Tại anh hay tại ả?

Người bảo tại anh mới ra cớ sự, biết vợ là “chiếc túi thủng” mà cứ cất tiền vào. Người nói tại chị, được chồng tin yêu quá hóa... hư...

Anh vọt xe ra đường sau khi ném lại câu: “Tôi không về đâu, đừng tìm!”. Thằng con bốn tuổi nép vào góc tường, khóc ngất. Chị lặng người, có phải anh xấu xí, cộc cằn hay thiếu hiểu biết gì, mà sao cứ đánh vợ?
Lần đầu anh tát chị là sau đám cưới tám tháng. Bao nhiêu lương thưởng của vợ chồng, tiền mừng cưới anh đều giao chị giữ chứ không lẽ giao cho ai? Vậy mà khi anh bảo mang tiền ra để mua đất thì chị báo “tin sét đánh”: Em xài hết rồi! Xài cái gì mà hai vợ chồng son, cơm cha mẹ chồng nuôi, lương còn nguyên, của nả sau cưới khá nhiều mà tám tháng đã xài hết! Hóa ra, chị học theo bè bạn, cho vay tiền góp. Lãi suất 12% “ngon ăn” tội gì không làm! Giờ người ta mượn không hẹn ngày trả, tới tìm thì hẹn lần hẹn lữa, mấy chị bạn ngày nào hứa “bảo kê” cho con nợ giờ cũng lặn mất tăm. Vậy mà chị còn già hàm: “Làm ăn có vầy có khác, nếu thuận buồm xuôi gió mang về bạc trăm bạc triệu anh có trách em không?”. Ừ thì làm ăn lúc vầy lúc khác, nhưng làm kiểu không biết “liệu cơm gắp mắm” như chị, hỏi sao chồng không bực?
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Quanh qua quẩn lại 5 năm trời anh ky cóp từng giọt mồ hôi rồi cũng có được căn nhà nhỏ nhưng ấm áp cho vợ con. Chị ở yên với đồng lương nhân viên văn phòng. Vậy mà lại “đùng một cái” chủ nợ kéo tới nhà, với số nợ lên gần trăm triệu. Hỏi thì chị “khai” nhỏ giọt, khi thì mua sắm, lúc cho anh em bên nội ngoại mượn. Mua thứ gì, sao trong nhà không thấy? Cho ai mượn, nói cho rõ? Mượn bao nhiêu? Khi nào trả? Chị ú ớ.
Hóa ra, chị hùn với chị em bạn mua bán hàng đa cấp trên mạng. Tiền gửi đi, hàng “treo” trên... trời không biết bao giờ có người mua. Mà người mua ấy lại cũng là người bị gạt tiếp chứ hay ho gì. Bàn tay anh lại giơ lên. 5 năm chung sống, ba lần chị bị chồng đánh. Có ai khổ hơn chị không chứ? Chị bù lu bù loa bảo kiểu này phải ly hôn chứ chồng gì mà đánh vợ như đánh... trâu làm sao chịu nổi?
Anh đi hai hôm vẫn chưa về. Người bảo tại anh mới ra cớ sự. Đã biết vợ là “chiếc túi thủng” mà cứ cất tiền vào. Đàn ông gặp chuyện phải ở nhà giải quyết, sao lại bỏ đi? Người nói tất cả là tại chị, được chồng tin yêu quá hóa... hư. Chị cứ khóc hu hu, than tại “số” mình khổ…

Ly hôn không phải vì chồng ham của lạ

Câu trả lời của anh như đâm một nhát dao chí mạng vào tim tôi. Vậy là với anh, tôi không khác gì những cô gái điếm rẻ tiền.

Tôi đã ly hôn chỉ vì câu trả lời của chồng khi tôi hỏi: “Anh có em rồi mà còn đi gác tay gác chân; đi tăng 2, tăng 3. Anh thấy họ thế nào?”. Chồng tôi thản nhiên trả lời: “Cũng vậy thôi mà!”

Có người cho tôi là hâm, là dở người vì đã có thể chấp nhận chuyện chồng mình “ăn bánh trả tiền” mà lại không thể chấp nhận một câu nói… bình thường như thế. Sự thật, tôi là loại người vợ hèn yếu, nhẫn nhịn, nhưng sự chịu đựng nào cũng có giới hạn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Lần đầu tiên biết chồng mình đi cà phê ôm, bia ôm, gác tay gác chân, tôi đau lắm, nhưng cũng đành chấp nhận những gì anh nói: “Đàn ông bây giờ, mười thằng hết tám là vậy, còn hai thằng thì thuộc loại thử rồi không hạp. Em phải mừng là anh không nói dối, giấu diếm em, luôn cố gắng để gìn giữ, không mang bệnh về nhà”. Tôi từng khóc ngày khóc đêm với cái lý luận của anh nhưng cũng phải nhìn nhận, trong lời anh có một phần sự thật. Tôi vốn bệnh tật, yếu ớt, không đáp ứng nổi nhu cầu của anh, nên anh có ra ngoài “ăn bánh trả tiền” cũng là bất đắc dĩ, là thậm chí như anh nói: “Thà vậy còn hơn vì bức bách mà anh có bồ nhí rồi bỏ em luôn”.

Thế nhưng một lần, khi nằm cạnh nhau trong một lần anh đi hai ngày mới về nhà, tôi đã lấy hết can đảm hỏi anh câu hỏi đó, để biết cảm giác của anh là gì khi làm chuyện đó với những người phụ nữ bán thân nuôi miệng. Câu trả lời của anh như đâm một nhát dao chí mạng vào tim tôi. Vậy là với anh, tôi không khác gì họ. Với anh, tôi không phải là người vợ được tôn trọng, thương yêu; thậm chí còn tệ cả họ, là một món đồ chơi không dùng được. Mọi chịu đựng, cố gắng của tôi đã sụp đổ. Tôi hiểu ra rằng, mình còn thấp kém hơn những cô gái đó. Họ bán thân nuôi gia đình, nuôi con cái, nuôi chính bản thân; còn tôi, tôi chẳng có gì để bán nên chấp nhận mua anh làm chồng bằng sự im lặng chịu đựng những khinh rẻ, nhục nhã anh dành cho tôi.

Tôi đã làm đơn ly hôn trong nỗi đau mà tôi biết khó bao giờ mình có thể gột rửa, xóa nhòa.

Ghen “sảng”

Huy thật sự không hiểu nổi đàn bà nghĩ gì, ganh tức gì mà phải hạ nhục nhau như vậy.

Về đến đầu hẻm, Huy ngạc nhiên khi thấy nhiều người trong xóm xúm đen xúm đỏ, như thể sắp được… xem phim. Hóa ra, vợ anh đang cãi nhau với chị Hằng chung xóm! Những lời hăm dọa sẽ “làm cho ra lẽ” của vợ, tưởng chỉ nói cho vui, ai dè đến mức như vậy.

Chẳng hiểu vì sao vợ anh nhìn đâu cũng thấy… nguy hiểm. Từ nữ đồng nghiệp của chồng đến mấy cô đối tác qua thực tập, ngay cả chị hàng xóm hoặc bà giúp việc trong nhà cũng không thoát. Cứ như thể, sểnh ra một cái là chồng bị “bắt” ngay.

Huy tất nhiên là không thấy dễ chịu gì vì chuyện đó. Tự kiểm, anh cũng đâu phải dạng người thích ham vui đèo bòng hay từng có “phốt” gì để vợ nghi ngờ xét nét. Anh thẳng thừng nói, em làm như chồng mình… báu lắm không bằng. Trên răng dưới… dép, lúc nào cũng tất bật, ai mà thèm ngó. Vợ anh không vì câu tếu táo của chồng mà nới lỏng giám sát. Thậm chí, chị còn tăng cường quan tâm với suy nghĩ, phải có gì thì chồng mình mới tỏ ra nhún nhường, tự xem thường bản thân như thế chứ!

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Chị đã nghĩ ra nhiều chiêu trò để thử độ “thòm thèm” của chồng với người giúp việc. Huy có lần bực quá, quát: “Tôi chẳng đến mức ăn tạp thế đâu”, nhưng chị chỉ cười cười: “Biết đâu đấy!”. Anh hỏi, nếu chồng đã muốn bồ bịch, thì không cô này cũng cô khác, liệu vợ đi theo canh giữ tất cả mọi người đàn bà xung quanh được không? Vợ anh chẳng rõ có nghĩ lại hay không, chỉ thấy chị ngày càng “nặng đô” hơn.

Huy có thói quen ra đầu hẻm nhâm nhi ly cà phê. Từ hồi chị hàng xóm độc thân bày dăm bộ bàn ghế kiếm thêm đồng ra đồng vào, anh đã trở thành khách quen. Việc này không lọt khỏi đôi mắt đa nghi của vợ anh. Không ít lần, chị bóng gió xa gần cái việc “mê ai mà cứ phải la cà ngoài đó vậy”. Lâu ngày, chị lật bài “lại ra thăm bồ già đấy à?”. Huy vô tư bảo, em chỉ giỏi suy diễn, chẳng qua là ủng hộ lối xóm, có gì đâu mà ầm ĩ…

Ba anh già cả, nhớ quên lẫn lộn, ở nhà một mình cả ngày chắc buồn, cũng hay ra “quán” của chị Hằng ngồi chơi, hóng mát. Chẳng rõ ông già tỉ tê chuyện nhà những gì mà Hằng tỏ vẻ thương cảm, nấu món gì ngon cũng hay bưng qua biếu. Huy vừa ngại vừa khó xử. Những hôm mâm cơm có món lạ, không khí nhà anh nặng trĩu. Vợ đá thúng đụng nia, mặt nặng mày nhẹ. Những lần cãi nhau của vợ chồng bắt đầu xuất hiện cụm từ “cô Hằng của anh”…

Hóa đơn điện thoại của anh được gửi về nhà. Vợ anh tìm thấy số của Hằng trong đó. Nghĩ mãi, anh mới nhớ ra, có một lần anh gọi cho ông cụ không được, định nhờ ai đó ra quán cà phê xem thử, nhưng gọi người xung quanh không được, anh mới nhớ tới Hằng. Rồi nhắn tin trao đổi mấy câu. Anh lịch sự cảm ơn, vậy thôi. Không có gì khuất tất.

Nhưng, giải thích sao đây với người đang hừng hực lửa ghen? Sự nhiệt tình thái quá của Hằng đã gây tai họa. Anh nghe con thuật lại “hiện trường”, chiều nay, vợ anh ở sau bếp, nghe Hằng hỏi hai đứa nhỏ, mẹ đâu sao không cho ông nội ăn tối. Ông nội qua quán cô kêu đói nè. Giọt nước tràn ly, những lời khó nghe của vợ anh: “Rảnh quá xen vào chuyện nhà người ta”, “Thứ đàn bà vô công rỗi nghề cứ muốn dan díu với chồng người khác”, “Chắc ổng qua nhờ con dâu hụt là cô cho ăn giùm đó” làm cho Hằng không nhịn được. Những câu xúc xiểm của Hằng cũng làm anh không kém phần choáng váng. “Chồng chị tự ý qua lại, nhờ vả, nhắn tin hỏi han, chứ báu lắm à? Chị về xem lại gia đình mình đi, đũa mốc đòi chọc mâm son sao? Tưởng gì”… Trận võ mồm diễn ra trong sự cười cợt của mọi người.

Khó khăn lắm, Huy mới kéo được vợ về nhà, giải tán cái đám đông đang háo hức chờ xem “xáp lá cà”. Vợ anh vùng vẫy chửi rủa trong cảm giác “tức nước vỡ bờ”, tới đâu thì tới. Huy thật sự không hiểu nổi đàn bà nghĩ gì, ganh tức gì mà phải hạ nhục nhau như vậy. Chút thiện cảm dành cho Hằng bấy lâu cũng bay biến. Rồi phải làm sao để vợ bớt ghen tuông kiểu này, nếu không chẳng biết còn chuyện đáng tiếc gì sẽ xảy ra…

Vợ khôn?

Tôi tự hỏi chẳng biết chồng chị có hạnh phúc không khi lấy được cô vợ quá “khôn khéo”. Và liệu anh có bao giờ cảm thấy cô đơn...

Lâu lâu mới có dịp họp nhóm bạn học cũ thời đại học, chị râm ran kể chuyện chồng con. Chị bảo ông xã trước khi lấy chị rất cá tính, thuộc dạng ương ngạnh, nhưng chỉ 5 năm chung sống đã nghe lời chị răm rắp. Mới đầu đám bạn ồ à, ai cũng tưởng chị dùng biện pháp “giường chiếu” để chinh phục chồng. Chị phẩy tay, lắc đầu, cười: “Đó chỉ là phụ thôi. Cái chính là lời ăn tiếng nói. Đàn ông nào mà chẳng thích ngọt. Ngọt mật mới chết ruồi”.

Để chứng minh cho kết quả chị “huấn luyện” chồng thành công, chị kể ra rả. Chị gặp chồng thông qua mai mối. Sau hai tháng tìm hiểu thì kết hôn. Trước khi cưới nhau, chồng chị có một nhóm bạn độc thân vui tính hơn chục người. Vì độc thân nên các anh làm đồng nào xào đồng ấy. Không bia bọt nhậu nhẹt thì cà phê tán dóc. Chồng chị là trưởng nhóm của cái hội độc thân ấy nên việc chung chi càng mạnh tay hơn. Ngay cả khi làm đám cưới, chồng cũng phải mượn tiền của bà con dòng họ. Nhưng chỉ một năm sau ngày cưới, vợ chồng chị đã gom góp tiền mua được miếng đất ngoại thành.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Để có kết quả này, chị phải mạnh tay tách chồng ra khỏi nhóm bạn độc thân ấy. Chị gọi điện hết tỉ tê rồi đến nặng nhẹ cho từng người trong nhóm bạn. Chị than nghèo kể khổ… nói chung là đủ mọi phương cách để các bạn thấy khó mà lui. Dần dà, quanh anh chẳng còn người bạn nào, chị mới yên tâm.

Sau khi tách thành công nhóm bạn, chị lại lên kế hoạch đẩy chồng ra xa những người bà con, họ hàng mà theo chị thì “lợi dụng” chồng chị là chính. Chị khuyên chồng phàm việc gì không có lợi cho quan hệ, công việc làm ăn của mình thì anh chỉ nên chơi xã giao. Chẳng biết chị dỗ dành thế nào mà chồng nghe theo như bị bỏ bùa. Không người bà con nào dám bén mảng đến nhà vợ chồng chị. Ngay cả cha mẹ chồng hay cha mẹ ruột của chị, mỗi lần sang thăm cháu ngồi chưa nóng chỗ đã phải vội vã về ngay.

Từ khi mở tiệm buôn bán phụ tùng xe máy, chị càng có dịp đăng đàn “dạy” chồng. Chị nói đàn ông chỉ mèo mỡ khi trong túi rủng rỉnh tiền bạc. Phụ nữ muốn giữ chồng thì phải giữ túi tiền của anh ta trước. Sau một ngày buôn bán, chị sờ túi trên, nắn túi dưới, móc đến những đồng tiền lẻ cuối cùng. Chị kể nhiều bận anh chạy xe SH, quần áo bảnh bao mà xe hết xăng không có tiền đổ. Anh phải điện thoại gọi vợ ra cây xăng trả tiền. Chị cười hô hố, bảo “thấy cũng tội nhưng thôi thì kệ”. “Không nên đối xử tốt với đàn ông, họ hay sinh tật. Nhưng cái sự đối xử xấu ấy, mình chỉ nên để trong lòng, còn trước mặt thì vẫn phải giả lả, ngọt ngào”. Đám bạn ai cũng bảo chị giả tạo. Chị cười xòa. Chị bảo thời nay mối quan hệ nào cũng phải kiểu cách như vậy mới “lâu bền, tốt đẹp”.

Ngoài chuyện xiết chặt tiền bạc của chồng, những khi tiệm vắng khách hay ế ẩm, chị lại tỏ ra rầu rĩ, thở than. Chị kể lể ngày xưa chị có ti tỉ người giàu có, bảnh bao theo đuổi nhưng thương anh nghèo mà có ý chí nên vẫn nhận lời lấy anh. Chị cứ thổn thức bằng những lời ngọt nhạt để anh thấy ray rứt mà cố gắng phấn đấu. Anh lại chạy đôn, chạy đáo tìm cách làm cho cửa tiệm buôn bán tấp nập trở lại. Anh cày ngày, cày đêm cốt chỉ để vợ vui vẻ, hài lòng.

Trong khi anh ngày càng héo hon vì gánh nặng tiền bạc, công việc thì chị lại trẻ trung, phơi phới. Chị bảo, nhiều người phụ nữ ngu ngốc, suốt ngày chỉ biết cắm mặt làm lụng, lấy tiền về lo cho chồng con mà không biết tu bổ nhan sắc. Đàn ông chẳng bao giờ biết ơn, còn chê ỏng chê eo vợ vừa già, vừa xấu. Chị thì không như vậy. Chị cứ sắm sửa, ăn diện, nâng cấp nhan sắc để chồng “vừa yêu vừa xiêu” mà vắt sức ra lao động phục vụ cho mẹ con chị.

Tình cờ một lần ghé nhà chị, tôi gặp anh. Người ta nói phụ nữ sau khi lập gia đình thường già nhanh hơn chồng, nhưng xem ra trường hợp của chị thì ngoại lệ. Anh đang ngồi uống bia một mình. Chị bảo mỗi tối “cấp” cho anh hai lon bia để anh bồi bổ sức khỏe. Vừa thấy bạn vợ, anh lúng túng, ngượng ngập. Tôi cười đùa, cố ý châm chọc: “Bia ngon không có bạn hiền, sao uống được anh?”. Chị cười mỉa: “Úi dào! Bạn với chả bè làm gì cho rắc rối. Tụ tập ăn nhậu đông đúc lại sinh chuyện”. Anh im lặng, uống từng ngụm bia, ánh mắt xa xăm. Trông anh như một đứa trẻ lớn xác bị vợ giam giữ, canh chừng.

Tôi tự hỏi chẳng biết chồng chị có hạnh phúc không khi lấy được cô vợ quá “khôn khéo”. Và liệu anh có bao giờ cảm thấy cô đơn khi mỗi ngày vợ càng rào kín mọi mối quan hệ xã hội của anh?