Trong năm 2019, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) thực hiện được 4.115 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng gần 20% so với năm 2018. Hoạt động dịch vụ cũng mang về lãi thuần lớn khi đạt tới 546 tỷ đồng, tăng vọt 61%. Kinh doanh ngoại hối khả quan với 114 tỷ đồng, tăng 37%.
Đáng chú ý, mua bán chứng khoán đầu tư vẫn luôn mang lại cho OCB khoản lãi thuần lớn khi đạt tới 1.093 tỷ đồng, tăng gần 15%. Hay hoạt động khác kỳ này cũng đóng góp tới 724 tỷ, tăng vọt 271%.
Riêng mua bán chứng khoán kinh doanh suy giảm 16% xuống 20 tỷ đồng.
Trong năm, OCB cũng phải chi ra 2.449 tỷ đồng chi phí hoạt động, tăng mạnh 30% so với năm trước. Thêm vào đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của OCB cũng ngốn gần 933 tỷ đồng, tăng nhẹ hơn 1% so với năm trước.
Dù vậy, sau cùng OCB vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế 3.232 tỷ đồng, tăng 47% so năm trước và đủ hoàn thành kế hoạch năm. Còn lãi ròng 2.583 tỷ đồng, cũng tăng mạnh gần 47%.
Riêng quý 4/2019, lợi nhuận sau thuế của OCB ghi nhận mức tăng vọt gấp 3.6 lần cùng kỳ khi đạt tới gần phân nửa cho kết quả cả năm với 1.029 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi tính theo quý cao nhất mà nhà băng này đạt được từ trước đến nay.
Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của OCB đạt gần 118.160 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Chủ yếu nhờ các khoản lãi, phí phải thu tăng 26%, lên hơn 1,402 tỷ đồng và cho vay khách hàng tăng 26% lên hơn 71,090 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tại OCB cũng đạt hơn 69,142 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm.
Về chất lượng nợ vay, tại thời điểm cuối năm 2019, OCB ghi nhận 1.309 tỷ đồng nợ xấu, tăng nhẹ 1,6% so với đầu kỳ. Trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng khá mạnh với hơn 8% khi chiếm 732 tỷ đồng. Dù vậy, do tổng dư nợ cho vay ở mức cao nên tỷ lệ nợ xấu của OCB giảm đáng kể từ 2,28% xuống còn 1,84%.
Hiện OCB vẫn ghi nhận gần 25 tỷ đồng đầu tư vào 5 đơn vị gồm CTCP Quản lý đầu tư Thành Việt (8,8 tỷ), CTCP Đầu tư Ánh sáng Chung (8,69 tỷ), CTCP Khách sạn Sài Gòn Tourane (3 tỷ ), CTCP Bất động sản Bến Thành Đức Khải (1,5 tỷ) và CTCP Đầu tư Phát triển Hạ tầng Quảng Nam (3 tỷ).
Tính đến nay, vốn điều lệ của OCB đã tăng lên 7,898 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 20%, tương ứng với số cổ phần phát hành là gần 130 triệu cổ phiếu.
OCB cho biết cũng đã triển khai chào bán riêng lẻ gần 118,5 triệu cổ phần như đã được đại hội đồng cổ đông đã phê duyệt tại ngày 27/4/2019. Tính đến thời điểm hiện tại đã có một nhà đầu tư là Ngân hàng Aozora thực hiện đăng ký mua gần 86,9 triệu cổ phần.
Nếu hoàn tất việc chào bán thì Ngân hàng Aozora sẽ trở thành cổ đông lớn chiếm 11% vốn điều lệ hiện tại, tương đương 9,91% vốn điều lệ sau khi phát hành.
HĐQT OCB tiếp tục chào bán riêng lẻ cho các nhà đầu tư đối với số cổ phần còn lại là hơn 31,6 triệu cổ phần sau khi đã hoàn thành việc phát hành cho Ngân hàng Aozora.