Trong tuần cuối tháng 8, nhiều cổ phiếu nhóm ngân hàng điều chỉnh mạnh, trong đó phải kể đến là CTG của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) với mức giảm gần 5% từ mức 32.700 đồng/cp về còn 31.150 đồng/cp (có thời điểm trong phiên giảm về mức 30.000 đồng/cp). Chỉ sau 1 tuần, giá trị vốn hoá của ngân hàng này “bốc hơi” 7.450 tỷ đồng.
Đà tăng của CTG bắt đầu giảm sau khi chia cổ tức. Còn nhớ ngày 7/7 là ngày giao dịch không hưởng quyền chia cổ tức của CTG tỷ lệ 29%, cổ phiếu điều chỉnh về 37.580 đồng và tăng lên 39.050 đồng vào cuối phiên.
Tuy nhiên từ đó tới nay, CTG chưa lần nào về lại được mức giá của ngày đầu chia cổ tức, mà liên tục giảm sâu. Thậm chí như ngày 27/8, CTG có lúc lùi về sát 30.000 đồng/cp thấp nhất kể từ ngày 27/4 tức là tròn 4 tháng. So với ngày đầu chia cổ tức, CTG đang thấp hơn gần 15%.
Nhiều nhà đầu tư trên các diễn đàn chứng khoán “than khóc” khi mắc kẹt cổ phiếu này và nhanh chóng muốn “thoát hàng” sau đợt giảm này.
Tuy vậy các công ty chứng khoán vẫn đánh giá triển vọng lạc quan về cổ phiếu của ngân hàng này.
|
Cổ phiếu CTG tụt dốc mạnh trong tuần vừa qua. |
CTCK lạc quan về triển vọng của CTG
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán SSI, mặc dù chịu ảnh hưởng từ Covid-19, SSI giữ quan điểm tích cực về triển vọng lợi nhuận của CTG do ngân hàng đã đẩy mạnh cơ cấu danh mục tín dụng theo hướng giá tăng tỷ lệ dư nợ phân khúc bán lẻ có lợi suất cao hơn, cũng như những nỗ lực trong việc xử lý các khoản nợ có vấn đề và cải thiện tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu.
Bên cạnh đó, việc ghi nhận thu nhập từ phí bancassurance và gia tăng hoa hồng bán bảo hiểm trong những năm tới cũng sẽ đóng góp vào lợi nhuận chung của Ngân hàng.
SSI đưa ra khuyến nghị Mua cho CTG với giá mục tiêu 42.300 đồng/cp, sử dụng BVPS trung bình 2021 và 2022 và PB mục tiêu không đổi là 2x.
Trong báo cáo cập nhật gần đây, VNDirect giữ khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu không đổi 42.000 đồng/cp, VNDirect ước tính cổ phiếu CTG chiếm 0,3% tổng danh mục.
Trong trường hợp, giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ hoán đổi danh mục (ETF) dựa trên chỉ số này với tổng số tiền là 2 tỷ USD, sẽ thu hút 6,5 triệu USD, tương đương với 4,3 triệu cổ phiếu CTG.
Hiện tại, CTG đang giao dịch ở mức P/B 2021 là 1,7x, thấp hơn một chút so với trung bình ngành. VNDirect cho rằng mức định giá như vậy là hoàn toàn hấp dẫn với một ngân hàng có ROE trung bình 2021-22 đạt mức 19%.
Tiềm năng tăng giá của CTG bao gồm việc ghi nhận từ thương vụ thoái vốn. Rủi ro giảm giá là chi phí vốn cao hơn dự kiến do cạnh tranh cho các khoản tiền gửi dài hạn.
Giá mục tiêu dựa trên định giá thu nhập thăng dư (Chi phí vốn: 13%, Tăng trưởng dài hạn: 4%) và P/B năm 2021 là 2,0x với tỷ trọng bằng nhau.
Cũng theo báo cáo về CTG của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), VDSC có quan điểm tích cực về triển vọng của CTG, với NIM cải thiện tốt hơn dự kiến và thu nhập ngoài lãi tăng ổn định, dự báo tổng thu nhập hoạt động tăng trong năm 2021. VDSC dự báo lợi nhuận năm 2021, 2022 lần lượt ở mức 24.742 tỷ đồng (+ 45%) và 27.846 tỷ đồng (+ 13%).
Còn trên thị trường chứng khoán, hiện nay dòng cổ phiếu ngân hàng đang chịu áp lực chốt lời trên hầu hết các mã. Đồng thời, nguồn cổ phiếu từ chia cổ tức của CTG mới được đưa vào giao dịch bổ sung từ ngày 25/8/2021, do đó, giá thị trường CTG tạm thời bị ảnh hưởng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các thông tin cơ bản cho thấy CTG là cổ phiếu khá hấp dẫn để đầu tư.
Tương tự, VDSC cũng đưa ra khuyến nghị Mua cho CTG với giá mục tiêu 42.200 đồng/cp, tương đương mức sinh lợi kỳ vọng +29% so với giá đóng cửa ngày 24/8/2021.