
Theo công bố từ nhóm hợp tác quốc tế LIGO-Virgo-KAGRA (LVK) - tổ chức chuyên quan sát sóng hấp dẫn để phát hiện các vụ va chạm lỗ đen, sự kiện "hợp nhất" 2 lỗ đen vũ trụ này được phát hiện thông qua những gợn sóng nhỏ trong kết cấu không - thời gian, xuất hiện khi các lỗ đen sáp nhập. Ảnh: Canva.

Cụ thể, hai lỗ đen có khối lượng lần lượt gấp 103 và 137 lần Mặt trời đã hợp nhất để tạo nên "quái vật vũ trụ" có tên mã GW231123. Ảnh: Victor de Schwanberg/SPL.

Giáo sư Mark Hannam thuộc Đại học Cardiff và là thành viên nhóm LIGO cho hay, các lỗ đen khổng lồ này có thể chính là sản phẩm của những vụ va chạm trước đó, mở ra khả năng tồn tại một chuỗi sáp nhập phức tạp trong vũ trụ. Ảnh: Dabarti CGI/Shutterstock.

Trong quá trình hợp nhất, các lỗ đen vẫn quay với tốc độ rất nhanh, nhanh gấp 400.000 lần tốc độ tự quay của Trái đất. Ảnh: LIGO/Caltech/MIT/R. Hurt (IPAC).

Theo nhóm nghiên cứu, chúng đang di chuyển với vận tốc bằng 80 - 90% tốc độ cực đại có thể có, gần chạm ngưỡng giới hạn mà thuyết tương đối rộng của Einstein cho phép. Ảnh: NDTV.

GW231123 không chỉ là lỗ đen lớn nhất từng được ghi nhận qua va chạm - vượt xa kỷ lục trước đó là khoảng 140 lần khối lượng Mặt trời mà còn thách thức toàn bộ các mô hình lý thuyết và công nghệ phát hiện sóng hấp dẫn hiện nay. Khám phá này là một bước ngoặt lớn trong ngành vật lý thiên văn. Ảnh: European Space Agency.

“Mặc dù nguyên nhân chính vẫn được cho là vụ hợp nhất lỗ đen nhưng các kịch bản phức tạp hơn có thể hé lộ những bí mật chưa từng biết tới. Một tương lai đầy hứa hẹn đang mở ra!”, tiến sĩ Gregorio Carullo, giảng viên tại Viện Thiên văn Sóng hấp dẫn thuộc Đại học Birmingham cho hay. Ảnh: sciencedaily.

GW231123 được phát hiện vào tháng 11/2023, trong giai đoạn quan sát bắt đầu từ tháng 5/2023 - 1/2024 của nhóm LIGO-Virgo-KAGRA. Ảnh: Lynette Cook/Science Source.

Thông tin chi tiết về lỗ đen GW231123 và các phát hiện liên quan được trình bày tại Hội nghị quốc tế lần thứ 24 về Thuyết tương đối rộng và Trọng lực (GR24) cùng Hội nghị lần thứ 16 Edoardo Amaldi về Sóng hấp dẫn, tổ chức tại Glasgow, Scotland vào ngày 14/7. Ảnh: ESO/M. Kommesser.
Mời độc giả xem video: Bản đồ vũ trụ với hơn 900.000 ngôi sao, thiên hà và hố đen. Nguồn: THĐT1.