâm. Cuối cùng, gã kia chán chê, bỏ rơi em. Vì tình yêu dành cho em, tôi quyết định đón em trở về.

Vợ được voi đòi tiên

Vậy mà lâu nay mình cứ ham hàng hiệu mà chê "áo rách". Ngẫm nghĩ, thấy thương, thấy tội cho “áo rách” của mình quá...

Bữa cơm chiều nay, nhân lúc chồng đang vui vẻ, chị lựa lời nhắc nhở: “Anh nhớ anh Huy bạn cùng quê với mình không, mới đổi nhà vô khu Phú Mỹ Hưng rồi. Công nhận ảnh giỏi quá xá. Còn mình, anh tính bao giờ đổi cái ổ chuột này đây? Em chán lắm rồi”. Anh đang nhai ngon trớn, bỗng dưng nổi quạu: “Đủ rồi! Biết đây là lần thứ mấy em khoe người ta rồi so sánh với anh không? Anh cày ngày hơn 14 tiếng em còn chưa vừa bụng là sao? Thiệt chịu hết xiết”. Chồng hầm hầm đặt chén cơm ăn dở xuống mâm, bỏ vô phòng nằm. Hai đứa nhỏ nháy nhau lùa vội chén cơm rồi rút ra phòng khách. Mình chị chống đũa ngồi lại với mâm cơm gần như còn nguyên. Chị cũng ăn hết vô, càng nghĩ càng tức…

Hôn nhân hoàn hảo

Tôi giật mình tự hỏi, còn chồng mình thì sao? Từ trước đến nay tôi tự khen mình đảm đang, là vợ tốt mẹ tốt...

Hàng năm cơ quan tôi thường tổ chức một chuyến du lịch, nhưng tôi đều từ chối vì quá bận việc nhà.

Vợ chồng tôi có một cửa hàng điện máy và chồng tôi là người đứng bán trực tiếp, kiêm luôn việc sửa chữa, bảo hành sản phẩm. Đi làm về, lo cơm nước xong thì tôi tính toán sổ sách, gọi điện thoại lấy hàng cũng như giao hàng, và việc quan trọng nhất là đi thu tiền. Có những khách mối nhưng việc thu tiền nhiều khi rất “chua”.

Công việc cứ lu bù như vậy từ ngày này qua ngày khác, có những mùa làm ăn bận đến nỗi thực phẩm đã mua về để trong tủ lạnh rồi mà tôi không có thời gian vô bếp, cả nhà ăn cơm hộp cho xong bữa.

May là vợ chồng tôi có hai đứa con siêng năng và ngoan ngoãn. Thấy cha mẹ quá bận bịu, hai con tự lo mọi việc, những bữa trưa ăn cơm với cá hộp là chuyện thường xuyên và họp phụ huynh học sinh, hai đứa tự đem giấy mời của nhà trường tới nhờ cậu, chú đi họp thay ba mẹ.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Nội ngoại hai bên khen gia đình tôi hoàn hảo, vợ chồng chăm lo làm ăn, con cái chăm chỉ học hành.

Bận rộn như thế, nhưng chuyến du lịch năm nay tôi quyết định tham gia, không phải vì được rảnh rỗi mà vì vợ chồng tôi giận nhau.

Cơ quan cho phép mỗi nhân viên được kèm một người thân. Hai đứa con tôi oẳn tù tì, con gái thắng cuộc.

Suốt bốn ngày tôi và con gái cùng đoàn thăm thú những thắng cảnh nổi tiếng, ăn uống đủ món đặc sản, mua sắm nhiều thứ vui mắt…

Đến sáng ngày cuối cùng, theo lịch chúng tôi sẽ đi thăm biệt điện của một ông vua, và cỡi voi băng qua hồ nước, sau đó là một bữa toàn thức ăn thiên nhiên. Nghe đã thấy quá hấp dẫn.

Nhưng trước giờ khởi hành con gái bị sốt nhẹ nên hai mẹ con nằm lại khách sạn. Uống viên thuốc hạ sốt, sau nửa tiếng đồng hồ thì con gái tỉnh như sáo, tiếc thay đoàn đã đi rồi. Thế là hai mẹ con nằm dài trên giường, vừa xem phim vừa ăn bánh mì kẹp trứng.

Vừa về tới nhà, chồng tôi nói: “Em bỏ đi chơi để anh làm một mình bù đầu cực quá, từ nay không dám giận em nữa”. Bật cười, hết giận. Tôi lại lao vào công việc, trước mắt là đi thu tiền nợ tồn suốt mấy ngày.

Tôi nghe con trai hỏi con gái: “Chị đi chơi thích nơi nào nhất?”. “Thích nhất là buổi sáng không phải làm gì, nằm trên giường với mẹ, vừa ăn bánh mì vừa xem ti vi, nói chuyện rất vui”. Câu trả lời của con gái khiến tôi sững sờ.

Món bánh mì kẹp trứng rất bình thường, bộ phim ti vi chiếu vào sáng hôm đó cũng không đặc sắc lắm, và tấm nệm trên giường của khách sạn ba sao đó êm sao bằng nệm ở nhà tôi. Con gái và tôi nói đủ thứ chuyện tầm phào và phì cười vì những chuyện không đầu không đuôi.

Lao vào công việc, tôi bận bịu kiếm tiền, cứ tưởng là mình lo cho con đầy đủ, hài lòng là con mình không thiếu thứ gì. Con gái thì thèm được nằm rúc rích trò chuyện với mẹ, cùng thưởng thức và chia sẻ một bộ phim, cùng ăn với nhau mà không thúc hối, không nuốt nhanh nhanh cho qua bữa.

Con tôi còn thèm gì nữa không? Có lẽ còn nhiều. Con tôi muốn được chính ba mẹ mình đi họp phụ huynh, muốn những bữa cơm cả nhà cùng quây quần quanh bàn chứ không mãi mãi là cảnh hai đứa ăn trước để kịp học, muốn nhìn thấy mẹ gắp thức ăn vào chén của ba và ba gắp thức ăn vào chén của mẹ…

Tôi giật mình tự hỏi, còn chồng mình thì sao? Từ trước đến nay tôi tự khen mình đảm đang, là vợ tốt mẹ tốt, xứng với lời khen của hai bên nội ngoại. May mà con gái đã cho tôi nhận ra những thiếu sót ấy.