Nhiều ngân hàng bứt tốc
Xét về tốc độ tăng trưởng, MSB là nhà băng đi đầu với mức tăng trưởng ấn tượng tới 301% lên 899 tỷ đồng.
Cụ thể, nguồn thu chính đem về khoản lãi tăng 59% cho MSB khi đạt gần 1,420 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Đặc biệt, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư gấp 4 lần cùng kỳ, ghi nhận gần 329 tỷ đồng.
Mặc dù kỳ này, MSB trích lập chi phí dự phòng rủi ro gấp 2.6 lần (gần 204 tỷ đồng), nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh gấp 3.6 lần (1,351 tỷ đồng), do đó, Ngân hàng báo lãi trước gấp 4 lần cùng kỳ, ghi nhận hơn 1,147 tỷ đồng. Như vậy, nếu so với kế hoạch lãi trước thuế tăng trưởng 30% cho năm 2021, tương đương mức 3,250 tỷ đồng, MSB đã thực hiện được 35% sau quý đầu năm.
Tiếp theo là ông lớn VietinBank với mức tăng 168% khi đạt 6.462 tỷ đồng, sắp đuổi kịp Vietcombank (6.903 tỷ). Đây là mức lãi tính theo quý lớn nhất từ trước đến nay mà VietinBank đạt được.
Trong kỳ, VietinBank ghi nhận hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư báo lỗ hơn 110 tỷ; một số nguồn thu ngoài lãi sụt giảm so với cùng kỳ như lãi từ kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh. Tuy nhiên, nguồn thu chính tăng 26% (10,642 tỷ đồng), hoạt động dịch vụ tăng 21% (1,283 tỷ đồng) và lãi từ hoạt động khác gấp 2.5 lần (438 tỷ đồng).
Thêm vào đó, VietinBank giảm mạnh chi phí dự phòng 69% chỉ còn trích lập hơn 1,350 tỷ đồng.
Do đó, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của VietinBank đạt gần 7,771 tỷ đồng, gấp 2.7 lần cùng kỳ. Nếu so với kế hoạch 16,800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đề ra cho cả năm 2021, VietinBank đã thực hiện được 46% chỉ tiêu chỉ trong quý 1.
SHB cũng là nhà băng lần đầu tiên lợi nhuận chạm mốc hơn ngàn tỷ trong 1 quý với 1.330 tỷ đồng, tăng vọt 117% so cùng kỳ nhờ nguồn thu chính tăng 32%, các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng trưởng như thu từ dịch vụ (+13%), hoạt động kinh doanh ngoại hối (+19%), hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư (gấp 28 lần),…
Đáng chú ý, SHB không trích lập chi phí dự phòng rủi ro trong quý 1, do đó nhà băng này báo lãi trước và sau thuế gấp đôi cùng kỳ năm trước, đạt hơn 1,664 tỷ đồng và hơn 1,330 tỷ đồng. Nếu so với kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 70%, tương đương 5,800 tỷ đồng cho cả năm 2021, SHB đã thực hiện được 29% sau quý đầu năm.
Ở vị trí thứ tư, MBB cũng đạt lãi tăng mạnh 108% lên con số 3.553 tỷ đồng.
Cụ thể, trong quý đầu năm, đa phần hoạt động kinh doanh của MBB đều cho kết quả khả quan hơn cùng kỳ năm trước. Nguồn thu chính tăng 27% khi đem về hơn 5,952 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.
Các nguồn thu ngoài lãi đều tăng mạnh như lãi thuần từ dịch vụ (+43%), lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư (+39%), lãi từ kinh doanh ngoại hối (+48%).
Đáng chú ý nhất, lãi từ hoạt động khác gấp 5 lần cùng kỳ, đạt gần 1,217 tỷ đồng, chủ yếu do MBB ghi nhận nguồn thu từ các khoản nợ đã xử lý hơn 1,107 tỷ đồng.
Thêm vào đó, MBB giảm 14% chi phí dự phòng rủi ro, chỉ còn trích lập hơn 1,809 tỷ đồng. Kết quả, MBB báo lãi trước thuế gấp đôi cùng kỳ năm trước, đạt gần 4,580 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông Ngân hàng mẹ cũng gấp đôi, đạt gần 3,553 tỷ đồng.
Nếu so với kế hoạch 13,200 tỷ đồng lãi trước thuế đề ra cho cả năm 2021, MBB đã thực hiện được 35% chỉ tiêu sau quý đầu năm.
Nhìn chung, bức tranh lợi nhuận ngân hàng trong quý 1/2021 đã không còn quá cách xa nhau mà thực tế các nhà băng rượt đuổi nhau rất sát sao. Ở chiếu trên, trong khi ông lớn Nhà nước BIDV đang loay hoay với mức lãi trên 2.648 tỷ thì các ngân hàng thương mại như Techcombank, MBB và VPBank đã vượt khá xa, thậm chí sắp đuổi kịp Vietcombank và VietinBank.
Gánh nặng dự phòng đang đè lên ngân hàng nào?
BIDV vẫn được gọi tên là nhà băng nặng gánh với chi phí dự phòng rủi ro tín dụng nhất với 7.173 tỷ đồng, ghi nhận tăng 19% so cùng kỳ, dù tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,76%.
Nhưng VPBank mới chính là ngân hàng có nợ xấu cao đáng lo ngại khi lên tới 3,46% khiến nhà băng này phải trích lập dự phòng 4453 tỷ đồng trong quý 1/2021, ghi nhận tăng 20% so cùng kỳ.
Kỳ này, đáng ghi nhận nhất là MBB, VietinBank, OCB và NVB là những ngân hàng đã giảm đáng kể chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
Trong khi đó, Eximbank và LienVietPostBank không còn được hoàn nhập dự phòng như cùng kỳ mà đã phải chi ra tới 319 tỷ và 210 tỷ trong kỳ này.
Hay SHB và BacABank là hai nhà băng không trích lập dự phòng trong kỳ mà có thể trích lập vào cuối kỳ khiến rủi ro dồn lại ngày càng nặng.
Đặc biệt, kỳ này, ACB tăng mạnh tới 6.5 lần chi phí dự phòng rủi ro tín dụng với 606 tỷ đồng. Mặc dù vậy, ACB vẫn báo lãi trước và sau thuế tăng 61% và 62% so cùng kỳ, đạt hơn 3,204 tỷ đồng và hơn 2,483 tỷ đồng.