Hợp đồng níu kéo hôn nhân

Với ông là sự sòng phẳng đến cạn nghĩa, với bà là để “được chút gì” từ cuộc hôn nhân, sau phán quyết ly hôn của tòa.

Ông cho là bà đến với ông vì thực dụng. Bà khẳng định, nếu không yêu, sao có thể gắn bó cùng ông suốt mười năm. Ai cũng có lý lẽ biện minh cho mục đích của mình. Với ông là sự sòng phẳng đến cạn nghĩa, với bà là để “được chút gì” từ cuộc hôn nhân, sau phán quyết ly hôn của tòa.
Nạn nhân của một sự toan tính?
Trước khi đến với nhau, ông có nhà riêng ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Cưới xong, ông đón bà về chung sống, một năm sau phải chuyển chỗ ở vì nhà nằm trong quy hoạch. Tiền đền bù cộng với tiền dành dụm, ông mua hai căn chung cư, một ở Q.Gò Vấp, một ở Q.Bình Thạnh. Theo ông, đó là tài sản riêng nên sau ly hôn, phải thuộc về ông. Bà đồng ý là hai căn chung cư được mua từ tiền của ông, nhưng khoản thêm vào để mua cho đủ không phải do ông dành dụm mà là tiền mừng cưới của hai người và vay mượn người khác, nay đã trả xong. Bà khẳng định, như vậy là bà có công đóng góp và đó là tài sản tạo dựng trong quá trình hôn nhân nên ly hôn, bà phải được chia phân nửa. Tháng 9/2013, xử sơ thẩm, tòa tuyên ly hôn theo yêu cầu của ông, tài sản là của riêng ông, không phải chia cho bà. Thuận tình với bản án ly hôn nhưng bà kháng cáo quyết định không chia tài sản.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Phiên phúc thẩm ở TAND TP.HCM sáng 22/1, phản bác lý lẽ của bà, ông nói: “Khi đến với nhau, bả đâu có gì, mọi khoản lo đám cưới đều tự tôi bỏ ra thì tiền mừng cưới tất nhiên tôi phải thu về, là của tôi”. Bà nghe vậy, rưng rưng: “Của chồng, công vợ. Tôi sống với ông mười năm, nay ly hôn trong tình cảnh bệnh tật, không tiền bạc, không chốn dung thân, mong ông nghĩ lại”. Tòa cũng giải thích, dù thời gian chung sống không quá dài nhưng không phải là ngắn để ông có thể quay lưng trong hoàn cảnh bà không có gì để ổn định cuộc sống riêng. Ông quả quyết: “Tôi không chia cho ai hết. Đi bộ đội về tay trắng, tự tôi gầy dựng, tất cả là mồ hôi nước mắt của tôi”. Nói xong, ông bất ngờ... chảy nước mắt, chùng giọng kể về cuộc hôn nhân mà theo ông, bản thân mình là nạn nhân của một sự toan tính…
"Sòng phẳng"
Ông đã 65 tuổi, từng có một đời vợ và hai con. Ly hôn một thời gian khá lâu ông mới đến với bà - nhỏ hơn ông 18 tuổi. Ông chậm rãi: “Đó là năm 2002, trong một cuộc họp mặt bạn cũ, người bạn nói có cô em vợ độc thân muốn làm mai cho tôi. Tuổi này, nghĩ mình cũng cần một người để sớm hôm chăm sóc cho nhau nên tôi thuận lòng”. Đám cưới diễn ra sau chưa đầy hai tháng tìm hiểu, nên chung sống ông mới nhận ra đó là một sai lầm. Sở dĩ ông mua hai căn chung cư vì nhận thấy mâu thuẫn giữa bà và các con ông ngày càng trầm trọng. Ông và bà ra riêng, hạnh phúc kéo dài đến năm 2009 thì mọi sự thay đổi. Đăng ký cho bà học một lớp kế toán, ông không ngờ đã tạo cơ hội để bà có nhân tình. Một hôm, bà về khoe với ông là mình đang có thai, hỏi: “Anh sẽ cho mẹ con em những gì?”. Đã mất lòng tin vào sự thủy chung của người đầu ấp tay gối nên ông đanh giọng: “Cô sinh xong rồi thử ADN, nếu con tôi cô muốn gì được nấy, nếu không thì tôi không có trách nhiệm”.
Câu trả lời của ông khiến bà giận, vài tuần sau thì thông báo… sẩy thai. Hai người sống với nhau trong ngờ vực thêm một thời gian thì bà bất ngờ gửi đơn xin ly hôn. Ông năn nỉ, thuyết phục, cuối cùng bà đồng ý rút đơn nhưng đổi lại, một hợp đồng níu kéo hôn nhân được lập giữa hai người. “Hợp đồng” ghi rõ: nếu bà sống đúng với vai trò, trách nhiệm của người vợ; gia đình yên ổn, hạnh phúc thì sau này có chuyện gì, trong trường hợp ông mất trước, tất cả tài sản sẽ để lại cho bà; còn nếu ông đòi ly hôn trước, sẽ phải chia cho bà 60% tài sản. “Hợp đồng” ký kết không lâu thì chính ông đứng đơn xin ly hôn. Ông lý giải: “Tôi chịu không thấu nữa. Một phần, tôi đâu làm gì mà bà ấy liên tục gửi đơn tố cáo tôi bạo hành, gia trưởng, có hành vi thô lỗ. Phần khác, bà ấy vẫn lén lút với nhân tình. Ngày nào tôi cũng nhận tin nhắn chửi bới, xúc phạm từ tình nhân của bà ấy”. Bà phản bác, những gì ông nói đều không có chứng cứ nên bà không muốn cãi. Giải thích chuyện thực dụng, bà quả quyết, nếu không yêu, cuộc hôn nhân liệu có thể kéo dài đến ngần ấy năm?
Hợp đồng vô giá trị
Tòa xác định, về pháp lý, hợp đồng níu kéo hôn nhân giữa hai người hoàn toàn không có giá trị; nhưng nếu xét về tình, “sức nặng” của nó có hay không tất cả thuộc về ông. Chậm rãi trình tòa bản xác nhận tài sản, ông kể: “Một hôm, bà ấy đòi chia đồ đạc trong nhà, cái gì của ai người đó lấy. Tôi với bà ấy ngồi kê chi tiết từng món đồ của mỗi người, từ chiếc giường đến ti vi, bộ bàn ghế. Cái nào lấy được bà ấy đã mang đi hết, cái nào không lấy được thì ép tôi mua. Không có tiền, tôi phải vay mượn để mua lại. Bà ấy tính toán sòng phẳng đến vậy thì đòi hỏi tình nghĩa gì ở tôi?”. Bà im lặng. Tòa tuyên không chấp nhận kháng cáo của bà.
Ông hoan hỷ sau phán quyết của tòa. Trong khi bà lầm lũi bước nhanh thì ông kéo tay người dự khán kể chuyện. Tổng kết cuộc hôn nhân, ông nói, ngày này là cái giá - ra đi tay trắng - bà phải trả cho sự thực dụng, tính toán khi đến với ông. Ngày này cũng là cái giá - hôn nhân đổ vỡ - ông nhận lãnh cho sự vội vàng, không tìm hiểu kỹ… Ly hôn là chuyện riêng của mỗi gia đình, phải là người trong cuộc mới hiểu hết những khúc mắc, mâu thuẫn nảy sinh suốt quá trình chung sống. Nhưng, mười năm hôn nhân lẽ nào chỉ có sự toan tính tồn tại? Phải còn có những yêu thương, nghĩa tình mà những người trong cuộc hoặc đã quên, hoặc không muốn nhắc đến nên mới quá lạnh lùng, sòng phẳng với nhau…

Em sẽ tự vẽ một con đường tình

Cảm ơn mối tình đầu đầy say đắm. Em sẽ tự vẽ nên một con đường tình của riêng em, không phải trên cát để cho sóng cuốn đi…

Em thảng thốt đứng đây, mái tóc ngắn bay bay lấm tấm những hạt mưa, những hạt mưa lung linh đủ màu sắc cứ như những bong bóng nước xanh-đỏ-vàng-tím, và những hạt mưa ấy rơi vỡ tan xuống chiếc cặp che đầu của em, làm em nhớ anh!

Em nhớ lúc anh tặng chậu xương rồng nhỏ xíu, anh chạy thật nhanh đến bên em mà gương mặt lấm tầm đầy những hạt nước, bờ vai run lên bần bật… Anh vì lạnh, còn em vì khóc... Cây xương rồng ngày xưa đã chết tàn chết héo. Mưa rõ ràng cũng chỉ là mưa nhưng giờ đây sao lạnh buốt giá đến tê tái lòng. Cũng chỉ là một chiều mưa sớm mà thôi mà! À không, nắng tắt, bởi vì mưa mà nắng đã tắt...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Lại nhớ những buổi chiều cùng nhau đi dạo biển. Em lúc nào cũng thích đi phía sau anh, dẫm lên những bước chân trên cát của anh, như để vẽ nên một con đường tình. Và rồi lại tự so sánh bàn chân mình sao bé thế, khóc vì tủi thân đầy ngốc nghếch. Anh phải ngừng bước, quay lại cốc nhẹ lên đầu em rồi cười xòa: "Sao mà em ngốc quá!"... Em vẫn cứ thích đi sau lưng anh, thế thôi, rồi nhìn bờ lưng anh to bè và rộng, bất giác mỉm cười chạy ào tới làm anh suýt ngã... Anh dừng lại, cúi xuống cõng em, đi hoài trên triền cát, ngỡ như đã làm nên một con đường tình dài bất tận…

Vậy mà ta đã xa nhau, có phải do duyên phận? Thời gian đầu thật khó chấp nhận, những con sóng lòng dữ dội thét gào mỗi đêm, khiến cho nước mắt rơi đẫm gối... Đêm tĩnh lặng, chỉ có tiếng thạch sùng và tiếng nấc của riêng em. Trái tim không muốn tin và không thể nguôi quên...

Hôm em nay lại ra biển... Bờ cát kia có bao dấu chân người, sao không có nổi một dấu chân để em ướm vào rồi lại tấm tức khóc như trẻ con? Đôi lúc cơn nắng nhạt làm em thấy mình trong veo, để rồi khi nắng ấy cháy rát da lại làm em không tin được chính mình đang cô độc. Em cố gắng cười nhiều hơn mình có thể nghĩ, cố nghĩ suy như một đứa trẻ để không ai có thể làm em tổn thương. Em tự vùng vẫy trong khoảng trời của riêng em, múa và hát một mình, ngân lên khúc nhạc tình tang, khúc nhạc buồn...

Và vì thế em đứng dậy, mỉm cười... Nắng cứ xuyên qua kẽ lá thế thôi. Em chợt thấy đâu đây có những tia nắng soi vào những giọt nước mắt em, lung linh. Hy vọng một ngày mai kia em sẽ là cô gái mạnh mẽ như những người yêu thương em đang hy vọng, để nắng lại về trên đôi môi của em... Cảm ơn vấp ngã ngày hôm nay đã làm em nhận ra em được yêu thương nhiều hơn em nghĩ. Cảm ơn mối tình đầu đầy say đắm của em. Em sẽ tự vẽ nên một con đường tình của riêng em, không phải trên cát để cho sóng cuốn đi…


Mắc nợ chồng

Em nghĩ kiếp này em đã mắc nợ anh, để kiếp sau mình lại làm vợ chồng, em sẽ trả nợ, có tính cả lãi...

Mẹ bị đột quỵ, hôn mê suốt cả tuần, nhà mình đang đau đớn chuẩn bị đón tin xấu thì kỳ diệu thay, mẹ tỉnh lại.

Mỗi ngày bác sĩ cho người thân vào phòng hồi sức một lần để chăm sóc mẹ. Anh nói em và chị Hai yếu đuối, để anh làm. Nhìn cách anh lau rửa, thay đồ cho mẹ, các bác sĩ cứ tưởng anh là con ruột. Sau ba tuần, mẹ được về nhà với nửa người bên trái hoàn toàn mất cảm giác.

Tối, anh và em trải chiếu nằm hai bên giường mẹ để trông chừng. Cả đêm mẹ đau nhức, vợ chồng thay nhau xoa bóp chân tay, lật trở đổi bên cho mẹ đỡ mỏi. Cứ hai giờ mẹ lại đòi đi tiểu, uống nước. Mới mấy ngày em đã chóng mặt, lên huyết áp vì cả đêm không ngủ được. Anh chị Hai và thằng út nuôi mẹ vài hôm cũng chịu không thấu. Chỉ có anh cần mẫn thức trông mẹ đêm này qua đêm khác.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Nhà mình phải thuê người mát-xa và tập vật lý trị liệu cho mẹ. Được vài hôm, anh nhìn cách họ làm rồi làm theo. Anh kinh doanh chứng khoán nên bê luôn máy tính vào cạnh giường mẹ để làm việc. Cứ nửa giờ, anh lại ngưng công việc để trở lưng, xoa bóp cho mẹ. Mẹ đi vệ sinh, em và chị Hai hè hụi mãi mới đỡ được mẹ lên xe lăn. Anh thì làm rất nhẹ nhàng. Anh choàng tay mẹ lên vai, xốc nách để mẹ đứng tựa vào người, chân giữ chặt xe lăn, xoay nhẹ một cái là đã đặt mẹ ngồi vững trên xe. Mẹ vệ sinh xong, anh cẩn thận lau chùi sạch sẽ. Bác hàng xóm sang thăm, nắm tay mẹ ước ao: “Tôi có con rể vầy chắc tôi cưng dữ lắm. Cả trăm đứa chưa được một. Chị thiệt có phước”. Mẹ mỉm cười nhìn anh âu yếm: “Bốn đứa con của tui, chẳng đứa nào chăm sóc tôi được như nó. Nói thiệt, mấy lần đầu tui hơi mắc cỡ, nhưng rể nó nói “con là con của mẹ, có sao đâu”, nghe thiệt là thương”...

Đọc báo, thấy nói người già phải tập đọc chữ ngược, học tính toán cộng trừ để đầu óc minh mẫn. Cách đó không phù hợp với mẹ nên anh nghĩ ra cách khác. Anh hỏi mẹ: “Con nhớ hồi đó mẹ làm bánh xèo ngon lắm. Cách làm ra sao hả mẹ”. Mẹ nói từng chữ “nửa ký bột thì 600g dừa…”. Hôm sau anh lại hỏi: “Con thèm xôi vò mà vợ con không biết nấu, nấu sao cho ngon hả mẹ?”… Nhờ vậy mà mẹ rất tỉnh táo, còn nhớ được những chuyện xa lơ xa lắc.

Mẹ thương anh lắm, đến nỗi tài sản dành dụm để dưỡng già, mẹ dặn cả nhà để hết cho anh, không đứa nào được chia chác. Ai cũng nói em tu mấy kiếp mới lấy được anh làm chồng. Em thì nghĩ kiếp này em đã mắc nợ anh, để kiếp sau mình lại làm vợ chồng, em sẽ trả nợ, có tính cả lãi, để vợ chồng mình nợ nhau hoài hoài, nhé anh.