PGS Vũ Văn Tuyển người đột phá trong bảo vệ đê điều
PGS Vũ Văn Tuyển là người đầu tiên phát triển phương pháp xử lý tổ mối ngầm trong thân đê không cần đào bới, mở hướng tiếp cận mới trong bảo vệ đê điều.
Giữa những năm 1970, tình trạng mối phá hoại đê điềutrở thành bài toán nan giải đối với ngành thủy lợi Việt Nam. Mối đục khoét tạo thành các khoang rỗng bên trong thân đê, khiến công trình trở nên suy yếu và có nguy cơ bị vỡ khi lũ về. Trước tình hình đó, Viện Khoa học Thủy lợi đã giao cho cố PGS.TS Vũ Văn Tuyển – lúc bấy giờ là một kỹ sư địa chất mới chuyển sang nghiên cứu mối – nhiệm vụ tìm ra một phương pháp hiệu quả để xử lý mối trong thân đê.
Thời điểm đó, tài liệu về mối rất hạn chế, phần lớn chỉ là sách cũ bằng tiếng Pháp. Tuy nhiên, với tinh thần đổi mới, ông Tuyển đã mạnh dạn thử nghiệm áp dụng phương pháp địa vật lý nhằm phát hiện tổ mối ngầm mà không cần đào bới thân đê – một ý tưởng bị coi là “liều lĩnh” vào thời điểm ấy. Sau nhiều tháng miệt mài nghiên cứu và kiểm chứng thực địa ở xã Thượng Thanh (Gia Lâm, Hà Nội), ông đã thành công trong việc xác định chính xác vị trí tổ mối trong thân đê. Phương pháp này không chỉ mang lại kết quả vượt mong đợi mà còn mở ra một hướng đi hoàn toàn mới cho ngành phòng chống mối.
Cấu trúc một tổ mối được tìm thấy trong thân đê
Đồng thời, cố PGS.TS Vũ Văn Tuyển còn kết hợp phương pháp địa vật lý với kỹ thuật phun vữa sét để bịt kín các khoang tổ mối và hệ thống hang giao thông của chúng bên trong thân đê.
TS Nguyễn Tân Vương – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình, học trò của ông Tuyển – đã giải thích: “Cách mạng của phương pháp này là không phải đào bới trong thân đê mà vẫn lấp được khoang rỗng. Giáo sư Tuyển chính là người đã nghiên cứu ra phương pháp tìm khoang tổ mối và phụt thuốc vào khoang tổ để diệt mối. Bước thứ hai là phụt vữa sét vào khoang tổ để cho vữa đi khắp các hang giao thông rồi lấp kín lại, tránh tạo thành ẩn họa sau này cho thân đê đập.”
TS Vương cũng nhấn mạnh sự vượt trội của phương pháp này so với cách làm cũ:
“Trước những năm 80, người ta đào bắt mối chúa – nhưng không xử lý được các khoang phụ và hệ thống giao thông ngầm, nên thân đê vẫn bị rò nước. Phương pháp của thầy Tuyển đã xử lý tận gốc, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.”
Cũng theo TS Nguyễn Tân Vương, chính sự hiệu quả rõ rệt và thuyết phục của phương pháp này đã dẫn đến việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu Phòng trừ mối thuộc Viện Khoa học Thủy lợi – nơi phát triển, hoàn thiện và triển khai phương pháp này trên quy mô toàn quốc:
“Giáo sư Tuyển cố gắng chứng minh phương pháp này là đúng đắn và có hiệu quả trong ngành quản lý đê đập. Sau đó, người ta mới cho phép thành lập Trung tâm, từ đó có đề tài, có kinh phí, và chúng tôi nâng cấp dần phương pháp này lên.”
Phương pháp xử lý mối của cố PGS.TS Vũ Văn Tuyển đã được áp dụng thành công ở hàng trăm tuyến đê, hồ chứa lớn nhỏ trên cả nước – từ đồng bằng sông Hồng cho đến các công trình thủy lợi ở miền Trung và Tây Nguyên. Không chỉ giúp phát hiện và xử lý mối hiệu quả, phương pháp này còn giảm thiểu xâm phạm thân đê, rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm kinh phí và đảm bảo an toàn bền vững cho công trình.
Cố PGS.TS Vũ Văn Tuyển trong niềm vui khi phương pháp xử lý mối của mình đã giúp ích cho rất nhiều công trình
Đặc biệt, phương pháp này đã được chọn để xử lý mối cho Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch – một địa điểm có yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật bảo tồn, an toàn và giữ nguyên hiện trạng. Thành công tại đây đã khẳng định thêm độ tin cậy và tính ứng dụng thực tiễn cao của kỹ thuật do ông Tuyển phát triển.
Cố PGS.TS Vũ Văn Tuyển (bên phải) trong Hội nghị tổng kết 5 năm phòng trừ mối bảo vệ di tích Bác Hồ
Để tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai rộng rãi, ông còn là người đề xuất và xây dựng Tiêu chuẩn ngành 14-TCN-88-93 về “Thành phần khối lượng khảo sát và xử lý mối gây hại đập đất”. Tiêu chuẩn có hiệu lực từ năm 1994, quy định rõ các bước bắt buộc trong công tác phòng chống mối cho đê đập – từ khảo sát, phát hiện, xử lý, đến nghiệm thu – và từ đó trở thành căn cứ quan trọng trong thiết kế, thi công, bảo trì các công trình thủy lợi.
Tiến sĩ Nguyễn Tân Vương chia sẻ thêm: “Tôi nhớ thời kỳ đầu, cơ sở nghiên cứu mối của chúng tôi chỉ là một tổ bộ môn nhỏ. Sau khi Cố Phó giáo sư Tuyển chứng minh được hiệu quả và tính đúng đắn của phương pháp, thì Trung tâm Nghiên cứu Phòng trừ mối mới được thành lập. Từ đó, chúng tôi mới có thể thực hiện được các đề tài, có kinh phí hoạt động và nâng cấp dần phương pháp xử lý mối lên tầm chuyên nghiệp.”
Ngoài địa vật lý và phun vữa sét, ông Tuyển còn tiên phong thử nghiệm các phương pháp hiện đại khác như sử dụng đồng vị cacbon để định tuổi tổ mối, phục vụ cho việc đánh giá mức độ nguy hiểm và khả năng tái hoạt động của tổ. Những phương pháp này tiếp tục được các học trò của ông, trong đó có TS Nguyễn Tân Vương, kế thừa và phát triển trong các đề tài cấp Nhà nước sau này.
Bằng những đóng góp tiên phong ấy, phương pháp xử lý mối do cố PGS.TS Vũ Văn Tuyển đặt nền móng không chỉ là bước ngoặt trong ngành thủy lợi Việt Nam, mà còn là một di sản khoa học quý giá, giúp bảo vệ an toàn cho hàng ngàn công trình đê đập suốt nhiều thập niên.
Mời quý độc giả đón xem video phỏng vấn TS Nguyễn Tân Vương về phương pháp phòng trừ mối do PGS.TS Vũ Văn Tuyển phát kiến.
Cố GS Thái Trần Bái: Cây đại thụ ngành động vật học Việt Nam
GS.TSKH.NGND Thái Trần Bái, nhà sinh học đầu ngành về động vật đất, là hình mẫu thầy giáo tận tụy, lặng lẽ tạo dấu ấn lớn trong khoa học Việt Nam thế kỷ XX.
Chân dung cố GS.TSKH.NGND Thái Trần Bái
Từ một tuổi thơ lam lũ đến người “gieo hạt” tri thức
GS Đặng Trung Thuận: Người mở đường cho ngành địa chất học Việt Nam
GS.TSKH Đặng Trung Thuận – một học giả tận tụy, người thầy mẫu mực, người đã đặt những nền móng đầu tiên và bền bỉ vun đắp cho ngành Địa chất học và Địa hóa học ở Việt Nam suốt gần 60 năm.
Từ mảnh đất văn võ đến giảng đường khoa học
Sinh ra và lớn lên ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định – vùng đất nổi tiếng về truyền thống học hành và khí chất anh hùng – GS. TSKH Đặng Trung Thuận mang trong mình khát vọng dựng xây đất nước bằng con đường tri thức ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau khi tốt nghiệp phổ thông tại trường cấp 3 Phù Cát, năm 1954 ông tập kết ra Bắc, tiếp tục học tập và thi đỗ vào khoa Địa chất, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây là nơi ông đặt những viên gạch đầu tiên cho hành trình khoa học bền bỉ sau này.
GS.TS Đặng Lương Mô: 'Trái tim tôi đập theo nhịp đất nước'
“Tôi về nước không phải vì hết việc để làm ở Nhật, mà vì tim tôi vẫn luôn đập theo nhịp của đất nước mình”, GS Đặng Lương Mô chia sẻ.
GS.TS Đặng Lương Mô – nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực vi mạch, người đặt nền móng đầu tiên cho ngành thiết kế vi mạch tại Việt Nam – đã từ trần ngày 6/5 sau nhiều tháng lâm trọng bệnh, phải điều trị dài ngày tại Bệnh viện Quân y 175, hưởng thọ 89 tuổi. Suốt hành trình hơn bốn thập kỷ sống, nghiên cứu, giảng dạy ở Nhật Bản và hơn 20 năm cuối đời cống hiến vô vị lợi cho quê hương, ông để lại di sản quý báu: một thế hệ kỹ sư trẻ trưởng thành từ “những hạt giống đỏ”, và một lý tưởng không bao giờ tắt về giấc mơ chip “made in Vietnam”.
GS.TS Đặng Lương Mô - nhà khoa học với trái tim luôn đập vì đất nước.