Thép Vicasa lãi quý 2 tăng gấp 3 lần, vẫn lo "gãy" kế hoạch năm

Dù kết quả kinh doanh quý 2 tăng trưởng mạnh cả doanh thu và lợi nhuận, Thép Vicasa vẫn lao đao vì bị ngừng sản xuất gần 4 tháng, khó đạt mục tiêu năm 2025.

CTCP Thép Vicasa - Vnsteel (HOSE: VCA) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2025 với kết quả kinh doanh tích cực, ghi nhận tăng trưởng mạnh cả doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, song song với tín hiệu hồi phục, công ty đang phải đối mặt với rủi ro lớn do bị đình chỉ sản xuất gần 4 tháng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hoàn thành kế hoạch cả năm.

Theo đó, trong quý 2/2025, Thép Vicasa ghi nhận doanh thu thuần đạt 574 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất trong vòng 13 quý trở lại đây, kể từ quý 1/2022. Kết quả tăng trưởng đến từ sản lượng tiêu thụ tăng mạnh 73%, cho thấy sự phục hồi rõ rệt từ nhu cầu thị trường thép xây dựng sau giai đoạn trầm lắng.

Lợi nhuận gộp trong kỳ đạt gần 13 tỷ đồng, tăng 106% so với quý 2/2024 nhờ biên lợi nhuận cải thiện lên 2,2%. Sau khi trừ các chi phí, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 1,93 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ (648 triệu đồng), tương đương mức tăng trưởng gần 198%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, Vicasa đạt doanh thu thuần 885 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, do chi phí quản lý tăng cao, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 2,6 tỷ đồng, tăng 14%, và lợi nhuận sau thuế đạt gần 2 tỷ đồng, chỉ nhích nhẹ 9,1%.

Công ty đã hoàn thành 54% kế hoạch doanh thu và 51% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2025, là mức tích cực xét trong bối cảnh nửa đầu năm.

Tính đến cuối quý 2/2025, tổng tài sản của Vicasa đạt 363 tỷ đồng, tăng 13,4% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng mạnh từ 63 tỷ đồng lên 110 tỷ đồng. Hàng tồn kho cũng tăng nhẹ.

Nợ phải trả tăng hơn 41 tỷ đồng, lên mức 169 tỷ đồng chủ yếu do tăng Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn lên hơn 91%, đạt gần 116 tỷ đồng, trong khi công ty không có nợ dài hạn. Vốn chủ sở hữu đạt 194 tỷ đồng.

anh-man-hinh-2024-12-15-luc-101808-7293.png
Ảnh minh họa

Dù ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan, Vicasa đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng. Ngày 09/05/2025, công ty nhận được Quyết định 1515/QĐ-XPHC của UBND tỉnh Đồng Nai, xử phạt hành chính vì không có giấy phép môi trường.

Nguyên nhân là Vicasa đang hoạt động tại Khu công nghiệp Biên Hòa I – nơi nằm trong diện phải di dời theo chủ trương chuyển đổi công năng của tỉnh Đồng Nai. Do đó, cơ quan chức năng không cấp phép môi trường cho doanh nghiệp.

Theo quyết định, Vicasa bị đình chỉ hoạt động sản xuất trong 3,75 tháng kể từ ngày nhận quyết định, đồng thời buộc di dời đến địa điểm phù hợp với quy hoạch và phân vùng môi trường.

Ngay sau đó, công ty đã tạm ngưng toàn bộ hoạt động sản xuất tại các vị trí lò luyện thép và sàn cán thành phẩm. Các hoạt động sản xuất thép cán và phôi thép đều phải dừng lại, trong khi hoạt động bán hàng và tiêu thụ hàng tồn kho vẫn đang được duy trì tạm thời.

Ban lãnh đạo Vicasa – VNSteel cho biết, việc bị đình chỉ sản xuất trong gần 4 tháng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025, đặc biệt là kế hoạch doanh thu, sản lượng và lợi nhuận.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên, Vicasa đặt kế hoạch đầy tham vọng với sản lượng tiêu thụ thép cán 105.000 tấn, phôi thép 40.000 tấn, hướng tới 5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế – gấp gần 5 lần năm 2024.

Tuy nhiên, với tình trạng gián đoạn sản xuất gần 4 tháng, ban lãnh đạo thừa nhận “rất khó hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2025.

Trước yêu cầu buộc phải di dời, Vicasa đã đề xuất các phương án di dời nhà máy và đang chờ Tổng Công ty Thép Việt Nam – cổ đông lớn nắm 65% vốn trình lên các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Công ty khẳng định sẽ thông báo ngay khi có phương án chính thức được duyệt. Trong bối cảnh bị hạn chế giấy phép môi trường và không thể hoạt động lâu dài tại KCN Biên Hòa I, việc sớm có hướng di dời rõ ràng là yếu tố sống còn với Vicasa trong thời gian tới.

Bamboo Airways có tân Chủ tịch HĐQT sau đại hội bất thường

Ông Phạm Ngọc Vịnh – người có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, bất động sản và điều hành doanh nghiệp vừa được bầu làm Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways.

Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt – Bamboo Airways vừa tổ chức phiên họp đầu tiên nhiệm kỳ 2023–2028 và thống nhất bầu ông Phạm Ngọc Vịnh giữ chức Chủ tịch HĐQT, thay cho ông Phan Đình Tuệ, người đã xin từ nhiệm để tập trung vào các nhiệm vụ khác.

Động thái thay đổi nhân sự cấp cao này diễn ra chỉ 4 ngày sau Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 5/7, khi cổ đông thông qua việc miễn nhiệm hai thành viên HĐQT và bầu bổ sung ông Phạm Ngọc Vịnh và ông Vương Công Đức vào HĐQT.

Vinaconex 21 được giao đất làm dự án nhà ở xã hội 3,721 tỷ ở Thanh Hóa

Dự án do liên danh Vinaconex 21 phát triển, với tổng vốn đầu tư 3.721 tỷ đồng, cung cấp gần 2.400 căn hộ NOXH.

CTCP Vinaconex 21 (HNX: V21) vừa công bố đã nhận Quyết định số 2340/QĐ-UBND ngày 30/06/2025 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc giao và cho thuê hơn 2,8 ha đất tại phường Hàm Rồng (trước đây là phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa) để phát triển dự án nhà ở xã hội (NOXH) quy mô gần 2.400 căn hộ.

Dự án được thực hiện theo hình thức liên danh giữa Vinaconex 21, CTCP Viet Incons và CTCP Đầu tư – Thương mại Hà Nội, với tổng mức đầu tư hơn 3.721 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng).