Tỷ giá dự kiến sẽ tiếp tục chịu áp lực mất giá trong ngắn hạn?

Theo Ngân hàng Shinhan, tỷ giá dự kiến sẽ tiếp tục chịu áp lực mất giá trong ngắn hạn do bị ảnh hưởng bởi các điều kiện tiêu cực bên ngoài.
Tỷ giá liên ngân hàng và chợ đen tăng mạnh
Theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tỷ giá liên ngân hàng USD/VND diễn biến căng thẳng trong quý 2 khi liên tục áp sát và vượt ngưỡng bán ra của NHNN tại 25.450 (+4,9% từ đầu năm).
Mặc dù NHNN đã chủ động nâng nền lãi suất liên ngân hàng lên mức cao tương đối để hạn chế hoạt động đầu cơ chênh lệch lãi suất (carrry trade) của các ngân hàng, tỷ giá vẫn liên tục chịu áp lực khiến NHNN phải thực nghiệp vụ bán thẳng ngoại tệ với khối lượng tương đối lớn (ước tính khoảng 6 tỷ USD tính đến ngày 26/6).
Theo đó, KBSV cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ giá tăng cao trong thời gian qua đến từ sự mất cân bằng về cung cầu của đồng USD trên thị trường, chủ yếu do (1) nhu cầu thanh toán USD để nhập khẩu tăng cao, và (2) các doanh nghiệp xuất khẩu, FDI để tiền ở nước ngoài do lãi suất tiền đồng kém hấp dẫn.
Trong 6 tháng đầu 2024, tỷ giá chợ đen vẫn diễn biến tiêu cực, tính đến 28/6 đạt 26.020 USD/VND ở chiều bán ra (+5.05%). Đà tăng của tỷ giá chợ đen chủ yếu do việc giá vàng thế giới tăng phi mã, tạo sự chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới (có thời điểm vượt ngưỡng 20 triệu đồng/lượng) kích thích nhu cầu nhập lậu vàng.
Sau khi NHNN cho phép SJC và 4 ngân hàng quốc doanh mua vàng từ NHNN và bán trực tiếp cho người dân, chênh lệch giá vàng với thế giới cũng đã rút xuống còn 8-9 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, KBSV cho rằng biện pháp này chỉ có tác động đối với vàng miếng và mang tính ngắn hạn. Vào đầu tháng 7, giá vàng nhẫn đã tăng cao vượt giá bán ra của vàng miếng SJC trước những biến động của giá vàng thế giới.
Tỷ giá danh nghĩa đa phương (NEER) và tỷ giá thực đa phương (REER) có diễn biến cùng chiều trong 6 tháng đầu 2024. Cụ thể, tại 28/6, NEER giảm 0.5% YTD và REER giảm 0.1% YTD (tương đồng với việc VND mất giá so với các đối tác thương mại nhưng mất giá nhẹ hơn khi xét đến yếu tố lạm phát). NEER giảm chủ yếu do VND đều mất giá so với USD, EUR, CNY trong khi lên giá so với JPY, KRW và THB giúp đà giảm của NEER không quá mạnh. REER giảm nhẹ hơn phản ánh lạm phát của Việt Nam trong giai đoạn đầu năm cao hơn so với lạm phát bình quân của các đối tác thương mại chính.
Giai đoạn nửa đầu năm 2024 vẫn là một giai đoạn khó khăn cho NHNN trong công cuộc điều hành tỷ giá, nhất là khi ngoài những áp lực hiện hữu từ 2023 thì còn chịu thêm sức ép từ diễn biến của giá vàng. Dù vậy, mức độ mất giá tiền đồng vẫn đang ở mức trung bình thấp so với các đồng tiền trong khu vực, thấp hơn KRW, THB và JPY.
Ty gia du kien se tiep tuc chiu ap luc mat gia trong ngan han?-Hinh-3
 
Tỷ giá USD/VND dự báo sẽ dần ổn định trong nửa cuối năm?
Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ gia tăng, đồng thời chỉ số CPI tháng 6 cho thấy mức giảm 0,1% so tháng trước, so với cùng kỳ thì tăng 3%, mức thấp nhất trong 3 năm qua đã khiến kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất tăng mạnh. Theo CME, thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng 9 với xác suất 95,3%, và có 3 đợt hạ trong năm nay. Bài phát biểu gần đây của chủ tịch Fed về việc sẽ không chờ đợi lạm phát giảm xuống chính xác mức mục tiêu 2% mới bắt đầu cắt giảm lãi suất đã càng củng cố cho kịch bản này.
Với diễn biến mới của nền kinh tế Mỹ cũng như đà giảm mạnh của DXY trước kỳ vọng Fed đẩy nhanh việc hạ lãi suất, KBSV cho rằng giai đoạn áp lực nhất của tỷ giá đã qua. Bước sang quý 3, tỷ giá có thể còn có các biến động trồi sụt do nhu cầu nhập khẩu của doanh nghiệp dự báo vẫn ở mức cao, trước khi xu hướng hạ nhiệt sẽ rõ ràng hơn trong quý 4 nhờ kỳ vọng nguồn ngoại tệ sẽ cải thiện khi mà xuất khẩu được đẩy mạnh, kiều hối đổ về song song với dòng tiền FDI.
Theo đó, KBSV dự báo tỷ giá sẽ ổn định trở lại và mức tăng cả năm ở mức 3,5% từ đầu năm đến nay, tương ứng đạt 25.120 USD/VND.
Do tỷ giá đã có dấu hiệu ổn định hơn và xuống dưới ngưỡng bán ra của NHNN, KBSV cho rằng NHNN sẽ vẫn tập trung vào việc điều tiết thanh khoản trên thị trường mở và giữ nền lãi suất quanh 4-5% để hạn chế hoạt động carry trade. Biện pháp bán ngoại tệ có thể vẫn sẽ được áp dụng tuỳ thời điểm, tuy nhiên khối lượng bán được kỳ vọng là tương đối nhỏ. Việc tăng lãi suất điều hành, hay tăng lãi suất OMO, tín phiếu được dự báo sẽ không xảy ra.
Trong khi đó theo Ngân hàng Shinhan, tỷ giá USD/VND dự kiến sẽ tiếp tục chịu áp lực mất giá trong ngắn hạn do bị ảnh hưởng bởi các điều kiện tiêu cực bên ngoài như xung đột Trung Đông, chênh lệch lãi suất với Mỹ gia tăng và nền kinh tế Trung Quốc suy thoái.
Tuy nhiên, sự phục hồi của ngành sản xuất và xuất khẩu cùng sự can thiệp của NHNN trong việc bán vàng và ngoại tệ dữ trự đã góp phẩn hạn chế tỷ giá USD/VND tăng cao. Tuy nhiên, đồng Việt Nam sẽ mất giá nhẹ.
Đồng Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi sau khi Fed xoay trục chính sách tiền tệ và các yếu tố về chi tiêu đầu tư công và dòng vốn FDI tăng mạnh.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN