Nỗi lo mới của ví điện tử

Sau khi dự thảo Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định 101/2012 được lấy ý kiến, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây công bố không đưa tỷ lệ giới hạn nhà đầu tư nước ngoài 49% vào dự thảo trình Chính phủ.

NHNN cũng nhấn mạnh điểm mới về quy định hoạt động đại lý thanh toán. Các ngân hàng được giao cho bên đại lý cung ứng một phần các dịch vụ thanh toán như nộp/rút tiền mặt vào/ra tài khoản, thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ... Quy định này sẽ mở ra sự phát triển cho tiền di động, một loại hình mới được nêu trong dự thảo.

Tiền di động là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động. Loại hình này mở ra cơ hội tham gia vào thị trường thanh toán với các doanh nghiệp viễn thông như Vietel, MobiFone, VNPT… Sau khi Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt chính thức được thông qua, 100% thuê bao di động có thể tham gia thanh toán điện tử và có thể nộp/rút tiền qua các đại lý thanh toán.

Với hơn 126 triệu thuê bao di động phát sinh lưu lượng, theo số liệu của Bộ Thông tin & Truyền thông, tính đến cuối năm 2019, các công ty viễn thông có thể đưa dịch vụ thanh toán tiếp cận lượng khách hàng tại khắp cả nước, tới cả những người dân vốn trước đây chưa có tài khoản ngân hàng, khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính, ở vùng sâu, vùng xa…

Đây cũng là mục tiêu của NHNN khi chấp thuận loại hình tiền di động và cho phép các công ty viễn thông tham gia vào thị trường thanh toán, hướng đến phổ cập tài chính sâu rộng tới người dân.
Noi lo moi cua vi dien tu
 
Ví điện tử "lo"

Sự xuất hiện của tiền di động được cho là sẽ cạnh tranh với ví điện tử, một phương thức thanh toán mới phát triển mạnh tại Việt Nam trong 2 năm gần đây. Theo báo cáo của J.P.Morgan, 19% giá trị giao dịch thương mại điện tử được thực hiện qua ví điện tử tại Việt Nam. Con số này ngang với thanh toán bằng tiền mặt, xếp sau thanh toán qua thẻ (34%) và chuyển khoản ngân hàng (22%).

Việt Nam có hơn 62,6 triệu thuê bao sử dụng dữ liệu (truy cập 3G, 4G...), kết hợp với dân số trẻ cao, được cho là thị trường tiềm năng để ví điện tử phát triển. Tuy nhiên, những đối tượng trên cũng là “tập con” khách hàng của các đơn vị viễn thông và chính điều đó đặt ra thách thức đối với các nhà điều hành ví điện tử.

Ví điện tử lo ngại về việc phát triển khách hàng khi tiền di động được chấp thuận. Ảnh: Trí thức trẻ
Ví điện tử lo ngại về việc phát triển khách hàng khi tiền di động được chấp thuận. Ảnh: Trí Thức Trẻ.
Tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo nghị định thanh toán không dùng tiền mặt diễn ra cuối năm 2019, bà Trương Cẩm Thanh, Chủ tịch HĐQT Zion, đơn vị quản lý ZaloPay, đã bày tỏ sự lo ngại về việc mở rộng thị phần và phát triển khách hàng của ví điện tử khi nghị định được thông qua.

Theo bà Thanh, quy định trong dự thảo cho phép các doanh nghiệp viễn thông định danh tài khoản tiền di động thông qua tài khoản viễn thông mà không cần tài khoản ngân hàng. Trong khi đó, ví điện tử bắt buộc phải có tài khoản ngân hàng là không công bằng với ví điện tử. “Nếu vậy chúng tôi sẽ mở rộng tệp khách hàng như thế nào?”, bà Thanh đặt vấn đề. Vị này cũng đề xuất nếu người dùng chỉ sử dụng tiền điện tử trong ví điện tử để giao dịch mà không có hoạt động rút tiền thì không cần liên kết tài khoản ngân hàng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch đồng sáng lập Ví MoMo đặt vấn đề liệu có sự không công bằng giữa tiền di động hoặc ví điện tử trong việc định danh tài khoản. Điều này sẽ bó hẹp sự phát triển của ví điện tử khi đối tượng khách hàng hướng đến chỉ khoảng 20-30% dân số, trong khi dư địa còn lại lớn.

Theo số liệu Vụ Thanh toán NHNN công bố tại Diễn đàn Công nghệ tài chính Việt Nam (FVF) vào đầu tháng 11/2019, Việt Nam có 43 triệu người trên 15 tuổi, tương đương 63% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Trước đó, một số tổ chức quốc tế, các chuyên gia thường lấy số liệu từ WB cho biết có 31% người Việt có tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, đây là thông tin không chính xác bởi số liệu này từ năm 2014.

Ngân hàng ủng hộ

Trong khi các ví điện tử lo lắng về nghị định mới với sự xuất hiện của tiền di động thì một số lãnh đạo ngân hàng, dù đang phát triển mạnh mô hình ngân hàng số, lại có phần ủng hộ loại hình này.

Chia sẻ với Người Đồng Hành, ông Nguyễn Đình Thắng, nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho biết ủng hộ tiền di động. Theo vị này, mục tiêu cuối cùng vẫn là để người dân thanh toán mọi lúc mọi nơi. Ông lấy ví dụ, khi tiền di động được chấp thuận, nạp 1 triệu đồng vào tài khoản di động có thể chi ngay 300.000 đồng tiền điện, 200.000 đồng tiền nước. “Cùng tài khoản viễn thông, người dân có thể thanh toán nhiều khoản nhỏ khác. Điều này rất thuận lợi”, ông Thắng nói.

Ông cũng cho rằng mục tiêu ngân hàng không cạnh tranh ở lĩnh vực dịch vụ thanh toán mà quan trọng là với các cổng thanh toán bằng dịch vụ ngân hàng số. Các ngân hàng sẽ hướng đến những giao dịch lớn, khách hàng lớn. Mỗi bên sẽ có một đối tượng khác nhau để phục vụ. Đích đến cuối cùng, theo ông, là để người dân thuận tiện giao dịch, thanh toán dịch vụ.

Đồng quan điểm này, ông Từ Tiền Phát, Phó Tổng giám đốc ACB nhận định lĩnh vực ngân hàng và viễn thông là 2 phân khúc khác nhau. Ngân hàng chủ yếu phục vụ người dân thành thị là nhiều, còn tiền di động phục vụ cho phân khúc những người ở khu vực xa, Điều này sẽ tạo nên hệ sinh thái đầy đủ cho lĩnh vực tài chính, không tạo nên cạnh tranh.

Trong công bố gần đây, NHNN cũng cho rằng sự đời của tiền di động và đại lý thanh toán sẽ giúp các ngân hàng có thể tiếp cận khách hàng mà không phải mở rộng mạng lưới chi nhánh/phòng giao dịch, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Trước vấn đề mà các đơn vị làm ví điện tử kiến nghị, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), nhận định không có sự phân biệt đối xử giữa ví điện tử và tiền di động. Các ví điện tử, trung gian thanh toán đã phát triển trước rất sớm. Cạnh tranh sẽ có nhưng là cơ hội cho cả hai bên. Việc chấp thuận tiền di động là nhằm cung cấp cho người dân ở các vùng sâu, biên giới hải đảo thêm phương tiện thanh toán mới. Hiện nay ở thành thị, các ngân hàng có thể tiếp cận tương đối người dân nhưng ở vùng sâu khó vươn tới được. NHNN đánh giá mạng lưới của công ty viễn thông sẽ hỗ trợ việc cung cấp giải pháp tài chính toàn diện đến người dân, phổ cập nhanh hiệu quả với chi phí thấp hơn.
Theo Lê Hải/NDH

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN