Ông Phan Xuân Đức là người nổi tiếng trong giới hàng không với hơn 30 năm tuổi nghề, từng phục vụ cả hoạt động bay quân sự và khai thác dân dụng.
Ở Việt Nam, ông Phan Xuân Đức là một trong những phi công cơ trưởng kỳ cựu nhất và đặc biệt gắn bó với dòng máy bay Boeing. Ông Phan Xuân Đức là phi công trực tiếp cầm lái rất nhiều chuyến bay chuyên cơ phục vụ Nguyên thủ quốc gia công du nước ngoài hoặc làm việc trong nước.
Trước khi nghỉ hưu và về đầu quân cho hãng bay riêng của người giàu nhất Việt Nam - tỷ phú Phạm Nhật Vượng, ông Phan Xuân Đức từng là Phó Tổng Giám đốc của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) từ năm 2008 - 2017.
Trong giai đoạn đó, ông Phan Xuân Đức giữ vai trò trụ cột của Vietnam Airlines khi phụ trách mảng khai thác bay của 6 đội tàu, gồm: Boeing 787, Airbus 350, Airbus 321 Bắc, Airbus 321 Nam, Airbus 330 và ATR72. Ở giai đoạn xa hơn, ông Phan Xuân Đức là Đoàn trưởng Đoàn bay 919 - nơi quy tụ hàng nghìn phi công tốt nhất của hãng bay quốc gia.
Nguồn tin riêng của PV cho hay, sau khi nghỉ hưu ông Phan Xuân Đức vô cùng “đắt show” vì được các hãng hàng không trong nước và quốc tế “săn đón”. Ít ai biết rằng, ông Đức từng có một thời gian ngắn tham gia vào dự án Vietravel Airlines - hãng bay thuê chuyến đầu tiên tại Việt Nam.
Về Vinpearl Air, ông Phan Xuân Đức giữ chức vụ Tổng giám đốc kiêm Giám đốc điều hành. Hiện tại, ông Đức giữ vai trò quan trọng và đang trực tiếp tham gia vào đội ngũ phỏng vấn tuyển sinh đào tạo phi công chuyên nghiệp khóa 1, với số lượng dự kiến 400 học viên.
Theo nguồn tin riêng, trong tương lai không xa sẽ có thêm nhân sự cấp cao của một hãng hàng không về đầu quân cho hãng bay của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Nguồn tin tiết lộ, đó là một nhân sự cấp cao và rất nổi tiếng trong lĩnh vực hàng không. Đặc biệt, người này từng được một số quốc gia ghi nhận và vinh danh vì nỗ lực thúc đẩy hợp tác, phát triển ngành công nghiệp hàng không.
Vinpearl Air dự kiến cất cánh vào tháng 7/2020. Theo Đề án mới được công bố, tới năm 2025, hãng này dự kiến khai thác 62 đường bay nội địa và 93 đường bay quốc tế. Vinpearl Air khai thác vận chuyển hàng không thường lệ về hành khách, hàng hóa, hành lý với quy mô 36 máy bay.
Trong nội địa, Vinpearl Air muốn khai thác các đường bay tới địa điểm nghỉ dưỡng mà tập đoàn chủ quản đang kinh doanh và kết nối liên vùng. Mạng đường bay quốc tế khai thác tới các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia và một số quốc gia châu Âu, Mỹ.
Trao đổi với PV, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - ủng hộ cách tiếp cận thị trường của Vinpearl Air và đánh giá chiến lược kinh doanh của hãng hàng không này rất nghiêm túc, bài bản.
Cục trưởng Đinh Việt Thắng khẳng định: Hàng không là chỗ “đốt tiền” thực sự. Trong bối cảnh thị trường đang cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì kiếm tiền trong kinh doanh vận tải hàng không rất khó khăn. Để phát động và duy trì được thị trường các hãng sẽ phải mất thời gian rất dài và chuẩn bị nguồn lực tài chính rất lớn.
“Tôi cho rằng bản thân Vinpearl Air đã xác định hàng không là thị trường nhiều khó khăn, vì vậy hãng không vội vàng đưa máy bay vào khai thác ngay mà đang thực hiện theo hướng tổ chức, xây dựng mô hình, đào tạo để tự đảm bảo được.” - Cục trưởng Cục Hàng không nêu quan điểm.