Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu: Giải quyết hồ sơ nhanh, nhiều khi bị đặt vấn đề 'sao nhanh vậy?'

Theo Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu, muốn thu hút được đầu tư, phải cải cách hành chính. Nhưng về hồ sơ, bà Vân cho rằng rất khó cho chúng ta rút gọn được trong ngày một, ngày hai.

Ngày 25-5, Ban chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 và Chỉ số CCHC năm 2021.

“Thành tích hôm nay có thể gây hậu quả hôm sau”

Tại hội nghị, bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã có tham luận gây chú ý về tác động của CCHC tới phát triển kinh tế- xã hội.

Phân tích năm nội dung mà chỉ số này đề cập, bà Vân cho hay về mức độ thu hút đầu tư, Bạc Liêu đạt được số điểm tối đa.

Pho Chu tich tinh Bac Lieu: Giai quyet ho so nhanh, nhieu khi bi dat van de 'sao nhanh vay?'

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Cao Xuân Thu Vân.

Theo Phó Chủ tịch Bạc Liêu, muốn thu hút được đầu tư, phải CCHC. “Trong CCHC, có những lúc Bạc Liêu lọt top 20 nhưng có những lúc lại ở thứ hạng gần chót. Điều đó cho thấy để giữ vững được chỉ số này rất khó khăn, chỉ cần lơ là, chúng ta sẽ trở lại con số 0”- bà Vân nói.

Theo bà, Bạc Liêu luôn cố gắng tìm ra được những hạn chế của mình, phân tích nội dung nào không làm hài lòng các tổ chức, cá nhân để từ từ cải thiện, cố gắng trụ hạng...

Có những thủ tục, Bạc Liêu cố gắng cải thiện tới 80% về thời gian. Về hồ sơ, bà Vân cho rằng rất khó cho chúng ta rút gọn được trong ngày một, ngày hai. Nếu rút gọn, bỏ bớt hồ sơ là vi phạm pháp luật. Nếu cải thiện ngay thì dễ vi phạm, tuỳ tiện và có thể rất không an toàn cho cán bộ. Phải làm một bộ thủ tục để cải thiện bộ hồ sơ mới bảo đảm tính pháp lý.

Bà Vân cũng nêu thực tế khi giải quyết xong hồ sơ trong thời gian ngắn, nhiều khi cũng bị đặt vấn đề “sao nhanh vậy?”.

Theo bà, đụng tới đất đai, đụng tới đấu giá, đụng tới giao đất càng làm nhanh thì tính nguy hiểm càng cao. Như vậy mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và giải quyết thủ tục hành chính đang là một câu chuyện đòi hỏi sự bản lĩnh của cán bộ chứ không phải chỉ là thủ tục. "Tôi nói câu chuyện này để thấy rằng thành tích hôm nay có thể gây hậu quả hôm sau. Do vậy phải làm rõ điều này và bảo vệ cán bộ thì cán bộ mới mạnh dạn CCHC”- vẫn lời bà Vân.

“Tôi trên đường ra Hà Nội (dự hội nghị), có doanh nghiệp đề nghị tôi quay về ký ngay văn bản giao đất, nếu hôm nay mình không giao thì người ta mất cơ hội về thủ tục vay vốn... Có bao nhiêu thôi mà mình suy nghĩ, đọc tới, đọc lui nghĩ tại sao họ kêu mình làm ngày hôm nay mà không làm được ngày mai. Mình nghi ngờ, tìm hiểu, làm đủ thứ, tự mình bó mình...”- bà Vân kể.

Hay có trường hợp cán bộ Sở Tư pháp giải quyết xong thủ tục đăng ký kết hôn nước ngoài nhưng... không dám trả ngay cho đương sự, vì đưa sớm liệu có bị nghi vấn là vòi vĩnh để đưa sớm hay không?

Nêu kinh nghiệm của địa phương, bà Vân cho hay Bạc Liêu triển khai theo hướng có những bộ thủ tục các ngành cùng làm, thành lập một tổ để giải quyết thủ tục. Trên cùng một chiếc bàn, hồ sơ được chuyển giải quyết từng bước.

“Tức là quy định giống như thời khoá biểu của học sinh, anh này mấy tiếng, anh kia mấy tiếng. Từ cách làm đó, chúng tôi đã cải thiện về mặt thời gian nhưng về thủ tục phải tuân thủ, không thiếu nội dung nào”- bà Vân cho biết.

CCHC, từ cái tâm của người cán bộ...

Cũng theo bà Vân, Bạc Liêu cố gắng cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhưng việc này không dễ dàng khi tỉnh có tới 70% dân số làm nông nghiệp. Người dân có thói quen đến gặp mặt thì mới chắc ăn, không đến tận nơi không biết hồ sơ có tới tay cán bộ hay không, người dân không tin vào công nghệ.

Khắc phục việc này, Bạc Liêu vẫn để người dân mang hồ sơ đến nhưng thành lập một tổ, cán bộ làm các thao tác nộp hồ sơ trên máy tính thay cho người dân, để lần thứ hai họ quen. Khi trung tâm hành chính công của tỉnh được cải thiện, tỉnh thành lập đội thanh niên tình nguyện để giúp người dân.

Tuy nhiên theo Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu, công việc phân cấp nhiều về cấp huyện, xã, trung tâm hành chính công của tỉnh rất đẹp nhưng ít hồ sơ. “Trong CCHC sắp tới, cấp xã mới là nơi đụng đến người dân nhất, người dân không hài lòng nhiều nhất, cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn chủ yếu cũng ở đó. Đây là bài toán khi CCHC phải lưu ý chất lượng cán bộ cấp xã”- bà Vân nói.

Phó Chủ tịch Bạc Liêu cũng lưu ý việc tính toán thế nào để thu được ngân sách. “Một bộ hồ sơ đấu giá đất chỉ có giá trị thẩm định sáu tháng sau khi đấu giá. Đấu giá xong làm không nhanh thì sau sáu tháng giao giá đó cũng sai. Tổ chức thẩm định lại thì mất thời gian, do vậy không cải cách tốt thì không thu thuế được”- bà nói và cho hay Bạc Liêu xác định đây là vấn đề sống còn của tỉnh.

“Phải CCHC mạnh, đồng bộ hết các thủ tục... CCHC, từ cái tâm của người cán bộ, từ cách nhìn của người cán bộ, không cát cứ, phải mở ra, cuối cùng là phải phát triển kinh tế, phải thu được thuế, phải phát triển được doanh nghiệp thì quay lại vẫn là bộ thủ tục. Mọi người phải làm thủ tục chứ không phải chỉ nơi tiếp nhận hồ sơ mới làm thủ tục...”- bà Vân nói tiếp.

Bà Vân cho hay Bạc Liêu lấy sự hài lòng của người dân là thước đo đánh giá hoạt động và đưa vào chỉ tiêu thi đua.

Về việc kiện toàn, sắp xếp bộ máy, trong điều kiện Trung ương chưa có hướng dẫn, Bạc Liêu đi đầu, thực hiện sáp nhập Sở Văn hoá- Thông tin- Thể thao- Du lịch.

"Cái vướng thì tính sau... Lấy thực trạng của mình làm thế mạnh để giải quyết vấn đề, phát triển kinh tế- xã hội và cải cách TTHC”- Phó Chủ tịch Bạc Liêu nói thêm.

Không phải cứ vòi tiền mới là nhũng nhiễu

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Cao Xuân Thu Vân cũng lưu ý về việc bồi dưỡng cán bộ.

“Bồi dưỡng cán bộ là bồi dưỡng kỹ năng. Khi không biết cũng trở thành nhũng nhiễu chứ không phải cứ vòi tiền mới là nhũng nhiễu. Không hiểu biết pháp luật, đọc quy định mà hiểu sai cũng là nhũng nhiễu... Nhũng nhiễu này gây mất thời gian nhất, mà mất thời gian là mất tiền, mất cơ hội”- bà Vân nói.

Bà cho rằng chúng ta thường ít đánh giá việc này, chỉ xét và xử lý khía cạnh nhũng nhiễu tiền mà không xử lý việc cán bộ thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng, thiếu những lớp bồi dưỡng thực chất như thế.

“Muốn thực chất, chúng tôi cho khảo sát để xem cán bộ đang cần gì để tập huấn ngay những việc đó”- bà Vân cho hay.

Liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin, bà Vân nhắc tới việc thiếu trầm trọng dữ liệu và trầm trọng nữa là dữ liệu của ai người đó cất vào tủ không cho người khác sử dụng. Bạc Liêu làm tới đâu có dữ liệu tới đó, nếu không sẽ giống dọn chén mà không có cơm ăn.

“Chúng tôi xác định phải tăng cường rà soát để nhập toàn bộ dữ liệu, xem đó là tài nguyên để giải quyết thủ tục hành chính, đáp ứng sự hài lòng của người dân, lúc đó mới công khai minh bạch trên mạng” - bà Vân nói.

Theo Phó Chủ tịch Bạc Liêu, CCHC là một trong những nội dung quan trọng, thường xuyên, liên tục, phải nhận thức, xác định CCHC luôn là khâu khởi điểm không có kết thúc.

“Nếu chúng ta cho rằng nó là kết thúc thì năm sau sẽ tụt hạng. Lúc nào cũng phải nghĩ mình đang bắt đầu đi vào đường chạy, phải có đầy đủ sức khoẻ để tham gia vào cuộc đua này, để từ đó chúng ta CCHC, phát triển kinh tế- xã hội, phục vụ hài lòng của người dân. Nếu ba việc này không dính vào nhau thì không đạt được hiệu quả thực chất” - bà Vân kết luận.

Đức Minh/PLO

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN