Sáng nay, xét xử vụ thảm sát ở Bình Phước

(Kiến Thức) - Sáng nay (17/12), ba bị cáo gây ra vụ thảm sát ở Bình Phước gồm: Nguyễn Hải Dương, Trần Đình Thoại và Vũ Văn Tiến bị đưa ra xét xử lưu động.

Ngày 17/12, Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Phước mở phiên tòa lưu động tại huyện Chơn Thành để xét xử sơ thẩm ba bị cáo gồm: Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang), Vũ Văn Tiến (24 tuổi, quê Bình Phuớc) và Trần Đình Thoại (27 tuổi, quê Vĩnh Long). Ba đối tượng trên được xác định là hung thủ và có liên quan đến vụ thảm sát ở Bình Phước gây chấn động cả nước vào tháng 7 vừa qua.
Phiên tòa diễn ra tại một khu đất rộng khoảng 4ha, nằm trong khuôn viên khu trung tâm hành chính huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước), cạnh trường mầm non Sao Mai và trường THPT Chơn Thành. Phiên tòa có 2 thẩm phán, 3 hội thẩm, chủ tọa là ông Nguyễn Hữu Trí - Chánh án TAND tỉnh Bình Phước. 
Ba bị cáo gồm Nguyễn Hải Dương, Trần Đình Thoại và Vũ Văn Tiến (từ phải sang trái) bị đưa ra xét xử lưu động vào ngày 17/12.
 Ba bị cáo gồm Nguyễn Hải Dương, Trần Đình Thoại và Vũ Văn Tiến (từ phải sang trái) bị đưa ra xét xử lưu động vào ngày 17/12.
Trước đó, sáng 15/12, đoàn công tác liên ngành gồm Tòa án, Viện kiểm sát, Công an tỉnh Bình Phước và UBND huyện Chơn Thành đã tổ chức thực địa, rà soát bãi đất trống trên để chuẩn bị cho phiên tòa xử lưu động nhóm giết 6 người trong căn biệt thự.
"Dự kiến hơn 300 chiến sĩ cảnh sát trực tiếp bảo vệ phiên tòa với nhiều vòng chốt chặn. Tuy nhiên, tùy theo diễn biến tình hình, chúng tôi sẽ huy động thêm nhiều lực lượng" - Thượng tá Nguyễn Huy Hải, Trưởng Công an huyện Chơn Thành, cho biết.
Theo cáo trạng, Nguyễn Hải Dương có quan hệ tình cảm với nạn nhân Lê Thị Ánh Linh (22 tuổi, con gái ông Lê Văn Mỹ) nhưng bị gia đình cô gái ngăn cản. Mang lòng hận thù, nam thanh niên nảy sinh ý định sát hại cả nhà bạn gái cũ, cướp tài sản.
Dương lên kế hoạch rồi rủ Thoại tham gia. Sau chuyến đi bất thành vào rạng sáng 5/7, Thoại từ chối nhưng vẫn mua dao cho Dương. Trưa 6/7, Dương rủ Tiến phối hợp gây án nhưng nói dối là đến đòi vợ chồng ông Mỹ 900 triệu đồng đã góp vốn làm ăn từ hồi còn là người yêu của Linh và hứa sẽ chia tiền.
Rạng sáng 7/7, Dương cùng Tiến đột nhập biệt thự sát hại 6 người, cướp điện thoại, iPad, laptop, tiền... trị giá khoảng 50 triệu đồng. Riêng bé Na (18 tháng tuổi, con út ông Mỹ) không bị Dương sát hại. Bốn ngày sau, Dương và Tiến bị bắt. Sau một tháng điều tra, từ lời khai của Dương, cảnh sát bắt thêm Thoại.
Với hành vi này, cả 3 bị cáo bị truy tố về hai tội danh Giết người và Cướp tài sản ở khung hình phạt cao nhất là tử hình với nhiều tình tiết tăng nặng như: giết nhiều người, giết trẻ em, giết để thực hiện một tội danh khác, mang tính chất man rợ, côn đồ, đê hèn.

Phim về vụ thảm sát Bình Phước trên YouTube có phạm luật?

Phim ngắn Vụ thảm sát số 6 theo câu chuyện vụ thảm sát ở Bình Phước xuất hiện trên YouTube có dấu hiệu vi phạm quyền nhân thân.

Đó là quan điểm của luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn luật sư TP Hà Nội, Trưởng văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng) trao đổi với Thể thao & Văn hóa (TTXVN).
Các cơ quan quản lý cần vào cuộc!
Ông Bùi Đình Ứng cho hay: Khi ê-kíp sản xuất ghi trong clip là “phim” thì sản phẩm phải được cấp phép. Nếu không được cấp phép mà ê-kíp thực hiện tự coi sản phẩm là “phim” rồi phân vai, “tự phong” biên kịch, đạo diễn, thì chưa cần biết sản phẩm có đả động đến ai, ê-kíp sản xuất cũng đáng bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Cũng theo ông Ứng, dù những người phát tán clip trên YouTube có ghi: “Bộ phim này chúng tôi chỉ muốn nhắc nhở đến các bạn trẻ đừng để một phút thiếu suy nghĩ và gây nên những lỗi lầm không bao giờ có thể quay đầu lại được để lại đau thương đến những người thân trong đó có ba mẹ gia đình và xã hội” thì những dòng chữ này vẫn không có giá trị. Bởi mục đích thực của việc sản xuất và phát hành “phim” trên, phải xét trên nội dung “phim” chứ không phải những dòng miêu tả.
“Bộ phim nói về vụ thảm sát Bình Phước, dù ê-kíp thực hiện có bỏ họ song có tên nạn nhân và các hành động tương tự vụ thảm sát thì vụ việc vẫn rất nghiêm trọng vì liên quan tới quyền nhân thân. Thêm nữa, các cơ quan chức năng cần làm rõ mục đích phát tán sản phẩm là: tuyên truyền phòng ngừa tội phạm hay cổ súy tội ác?” - ông Ứng nêu rõ.
Cũng theo luật sư Ứng, việc ê-kíp sản xuất đưa về vụ án, khơi gợi nỗi đau, dựng lại hình ảnh có thể đối mặt với vấn đề khởi kiện từ người nhà nạn nhân. Vì hành động này có thể gây thiệt hại tới tinh thần gia đình nạn nhân.
Ông Ứng cho hay: Các cơ quan quản lý cần vào cuộc. Khi clip này đã đăng tải và phát tán trên mạng mà các cơ quan thẩm quyền thờ ơ thì rất đáng trách. Việc thành lập hội đồng chuyên môn đánh giá nội dung “phim” về vụ thảm sát Bình Phước là điều cần thiết. Từ đó, nếu thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật, các cơ quan chức năng cần mạnh tay để răn đe, tránh tạo tiền lệ xấu.

Phim ve vu tham sat Binh Phuoc tren YouTube co pham luat?
 Cảnh trong phim ngắn vụ thảm sát số 6.

“Ẩn” trên YouTube
Sau khi Thể thao & Văn hóa đăng tải bài viết Vụ thảm sát Bình Phước trên YouTube: Phim câu view vô nhân tính! vào sáng qua (11/8), dư luận bày tỏ nỗi bức xúc về việc ê-kíp sản xuất đã bất chấp đạo đức để gây sự chú ý.
Ngay trong sáng ngày 11/8, clip tiêu đề: “Phim ngắn Vụ thảm số át số 6 (Theo câu chuyện có thật vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước)” đã được để chế độ “cá nhân” và ẩn trên kênh YouTube NhacPro Tube (kênh đăng tải clip trên và ghi “Độc Quyền Trên YouTube bởi NhacProTube”).
Đến chiều ngày 11/8, clip đã không xuất hiện trên kênh này song một số kênh YouTube khác đã nhanh tay đăng tải lại. Theo mô tả trên kênh NhacProTube trước đó, ê-kíp sản xuất clip “Phim ngắn Vụ thảm sát số 6” gồm: diễn viên “ca sĩ” Trịnh Phong, “diễn viên hài” Thanh Bắc, “ca sĩ” A Huy, Khắc Huy, Nhật Thiên, Lee Na Trần, Băng Tâm, Thúy Vy, Thiên Hải, Hải Nguyên, Bé Chip ...; biên kịch: Lâm Đào; đạo diễn: Lâm Đào - Lee Tuấn Khang; quay phim: Huỳnh Tú Linh - Dũng Mập...
Theo tìm hiểu của Thể thao & Văn hóa (TTXVN), các “ca sĩ”, “diễn viên” trên đều là những người chưa tìm được chỗ đứng thực sự vững chắc trong giới showbiz. Các sản phẩm nghệ thuật của các tên tuổi trên chưa nhiều và chưa có ảnh hưởng cũng như được ghi nhận trong cộng đồng.

Bão Melor đang tiến thẳng quần đảo Trường Sa

(Kiến Thức) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn, ngày 17/12, vị trí tâm bão Melor sẽ tiến gần đến đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa với sức gió giật cấp 15 - 16.

Cụ thể, hồi 2h sáng nay ngày 16/12, vị trí tâm bão Melor ở vào khoảng 13,6 độ Vĩ Bắc; 120,3 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Bắc đảo Min-do-ro (Philippines). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 120 đến 150km một giờ), giật cấp 15-16.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 1h ngày 17/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,0 độ Vĩ Bắc; 118,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 530km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 90 đến 120km một giờ), giật cấp 12-13.