Theo chân Mỹ, EU trừng phạt mở rộng Nga

(Kiến Thức) - Cùng với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt thêm 12 cá nhân đồng thời hủy bỏ Hội nghị Thượng đỉnh Nga-EU quan trọng cũng như nhiều hội nghị song phương khác với Moscow.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Rompuy cho biết, với việc mở rộng trừng phạt Nga liên quan đến các động thái của nước này tại bán đảo Crimea, danh sách các cá nhân bị xử phạt được nâng lên 33 người. Tương tự Mỹ, vòng trừng phạt bổ sung này của EU bao gồm đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với các đối tượng bị áp dụng.
Khi được phóng viên phỏng vấn, Tổng thống Pháp Francois Hollande từ chối cung cấp chi tiết danh tính các cá nhân vừa bị thêm vào danh sách trừng phạt bổ sung của EU nhưng nhấn mạnh, họ là các nhân vật “quan trọng” ở Nga và Crimea.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy.
Trong một hội nghị thượng đỉnh ở Brussels (Bỉ) hôm qua (20/3), EU cảnh báo sẽ còn tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nữa nếu tình hình ở Ukraine leo thang.
“Chúng tôi đã sẵn sàng để khởi động vòng trừng phạt thứ 3 nếu căng thẳng tại Ukraine tiếp tục leo thang. Đó là các biện pháp trừng phạt kinh tế. Chúng tôi đã yêu cầu Ủy ban châu Âu trong ngày hôm nay để soạn thảo các biện pháp trừng phạt kinh tế tiềm năng”, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Rompuy đã xác nhận, các nhà lãnh đạo EU đã yêu cầu Ủy ban châu Âu chuẩn bị bản đánh giá về ảnh hưởng tiềm tàng của các lệnh trừng phạt kinh tế quy mô lớn nhằm vào Nga. Đồng thời EU cũng đang sẵn sàng để gửi phái đoàn quan sát viên tới Ukraine nếu Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) không thể tiếp tục cử phái đoàn của họ tới đây.
Hội nghị thượng đỉnh EU-Nga vừa bị hủy bỏ từng được dự kiến tổ chức vào ngày 3/6 tại thành phố nghỉ mát Sochi (Nga).

Crimea trả tự do Tư lệnh Hải quân Ukraine

(Kiến Thức) - Giới chức Crimea vừa tuyên bố trả tự do Tư lệnh Hải quân Ukraine Sergei Gaiduk cùng 7 người khác bị lực lượng dân quân tự vệ bắt giữ.

Vào hôm 19/3, nhóm lực lượng thân Nga ở Crimea đã xông vào chiếm đóng trụ sở Hải quân Ukraine tại thành phố cảng Sevastopol ở Crimea mà không vấp phải sự kháng cự nào từ phía lính Ukraine. Sau đó, nhóm người này đã giải ông Sergei Gaiduk rời khỏi trụ sở.
Theo nhiều nguồn tin, ông Gaiduk đã bị đưa tới văn phòng công tố để tra hỏi về việc ông có tuân theo lệnh từ Kiev cho phép binh sĩ Ukraine sử dụng vũ khí để phòng vệ.

Ukraine lệnh các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu

(Kiến Thức) - Bộ Quốc phòng, Cơ quan An ninh và Các lực lượng vũ trang Ukraine đã được lệnh sẵn sàng chiến đấu vì sợ Nga sẽ có thêm các hành động quân sự.

Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Andriy Parubiy đã xác nhận thông tin trên.
Trong một tuyên bố sau cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia, ông Parubiy nhấn mạnh: “Đó là mệnh lệnh chung được áp dụng cho Bộ Nội vụ, Cơ quan An ninh và các lực lượng vũ trang Ukraine để thực thi các quyết định đã được Hội đồng về việc tổng động viên và đặt các lực lượng vũ trang Ukraine trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu”.

Hạ viện Nga phê chuẩn hiệp ước sáp nhập Crimea

(Kiến Thức) - Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) vừa phê chuẩn hiệp ước lịch sử sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Liên bang Nga sau phiên họp hôm nay.

Tổng cộng có 443 đại biểu Duma Quốc gia Nga ủng hộ hiệp ước và chỉ có một phiếu chống. Theo quy định, tối thiểu 300 phiếu thuận thì hiệp ước sẽ được thông qua. Hiệp ước được áp dụng tạm thời kể từ ngày ký kết và chính thức có hiệu lực kể từ ngày nó được phê chuẩn.
Trước đó, Tổng thống Putin đã ký hiệp ước với Thủ tướng Crimea Sergei Aksyonov và các nhà lãnh đạo khác của Crimea tại một buổi lễ ở Kremlin ngày 18/3 trước sự chứng kiến của lưỡng viện quốc hội ngay sau khi cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào ngày 16/3 tại bán đảo này kết thúc với kết quả 96,7% cử tri ủng hộ sáp nhập Nga.
Tổng thống Putin đọc diễn văn về cuộc sáp nhập lịch sử ngày 18/3.
 Tổng thống Putin đọc diễn văn về cuộc sáp nhập lịch sử ngày 18/3.