Tân hôn hào hứng, chồng thú nhận vô sinh

Tôi đã ngỡ mình nghe nhầm hoặc có thể chồng tôi vì quá lo lắng mà nói nhầm. Nhưng không, anh lặp lại anh không có khả năng sinh con...

Choáng váng, sốc, hụt hẫng như bị đẩy rơi xuống tận đáy địa ngục, cảm giác bị lừa dối… Tôi vẫn còn quay cuồng với mớ bòng bong này. Không biết nên làm gì tiếp theo đây. Tôi chỉ mới cưới có một ngày.
27 tuổi tôi đi lấy chồng. Anh hơn tôi 7 tuổi. Tưởng chừng mình là người phụ nữ hạnh phúc nhất khi có được người đàn ông hết mực yêu chiều mình, luôn tâm lý, được cả bố mẹ chồng và cả anh chị em bên chồng ra sức tái hợp, yêu mến. Ngày hôm qua, tôi đã khiến đám bạn thời cấp ba ở quê và cả những người bạn đại học của mình phải ghen tỵ khi xúng xính trong chiếc váy cưới đắt tiền, cùng chồng bước vào khán phòng trang hoàng rực rỡ dưới sự chứng kiến đầy đủ người thân, quan khách. Ngày hôm qua – ngày mà tôi đã chờ đơi sau ba năm yêu nhau, tôi đã tưởng mình là cô dâu hạnh phúc nhất. Nhưng thật nghiệt ngã và chẳng ai có thể ngờ….
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Khi tiệc tàn. Khách tan. Hai chúng tôi về phòng tân hôn ngay tại khách sạn 5 sao nơi tổ chức tiệc cưới, sau một ngày bận rộn và mệt nhoài, khỏi phải nói dù mệt nhưng tôi vẫn tỏ ra phấn khích, cười nói và thể hiện cho chồng mình thấy rằng tôi vui sướng khi được làm vợ của anh đến thế nào. Tôi bối rối, e ấp chờ đợi giây phút đêm tân hôn. Nhưng rồi đột nhiên, chồng lặng lẽ đến bên ngồi cạnh tôi và nói ngập ngừng:
“Vợ ơi, có điều này anh muốn nói cho vợ biết. Hy vọng vợ hiểu và thông cảm, được không?”
Điều gì đã xảy ra với anh vậy? – tôi chỉ biết hỏi chồng mình như vậy.
“Sự thật, anh là người vô sinh. Anh không có khả năng sinh con. Anh không thể cho em được làm mẹ………”
Tôi đã ngỡ mình nghe nhầm hoặc có thể chồng tôi vì quá lo lắng mà nói nhầm. Nhưng không. Sau câu hét toáng của tôi “Cái gì”, anh đã lặp lại rõ hơn từng từ từng chữ một rằng anh không có khả năng sinh con.
Bộ váy cưới vẫn còn trên người chưa kịp được chồng mới cưới cởi hộ. Lớp trang điểm vẫn còn trên khuôn mặt tôi chưa kịp rửa nhưng giờ phút ấy có lẽ những giọt nước mắt như mưa tuôn cũng đã làm phai bớt phần nào. Có ai đã từng rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã như tôi chưa vậy. Hãy cho tôi một lời khuyên nên làm gì bây giờ. Đêm tân hôn của tôi đã trở thành ác mộng. Không có giây phút động phòng. Không có niềm vui, hạnh phúc. Tôi phải làm gì bây giờ đây. Đau khổ và hận người chồng mới cưới của mình quá. Nhưng nghĩ đến nét mặt trắng bệch, cúi gằm nhìn xuống trong im lặng của anh khi tôi hỏi “Tại sao anh không em biết sớm hơn” là lòng tôi lại nhói đau.

Em “là gì” của anh?

Em bỗng tự vấn, xem những khoảnh khắc nào là không thể quên trong đời. Để rồi bàng hoàng nhận ra, ngập ngời trong ký ức là hình ảnh anh...

Trong phim, cô gái nhất quyết từ hôn, vì câu trả lời của vị hôn phu về ký ức đẹp nhất trong đời không phải là mình, mà về một bàn thắng thể thao từng ghi được. Đó cũng là lần đầu tiên, cả anh và em nhất trí với nhau, tình huống ấy là ngớ ngẩn, không thật. Đàn ông mà, làm sao đủ tâm trí để lãng mạn như kiểu chị em đòi hỏi được cơ chứ! Rồi anh hỏi, em xem anh chàng kia có đáng bị “xử” như vậy không?

Trước anh, em giả vờ im lặng, chăm chú vào những pha hài hước trên màn ảnh. Nhưng, trong suy nghĩ, em vẫn ủng hộ quyết định của vai nữ chính. Em cũng băn khoăn, vậy ký ức đẹp nhất của anh là gì, với ai, có liên quan chút nào đến hai mẹ con em không?

Em bỗng tự vấn, xem những khoảnh khắc nào là không thể quên trong đời. Để rồi bàng hoàng nhận ra, ngập ngời trong ký ức là hình ảnh anh, đơn giản và đời thường đến không tin được.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Hồi đó, em “là gì” của anh. Một buổi tối anh chạy ngang nhà, điện thoại kêu em ra, chỉ để dúi vào tay em hộp sô cô la đẹp đẽ. Giải thích lý do, anh bảo đi dự sự kiện về, người ta tặng cho khách mời với lời dặn: hãy mang về cho người thân yêu nhất. Ngay giây phút đó, anh đã nghĩ đến em. Chắc anh không thể ngờ là, bao năm qua rồi, hộp kẹo ấy em vẫn còn giữ nguyên, chỉ thi thoảng tháo nơ ra để ngắm nghía, để biết thấy đời này kiếp này, được yêu anh là phần phước của riêng em…

Em nhớ lần đầu tiên chúng mình đi ăn tối, khi đi bộ anh đã hai lần đổi bên, để em có thể an tâm mà nép vào phía không xe lúc qua đường… Nhỏ nhặt thôi, mà em mãi không quên. Cảm giác xúc động lúc ấy, chắc nói ra anh cũng không tin là em… sến tới mức đó! Một lần, anh đội mưa mang đến cổng công ty em mấy ly sương sa hột lựu ngọt lừ. Món chè đó, sau này bao nhiêu dịp em nếm lại, vẫn không sao tìm được cảm giác khó tả hôm đó.

Ngày em báo tin mình mang thai, anh đã chở em đến tiệm bán đầm bầu, kiên nhẫn ngồi chờ em thử hết cái này đến cái khác. Tiệm hoành tráng, toàn hàng đẹp, mấy cô nhân viên chu đáo ân cần, chỉ có em là vụng về lóng ngóng. Khi em đứng lên cái bục lớn, bối rối xoay một vòng để anh ngắm, anh đã buột miệng khen, em đẹp giống như cô dâu đang thử áo cưới. Em đã lặng nhìn anh rất lâu, hạnh phúc tràn lên mi mắt, không sao kìm giữ được. Không có sự so sánh nào làm em bất ngờ đến vậy. Bởi, mình đã không may mắn có được cùng nhau một đám cưới đầy đủ, rỡ ràng. Giây phút ấy, em biết mình thật sự thuộc về anh, vĩnh viễn là người đàn bà của riêng anh mà thôi.

Năm đó, khi con một tháng bốn ngày, em ra ngoài lần đầu tiên sau khi sinh, mới có “cơ hội” nhìn thấy anh lọng cọng ẵm con trên đôi tay vạm vỡ, đưa qua đưa lại, dỗ dành. Giọng đàn ông rổn rảng hát một bài nhạc, đâu như là… Tiếng chày trên sóc Bombo để ru con. Kỳ lạ thay, thằng nhóc vốn hay ra rả khóc lại nằm im trên tay ba nó, vẻ như lắng nghe! Hình ảnh cha con ấm áp đó, tuy buồn cười mà in dấu mãi lòng em.

Bình yên làm sao khi em nhận ra, ký ức về anh ngập tràn quanh em. Hôm qua. Hôm nay. Và mãi mãi.

Bị vợ “đánh úp”

Tôi có cảm giác vợ tôi muốn có con chỉ để giữ chân tôi ở nhà. Tại sao phụ nữ cứ ưa rước thêm vất vả vào thân? 

Kính chào chị Hạnh Dung! 

Vợ chồng tôi cưới nhau được bốn năm, do hoàn cảnh, tôi phải đi làm xa nhà hơn 50km, mỗi tuần tranh thủ lắm mới về nhà được một lần.

Vợ tôi hiền lành, chịu khó. Tôi muốn đi làm một thời gian, kinh tế gia đình tạm ổn định, xây được nhà rồi mới có con, nhưng cô ấy thì muốn có con ngay. Hiện hai vợ chồng đang ở nhà thuê, cô ấy mở tiệm làm đầu. Nếu có con mà vợ một nơi chồng một nẻo tôi cũng không yên tâm. Thế nhưng, tôi nói sao cô ấy cũng không chịu nghe, còn cho là tôi ưa đi đây đi đó, cô này cô nọ nên không muốn có con. Tôi có cảm giác vợ tôi muốn có con chỉ để giữ chân tôi ở nhà. Tôi về địa phương thì thu nhập chẳng đáng là bao, chẳng biết bao giờ khá được. Đợt mới đây tôi về thăm nhà, cô ấy chủ động “đánh úp”, rồi tuyên bố là đã có thai. Tại sao phụ nữ cứ ưa rước thêm vất vả vào thân? Tôi phải làm gì bây giờ?

Nguyễn Tài (Phan Thiết)

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Anh Nguyễn Tài thân mến!

Đầu tiên là chúc mừng anh lên "chức" bố, dù chưa thật sự sẵn sàng. Từ góc độ một người phụ nữ, Hạnh Dung mong anh sẽ không ép vợ phải phá thai, phải “chờ cho ổn định” rồi mới có con. Hạnh Dung hiểu nỗi khao khát làm mẹ của phụ nữ, đó là thiên chức, là tình cảm thiêng liêng mãnh liệt mà chỉ phụ nữ mới cảm nhận được hết. Rồi anh sẽ thấy, khi đứa con trong bụng vợ lớn dần, tình cảm làm cha trong anh cũng sẽ lớn theo.

Anh, với “tầm nhìn chiến lược” của đàn ông, đã quy ước khi nào ổn định kinh tế mới có con. Nhưng vợ anh cũng có cách nhìn riêng của chị: tuổi sinh nở của phụ nữ có giới hạn, sinh con khi tuổi mẹ đã lớn, khó khăn nhiều bề mà đứa trẻ chưa hẳn khỏe mạnh, thông minh như khi được sinh ra trong thời kỳ sung sức nhất của người mẹ. Sinh con là một chuyện, nuôi dưỡng, dạy dỗ con cũng cần nhiều thời gian. Vì vậy, việc chị mong muốn sinh con ngay từ bây giờ là có thể hiểu được. Cũng nhiều người vợ muốn có con để giữ chân chồng, nhưng đó không phải là lý do đầu tiên hay duy nhất. Đứa con là mối dây thiêng liêng gắn kết vợ chồng, là yếu tố làm nên một gia đình đầy đủ, trọn vẹn. Ai cũng biết có con là thêm mệt mỏi vào mình, nhất là vất vả cho phụ nữ, nên việc vợ anh mong muốn có con cũng đồng nghĩa với việc chị ấy chấp nhận vất vả vì con, vì gia đình, đó là điều đáng mừng, đáng trân trọng. Đừng vội quy kết vợ “đánh úp” mình, hãy xem đó là một hạnh phúc do tạo hóa ban tặng. Có câu “trẻ con tìm mình chứ mình không tìm được trẻ con”, đứa trẻ đến như một phúc lành, có khi đầy đủ tiền bạc, vật chất nhưng cũng không thể tìm được phúc lành ấy đâu, anh ạ.

Ông bà có câu “biết đủ là đủ”, chờ đợi thì cũng có thời hạn, không ai chờ được đến lúc có đủ tiền, đủ nhà, vì biết thế nào là đủ. Chúc anh chị hạnh phúc chào đón đứa con đầu lòng và cùng chuẩn bị thật tốt để bé ra đời được hưởng trọn vẹn tình cảm yêu thương của mẹ cha.

Tại anh hay tại ả?

Người bảo tại anh mới ra cớ sự, biết vợ là “chiếc túi thủng” mà cứ cất tiền vào. Người nói tại chị, được chồng tin yêu quá hóa... hư...

Anh vọt xe ra đường sau khi ném lại câu: “Tôi không về đâu, đừng tìm!”. Thằng con bốn tuổi nép vào góc tường, khóc ngất. Chị lặng người, có phải anh xấu xí, cộc cằn hay thiếu hiểu biết gì, mà sao cứ đánh vợ?

Lần đầu anh tát chị là sau đám cưới tám tháng. Bao nhiêu lương thưởng của vợ chồng, tiền mừng cưới anh đều giao chị giữ chứ không lẽ giao cho ai? Vậy mà khi anh bảo mang tiền ra để mua đất thì chị báo “tin sét đánh”: Em xài hết rồi! Xài cái gì mà hai vợ chồng son, cơm cha mẹ chồng nuôi, lương còn nguyên, của nả sau cưới khá nhiều mà tám tháng đã xài hết! Hóa ra, chị học theo bè bạn, cho vay tiền góp. Lãi suất 12% “ngon ăn” tội gì không làm! Giờ người ta mượn không hẹn ngày trả, tới tìm thì hẹn lần hẹn lữa, mấy chị bạn ngày nào hứa “bảo kê” cho con nợ giờ cũng lặn mất tăm. Vậy mà chị còn già hàm: “Làm ăn có vầy có khác, nếu thuận buồm xuôi gió mang về bạc trăm bạc triệu anh có trách em không?”. Ừ thì làm ăn lúc vầy lúc khác, nhưng làm kiểu không biết “liệu cơm gắp mắm” như chị, hỏi sao chồng không bực?

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Quanh qua quẩn lại 5 năm trời anh ky cóp từng giọt mồ hôi rồi cũng có được căn nhà nhỏ nhưng ấm áp cho vợ con. Chị ở yên với đồng lương nhân viên văn phòng. Vậy mà lại “đùng một cái” chủ nợ kéo tới nhà, với số nợ lên gần trăm triệu. Hỏi thì chị “khai” nhỏ giọt, khi thì mua sắm, lúc cho anh em bên nội ngoại mượn. Mua thứ gì, sao trong nhà không thấy? Cho ai mượn, nói cho rõ? Mượn bao nhiêu? Khi nào trả? Chị ú ớ.

Hóa ra, chị hùn với chị em bạn mua bán hàng đa cấp trên mạng. Tiền gửi đi, hàng “treo” trên... trời không biết bao giờ có người mua. Mà người mua ấy lại cũng là người bị gạt tiếp chứ hay ho gì. Bàn tay anh lại giơ lên. 5 năm chung sống, ba lần chị bị chồng đánh. Có ai khổ hơn chị không chứ? Chị bù lu bù loa bảo kiểu này phải ly hôn chứ chồng gì mà đánh vợ như đánh... trâu làm sao chịu nổi?

Anh đi hai hôm vẫn chưa về. Người bảo tại anh mới ra cớ sự. Đã biết vợ là “chiếc túi thủng” mà cứ cất tiền vào. Đàn ông gặp chuyện phải ở nhà giải quyết, sao lại bỏ đi? Người nói tất cả là tại chị, được chồng tin yêu quá hóa... hư. Chị cứ khóc hu hu, than tại “số” mình khổ…