Dịch vụ đi chợ hộ: Có tiện nhưng chưa lợi

Tiết kiệm thời gian và công sức đi chợ cho khách hàng, nhưng các dịch vụ đi chợ hộ hiện nay vẫn còn hạn chế về nguồn hàng.
Hầu hết nữ nhân viên văn phòng khi được hỏi đều đánh giá cao tính tiện lợi của dịch vụ đi chợ hộ. Dù vậy, rõ ràng việc nhờ một người khác đi chợ thay và mình không trực tiếp có mặt tại siêu thị để lựa đồ chắc chắn có nhiều bất lợi.
Chị Phương Uyên (Quận Tân Bình, TP.HCM) sử dụng dịch vụ GrabMart để đi chợ. Chị Uyên chỉ cần lên ứng dụng, chọn lựa hàng hoá từ các siêu thị như BigC, Coop Mart, Lotte,... và một số cửa hàng khác rồi chọn thanh toán qua ví hoặc tiền mặt. Sau đó, nhân viên giao hàng sẽ đến siêu thị lấy hàng và vận chuyển tới cho chị.
Thao tác trên ứng dụng rất dễ dàng, ngồi tại nhà hay văn phòng để mua đồ ăn thức uống, trả mức phí không cao, chị Uyên và nhiều người khác đang chọn các dịch vụ đi siêu thị qua ứng dụng do tính tiện lợi của chúng.
Dù tiện như vậy nhưng không phải lúc nào trải nghiệm cũng như ý. Chẳng hạn, chị Uyên dùng GrabMart đặt mua hàng của một siêu thị nhưng cả hai lần đều phải huỷ đơn.
Ở lần đầu tiên, chị Uyên đặt 3 món hàng nhưng tài xế thông báo tại siêu thị chỉ còn 2 món, do đó chị Uyên quyết định không mua nữa. Lần hai, tài xế đến siêu thị này và cho biết đã ngồi chờ 30 phút nhưng nhân viên siêu thị chưa giao hàng nên phải huỷ.
“Nhìn chung tôi dùng dịch vụ đi chợ hộ do tính tiện lợi, nhưng hàng hóa trên ứng dụng hơi ít, nhất là thiếu đồ tươi sống. Nhiều lúc muốn mua nhiều nhiều đỡ phí tiền vận chuyển hoặc để hưởng ưu đãi mà chả có gì để mua”, chị Uyên nói.
Chị Thanh Nga (Quận 12, TP.HCM) hay mua hàng tươi sống trên Now và cho biết hiện vẫn hài lòng do “giao hàng nhanh, shipper lễ phép”.
Dich vu di cho ho: Co tien nhung chua loi-Hinh-2
 
“Tôi chưa có trải nghiệm tệ nào, có lẽ do đặt hàng mối quen trên ứng dụng này”, chị Nga nói. Dù vậy, chị cho hay có xảy ra tình trạng thiếu món hàng nào đó nên nhân viên chăm sóc khách hàng phải bỏ ra khỏi đơn.
Người viết bài này cũng có một số lần đặt hàng trên Now nhưng đều không hoàn toàn như ý. Một lần phải đổi món sữa làm bánh sang một loại khác, lần sau đặt một hộp hạt khô tổng hợp nhưng tài xế đến cửa hàng thì gọi thông báo hết hàng.
Chị Minh Xuân (Bình Thạnh, TP.HCM) từng sử dụng các dịch vụ của Market ơi, Chopp, GrabMart. Chị cho biết dùng Chopp thì cần "đi chợ" trước vài tiếng hoặc một ngày, để hẹn giờ phù hợp giao hàng.
“Giao hàng sau 6 giờ tối sẽ phải trả thêm phí hơi bất lợi. Nếu giao hàng trước đó thì phải nhận ở văn phòng, mang về khá lỉnh kỉnh, chưa kể thịt cá thì cần bảo quản lạnh”, chị Xuân chia sẻ.
Chị cho biết Choop có nhiều mặt hàng, nhưng khi đặt hàng nếu không để ý thì có thể mua nhầm ở nhiều siêu thị khác nhau, dẫn đến phí dịch vụ cao. Ngoài ra, ứng dụng này chưa có thanh toán trực tuyến, nếu trả trực tuyến thì phải qua hình thức chuyển khoản cho anh giám đốc nên hơi bất tiện.
Chị Xuân bổ sung thêm rằng ứng dụng Market ơi đúng nghĩa nhờ một người đi chợ hộ, muốn dặn dò trao đổi chọn lựa gì cũng rất dễ. Song phí dịch vụ cao, thường được người nước ngoài tại Việt Nam sử dụng.
Dịch vụ đi chợ trên ứng dụng đã có mặt tại Việt Nam vài năm nay, tiêu biểu có Now, Chopp, Market ơi,... tuy nhiên chỉ khi Grab ra mắt dịch vụ GrabMart thì trào lưu mới được nhắc đến và sử dụng nhiều hơn.
Tuy vậy, do mới ra mắt nên hàng hoá và đối tác trên Grab chưa nhiều. Hàng hoá trên ứng dụng này do đối tác chủ động đưa lên. Chẳng hạn siêu thị cũng có một ứng dụng, họ có thể đưa lên hàng mới hoặc gỡ xuống sản phẩm đã hết hàng. Việc xảy ra tình trạng mua 3 món nhưng thiếu hàng 2 món như đề cập ở trên, theo Grab, có thể do đối tác chưa kịp gỡ khỏi ứng dụng các mặt hàng đã hết.
Một dịch vụ tương tự nhưng ra đời lâu hơn, lượng đối tác lớn là NowFresh của Now. Dịch vụ có cách đây vài năm, cũng xây dựng hệ thống đối tác chính thức như GrabMart. Nhưng trên ứng dụng cũng có nhiều cửa hàng do Now tự đưa lên, do đó khi khách đặt hàng thì tài xế đến cửa hàng mua như khách bình thường, sau đó chuyển hàng đến cho người mua.
Hệ luỵ là việc cập nhật hàng hoá không nhanh chóng. Hàng trên ứng dụng có thể vẫn còn nhưng trên thực tế ở các cửa hàng đã hết.
Ứng dụng be cũng ra mắt be Đi chợ (be Shopping) cùng giai đoạn với GrabMart, vào khoảng thời gian dịch bệnh diễn ra tại Việt Nam. Hiện nay tính năng này đã được nâng cấp so với thời điểm ra mắt, cho phép khách chọn lựa hàng hoá từ các cửa hàng, quán ăn, quán cà phê,... tuy nhiên hàng hoá vẫn còn chưa đa dạng.
Nhìn chung đa số các ứng dụng cung cấp hàng hoá thực phẩm đều đáp ứng cơ bản nhu cầu người sử dụng, tiện và tiết kiệm thời gian, nhưng hàng hoá vẫn chưa đầy đủ.
“Có 3 lý do tôi chưa chọn dùng các ứng dụng đi chợ. Một là cửa hàng trên các app khá hạn chế. Hai là sợ đồ không tươi ngon như ý mình. Thêm nữa là các cửa hàng tạp hoá giờ quá nhiều, đi 5 phút là tới”, chị Thu Vân, nhân viên văn phòng làm việc tại Quận 7, TP.HCM nêu ý kiến.
Theo Hải Đăng/Vietnamnet

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN