Cụ thể, Công an TP Hà Nội cho biết đã nhận được nhiều đơn thư phản ánh các hoạt động giao dịch chứng khoán trên không gian mạng có dấu hiệu giả mạo website các công ty chứng khoán để giao dịch chứng khoán.
Phương thức hoạt động của các đối tượng này là hướng dẫn, đề nghị cá nhân truy cập vào các đường link lừa đảo để thực hiện các dịch vụ chuyển tiền nhiều ngân hàng.
Sau khi cá nhân truy cập vào đường link sẽ mở ra giao diện giống với giao diện của tổ chức, các công ty chứng khoán để mua bán các mã chứng khoán. Sau khi chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng chỉ định, nhà đầu tư không rút được tiền từ tài khoản đã đăng kí trên giao diện giao dịch chứng khoán giả mạo và bị mất tiền.
Tương tự, Chứng khoán VPS cho biết, gần đây, tại các tổ chức tài chính đã ghi nhận nhiều trường hợp kẻ gian sử dụng chiêu thức lừa đảo mới thông qua SIM điện thoại/ số điện thoại nhằm chiếm đoạt tài sản từ các tài khoản ngân hàng và tài khoản chứng khoán của khách hàng.
Đầu tiên, kẻ gian gọi điện cho nạn nhân, giả mạo là nhân viên nhà mạng viễn thông và thông báo đang có chương trình hỗ trợ miễn phí khách hàng nâng cấp SIM điện thoại từ 3G/4G lên 5G kèm theo nhiều ưu đãi và tiện ích. Thông qua việc lừa nạn nhân nâng cấp SIM, kẻ gian chuyển đổi số điện thoại của nạn nhân sang eSIM (SIM điện tử) ngay trên điện thoại của chúng.
Tiếp theo, nạn nhân được hướng dẫn gửi các tin nhắn để thực hiện nâng cấp SIM. Trong quá trình này, kẻ gian sẽ yêu cầu nạn nhân đọc mã OTP do Nhà mạng gửi với lý do để hoàn tất việc nâng cấp SIM điện thoại. Nếu nạn nhân làm theo yêu cầu, ngay lập tức SIM của nạn nhân sẽ bị vô hiệu hóa, số điện thoại của nạn nhân đã được chuyển sang eSIM của kẻ gian.
Sau khi có được số điện thoại, kẻ gian tiếp tục thực hiện đổi mật khẩu (password) trên email cá nhân của nạn nhân, liên hệ nhà mạng viễn thông để truy vấn số CMND/CCCD, sau đó là các tài khoản ngân hàng, chứng khoán của nạn nhân.
|
Tình trạng lừa đảo qua mạng và điện thoại ngày càng tinh vi |
Liên quan đến quỹ đầu tư, theo Dragon Capital Việt Nam, quỹ đã ghi nhận thông tin có các đối tượng mạo danh là nhân viên Dragon Capital Việt Nam để tiếp cận nhiều người qua các kênh chat room, Facebook và kể cả cộng đồng nhà đầu tư Dragon Capital Việt Nam nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đã có những trường hợp đáng tiếc xảy ra khi nạn nhân bị lừa với số tiền khá lớn sau khi tin và làm theo hướng dẫn của những đối tượng mạo danh này.
CTCP Quản lý Quỹ VinaCapital cũng cho biết, gần đây công ty nhận được phản ánh về việc có cá nhân mạo danh VinaCapital mời mọi người tham gia đầu tư qua các mạng xã hội như: FaceBook, Twitter, Telegram, TikTok… và sau đó họ có thể gọi điện thoại mời chào với mức lãi suất hàng ngày rất cao. Các đối tượng này sẽ yêu cầu nhà đầu tư chuyển tiền vào một tài khoản của cá nhân để đặt lệnh, dẫn đến việc nhà đầu tư bị lừa mất tiền.
Ở một trường hợp khác, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, một số doanh nghiệp đã thiết lập các website, app giao dịch (Tititada, Anfin, Infina,…) sử dụng công cụ truyền thông, báo chí quảng bá cho sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hỗ trợ nhà đầu tư đặt lệnh giao dịch chứng khoán. Hành động này có dấu hiệu hoạt động kinh doanh chứng khoán mà không được UBCKNN cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Do đó, UBCKNN khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch này, nhà đầu tư chịu trách nhiệm đối với các rủi ro có thể phát sinh.
VinaCapital cũng lưu ý nhà đầu tư, số tiền đầu tư vào các quỹ mở VinaCapital không bao giờ được yêu cầu chuyển vào tài khoản cá nhân mà chỉ chuyển vào tài khoản của quỹ mở tại ngân hàng giám sát.
Ngoài ra, đầu tư quỹ mở VinaCapital luôn có chuyên viên quan hệ/tư vấn khách hàng chăm sóc và hướng dẫn. Đối với đầu tư trực tiếp, việc đặt lệnh đầu tư phải thực hiện qua ứng dụng VinaCaptial MiO trên website và điện thoại với đầy đủ các tính năng bảo mật…
Dragon Capital Việt Nam khuyến cáo nhà đầu tư phía quỹ chỉ cung cấp thông tin và tư vấn dịch vụ qua các kênh chính thức của công ty. Dragon Capital Việt Nam chỉ cung cấp các sản phẩm đầu tư vào các quỹ mở và quỹ ETF cho nhà đầu tư đại chúng. Chi tiết các sản phẩm đều được đăng tải công khai trên website. Nhà đầu tư cần tham khảo kỹ để tránh tình trạng đối tượng xấu mạo danh lừa đảo tham gia các hoạt động và sản phẩm bất hợp pháp.
Ngoài ra, Công an TP Hà Nội cũng đề nghị UBCKNN, Sở GDCK TP Hà Nội tăng cường cảnh báo đến các công ty chứng khoán thành viên và các công ty chứng khoán trên địa bàn TP Hà Nội. Đồng thời chỉ đạo các công ty chứng khoán cảnh báo liên tục, thường xuyên phương thức, thủ đoạn phạm tội nêu trên đến khách hàng bằng nhiều hình thức (email, sms, trực tiếp tại quầy, trên app của công ty)...