Thép Nam Kim rót thêm 400 tỷ vào siêu dự án Phú Mỹ

Chỉ trong năm 2025, Thép Nam Kim đã hai lần nâng vốn dự án Phú Mỹ, tổng mức đầu tư tăng thêm 1.700 tỷ đồng.

CTCP Thép Nam Kim (HoSE: NKG) vừa công bố Nghị quyết Hội đồng Quản trị về việc điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho dự án Nhà máy thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ. Dự án do Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ – đơn vị thành viên được thành lập từ năm 2022 – làm chủ đầu tư.

Theo cập nhật mới nhất, tổng mức đầu tư dự án được nâng lên 6.200 tỷ đồng, tăng thêm 400 tỷ đồng so với mức 5.800 tỷ đồng đã được điều chỉnh trước đó vào tháng 4/2025. Như vậy, chỉ trong năm 2025, dự án này đã hai lần được điều chỉnh tăng vốn, với tổng mức tăng thêm là 1.700 tỷ đồng so với vốn đầu tư ban đầu là 4.500 tỷ đồng.

Theo Thép Nam Kim, việc tăng vốn lần này nhằm bổ sung đầu tư cho dây chuyền sản xuất thép điện từ Silic, một loại vật liệu chuyên dụng cho các ngành công nghiệp công nghệ cao như động cơ điện, ô tô, máy biến áp và thiết bị điện gia dụng. Đây được xem là bước đi chiến lược để nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời giảm áp lực cạnh tranh trong phân khúc vật liệu xây dựng thông thường.

Dự án sẽ triển khai theo hai giai đoạn và dự kiến hoàn tất vào năm 2027, trong đó nhà máy dự kiến bắt đầu vận hành từ đầu quý 1/2026, với công suất ban đầu 50-60% và tăng dần lên 100% vào năm 2027.

Nhà máy Nam Kim Phú Mỹ được xây dựng tại khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Đại Dương (Bà Rịa - Vũng Tàu) với quy mô công suất thiết kế 1,2 triệu tấn/năm. Dự án bao gồm dây chuyền mạ kẽm công suất 350.000 tấn/năm, hai dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm công suất lần lượt 300.000 tấn/năm và 150.000 tấn/năm, cùng dây chuyền mạ màu 150.000 tấn/năm.

Theo chia sẻ từ lãnh đạo công ty tại Đại hội cổ đông thường niên 2025, nhà máy ứng dụng công nghệ sản xuất hoàn toàn khác biệt với các dây chuyền hiện có trên thị trường, hướng đến phân khúc sản phẩm kỹ thuật cao phục vụ công nghiệp ô tô, điện gia dụng và cơ khí phụ trợ.

thep-nam-kim-nkg-se-lam-ton-silic-chua-tung-co-tai-viet-nam-687834a5af392.jpg
Thép Nam Kim nâng vốn đầu tư dự án nhà máy thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ lên 6.200 tỷ đồng

Dự án này được giao cho Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ, công ty con được thành lập từ năm 2022, làm chủ đầu tư. Cơ cấu vốn đầu tư ban đầu của dự án là 30% vốn góp từ doanh nghiệp (tương đương 1.350 tỷ đồng) và 70% là nợ vay (tương đương 3.150 tỷ đồng).

Để đáp ứng nhu cầu vốn tăng thêm, hồi tháng 1/2025, Thép Nam Kim đã hoàn tất đợt chào bán 131,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, thu về 1.580 tỷ đồng. Tính đến cuối quý 1/2025, tổng giá trị khoản đầu tư của Nam Kim vào công ty con này đã đạt gần 2.080 tỷ đồng.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt ở phân khúc vật liệu xây dựng và ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại, Thép Nam Kim đang có chiến lược dịch chuyển trọng tâm sang sản phẩm thép mạ chất lượng cao, đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe hơn nhưng lại ít đối thủ cạnh tranh. Ban lãnh đạo kỳ vọng các sản phẩm từ nhà máy mới sẽ đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước, đồng thời từng bước mở rộng thị phần xuất khẩu, nhất là trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị gia dụng và phụ tùng ô tô.

Về hoạt động kinh doanh, trong quý 1/2025, Nam Kim ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.090 tỷ đồng, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm mạnh 56,4%, còn 65,4 tỷ đồng. Doanh thu nội địa ghi nhận mức tăng trưởng 23%, đạt 1.983 tỷ đồng, trong khi doanh thu từ xuất khẩu giảm 43% do ảnh hưởng từ thị trường toàn cầu.

Trong năm 2025, Thép Nam Kim đặt kế hoạch tiêu thụ sản lượng đạt 1,05 triệu tấn, doanh thu kỳ vọng 23.000 tỷ đồng, tăng 11,1% so với năm 2024. Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế được đặt ở mức 440 tỷ đồng, giảm 21,1% so với kết quả thực hiện năm trước, phản ánh phần nào áp lực từ chi phí đầu tư và biên lợi nhuận bị co hẹp.

Việc liên tiếp tăng vốn cho dự án Nam Kim Phú Mỹ cho thấy tham vọng dài hạn của Thép Nam Kim trong việc tái định vị thương hiệu và gia tăng sự hiện diện ở phân khúc thép công nghiệp giá trị cao. Dự án này, nếu triển khai đúng tiến độ và vận hành hiệu quả, nhiều khả năng sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính cho công ty trong giai đoạn từ 2026 trở đi.

Cát Bà Amatina có chủ mới sau 15 năm "đắp chiếu"?

Sau hơn một thập kỷ “đắp chiếu”, siêu dự án Cát Bà Amatina được kỳ vọng hồi sinh khi Hà Nội Anpha chi hơn 2.400 tỷ thâu tóm.

Ngày 3/7/2025, Công ty TNHH Sàn Giao dịch Bất động sản Hà Nội Anpha (Hà Nội Anpha) đã chính thức trở thành cổ đông lớn của CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC – UPCoM: VCR) sau khi mua vào hơn 48,43 triệu cổ phiếu VCR, tương đương 23,06% vốn điều lệ doanh nghiệp. Trước giao dịch, công ty này chưa từng nắm giữ cổ phiếu VCR.

Giao dịch được thực hiện theo hình thức thỏa thuận với tổng giá trị hơn 2.402 tỷ đồng, tương ứng mức giá bình quân 49.600 đồng/cổ phiếu – cao hơn gần 10% so với giá thị trường thời điểm công bố.

Công bố thông tin sai lệch, Xuất nhập khẩu Việt Phát bị phạt 235 triệu đồng

Sai phạm công bố thông tin khiến Việt Phát lĩnh án phạt 235 triệu đồng từ UBCKNN, bao gồm công bố thông tin không đúng thời hạn và công bố thông tin sai lệch.

Ngày 07/07/2025, Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 375/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (Tập đoàn Việt Phát, HoSE: VPG).

Cụ thể, VPG bị xử phạt 60 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn liên quan đến Bản án phúc thẩm số 549/2023/HC-PT của Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội về việc khiếu kiện quyết định hành chính trong việc áp dụng thuế, thu thuế, truy thu thuế. Công ty chậm công bố bản án trên hệ thống thông tin của UBCKNN, HoSE và cả trang thông tin điện tử doanh nghiệp.