Thấy gì từ tiến độ xử lý nợ xấu của VietinBank?

Chất lượng tài sản của VietinBank chịu áp lực trong Q2/2024 nhưng có thể cải thiện đáng kể trong nửa cuối năm 2024.
Báo cáo phân tích của Chứng khoán SSI về Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG) cho rằng tiến độ xử lý nợ xấu của nhà băng này phù hợp kỳ vọng.
Tăng trưởng tín dụng khả quan tại tất cả phân khúc khách hàng trong Q2/2024. Tổng dư nợ tín dụng tính đến ngày 30/6/2024 của CTG đạt 1,58 triệu tỷ đồng, tăng 6,6% so với đầu năm hoặc tăng 3,8% so với quý trước (so với mức tăng trưởng của ngành là 6,1% tính từ đầu năm).
Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi các phân khúc khách hàng: cá nhân (+6,3% so với quý trước), doanh nghiệp lớn (+2,4% so với quý trước), doanh nghiệp vừa và nhỏ (+2,3% so với quý trước).
Đà tăng trưởng vẫn duy trì trong tháng 7 với tăng trưởng tín dụng đạt 7,5% tính từ đầu năm.
SSI nhận thấy rằng các khoản cho vay cá nhân sản xuất kinh doanh tiếp tục mở rộng (+19 nghìn tỷ đồng hoặc +5,4% so với quý trước) và cho vay mua nhà có sự phục hồi (+3 nghìn tỷ đồng hoặc +1,9% so với quý trước).
Trong khi cho vay mua nhà được kỳ vọng phục hồi nhờ tình hình thị trường bất động sản Hà Nội được cải thiện, các khoản cho vay cá nhân sản xuất kinh doanh tiếp tục gây bất ngờ sau đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023 (+29% so cùng kỳ) trong bối cảnh tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn. SSI cho rằng điều này là nhờ CTG đã tăng thị phần dựa vào chính sách giá rất cạnh tranh của mình.
Thay gi tu tien do xu ly no xau cua VietinBank?
 
Chất lượng tài sản chịu áp lực trong Q2/2024 nhưng có thể cải thiện đáng kể trong nửa cuối năm 2024. Mặc dù SSI dự đoán rằng CTG sẽ tiếp tục tích cực xử lý nợ xấu trong Q2/2024, tuy nhiên quy mô xử lý rủi ro thực tế vượt ước tính của SSI với 10,6 nghìn tỷ đồng hoặc 0,7% tổng dư nợ (so với 5 nghìn tỷ đồng trong Q1/2024).
Nợ xấu tăng 21% so với quý trước lên 24,6 nghìn tỷ đồng hay 1,57% tổng dư nợ. Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo, một khách hàng lớn đã bị chuyển xuống nợ Nhóm 4 trong Q2/2024.
Tuy nhiên, khách hàng này đã quay lại thanh toán đúng hạn và được nâng lên nợ Nhóm 1 gần đây. Do đó, nợ xấu được cải thiện trong tháng 8 xuống còn 1,08%. Tỷ lệ nợ xấu doanh nghiệp giảm còn 1,2% trong tháng 8 từ 2,15% trong tháng 6.
Với diễn biến như vậy, SSI cho rằng ngân hàng sẽ có một khoản hoàn nhập dự phòng liên quan đến khách hàng này trong Q3/2024. Do đó, chi phí tín dụng dự kiến sẽ giảm trong nửa cuối năm 2024 từ mức cao như hiện nay là 2,1%.
Ngoài ra, chi phí tín dụng giảm còn được hỗ trợ bởi nỗ lực quản lý chất lượng tài sản đối với nhóm khách hàng cá nhân của CTG, với tỷ lệ nợ xấu là 0,67% so với mức bình quân mà SSI quan sát tại các NHTM Nhà nước (SoCBs) là khoảng 1% và NHTM tư nhân thuộc phạm vi nghiên cứu là 2,8%-3,2%.
Thay gi tu tien do xu ly no xau cua VietinBank?-Hinh-2
 
NIM giảm 6 điểm cơ bản so với quý trước, phù hợp kỳ vọng do phần lớn các khoản giải ngân mới là các khoản vay vốn lưu động với lãi suất thấp hơn nhiều so với các khoản vay trung và dài hạn.
Ngoài ra, tỷ lệ hình thành nợ xấu tăng trong Q2/2024 cũng dẫn tới việc thoái thu lãi đối với các khoản vay liên quan, ảnh hưởng đến lợi suất trung bình trên tài sản (-35 điểm cơ bản so với quý trước còn 5,84%).
Trong nửa cuối năm 2024, SSI giả định rằng NIM sẽ giảm còn 2,95% trong năm 2024 (so với 2,99% trong nửa đầu năm 2024) do còn nhiều thách thức dưới đây. Tuy nhiên, mức NIM này vẫn là một sự cải thiện đối với năm 2023 ở mức 2,87%.
Theo SSI, các yếu tố hỗ trợ NIM của CTG là người gửi tiền có xu hướng sử dụng các công cụ tiền gửi ngắn hạn, vì họ kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tăng. Do đó, tỷ lệ tiền gửi dài hạn (12 tháng trở lên) so với tổng tiền gửi có thể thấp hơn, hỗ trợ chi phí vốn (CoF) tổng thể.
Đồng thời, CASA dự kiến sẽ ổn định ở mức khoảng 22%-23%, với kết quả khả quan từ khách hàng bán lẻ do ngân hàng đã phát triển các giải pháp ngân hàng số và thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngoài ra, các khoản giải ngân trung và dài hạn có thể mạnh hơn vào cuối năm, với các dự án cơ sở hạ tầng được đẩy nhanh và thị trường bất động sản cải thiện, cũng nhu cầu phục hồi từ phân khúc bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Cuối cùng là chất lượng tài sản cải thiện với tỷ lệ nợ xấu dự kiến giảm từ 1,57% trong tháng 6 xuống 1,1% vào cuối năm.
SSI cũng lưu ý các yếu tố thách thức NIM như lãi suất huy dộng dự kiến tăng 50-100 điểm cơ bản khi cầu tín dụng có sự khởi sắc vào cuối năm 2024, trong khi lãi suất cho vay dự kiến duy trì ở mức thấp để hỗ trợ khách hàng. Đồng thời, ít dư địa để có thể tiếp tục mở rộng hệ số LDR.
Nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ tính phí có kết quả khả quan, ngoại trừ bảo hiểm nhân thọ. Thu nhập từ thanh toán, bảo hiểm phi nhân thọ và thu nhập từ nợ xấu đã xóa lần lượt tăng 6%, 58% và 7% so cùng kỳ trong Q2/2024.
Trong khi đó, bảo hiểm nhân thọ gặp khó khăn do tâm lý tiêu cực xung quanh các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và các quy định nghiêm ngặt hơn về bán bảo hiểm qua kênh bancassurance.
Trong tháng 7, ngân hàng ghi nhận thêm gần 3 nghìn tỷ đồng thu nhập từ nợ xấu đã xóa từ một khách hàng doanh nghiệp lớn. Ngân hàng dự kiến thu nhập từ nợ xấu đã xóa sẽ đạt khoảng 7 nghìn tỷ đồng trong cả năm 2024 (+50% so cùng kỳ) hay 5 nghìn tỷ đồng trong nửa cuối năm 2024.
Tóm lại, do xu hướng hoạt động kinh doanh của CTG phù hợp với kỳ vọng nên SSI giữ nguyên ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2024 và 2025 lần lượt đạt 29,2 nghìn tỷ đồng (+17% so cùng kỳ) và 39,4 nghìn tỷ đồng (+35% so cùng kỳ).
Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của CTG năm 2025 sẽ cao hơn so với các ngân hàng khác (21% so cùng kỳ đối với các ngân hàng trong phạm vi theo dõi). SSI  kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận so cùng kỳ trong các quý tới sẽ dần khả quan hơn so với nửa đầu năm 2024.
Ngoài ra, bất kỳ tiến triển nào trong chính sách chi trả cổ tức bằng cổ phiếu của CTG cũng có thể tạo ra tâm lý tích cực từ phía các nhà đầu tư cá nhân trong ngắn hạn.
Do đó, SSI duy trì khuyến nghị khả quan CTG với giá mục tiêu 1 năm không đổi là 38.500 đồng/cổ phiếu dựa trên cơ sở định giá vào giữa năm 2025 và hệ số P/B mục tiêu là 1,3x.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN