Do giá thị trường chưa đạt kỳ vọng, Eximbank không bán cổ phiếu nào trong số 6,09 triệu cổ phiếu quỹ đã đăng ký. Cụ thể, trong giai đoạn này, cổ phiếu EIB trải qua nhiều phiên tăng giảm liên tục, dao động trong vùng 18.700-20.200 đồng/cp.
Tuy nhiên, cổ phiếu này không có phiên nào đóng cửa cao hơn giá mục tiêu bình quân mà Ngân hàng công bố trước đó là 20.199 đồng/cp.
Trước đó, Eximbank có thông báo về kế hoạch bán toàn bộ gần 6,1 triệu cổ phiếu quỹ đang sở hữu với giá mục tiêu bình quân thấp nhất 20.199 đồng/cổ phiếu, nhằm bổ sung vốn kinh doanh. Đây là toàn bộ số cổ phiếu quỹ đang được Ngân hàng Eximbank nắm giữ và được mua vào hồi tháng 1/2014.
Thời gian giao dịch cụ thể sẽ được Eximbank công bố sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thông báo về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo bán cổ phiếu quỹ và Ngân hàng Eximbank công bố thông tin theo quy định.
Giao dịch dự kiến sẽ diễn ra trong khoảng từ tháng 12/2023 đến tháng 1/2024 theo phương thức khớp lệnh. Số lượng đặt bán trong mỗi ngày tối thiểu từ 3% và tối đa 10% tổng khối lượng giao dịch đã đăng ký. Giá bán được xác định theo giá thị trường, tuân thủ theo quy định của Bộ Tài chính và quy chế của HoSE.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, cổ đông Ngân hàng Eximbank đã thông qua phương án bán toàn bộ số cổ phiếu quỹ mà ngân hàng này đang nắm giữ.
Đáng chú ý, HĐQT Eximbank yêu cầu giá bán mục tiêu bình quân không thấp hơn 20.199 đồng/cổ phiếu EIB (được tính theo lãi suất huy động bình quân từ năm 2014 đến 2023). Với mức giá trên, dự kiến Ngân hàng sẽ thu về ít nhất 123 tỷ đồng nếu đợt bán cổ phiếu quỹ diễn ra thành công.
Năm 2023, Eximbank báo lãi trước thuế 2.720 tỷ đồng, thực hiện được 55% chỉ tiêu đề ra.
Về kế hoạch trong năm 2024, Eximbank tiếp tục đưa ra mục tiêu tương đối tham vọng, trong đó lợi nhuận trước thuế là 5.180 tỷ đồng, cao hơn 90,5% so với kết quả thực hiện năm trước. Tổng tài sản được kỳ vọng tăng thêm 11%, lên mức 223.500 tỷ đồng, huy động vốn tiến thêm 10,5%, lên 175.000 tỷ đồng.
Đồng thời, Eximbank đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 14,6%, lên 161.000 tỷ đồng, trong khi tỷ lệ nợ xấu được giảm về ngang với năm 2022, ở mức 1,8%.