Imexpharm sắp tăng vốn để thành công ty dược phẩm lớn nhất sàn chứng khoán

Qua hai đợt phân phối cổ phiếu thưởng và ESOP, vốn điều lệ của Imexpharm sẽ vượt 1.585 tỷ đồng, lớn nhất trong các công ty dược đang niêm yết.
Imexpharm sap tang von de thanh cong ty duoc pham lon nhat san chung khoan
 

CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) – đơn vị sở hữu chuỗi nhà máy EU – GMP lớn nhất tại Việt Nam vừa thông báo sẽ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua việc phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (thưởng cổ phiếu) và hủy bỏ phương án thưởng tiền cho nhân sự chủ chốt để thay thế bằng phát hành cổ phiếu cho nhân sự chủ chốt (ESOP).  Ngày chốt danh sách để xin ý kiến cổ đông bằng văn bản là 18/7.

Cụ thể, đối với phương án phát hành thưởng, Imexpharm sẽ phát hành hơn 77 triệu cổ phiếu, với tỷ lệ thực hiện 100% (cổ đông sở hữu cứ 1 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới). Sau đợt này vốn điều lệ sẽ tăng lên khoảng 1.540 tỷ đồng. 

Nguồn vốn thực hiện lấy từ vốn chủ sở hữu ghi nhận trên báo cáo tài chính kiểm toán 2023 (số dư khoảng 2.085 tỷ đồng). Thời gian thực hiện trong quý III-IV/2024 sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Với phương án ESOP, công ty dự kiến giữ nguyên chương trình thưởng bằng tiền và tiếp tục trả thưởng bằng tiền, tương ứng với hơn 1 triệu cổ phiếu cho năm 2024. Đối với 2025 – 2026, thay thế chương trình thưởng bằng tiền bằng việc phát hành cổ phiếu cho nhân sự chủ chốt (ESOP) cho số cổ phiếu ban đầu còn lại, tổng cộng hơn 2,2 triệu cổ phiếu do thủ tục ESOP diễn ra sau đợt chia cổ phiếu thưởng 100% nói trên. Như vậy số lượng phát hành ESOP là hơn 4,4 triệu cổ phiếu và giá phát hành sẽ là 5.000 đồng/cp. Tổng giá trị phát hành tương ứng hơn 22,3 tỷ đồng.

Qua hai đợt phân phối này, vốn điều lệ của Imexpharm sẽ vượt 1.585 tỷ đồng, trở thành công ty dược phẩm niêm yết có vốn lớn nhất, củng cố vị thế dẫn đầu và khả năng cạnh tranh trong ngành.

Sau 47 năm hình thành và phát triển, hiện nay, Imexpharm đang sở hữu 4 cụm nhà máy tại Đồng Tháp, TP HCM và Bình Dương, trong đó có 3 cụm nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP với tổng cộng 11 dây chuyền sản xuất đạt chuẩn EU-GMP.

Ngoài các sản phẩm mang thương hiệu của Imexpharm, công ty cũng trở thành đối tác sản xuất nhượng quyền của nhiều tập đoàn dược hàng đầu thế giới như Sandoz, Pharmacience Canada, Sanofi – Aventis...

Cuối tháng 6, nhà đầu tư khá bất ngờ trước thông tin cổ đông ngoại SK Group muốn thoái vốn tại thị trường Việt Nam. Ngoài khoản đầu tư vào ngành bán lẻ, mà đích đến là Masan, thì ngành dược phẩm cũng là nhóm ngành được SK Group đầu tư nhiều nhất, trong đó có dược phẩm Imexpharm. Thực tế, SK Group đã đầu tư vào Imexpharm từ năm 2020. Tới hiện tại, nhóm cổ đông Hàn Quốc đang nắm gần 47,7% vốn điều lệ của Imexpharm.

Minh Hằng

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN