Con rời tập đoàn, mẹ thôi chủ tịch
CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét hợp nhất và thêm một lần nữa ghi nhận lỗi trong hoạt động kế toán. QCG nhầm lẫn về thuế phải nộp khiến lợi nhuận sau kiểm toán giảm đáng kể so với tự lập.
Theo đó, lợi nhuận sau thuế của Quốc Cường Gia Lai (QCG) được điều chỉnh giảm 29% sau soát xét về mức 19 tỷ đồng, so với con số tự lập là 26 tỷ đồng.
Quốc Cường Gia Lai của nhà ông Cường “đô la” chịu nhiều tai tiếng liên quan tới việc công bố thông tin. QCG đã từng nhiều lần phải gia hạn công bố báo cáo và điều chỉnh những sai lầm trong các báo cáo tài chính của mình. Sai phạm nhiều tới mức các nhà đầu tư trở nên quá quen với việc QCG công bố 2-3 lần khác nhau cho một kết quả kinh doanh hay số liệu nào đó.
Trước đó, Quốc Cường Gia Lai từng có những sai phạm về công bố thông tin khá bất ngờ như: báo cáo số liệu cập nhật trên file giấy có sai sót nhưng không kiểm tra lại trước khi gửi cho Ủy ban chứng khoán và Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, hay đưa số liệu của quý năm trước ra công bố cho năm sau.
Không chỉ nhầm lẫn, sai sót, Quốc Cường Gia Lai còn dính nhiều tới kiện tụng liên quan tới bất động sản với nhiều lý do, trong đó có việc chậm bàn giao nhà.
Bầu Đức chưa thoát khó và lỗ
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2020 với một khoản lãi ròng, thay vì lỗ như trong báo cáo trước đó.
Cụ thể, cổ đông công ty mẹ Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận lãi ròng hơn 107 tỷ đồng, thay vì lỗ 48 tỷ đồng trong báo cáo tự lập.
Tuy nhiên, Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức đang đối mặt với rất nhiều khó khăn khi mà tỷ trọng lớn trong tổng tài sản là tài sản dở dang dài hạn với tổng trị giá lên tới hơn 11,4 nghìn tỷ đồng; hàng tồn kho hơn 2,3 nghìn tỷ đồng và khoản phải thu ngắn và dài hạn tiếp tục tăng lên 10,8 nghìn tỷ đồng.
Một điểm đáng lưu ý là kiểm toán có đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với khả năng thu hồi các khoản dư nợ tồn đọng với giá trị lên đến 7,3 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 29% so với con số 5.670 tỷ đồng hồi đầu năm.
Theo đó, kiểm toán viên không thể thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp để xác định khả năng thu hồi số dư nợ tồn đọng gần 7,3 nghìn tỷ đồng nói trên. Phía kiểm toán không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các khoản mục nói trên hay không và các ảnh hưởng nếu có đến báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2020 của HAG.
Ngoài ra, kiểm toán còn nhấn mạnh rằng, khoản nợ ngắn hạn tại ngày 30/06/2020 đã vượt quá tài sản ngắn hạn của HAG. Cùng với những vấn đề khác, báo cáo cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục.
Một ngày của các tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Trần Đình Long
Năm 2018, chủ tịch tập đoàn Hòa Phát - ông Trần Đình Long - tình cờ chia sẻ về một ngày bình thường của mình với báo giới nhân dịp lọt vào danh sách tỷ phú USD do Forbes bình chọn. Nhiều người vẫn nghĩ các tỷ phú như ông rất bận rộn, nhưng ông lại cho biết:
"Một ngày bình thường của tôi rất bình thường. Tôi là người theo chủ nghĩa không có cái gì quá cả. Từ sáng đến giờ tôi có duy nhất một cuộc điện thoại gọi đến, nhưng là người ta gọi nhầm máy. Tôi cũng chỉ có một chiếc điện thoại, không kiểu "hai tay hai máy" đâu. Nhiều người là hai tay hai điện thoại, rồi không kịp ăn sáng.
|
Ông Trần Đình Long |
Tôi thì ăn sáng, uống cà phê rồi mới đi làm. Chiều làm xong đi tập thể thao. Tối, trừ trường hợp rất đặc biệt, còn lại tôi không đi tiếp khách, không nhậu, ăn đủ 365 bữa một năm ở nhà. Cuối tuần thì hay đánh golf. Còn một sở thích nữa là xem phim tâm lý xã hội, mấy phim hay của nước ngoài."
Trong khi lịch trình một ngày của tỷ phú Trần Đình Long khá nhẹ nhàng thì nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo dường như bận rộn hơn. Trong bài phỏng vấn đầu năm 2020 chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, nhà sáng lập hãng hàng không Vietjet kể về một ngày bình thường của mình:
"Sáng 5h thức dậy, đọc tài liệu, thắp hương trên bàn thờ Phật cho nhẹ nhõm rồi lên xe đưa con đến trường và đến công ty. Trên xe tiếp tục xử lý công việc. Ở công ty rất bận rộn với công việc, tôi phải cố gắng nhưng không phải hôm nào cũng về nhà kịp ăn tối cùng gia đình lúc 19h30. 20h chào để con đi ngủ, sau đó trò chuyện với bố mẹ, rồi tiếp tục làm việc mà nhân viên hay nói là "bài tập về nhà".
"Lâu lâu giở lại Hoàng Tử Bé ra đọc lại, vì tôi thích cuốn truyện này, sự giản dị, ngôn từ đẹp và trong sáng, trí tưởng tượng phong phú, cũng như cái chết của hoàng tử bé cũng là cái kết của các câu chuyện gợi nên rất nhiều điều, và nhiều thứ mình suy ngẫm trong cuộc sống", tỷ phú Phương Thảo tiết lộ cuốn truyện mình ưa thích.
Với những ngày cuối tuần, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng chỉ có ngày chủ nhật dành cho gia đình.
|
Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo |
"Thứ bảy là ngày dành cho công việc có tính chất vĩ mô hơn như trao đổi định hướng, chiến lược, hay bàn thảo các vấn đề, xu thế quốc tế, các diễn biến liên quan như chiến tranh thương mại, bầu cử Mỹ, xu hướng dịch chuyển FDI... hay đón tiếp các đối tác quốc tế, gặp gỡ, giao lưu. Đi làm thứ bảy, tôi cho con nhỏ đi theo, vừa để gần con, cũng là muốn tạo thói quen làm việc cho con.
Chủ nhật thường dành cho gia đình và những thú vui như trồng cây, nuôi cá, chăm chút nhà cửa, dành thời gian cho người thân, bạn bè dù vẫn kết hợp công việc'', bà cho hay.
Bắt giam doanh nhân có tiếng ở Đà Nẵng
Tối 4/9, Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng bắt tạm giam bị can Phạm Thanh (giám đốc một doanh nghiệp có địa chỉ tại phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) về tội cưỡng đoạt tài sản.
Các chứng cứ, tài liệu thu thập được cho thấy, ông Thanh đã tổ chức cho vay lãi nặng với số tiền lớn trong nhiều năm.
Theo Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng, vụ án của ông Thanh có liên quan đến vụ việc nhân viên Văn phòng đăng ký đất đai quận Sơn Trà tự ý lấy 22 sổ đỏ của công dân cho bà Đào Thị Như Lệ (SN 1979, ngụ tỉnh Quảng Nam) mượn. Theo cơ quan Công an, bà Lệ đã vay các khoản tiền rất lớn tại các ngân hàng để kinh doanh bất động sản, nhưng do ảnh hưởng nặng nề của của dịch Covid-19 nên không bán được đất để trả nợ.
Người phụ nữ này phải đi “vay nóng” để trả lãi ngân hàng.
Qua quen biết, bà Lệ đã mượn bạn mình là bà Anh 22 sổ hồng. Trong đó, bà Lệ đem 7 sổ cầm cố cho ông Thanh để vay các khoản tiền hơn 72 tỷ đồng nhưng thực nhận chỉ có 68,7 tỷ đồng, số còn lại ông Thanh thu lãi trước.
Đến ngày 8/8, khi quá hẹn nhưng bà Lệ không trả tiền, ông Thanh gọi điện thúc ép, buộc bà đến nhà riêng của mình ở đường Hùng Vương.
Tại đây, ông Thanh cùng một số người đã đánh đập bà Lệ, buộc bà này viết giấy nhận nợ với số tiền cả gốc lẫn lãi 122 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Thanh còn ép bà Lệ phải viết giấy bán khu biệt thự tại đường Hoàng Kế Viêm và ba lô đất khác với giá thấp hơn giá thị trường để cấn trừ một phần nợ. Do bị đánh đập nên bà Lệ phải thực hiện theo yêu cầu của ông Thanh.
Được biết, ông Thanh là một doanh nhân có tiếng ở Đà Nẵng và thời gian qua được mọi người biết đến khi thường xuyên tổ chức một số hoạt động từ thiện, xã hội.