Chuyện đón Tết của cặp vợ chồng 29 tuổi sinh sòn sòn 8 đứa con

Anh Đỗ Công Trường (SN 1985) và chị Nguyễn Thị Hồng (SN 1988) sinh 8 người con sau 12 năm kết hôn. Nhà đông con, kinh tế lại eo hẹp nên gia đình chưa bao giờ dám bỏ tiền mua cành đào, cây quất trong dịp Tết.
Mong ước giản đơn của những đứa trẻ trong gia đình vợ chồng 29 tuổi có 8 đứa con
Những ngày cuối năm, ngôi nhà nhỏ của anh Đỗ Công Trường (SN 1985) và chị Nguyễn Thị Hồng (SN 1988, ở thôn Phú Hạ, xã Tân Phú, huyện Quốc Oai, Hà Nội) luôn rộn ràng tiếng trẻ nhỏ. Căn nhà cấp 4 của cặp vợ chồng này lọt thỏm, nằm sâu giữa làng. Anh chị nổi tiếng “bất đắc dĩ” nhất làng xã bởi sinh được 8 người con sau 12 năm kết hôn. Điều đặc biệt dù cận Tết Nguyên đán nhưng không hề có không khí gì chuẩn bị chào đón năm mới.
 Những đứa con của vợ chồng anh Trường.
Ngồi trò chuyện với chúng tôi, anh Trường cho biết: “Nhà tôi năm nào chẳng thế, Tết đến gói 20 cái bánh chưng, vài cân thịt và ít bánh cái kẹo là xong ấy mà”. Còn việc mua sắm đồ đạc cho đàn con nhỏ, anh Trường vừa nhìn những đứa con đang thập thò qua khe cửa vừa nói: “Thôi thì cố gắng mua cho mỗi đứa 1 bộ quần áo mới, có năm túng thiếu cũng chả mua đủ hết đâu”.
Mới hơn 30 tuổi, vợ 29 tuổi nhưng gia đình anh Trường đã có 8 đứa con. 
Theo anh Trường, sở dĩ gia đình có tận 8 người con bởi đa phần sát ngày sinh, vợ anh mới biết mình bụng mang dạ chửa. Bởi vậy, gia đình anh quyết không bỏ mà giữ con. Như vậy trung bình 1,5 năm, chị Hồng lại sòn sòn đẻ một đứa. Đông con khiến cuộc sống kinh tế gia đình mỗi lúc thêm phần khó khăn.
“Vợ tôi sinh xong một thời gian ngắn rồi lại đi làm công việc tự do như bán hàng, xách vữa thuê hay ai thuê gì làm nấy. Đợt sinh cháu thứ 8 mới được hơn 10 ngày đã phải để con ở nhà cho bà trông để đi làm. Còn tôi làm nghề thợ xây, công việc bấp bênh nên được bao nhiêu tiền bạc cũng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống gia đình, không dư giả được”, anh Trường nói.
Nghe anh Trường nói thể, quả thực nhiều điều đến khó tin. Tuy nhiên khi hỏi cháu Nguyễn Thị Dung (13 tuổi, con gái cả của anh Trường) hóa ra, những lời nói đó hoàn toàn là sự thật, bởi đến thời điểm hiện tại mới có 2 cháu được mua quần áo mới, nếu những ngày cuối năm, mẹ nhiều việc thu nhập tốt thì may ra mỗi cháu mới được mua 1 bộ.
Khi được hỏi Tết đến các cháu muốn gì nhất? những đứa con anh Trường đều chung câu trả lời là quần áo mới, nhưng xen vào đó là những món đồ cần thiết trong cuộc sống hàng ngày nhưng các cháu không dám nói với bố mẹ vì chúng biết bố mẹ cũng chẳng có tiền.
“Con muốn mua một đôi dép mới cho con và cho cả em Mi (con gái thứ 7) nữa, vì dép con và dép em rách hết rồi. Lạnh thế mà em còn phải đi chân đất”, Hằng (con gái thứ 3) nói.
Còn Nguyễn Thị Duyên (con gái thứ 2) bẽn lẽn: “Con muốn được mua một đôi giày, mùa đông đi học lạnh lắm, các bạn ai cũng đi giày còn con toàn phải đi dép”.
Những ước mơ dịp Tết tưởng chừng là giản dị, nhưng với vợ chồng anh Trường, chị Hồng là cả một gánh nặng. Không phải là hai vợ chồng không muốn lo cho con, mà vì họ không có công việc ổn định, thu nhập bấp bênh và còn trăm thứ phải lo.
“Nhiều năm gia đình không dám mua cây quất, cành đào chưng Tết”
Vừa nấu nồi canh khoai tây là thức ăn chính cho bữa tối, anh Trường cho biết, đã gần 13 năm nay kể từ sau khi sống chung một nhà, Tết với vợ chồng anh cũng cứ trôi qua như những ngày bình thường, chỉ khác một điều đó là cả hai vợ chồng được ở nhà với các con khoảng dăm ngày, khi không ai thuê mướn làm gì.
“Tết với mọi người là vui, còn với gia đình tôi là lo. Lần lượt mua quần áo cho 8 đứa con. Tôi nhớ, cái Tết nhà tôi có cành đào là cách đây đã 13 năm rồi. Ngày ấy tôi mới lấy vợ, chưa phải lo nghĩ gì nhiều. Nhưng rồi các con chào đời kinh tế gia đình thêm khó khăn, tiết kiệm đồng nào hay đồng đó nên vợ chồng không dám bỏ vài trăm nghìn đồng mua đào, quất. Tiền đó để lo cho các con ăn học”, anh Trường bảo.
Không chỉ với bản thân mình, anh Trường cho biết vợ anh cũng thấu hiểu hoàn cảnh và không bao giờ đòi hỏi gì, bởi cả hai vợ chồng đều tâm niệm: “Tài sản lớn nhất chính là các con, Tết đến các con hò hét, nô đùa vui lắm, thế là mọi thứ cứ thế trôi qua”.
Theo anh Trường, dù kinh tế gia đình khó khăn, các con thiếu thốn nhiều nhưng đổi lại chúng rất ngoan ngoãn, nghe lời. Biết bố mẹ khó khăn vất vả nên từ đứa lớn tới đứa bé không bao giờ nũng nịu đòi bố mẹ mua tấm quà bánh hay đồ chơi…
“Bố mẹ không lo được đầy đủ cho con cái cũng ái ngại lắm, nhưng mãi rồi thành quen, các con hiểu nên cũng không đòi hỏi gì”, anh Trường tâm sự.
Chưa kịp dứt câu, tiếng con gái nhỏ mới 4 tháng tuổi khóc oe oe trong nhà, ngước lên nhìn đồng hồ đã hơn 19 giờ mà chưa thấy vợ đi làm về, anh Trường tặc lưỡi: “Cuối năm nhiều việc, chắc lại làm cố lấy cái Tết cho các con. Rét mướt thế này thương vợ lắm nhưng chẳng biết làm sao”.
Chia tay lũ trẻ, hiện hữu trong mắt chúng tôi đó là hình ảnh những đứa con anh Trường, chị Hồng chân tay còn lấm lem bùn đất sau một ngày chơi đùa. Hình ảnh đứa bé không có đôi dép mới để đi trong cái lạnh 10 độ C. Hy vọng rằng, cuộc sống sắp tới của những đứa trẻ này sẽ đủ đầy hơn khi cái Tết đang cận kề.
Theo Định Nguyễn/Saostar

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN