Bị vợ “đánh úp”

Tôi có cảm giác vợ tôi muốn có con chỉ để giữ chân tôi ở nhà. Tại sao phụ nữ cứ ưa rước thêm vất vả vào thân? 

Kính chào chị Hạnh Dung! 
Vợ chồng tôi cưới nhau được bốn năm, do hoàn cảnh, tôi phải đi làm xa nhà hơn 50km, mỗi tuần tranh thủ lắm mới về nhà được một lần.
Vợ tôi hiền lành, chịu khó. Tôi muốn đi làm một thời gian, kinh tế gia đình tạm ổn định, xây được nhà rồi mới có con, nhưng cô ấy thì muốn có con ngay. Hiện hai vợ chồng đang ở nhà thuê, cô ấy mở tiệm làm đầu. Nếu có con mà vợ một nơi chồng một nẻo tôi cũng không yên tâm. Thế nhưng, tôi nói sao cô ấy cũng không chịu nghe, còn cho là tôi ưa đi đây đi đó, cô này cô nọ nên không muốn có con. Tôi có cảm giác vợ tôi muốn có con chỉ để giữ chân tôi ở nhà. Tôi về địa phương thì thu nhập chẳng đáng là bao, chẳng biết bao giờ khá được. Đợt mới đây tôi về thăm nhà, cô ấy chủ động “đánh úp”, rồi tuyên bố là đã có thai. Tại sao phụ nữ cứ ưa rước thêm vất vả vào thân? Tôi phải làm gì bây giờ?
Nguyễn Tài (Phan Thiết)
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Anh Nguyễn Tài thân mến!
Đầu tiên là chúc mừng anh lên "chức" bố, dù chưa thật sự sẵn sàng. Từ góc độ một người phụ nữ, Hạnh Dung mong anh sẽ không ép vợ phải phá thai, phải “chờ cho ổn định” rồi mới có con. Hạnh Dung hiểu nỗi khao khát làm mẹ của phụ nữ, đó là thiên chức, là tình cảm thiêng liêng mãnh liệt mà chỉ phụ nữ mới cảm nhận được hết. Rồi anh sẽ thấy, khi đứa con trong bụng vợ lớn dần, tình cảm làm cha trong anh cũng sẽ lớn theo.
Anh, với “tầm nhìn chiến lược” của đàn ông, đã quy ước khi nào ổn định kinh tế mới có con. Nhưng vợ anh cũng có cách nhìn riêng của chị: tuổi sinh nở của phụ nữ có giới hạn, sinh con khi tuổi mẹ đã lớn, khó khăn nhiều bề mà đứa trẻ chưa hẳn khỏe mạnh, thông minh như khi được sinh ra trong thời kỳ sung sức nhất của người mẹ. Sinh con là một chuyện, nuôi dưỡng, dạy dỗ con cũng cần nhiều thời gian. Vì vậy, việc chị mong muốn sinh con ngay từ bây giờ là có thể hiểu được. Cũng nhiều người vợ muốn có con để giữ chân chồng, nhưng đó không phải là lý do đầu tiên hay duy nhất. Đứa con là mối dây thiêng liêng gắn kết vợ chồng, là yếu tố làm nên một gia đình đầy đủ, trọn vẹn. Ai cũng biết có con là thêm mệt mỏi vào mình, nhất là vất vả cho phụ nữ, nên việc vợ anh mong muốn có con cũng đồng nghĩa với việc chị ấy chấp nhận vất vả vì con, vì gia đình, đó là điều đáng mừng, đáng trân trọng. Đừng vội quy kết vợ “đánh úp” mình, hãy xem đó là một hạnh phúc do tạo hóa ban tặng. Có câu “trẻ con tìm mình chứ mình không tìm được trẻ con”, đứa trẻ đến như một phúc lành, có khi đầy đủ tiền bạc, vật chất nhưng cũng không thể tìm được phúc lành ấy đâu, anh ạ.
Ông bà có câu “biết đủ là đủ”, chờ đợi thì cũng có thời hạn, không ai chờ được đến lúc có đủ tiền, đủ nhà, vì biết thế nào là đủ. Chúc anh chị hạnh phúc chào đón đứa con đầu lòng và cùng chuẩn bị thật tốt để bé ra đời được hưởng trọn vẹn tình cảm yêu thương của mẹ cha.

Má hồng mới được đánh ghen

Lục tìm trong các nhân vật điển hình trong các tác phẩm văn học hay ngoài đời thực kiếm đâu ra một "anh Hoạn Thư"?

Đàn bà đi đánh ghen là chuyện thường ở huyện còn hễ có anh đàn ông nào thấy vợ/ người yêu ngoại tình và trong giây phút nông nổi, không kiềm chế được lỡ vung tay hành hung người tình/tình địch thì bị phê phán, dè bỉu, châm chọc, lên án vì "Đàn ông, đàn ang ai lại nhỏ nhặt như chị em thế kia. Hèn. Kém. Đáng khinh".

Ô hay lạ nhỉ, người ta bảo ghen tuông là biểu hiện, gia vị không thể thiếu của tình yêu. Vậy hóa ra đàn ông không biết yêu, không được phép thể hiện tình yêu lớn lao của mình cho bàn dân thiên hạ biết hay sao?

Học cách nắm tay vợ

Hãy bất chợt nắm tay vợ ở chỗ đông người… Và có nắm tay thì phải nắm thật chặt.

Không phải là vợ chồng son thì mấy khi quan tâm đến việc nắm tay nhau. Có chăng, nếu vợ “chủ động” thì các ông chồng cũng đáp lại cho “phải lẽ”. Đôi khi thấy vợ chồng nhà ai âu yếm nắm tay hoặc cặp tay nhau đi, chắc không ít người thấy… buồn cười, cho là họ đang…đóng kịch!

Tôi nhớ trong Đời thừa của Nam Cao có một đoạn: “Hộ khẽ thở dài và lắc đầu ái ngại. Hắn dịu dàng nắm lấy tay sã xuống của Từ. Cái bàn tay lủng củng rặt những xương! Trên mu bàn tay, những đường gân xanh bóng ra, làn da mỏng và xanh trong, xanh lọc. Cái cổ tay mỏng manh. Tất cả lộ một cái gì mềm yếu, một cái gì ẻo lả, cần được hắn che chở và bênh vực, một vẻ bạc mệnh, một cái gì đau khổ và chật vật, cần được hắn vỗ về an ủi...”. Mỗi lần nhớ đến đoạn văn này, tôi lại nghĩ đến bàn tay của vợ tôi. Đôi khi nằm trên giường ngủ, nắm lấy tay vợ, trong tay tôi là bàn tay gầy gầy, xương xương, tôi cứ nghĩ đến sự vất vả, nhọc nhằn, chịu đựng của Từ, biết đâu là của vợ tôi…

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Tôi nghĩ, nắm tay là một biểu hiện tình cảm nồng ấm. Ngày yêu nhau, một trong những cảm giác thân mật đầu tiên là nắm lấy tay bạn gái, rồi dần dà là nắm lấy tay nhau. Đến lúc ôm hôn nhau coi như là đi đến giới hạn cuối cùng của bày tỏ tình cảm rồi (tôi thấy lạ là thế hệ trẻ hơn bây giờ dễ dàng đi đến Z quá, phải chăng chuyện bản năng đã được đặt cao hơn tình cảm?). Nắm tay còn là sự cảm thông, chia sẻ, động viên, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn, đau đớn. Người vợ đang hồi hộp trước giờ vào phòng sinh, một cái nắm tay xiết chặt sẽ giúp người vợ thêm sức lực và tự tin vượt cạn. Nắm tay còn là sự thấu hiểu, nhất là khi có vấn đề gút mắc, mâu thuẫn. Nó cũng chứa đựng cả tinh thần san sẻ, động viên mà không phải người nào cũng thể hiện được, trừ những người rất thân thiết gần gũi. Nắm tay còn thể hiện sự chở che, bảo bọc. Khi đó, vai trò đàn ông, làm chồng, trụ cột gia đình được thể hiện rõ để khẳng định sự chống đỡ của bản thân, giúp vợ con yên tâm trước các thử thách.

Vậy đó, cái nắm tay rất nhiều ý nghĩa, nhưng đôi khi chúng ta quên hoặc không chú ý thực hiện thường xuyên. Tôi tin, chỉ cái nắm tay (một cách thật lòng, đừng hờ hững, đừng đóng kịch) là đã có thể nói lên rất nhiều điều với vợ. Và, tất cả các bà vợ chắc chắn đều hiểu “thông điệp” sau mỗi cái nắm tay đó.

Hãy bất chợt nắm tay vợ ở chỗ đông người… Và có nắm tay thì phải nắm thật chặt.

Đã yêu thì đừng tính toán

Một khi người ta tính toán thì tình yêu cũng trở thành thứ để đổi chác. Em đã luôn nghĩ như thế cho đến lúc gặp lại anh.

Em nhớ hồi đó anh không cho em tới công ty tìm anh, không cho em gọi điện thoại đến công ty khi có việc cần. Anh cũng không dám hẹn hò hay đi chung với em. Anh bảo vì con gái của giám đốc để ý anh, nếu biết anh đã có người yêu thì sẽ gây khó dễ.

Anh bảo em cố gắng chịu đựng một thời gian, khi nào anh củng cố vị trí thật vững vàng ở công ty thì sẽ công khai tuyên bố, giới thiệu em với mọi người.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Rồi cũng đến ngày anh công khai tuyên bố nhưng đó là tuyên bố anh sẽ trở thành con rể của giám đốc công ty. Hồi đó, em đã khóc rất nhiều, còn anh thì im lặng. Mãi một lúc sau, anh mới nói: “Xin lỗi em. Thật lòng, lúc đầu anh cũng chỉ tính toán sao cho có lợi cho chuyện của chúng mình… Thế nhưng, dần dần anh thấy rõ, nếu cưới cô ấy, đường tương lai sự nghiệp của anh sẽ rộng mở. Sau này, em có cần gì thì cứ đến tìm anh. Trong khả năng của mình, anh sẽ giúp em”.

Anh đâu biết cái em cần là một tình yêu chân thật nhưng nó đã bị đánh cắp. Từ đó, em nghiệm ra rằng đừng tuyệt đối hóa bất cứ vấn đề gì, kể cả tình yêu. Bởi một khi người ta tính toán thì tình yêu cũng trở thành thứ để đổi chác.

Em đã luôn nghĩ như thế cho đến lúc gặp lại anh. Chiếc áo mà gia đình bên vợ khoác lên người anh quá rộng nên anh không thể nào thích nghi. “Vợ chồng anh không hạnh phúc, sống với nhau được 5 năm thì cô ấy đòi ly hôn. Anh không còn gì ngoài một bài học cay đắng, rằng khi yêu thì đừng nên tính toán…”. Anh đã nói với em như vậy trong ngày gặp lại.

Bất giác em hỏi: “Anh có cần em giúp gì không?”. Hỏi xong rồi em mới nhớ, đó chính là câu ngày xưa anh đã nói với em. Có lẽ anh không cần giúp gì bởi anh biết rõ, em chẳng có gì ngoài một tình yêu không tính toán…