Bà lão 28 năm đòi lại 9.000 m2 đất vì chỉ được bồi thường vài chục triệu đồng

Đất của bà Anh được quy hoạch làm sân bóng đá nhưng mấy chục năm qua chính quyền địa phương cứ bỏ hoang nên bà lão 77 tuổi này tiếp tục xin lại, không đồng ý nhận bồi hoàn chỉ có vài chục triệu đồng.
Những ngày cuối tháng 5/2020, bà Phạm Thị Ngọc Anh (77 tuổi, ngụ huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng) nhờ xe ôm chở đi nhiều nơi để gửi đơn xin lại 9.000 m2 đất bỏ hoang vài chục năm ở ấp 3, thị trấn Phú Lộc. Khu đất này nằm cạnh sân bóng đá của huyện Thạnh Trị, phía sau có một cái ao bà Anh đang nuôi cá.
Theo đơn, năm 1977, bà Anh được vợ chồng chị ruột là bà Phạm Thị Hương và ông Huỳnh Thuận Thảo cho 9.000 m2 đất nông nghiệp để trồng lúa. Khu đất này có mặt tiền khoảng 40 m trên tuyến đường Phú Lộc đi Ngã Năm nên gia đình bà Anh cất một căn nhà nhỏ để sinh sống.
Ba lao 28 nam doi lai 9.000 m2 dat vi chi duoc boi thuong vai chuc trieu dong
 Bà Anh trình bày vụ việc.
Năm 1977, Nhà nước trưng dụng và quy hoạch đất của bà Anh và 2 hộ giáp ranh (cùng là con của bà Hương) là ông Huỳnh Thanh Vũ (15.000 m2) và Huỳnh Thành Minh (19.056 m2) để làm xưởng cơ khí với trạm máy kéo của Phòng Nông nghiệp huyện Thạnh Trị. Năm 1993, UBND huyện Thạnh Trị có kế hoạch đền bù cho 3 người này nhưng các hộ chỉ yêu cầu lấy lại đất vì đất bỏ trống.
“Xưởng cơ khí và trạm máy kéo hoạt động được 10 năm thì giải thể. Khi đó, nhà xưởng được tháo đi để lại mảnh đất trống, tôi thấy Nhà nước bỏ hoang đất lãng phí quá nên đòi lại”, bà Anh trình bày.
Năm 1992, bà Anh tiếp tục đến UBND huyện Thạnh Trị xin lại phần đất bỏ hoang để các con cất nhà vì mọi người lúc này phải thuê chỗ ở. Năm 1993, UBND huyện Thạnh Trị mời bà Anh đến để giải quyết bồi thường với giá chỉ có 3.750 đồng/m2 nên 9.000 m2 đất của bà Anh chỉ có 33,75 triệu đồng.
“Chính quyền bồi thường giá thấp quá nên tôi không nhận. Năm 1994 lô đất của tôi tiếp tục được làm thành sân bóng đá. Nói là sân bóng đá nhưng thực chất chỉ dựng lên 2 cái khung thành bằng sắt, sau 5 năm thì khung sắt cũng bị sét và gãy rụng, phần đất của tôi tiếp tục được bỏ hoang đến nay”, bà Anh trình bày.
Theo hồ sơ phóng viên có được, ngày 12/6/2013, UBND huyện Thạnh Trị có quyết định số 852, bồi hoàn cho bà Anh 87,7 triệu đồng. Số tiền này theo thông báo ngày 20/12/2012 của Thanh tra huyện Thạnh Trị thì là 33,75 triệu đồng đền bù theo quyết định cũ và phần còn lại là lãi suất gửi ngân hàng gộp vào vốn hàng năm. Với số tiền này được cho là quá ít nên bà Anh không nhận và địa phương tiếp tục gửi ngân hàng.
Ba lao 28 nam doi lai 9.000 m2 dat vi chi duoc boi thuong vai chuc trieu dong-Hinh-2
 Khu đất của gia đình bà Anh trước đây, đang bị bỏ hoang hàng chục năm.

“Tôi có 10 người con, trong đó 6 người không có nhà ở. Do hoàn cảnh gia đình thiếu trước hụt sau, các con lớn của tôi phải đi làm thuê, 2 người đến tuổi nghĩa vụ quân sự dù không biết chữ nhưng vẫn đi phục vụ quân đội theo yêu cầu, còn nữ thì 3 đứa con đầu không biết chữ do phải đi làm thuê kiếm tiền nuôi các em ăn học. Đó là những tổn thất về tinh thần mà tôi phải trải qua trong cuộc đời, giờ tôi chỉ có yêu cầu là đền bù lô đất của tôi theo đúng giá trị hiện tại hoặc trả lại đất cho tôi vì khu đất này bỏ hoang hàng chục năm, có mọc um tùm”, bà Anh chia sẻ mong muốn rất thực tế.
Những ngày gần đây, bà Anh thấy một nhóm thợ hồ đến xây tường rào xung quanh khu đất của bà và 2 người trong thân tộc. Không biết địa phương sử dụng đất này vào mục đích gì nên bà Anh lo lắng, sợ giao cho doanh nghiệp nên người phụ nữ 77 tuổi tiếp tục đi gửi đơn đòi lại đất.
Trao đổi với phóng viên, ông Trương Vũ Phương, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Trị cho biết đã nhận được đơn của bà Anh. Ông Phương đã giao cho Thanh tra kết hợp với Phòng TN&MT, UBND thị trấn Phú Lộc kiểm tra hồ sơ để xem xét xử lý đơn của bà Anh.
Ba lao 28 nam doi lai 9.000 m2 dat vi chi duoc boi thuong vai chuc trieu dong-Hinh-3
 Huyện Thạnh Trị cho xây hàng rào xung quanh khu đất.

“Khu đất này huyện quy hoạch làm sân bóng đá và khu thi đấu đa năng. Một số hộ cho Nhà nước sử dụng đất nhưng không chịu nhận tiền bồi hoàn nên gửi ngân hàng. Người dân nêu ý kiến nếu bán đấu giá hoặc sử dụng vào mục đíc kinh doanh thì phải trả lại đất cho họ. Chỗ này tôi kế thừa xử lý vì vụ việc đã mười mấy năm rồi. Huyện không giao cho doanh nghiệp đâu, chúng tôi làm hàng rào bảo vệ khu đất vì trâu bò vào sân bóng nên rào lại để quản lý. Sau này cò điều kiện sẽ làm nhà thi đấu đa năng, hiện ngân sách khó khăn nên làm từng bước, làm hàng rào trước”, ông Phương nói.

Gia Hân

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN