Sáng tạo khoa học công nghệ là động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội

Năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn nhưng nước ta đã hoàn thành “mục tiêu kép”: Quyết liệt phòng, chống dịch (PCD), tập trung phục hồi và phát triển kinh tế.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra mục tiêu phát triển đất nước: “Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
Để thực hiện mục tiêu, khát vọng trên, chúng ta phải dựa vào tri thức, khoa học công nghệ (KHCN), đặc biệt là đổi mới sáng tạo (ĐMST). Đây là yếu tố nội sinh quan trọng của tăng trưởng. Chính công nghệ mới cùng với nguồn nhân lực phù hợp là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để chúng ta đột phá trong phát triển, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn nhưng nước ta đã hoàn thành “mục tiêu kép”: Vừa quyết liệt phòng, chống dịch (PCD), vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), bảo đảm đời sống nhân dân. Trong thành công chung đó, có sự đóng góp không nhỏ của ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) thông qua việc tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Chính phủ chỉ đạo để phát huy tiềm năng của các ngành, lĩnh vực, tạo động lực phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Sang tao khoa hoc cong nghe la dong luc tang truong kinh te - xa hoi
Hội thảo góp ý dự thảo phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030 do LHHVN tổ chức (tháng 10/2021) 
Hoàn thành “mục tiêu kép” nhờ khoa học và công nghệ
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt: Nhờ ứng dụng KH&CN, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 đạt 2,91%, là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Năng suất lao động được nâng cao rõ rệt, bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (4,3%/năm), vượt mục tiêu đề ra 5%/năm.
Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30-35%). Tăng trưởng kinh tế giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, từng bước dựa vào ứng dụng KH&CN và ĐMST, mô hình tăng trưởng được đổi mới, hoàn thiện phù hợp với thời đại. Bên cạnh đó, chỉ số ĐMST của Việt Nam hai năm liên tiếp (2019 và 2020) ở vị trí thứ 42 trên thế giới (năm 2016 đứng thứ 59). Lần đầu tiên, Việt Nam được cử làm Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) nhiệm kỳ 2018-2019.
Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam phải gồng mình chống lại đại dịch Covid-19 nhưng ngành y tế vẫn đạt những kết quả đáng khích lệ trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân; hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao năm 2020 và giai đoạn 2016-2020. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: "Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn quân và toàn dân, ngành y tế đã triển khai kịp thời và hiệu quả các biện pháp PCD, được nhân dân và xã hội ghi nhận, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Công tác y tế đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép”.
Ngay từ khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở nước ta vào tháng 1-2020, Bộ KH&CN đã vào cuộc với tinh thần chủ động, kịp thời, trách nhiệm và có những đóng góp hiệu quả vào việc PCD Covid-19. Chỉ trong thời gian rất ngắn, với tinh thần quyết liệt, làm việc không kể ngày đêm của các nhà khoa học, nhiều kết quả KH&CN đã trực tiếp góp phần vào thành công của công tác PCD Covid-19 ở nước ta, như: Chế tạo bộ kit phát hiện virus SARS-CoV-2, xây dựng phác đồ điều trị, sản xuất kháng thể đơn dòng, robot và máy thở phục vụ tình huống, ứng phó với các cấp độ dịch bùng phát, sản xuất vaccine ngừa Covid-19...
Trung tướng, GS, TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y chia sẻ: "Chỉ sau 6 tháng được Bộ KH&CN giao chủ trì đề tài nghiên cứu sản xuất vaccine ngừa Covid-19, với sự cố gắng rất lớn của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen, sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan quản lý, các viện nghiên cứu, nhà khoa học, trường đại học, đến nay, sản phẩm vaccine đầu tiên Nanocovax ngừa Covid-19 đã được phép thử lâm sàng giai đoạn 1 trên người (bình thường để sản xuất một loại vaccine cần từ 10 đến 15 năm). Đáng nói, vaccine của Việt Nam là một trong 50 vaccine trên thế giới được phép thử lâm sàng trên người. Điều này đánh dấu một bước phát triển mạnh mẽ về công nghệ sản xuất vaccine của Việt Nam. Hiện nay, việc thử nghiệm vaccine đang được tiến hành theo quy trình nghiêm ngặt tại Học viện Quân y. Nếu thuận lợi, cuối năm 2021 vaccine này có thể được sử dụng để phòng Covid-19".
Sang tao khoa hoc cong nghe la dong luc tang truong kinh te - xa hoi-Hinh-2
 Hội nghị Trí thức KHCN Việt Nam triển khai Nghị quyết XIII của Đảng.
Đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp
Một lĩnh vực khác cũng cho thấy vai trò quan trọng của KH&CN đó là nông nghiệp. Năm 2020, ngành nông nghiệp phải đối mặt với những thách thức chưa từng có từ đại dịch Covid-19 đến thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm cấp độ khu vực và toàn cầu có nguy cơ bùng nổ, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp (SXNN) mà đáng kể nhất là dịch tả lợn châu Phi.
Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Đảng, Chính phủ trong ứng dụng các thành tựu KH&CN vào SXNN, năm 2020 ngành nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá cao, hoàn thành và vượt kế hoạch 4/5 chỉ tiêu; đặc biệt xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kết quả ngoạn mục trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: "Năm 2020, tốc độ tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp đạt 2,65%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,25 tỷ USD; trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; thu nhập của người dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người/năm. Trong thành công chung của ngành nông nghiệp, KH&CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong SXNN, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Các Chương trình sản phẩm quốc gia, Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen... được triển khai hiệu quả, góp phần duy trì xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực trong đại dịch Covid-19".
Có thể thấy, KH&CN ngày càng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực, trở thành động lực then chốt trong tăng trưởng KT-XH. Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, năm 2021-năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển KT-XH đất nước đến năm 2030, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN theo hướng chú trọng hiệu quả và tác động của nhiệm vụ KH&CN trong giải quyết các bài toán thực tiễn phát triển KT-XH của đất nước.
Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, tổ chức triển khai thực hiện thật tốt ngay từ đầu năm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ để đưa KH&CN trở thành động lực thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh và bền vững hơn nữa. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN, ĐMST, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII.

[e-Magazine] Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng: “Kế tục sự nghiệp vẻ vang, tập hợp đội ngũ trí thức… xây dựng Đất nước!”

“Nhận nhiệm vụ Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, điều tôi quan tâm nhất là làm sao kế tục sự nghiệp vẻ vang của các Đàn Anh đi trước, tập hợp đội ngũ trí thức để phục vụ tốt nhất sự nghiệp xây dựng Đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, TSKH Phan Xuân Dũng nói.

Hòa chung không khí phấn khởi mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam lần thứ VIII (Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam – VUSTA) và chào Xuân Tân Sửu 2021, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA đã có cuộc trao đổi cởi mở, chân tình với Báo Tri thức và Cuộc sống.

Kế tục sự nghiệp vẻ vang của các thế hệ Đàn Anh!

GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí: “Một số ý kiến để chống dịch COVID-19 hiện nay“

Báo Tri thức và Cuộc sống trân trọng giới thiệu tham luận của GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí - ĐBQH, Ủy viên Đoàn Chủ tịch VUSTA, Chủ tịch quỹ Huyết học và Truyền máu Việt Nam nêu tham luận về "Một số ý kiến để chống dịch COVID-19 hiện nay" tại Hội nghị Đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức vào ngày 15/9.

 Kính thưa:

• Đồng chí Phạm Minh Chính – Thủ tướng Chính phủ;

• Ban chủ tọa Hội nghị;

• Các quý vị tham gia và tham dự Hội nghị!

Theo sự phân công của Ban tổ chức Hội nghị, tôi xin có tham luận về chống dịch Covid-19.

Kính thưa Hội nghị! Gần 2 năm vừa qua Việt Nam đã chống dịch Covid-19 rất quyết tâm, rất quyết liệt và đã đạt được những thành công rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên đại dịch Covid này là rất ác liệt, là rất khó lường.

Trong thời gian có hạn, tôi xin phép được đóng góp một số ý kiến ngắn về chống dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay như sau:

I. Chống dịch Covid-19 trước hết cần phải dựa vào khoa học, công nghệ và chuyên môn Y khoa

Lý do: Covid-19 là một loại bệnh dịch do virus SARS-CoV-2. Vì vậy cần phải có kiến thức về y khoa, có hiểu biết về khoa học, công nghệ thì mới chống dịch được tốt.

Bên cạnh sự tham khảo các nghiên cứu của quốc tế, chúng ta cần có những nghiên cứu khoa học từ thực tiễn Việt Nam về các biến thể virus SARS-CoV-2, về đặc điểm diễn biến dịch bệnh, về kháng nguyên, về kháng thể, về Vắc xin, về thuốc điều trị tây y và nhất là các phương pháp đông y, cổ truyền của nước ta.

GS.AHLD Nguyen Anh Tri: “Mot so y kien de chong dich COVID-19 hien nay“
GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí - ĐBQH, Ủy viên Đoàn Chủ tịch VUSTA, Chủ tịch quỹ Huyết học và Truyền máu Việt Nam. 

Dựa trên những căn cứ khoa học đó, để các Nhà khoa học đề xuất cho được đúng và kịp thời những biện pháp chống dịch cụ thể cho Ban chỉ đạo chống dịch Covid quốc gia và các địa phương để triển khai trên thực tế.

Rồi nữa là: Cần ứng dụng mạnh mẽ hơn Công nghệ vào để chống dịch.

Xin đề nghị các Nhà khoa học trong Liên hiệp Hội KHKT Việt Nam hợp sức lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành với Chính phủ, với nhân dân tham gia vào trong cuộc chống lại đại dịch Covid khủng khiếp này.

II. Cần tổ chức để “người dân phải thực sự là chủ thể để chống dịch”

Đây là cuộc chiến tranh chống lại một loại giặc dịch rất khó khăn, ác liệt. Vậy phải toàn dân tham gia mới thành công được.

Cần làm mọi cách “để người dân hiểu, biết, tin và đồng hành cùng làm”: Từ đó Nhân dân đồng lòng, chủ động, tích cực, nghiêm túc tham gia tất cả các hoạt động chống dịch;

Thực hiện mỗi phường xã, mỗi tuyến phố là một pháo đài chống dịch; mỗi gia đình, mỗi cụm dân cư là một lô cốt chống lại Covid. Chỉ khi làm được như vậy thì chống dịch mới hiệu quả;

Cần đưa các dịch vụ như xét nghiệm, chăm sóc y tế, tiêm chủng vắc xin, hỗ trợ an sinh về gần dân hơn, thuận tiện và hợp lý hơn;

Phát huy hệ thống chính trị và tổ chức chính quyền – đặc biệt ở cấp phường/ xã; thôn/khu phố, thậm chí là ngõ phố, cụm dân cư tham gia vào hoạt động chống dịch.

III. Phân chia và quản lý vùng cách ly cần dựa vào xác định các F

Phân chia tình trạng nhiễm virus SARS-CoV-2 thành các F và phân chia các vùng có nhiễm, nguy cơ nhiễm Covid theo các vùng đỏ, vàng, xanh là những sáng tạo rất Việt Nam. Cần làm sao cho 2 loại phân chia này có sự gắn kết với nhau hơn nữa.

Cụ thể: Vùng đỏ là vùng có F0 và những F1 có liên quan gần; Vùng vàng là có F1 và những F2; Còn lại là vùng xanh. Cần nỗ lực để thu hẹp vùng đỏ, mở rộng vùng xanh.

Không thể yêu cầu giãn cách quá dài, không thể để đình đốn sản xuất và hạn chế sinh hoạt Nhân dân mãi, vì vậy:

• Cần cân nhắc thật thận trọng để đưa ra quy định hạn chế việc yêu cầu giãn cách, cách ly cả thành phố, cả một quận, thậm chí là chỉ một phường;

• Căn cứ vào tình hình dịch bệnh mà các vùng đỏ/ vàng/ xanh có sự thay đổi theo thời gian và chính quyền cần công bố sớm để kịp thời tổ chức chống dịnh ở những nơi vùng đỏ, cũng như để ổn định xã hội trong trạng thái “bình thường mới” ở vùng xanh sớm nhất.

IV. Xét nghiệm phát hiện F0 thần tốc là đúng và cần thiết nhưng phải đúng đối tượng, không bỏ sót, không làm sai (nhất là khâu lấy bệnh phẩm), hợp lý và hiệu quả

Đây là một nội dung chuyên sâu, tôi đã trình bày kỹ trong bài viết đã in trong tập tài liệu chính thức của Hội nghị; và có thể cần được các Nhà khoa học trao đổi thêm. Rất mong Bộ y tế xem xét và tổ chức trao đổi để chúng tôi có thể phát biểu sâu hơn.

V. Đẩy mạnh tiêm chủng Vắc xin cho nhân dân nhanh nhất, sớm nhất, đầy đủ nhất

- Giai đoạn này là giai đoạn cần nhất, tốt nhất để tiêm Vắc xin cho cả nước, đặc biệt là những nơi có nguy cơ cao, nơi “hiểm yếu”, nơi đông dân, nơi có nhiều khách ra vào như Tp Hà Nội, thành phố HCM, các tỉnh/ thành là trọng điểm kinh tế…

- Nguồn Vắc xin đang còn chưa đủ, vì vậy rất cần sự phân bổ ưu tiên vùng và đối tượng hợp lý nhất có thể.

- Cần đẩy mạnh nghiên cứu để tự sản xuất Vắc xin, nhất là những Vắc xin chống lại biến chủng mới của Covid. Nên mua lại công nghệ để sản xuất cho nhanh, hạn chế việc nghiên cứu từ đầu. Cần sử dụng quỹ Vắc xin để đầu tư cho việc nghiên cứu và sản xuất Vắc xin trong nước.

VI. Một số đề nghị để sống chung an toàn lâu dài với dịch Covid-19

Phải đảm bảo an toàn nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân, nhưng cần phải linh hoạt, hợp lý để thực hiện 2 mục tiêu “chống dịch và đảm bảo các hoạt động kinh tế”; thực hiện sống chung có hiểu biết, bình tĩnh, chủ động và linh hoạt.

Cần khoa học và hợp lý hơn – đặc biệt là việc phong tỏa, cách ly, giãn cách, ngăn đường, cấp giấy đi đường, xét nghiệm, tiêm Vắc xin…

Xin nhấn mạnh lại: Từ nay trở đi, chỉ những nơi có F0 thì đó là vùng đỏ, phong tỏa ngay trong một phạm vi hẹp vừa đủ, không được lơ là, bỏ sót.

Và cũng xin đề nghị, khi đã tiêm đủ 2 liều Vắc-xin, xét nghiệm kháng thể đủ để phòng nhiễm SARS-CoV-2, thì cho trở lại sinh hoạt bình thường, đi hoặc đến thì không cần cách ly 14 ngày nữa; nhưng vẫn tiếp tục việc đeo khẩu trang và sát khuẩn (tay, tắm rửa…), vẫn thực hiện giãn cách hợp lý ở những nơi quá đông người (như sân vận động, các hội trường lớn).

Lưu ý, vì dịch bệnh rất khó lường, nên những nội dung đã đề cập ở trên cần có sự điều chỉnh thường xuyên cho phù hợp với thực tiễn.

Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2021

GS. AHLĐ. NGUYỄN ANH TRÍ.

VUSTA tập huấn kỹ năng tìm, viết và công bố sự thật trong báo chí

Ngày 21/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Tập huấn “Kỹ năng tìm, viết và công bố sự thật trong hoạt động báo chí” cho phóng viên, biên tập viên thuộc các cơ quan báo chí trong hệ thống VUSTA.

Buổi tập huấn được thực hiện theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới 40 phóng viên, biên tập viên thuộc các Liên hiệp hội địa phương trên toàn quốc.
Phát biểu khai mạc buổi tập huấn, Tổng Thư ký VUSTA Nguyễn Quyết Chiến nhấn mạnh: "Trong nhiều năm qua, hàng năm VUSTA đều xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm quản lý hoạt động báo chí đối với các cán bộ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên và người làm báo của các cơ quan báo chí, các hội thành viên và đơn vị trực thuộc trong toàn hệ thống VUSTA. Tại buổi tập huấn này, chúng ta sẽ được nghe truyền đạt thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi, thảo luận với một Nhà báo có rất nhiều kinh nghiệm và uy tín trong làng báo Việt Nam về chủ đề “Nâng cao kỹ năng tìm, viết và công bố sự thật trong hoạt động báo chí".