Làm sao ngăn 'phím' cổ phiếu công khai trên mạng xã hội?

Tình trạng thao túng cổ phiếu đã dần hạ nhiệt trong năm 2021 khi chỉ có 3 vụ thao túng cổ phiếu bị xử phạt, trong đó không có vụ nào bị khởi tố hình sự. Tuy vậy nhiều ý kiến cho rằng chế tài xử phạt cho hành vi này chưa thật sự mạnh tay.
Đầu tiên là vụ thao túng giá cổ phiếu TGG của Louis Capital (TGG). Vào tháng 1/2021, kết quả kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho thấy bà Nguyễn Thị Thanh Hương đã thực hiện hành vi thao túng cổ phiếu TGG.
Theo đó, bà Nguyễn Thị Thanh Hương bị phạt 550 triệu đồng vì đã dùng 19 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu TGG. Theo UBCKNN, căn cứ kết quả kiểm tra và các tài liệu có trong hồ sơ, xem xét tính toán số lợi bất hợp pháp từ việc thực hiện hành vi vi phạm cho thấy không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của bà Nguyễn Thị Thanh Hương.
Vụ thao túng thứ 2 là vào tháng 4/2021, UBCKNN xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Quang Vinh số tiền 550 triệu đồng. Cá nhân này đã sử dụng 35 tài khoản để liên tục mua, bán, giao dịch cổ phiếu TAR của Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) giữa các tài khoản với nhau nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu.
Lam sao ngan 'phim' co phieu cong khai tren mang xa hoi?
 Số vụ xử phạt thao túng giảm trong năm 2021.
Cuối cùng đó là trường hợp thao túng tại Đầu tư và Phát triển Đức Quân (FTM) với số tiền phạt lớn nhất. Căn cứ kết quả giám sát, kiểm tra của UBCKNN, kết quả xác minh của cơ quan công an, ngày 30/8/2021, UBCKNN ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Mạnh Thường và bà Phạm Thị Phương.
Cụ thể, ông Lê Mạnh Thường và bà Phạm Thị Phương sử dụng 50 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu FTM. Mỗi cá nhân trên bị phạt tiền 600 triệu đồng, tổng giá trị phạt là 1,2 tỷ đồng.
Cách đây hơn 2 năm, cổ phiếu FTM từng gây ‘rúng động’ thị trường chứng khoán Việt Nam với chuỗi hàng chục phiên giảm sàn. Đầu tháng 7/2019, giá cổ phiếu FTM liên tục lao dốc từ mức gần 24.000 đồng/cp xuống còn hơn 3.000 đồng/cp.
Tại thời điểm đó, 11 công ty chứng khoán và 1 ngân hàng đã bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng vì cho vay margin (giao dịch ký quỹ) cổ phiếu FTM.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết căn cứ kết quả xác minh của cơ quan công an và kết quả kiểm tra, hậu quả do hành vi thao túng cổ phiếu FTM của 2 cá nhân nêu trên gây ra và xác định theo quy định tại Điều 211 - Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm.
Xử lý mạnh tay tình trạng thao túng và làm giá cổ phiếu
Hiện nay, với sự hỗ trợ của công nghệ, hành vi thao túng, làm giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán ngày càng được các đối tượng thực hiện tinh vi. Nguyên nhân vẫn diễn ra tình trạng thao túng giá chứng khoán là mức xử lý vẫn chưa đủ tính răn đe.
Nếu theo dõi những diễn đàn chứng khoán trên Facebook, YouTube, Zalo... có thể thấy những thông tin theo kiểu “phím hàng” định hướng rất nhiều.
Với thị trường chứng khoán phát triển như Mỹ cũng có việc thao túng giá chứng khoán. Tuy nhiên, luật pháp của họ rất nghiêm ngặt nên không có chuyện “phím hàng” công khai như vậy.
Không như ở Việt Nam, nhà đầu tư có thể hỏi thông tin về mã cổ phiếu và coi chuyện này là điều hiển nhiên trao đổi trên các diễn đàn, mạng xã hội. Do vậy, phải ngăn chặn việc 'phím hàng' công khai trên mạng xã hội bằng cách xử lý mạnh tay và đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Trên thực tế, nhiều cổ phiếu được hô hào từ các cá nhân, group trên mạng có hiện tượng tăng, giảm bất thường; có nhiều cổ phiếu liên tục tăng trần, nhưng hoạt động kinh doanh lại thua lỗ.
Trước thực tế này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các giao dịch chứng khoán có dấu hiệu bất thường và xử lý nghiêm các vi phạm.
Trong thời gian tới, Ủy ban sẽ tiếp tục đẩy mạnh giám sát, phối hợp giám sát thường xuyên, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán.
Đồng thời, Ủy ban sẽ triển khai đoàn kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ chức và cá nhân, nhất là dấu hiệu thực hiện hành vi lạm dụng thị trường như giao dịch thao túng, xử lý nghiêm vi phạm để đảm bảo tính răn đe, kỷ cương cho thị trường, giữ vững niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường công khai và minh bạch.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN