Tham gia đoàn công tác có đại diện Ban Khoa học và Hợp tác quốc tế, Văn phòng VUSTA.

Cuộc họp lần thứ 33 Đại hội đồng Liên đoàn các tổ chức Kỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương thu hút sự tham dự của hàng trăm kỹ sư, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân, nhà quản lý đến từ các tổ chức kỹ thuật đại diện cho các nền kinh tế thành viên của FEIAP. Đại diện Hoàng gia Thái Lan đã tham dự và phát biểu khai mạc.
Liên đoàn các Tổ chức Kỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương là tổ chức nghề nghiệp quốc tế phi lợi nhuận và là thành viên của Liên đoàn các Tổ chức Kỹ thuật Thế giới (WFEO). Tiền thân của FEIAP là Liên đoàn các Tổ chức Kỹ thuật Đông Nam Á và Thái Bình Dương (FEISEAP) được thành lập từ năm 1978. Mục tiêu chính của FEIAP là thúc đẩy và phát triển ngành kỹ thuật ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một trong những hoạt động chính của FEIAP là cấp chứng chỉ cho các chương trình đào tạo kỹ sư theo tiêu chuẩn quốc tế. Điều này mở ra các cơ hội việc làm rộng lớn hơn cho các kỹ sư được cấp chứng chỉ. FEIAP hiện có 23 thành viên là các tổ chức thuộc các nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đối tác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Peru, các nền kinh tế ASEAN…

Cuộc họp lần này, Đại hội đồng FEIAP đã rà soát lại kết quả thực hiện các hoạt động trong năm 2025 và định hướng hoạt động năm 2026 bao gồm các vấn đề về tài chính do Ban Thư ký đệ trình. Đại hội đồng FEIAP đã thông qua các báo cáo của Ủy ban Giáo dục Kỹ thuật (SCEE), Ủy ban Giáo dục Môi trường Bền vững (SCES), Ủy ban Thiên tai và Phòng ngừa Thiên tai (SCNDP), Ủy ban Công nghệ mới cho Phát triển chuyên ngành (SCETPD) và Nhóm Tài năng trẻ. Trước đó, Thường trực các Ủy ban này đã nhóm họp để thông qua báo cáo của Ủy ban trước khi đệ trình lên Đại hội đồng.
Những vấn đề quản trị hệ thống bao gồm tái nhiệm, bầu mới và kết thúc nhiệm kỳ của các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Đại hội đồng, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và thành viên các Ủy ban, Tổng Thư ký và Ban kiểm toán nội bộ đã được thông qua.
Tại cuộc họp, các thành viên của Đại hội đồng đã xem xét và cho ý kiến về đơn xin gia nhập của tổ chức kỹ thuật đến từ nền kinh tế Triều Tiên, Ả rập Xê út và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất.

Trong khuôn khổ hội nghị, Chương trình chuyên đề lần thứ 8 với chủ đề “Kỹ thuật tiên tiến cho Sáng tạo Net Zero” đã được tổ chức với các chuyên gia đến từ các nền kinh tế thành viên và thu hút đông đảo đại biểu tham gia thảo luận sôi nổi, chia sẻ thực tiễn, bài học kinh nghiệm, các sáng kiến, gợi ý cách làm của các nền kinh tế trong việc thúc đẩy đổi mới công nghệ, sự tham gia của tất cả các bên từ chính phủ đến doanh nghiệp, từ quốc tế đến cộng đồng và người dân; Chính phủ xây dựng các chương trình hỗ trợ lĩnh vực tư nhân trong việc chuyển đổi công nghệ bền vững, thân thiện với môi trường; Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn liên kết hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm tạo ra hệ sinh thái chuyển đổi công nghệ mới, sạch trong sản xuất.
Bên cạnh đó, Triển lãm Kỹ thuật Quốc tế 2025 đã được tổ chức nhằm giới thiệu nhiều công nghệ tiên tiến, giải pháp kỹ thuật mới và thành tựu trong lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ của các nền kinh tế thành viên. Các hoạt động thực địa tại Bangkok nhằm giới thiệu các thành tựu kỹ thuật hiện đại của Thái Lan và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác kỹ thuật phòng cháy chữa cháy, xây dựng công trình ngầm của nhà ga tàu điện ngầm đã được tổ chức.

Đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực và có những trao đổi tại chuỗi các sự kiện của FEIAP lần này. Tổng Thư ký Nguyễn Quyết Chiến đã chuyển lời mời chính thức của TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đến Chủ tịch và Tổng Thư ký FEIAP, Chủ tịch Liên đoàn các Tổ chức Kỹ sư ASEAN (AFEO) cùng các thành viên AFEO tham dự Cuộc họp giữa kỳ lần thứ 24 của AFEO được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam từ ngày 05 đến 08 tháng 8 năm 2025.

Sự tham gia tích cực của đoàn Việt Nam tại chuỗi sự kiện lần này là minh chứng cho cam kết hội nhập, phát triển và thúc đẩy hợp tác quốc tế của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và công nghệ, góp phần hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và đạt Net Zero trong tương lai.