Phát hiện chồng có “tình mỳ ăn liền” nhờ... tán gẫu

Càng đọc tôi càng hoa cả mắt vì những dữ liệu cô ấy đưa ra sao giống với chồng mình kinh khủng.

Buổi trưa hôm ấy, mấy chị em trong phòng tôi hì hụi cắm mặt vào máy tính rồi bàn tán xôn xao. Chủ đề quá nóng: Tình một đêm. Tôi đang mải nghiên cứu công thức làm bánh nên không mấy quan tâm. Tới khi các cô gái trong phòng ồ lên: "Phải công nhận gã đấy quá cao thủ tình trường" thì tôi mới bắt đầu để ý tới câu chuyện của họ.
“Vân, em gửi link cho chị xem mấy chị em đang đắm đuối anh cao thủ tình trường nào thế?”. Con bé gửi qua chat cho tôi link một diễn đàn với chủ đề tình một đêm đang được các anh chị em mổ xẻ tơi bời.
Câu chuyện của "chủ thớt" rất hấp dẫn về việc cô ấy bị một gã dụ tình một đêm ngon như không thế nào. Giờ cô ấy muốn xí xóa chuyện ấy mà không được mặc dù gã kia đã cắt liên lạc. Họ chỉ là đối tác tình cờ trong một phi vụ hợp tác làm ăn....
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Thế nhưng càng đọc tôi càng hoa cả mắt vì những dữ liệu cô ấy đưa ra sao giống với chồng mình kinh khủng. Cô ấy tả gã đàn ông từng tình một đêm ấy giống tới 99% chồng tôi. Cũng cùng là kỹ sư công nghệ thông tin, cùng thời gian địa điểm chồng “xin phép” đi công tác tháng trước, cùng ánh mắt, cùng mái tóc, cùng vóc dáng, cùng chiếc áo bị con dây mực giặt mãi không sạch và cùng cả một câu mà anh từng thủ thỉ với tôi khi “thăng hoa”.
Trong khi các cô đồng nghiệp càng bình luận sôi nổi thì tôi tối tăm mặt mày, cảm giác như tụt xuống tận địa ngục. Tôi cố gắng biện minh với ý nghĩ chắc có người đàn ông khác giống hệt chồng mình. Nhưng làm sao giống tới từng chi tiết như thế?. Làm sao anh ta cũng có cái áo hàng độc mà tôi mua tặng chồng trong một chuyến đi Thái Lan và vết mực đúng vị trí tay áo?. Và nhất là câu thủ thỉ độc quyền của chồng khi trên giường với tôi?. Tại sao anh ta lại “dám” giống chồng tôi tới thế.
Khi máu nóng bốc lên tới đầu thì tôi lại đọc thấy phần cập nhật của chủ topic rằng từ lần đó gã kia không liên lạc lại lần nào. Thông tin ấy phần nào giúp tôi hạ nhiệt với cái ý nghĩ "thôi coi như chồng mình vớ vẩn qua đường", cho đỡ đau đớn.
Chiều hôm ấy tôi về nhà sớm với bao nhiêu ý định truy tìm nốt dấu vết tình một đêm của 1% còn lại. Tôi cố gắng nấu một bữa cơm tử tế và đợi chồng về. Anh trở về nhà vẫn bình thản như thường.
Nhìn bộ mặt hồn nhiên... vô số tội của chồng khiến tôi càng bực bội. Vừa ăn cơm tôi vừa giả vờ hỏi chuyện. Lấy hết sự bĩnh tĩnh để không gào thẳng vào mặt chồng những gì bức bối nhất, tôi lần theo những dữ liệu của nhân vật bị ám ảnh bởi tình một đêm trên diễn đàn. Câu hỏi cuối cùng khiến tôi sụp đổ hoàn toàn vì 1% còn lại đã được khẳng định. Mặt chồng tôi biến sắc, bối rối và quát át tôi khi tôi chốt hạ với câu: “Tối hôm anh đi công tác ở Nha Trang, bạn em đã nhìn thấy một người mặc cái áo cam giống hệt anh đi cùng một phụ nữ rất vui vẻ”.
Thế là đã rõ. Liệu tôi có nên bỏ qua cho anh khi dám phản bội tôi với cái thứ tình một đêm kia không? Liệu ngoài cô kia anh đã “tình một đêm” với bao nhiêu đồng nghiệp, đối tác khác?. Công việc của chồng tôi là thực hiện các dự án về mạng tại các khu du lịch, resort nên có quá nhiều cơ hội để xa nhà và “khuất mắt trông coi”. Tôi sẽ chấp nhận để chồng phản bội không thương tiếc trong những chuyến công tác liên miên?.

Kết cục buồn của người đàn bà nông nổi

Chưa đến một năm sống chung với nhau, Phương thú thật với chị là Phương ngày trước chỉ bị chị quyến rũ và say mê nhất thời...

Phiên tòa ly hôn của anh Trần Văn T. khá đặc biệt vì vắng mặt người vợ. Căn phòng của TAND TP.HCM lạnh lẽo, đầy sự đau đớn, thất thần của người đàn ông bị vợ bỏ trốn theo người em trai họ.

Đánh đổi một gia đình hạnh phúc

Năm 2004, anh Trần Văn T. và chị Nguyễn Thị Thu H. lấy nhau trong niềm vui của hai bên gia đình, dòng họ. Yêu nhau hai năm, lấy nhau về, cha mẹ cho một căn nhà nhỏ gần ngoại thành để sống. Chồng đi làm công nhân, vợ bán quán, cuộc sống yên ổn. Rồi con trai đầu lòng ra đời, tưởng không gì có thể mãn nguyện hơn.

Năm 2006, anh T. bỏ công việc tại công ty may, về gom vốn, hùn với bạn bè mở một tổ hợp gia công may bao bì tại nhà. Để tiện quản lý công việc, anh gọi người em họ xa của mình từ miền Tây lên phụ giúp trong nhà.

Người em họ này tên Phương, vốn ở quê làm nghề sửa xe đạp, thu nhập thấp, gia đình lại nghèo nên 25 tuổi vẫn chưa có "mảnh tỉnh vắt vai". Lên thành phố, Phương ở nhà anh chị, phụ giúp anh họ quản lý nhân công, bỏ mối, giao hàng, khi rảnh rỗi thì phụ giúp chị dâu bưng bê quán nước trước nhà.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Công việc làm ăn mỗi lúc một khá, anh T. cũng thường xuyên vắng nhà, đi ngoại giao bên ngoài tìm mối hàng, bỏ hàng nhiều hơn. Và tất cả bi kịch gia đình anh cũng nảy sinh từ những lần vắng nhà ấy. Chẳng biết do chồng vắng nhà nhiều, hay vì vẻ hiền lành, đẹp trai của cậu em họ chồng, mà từ bao giờ chị H. bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến “cậu em”.

Chị siêng nấu nướng, và khi nấu nướng thì để ý hơn đến những món mà cậu em chồng thích ăn. Mua đồ cho chồng, bất giác chị thường mua thêm cho cậu em chồng quần áo. Đi đâu, chị cũng nhờ cậu em chở đi. Còn Phương, với sự chân chất của cậu trai quê, vẫn nghĩ là “bà chị dâu” tốt, quý mình. Cậu cũng ra sức giúp đỡ chị, như là một người đàn ông trong nhà khi anh họ mình đi xa việc kinh doanh.

Rồi mọi chuyện dần dà đi quá xa, khi Thu H. không còn giấu giếm được tình cảm của mình cho cậu em họ chồng. H. bắt đầu nói bóng gió, xa xôi. Khi thấy cậu em vẫn chưa hiểu, chị dùng sự ngọt ngào, khêu gợi của người đàn bà đã có chồng. Phương cũng đã hiểu ra ý định của chị dâu đối với mình. Ban đâu, Phương rất hoảng sợ. Thế những, với sự thuyết phục, quyến rũ, ngọt ngào của chị dâu, chàng trai mới đến tuổi trưởng thành ấy đã không thể cưỡng lại được. Phương rơi vào “lưới tình” của người chị dâu.

Thân tàn

Mối quan hệ vụng trộm diễn ra chừng hơn 4 tháng, rất say đắm, nồng nàn. Hàng xóm bắt đầu có lời xì xào. Tuy anh T. không tin chuyện ấy xảy ra, nhưng khả năng bị lộ cũng không ít. Mà nếu bị lộ ra, thì hai người họ sẽ trắng tay và đối mặt với bao hậu quả nặng nề. Vì quá say mê cậu em họ của chồng, chị H. quyết định rủ cậu bỏ trốn.

Nghe kế hoạch của chị dâu họ, Phương vô cùng hoảng hốt. Thế nhưng, lại một lần nữa, H. đã thuyết phục được cậu trai, bằng những lời âu yếm, bằng mê hồn trận giường chiếu, khiến Phương ngỡ như mình không thể sống nếu thiếu người đàn bà ấy. Sau sự chuẩn bị kĩ càng, một lần, khi chồng đi nhận mối hàng tận miền Trung, H. đã trộm hơn 150 triệu, số tiền dành dụm bao năm làm ăn của anh T. để bỏ trốn cùng với Phương.

Khi anh T. trở về sau chuyến đi 4 ngày, đau đớn thấy vợ mình đã bỏ đi với toàn bộ tiền dành dụm của hai vợ chồng, con thì gửi bên nhà chị của anh. Đau khổ, chờ trông, tìm kiếm mỏi mòn, cuối cùng, anh quyết định đâm đơn ly hôn sau khi nhận được thư xin lỗi của Phương gửi.

Thủ tục xong xuôi, hơn một năm sau, anh chính thức ra tòa, cầm tờ giấy ly hôn khi nỗi đau trong lòng còn chưa dứt. Từ đó anh một thân gà trống nuôi con, và chán đời đến mức chẳng còn muốn đi bước nữa.

Vậy mà, bẵng đi 3 năm trời, cuối năm 2013, vợ anh về nhà trong sự ngỡ ngàng của hai cha con anh. Trở về, chị không còn là người phụ nữ xinh xắn như ngày xưa, mà trong một hình dung tiều tụy. Anh sốc khi biết vợ cũ đang mang trong mình căn bệnh ung thư, và đã sống lẻ loi gần 3 năm nay, tự bươn chải kiếm sống. Chị bị ung thư giai đoạn cuối không còn sống bao lâu nên trở về để gặp con, gặp chồng xin lỗi.

Hóa ra, chị ôm tiền chạy theo tình yêu mà cũng chẳng được hạnh phúc. Sau khi họ xuống một tỉnh miền Tây, Phương và chị thuê nhà. Phương tiếp tục nghề sửa xe đạp, chị mở quán nước bán, với số tiền đang có thì khá xông xênh. Nhưng chỉ có mình chị là thấy hài lòng, còn Phương luôn dằn vặt, đau khổ và ám ảnh tội lỗi.

Chưa đến một năm sống chung với nhau, Phương thú thật với chị là Phương ngày trước chỉ bị chị quyến rũ và say mê nhất thời chứ chưa bao giờ thấy yêu thương chị. Ngay từ khi ra đi Phương đã hiểu và nhận ra sai lầm. Thời gian qua Phương đã gặp một cô gái mà cậu yêu thật lòng, cậu khao khát muốn sống trọn đời, nhưng Phương thấy mình tội lỗi. Cậu ta muốn ra đi, bỏ lại quá khứ sau lưng để làm lại từ đầu.

Nói hôm trước, hôm sau Phương bỏ đi để lại tất cả tài sản và mọi thứ, kể cả những thứ chị mua tặng Phương. Chị sống đơn độc trong đau khổ, ê chề từ đó. Rồi những cơn đau dạ dày, nôn mửa kéo dài, và chị phát hiện bị bệnh ung thư dạ dày. Bao tiền bạc điều trị cũng không ngăn bệnh tiến triển. Trắng tay, mất tất cả, chị trở về đây không xin sự tha thứ, mà để tạ lỗi. Chị nói, đó là cái giá mà mình phải nhận vì đã phản bội và hủy hoại hạnh phúc gia đình.

Phụ nữ phải biết giữ chồng?

Phụ nữ chẳng biết từ khi nào, từ lúc mặc trên người chiếc váy cưới, đã phải hình thành tâm lý “phải biết giữ chồng”.

Phụ nữ đi học nấu ăn, cắm hoa, dành thời gian dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái… những mong tổ ấm là nơi chốn lý tưởng cho đàn ông muốn về nhà mỗi tối. Con cái sáng sủa, phổng phao chồng nhìn mới vui, mới ghi nhận đó là công lao, là cái tài của vợ. Cơm ngon canh ngọt là “đòn” truyền thống “đánh thẳng vào cái dạ dày chồng”.

Hoa lá cũng không ngoài mục đích vui cửa vui nhà, thể hiện chủ nhân là người phụ nữ có tâm hồn đẹp, tinh tế, thế mới cuốn hút được đàn ông. Đã thế, phụ nữ còn cố gắng đển chu toàn với cả họ hàng bên chồng để không để ai trách cứ. Trước mặt các cụ thì lăm lăm ý tứ, ngó trước nhìn sau, và tối kỵ việc trái ý bố mẹ chồng. Phải hôm các cụ trái nắng trở trời, bổn phận phải chăm sóc thăm nom.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Trong bài giữ chồng của phụ nữ còn có cả nghề “điệp viên”, lâu lâu phải thăm hỏi điện thoại, facebook, hộp thư điện tử hoặc nick chat yahoo của chồng một lần. Bắt gặp đối tượng nào khả nghi sẽ hoặc tra hỏi, vặn vẹo “trừ họa” ngay, hoặc ngấm ngầm “điều tra” cho rõ. Rồi phụ nữ thở phào khi thấy mình quá đa nghi, khi nhận được từ chồng một lời giải thích được xem là hợp lý.

Phụ nữ sẽ tiếp tục âm ỉ “giữ chồng” như thế, nếu không có một ngày...

Phụ nữ chợt nhận ra lâu nay mải dồn tâm ý vào phục vụ nhà chồng, chăm sóc con cái, quán xuyến việc nhà mà bản thân đã trở nên nhàu nhĩ, xác xơ. Phụ nữ lại lo cái nết thời nay đánh không chết nổi cái đẹp, nên tức tốc đến spa “tút” tổng thể. Phụ nữ đi tắm trắng bất chấp nguy cơ ung thư da, chịu đựng đau đớn vì hút mỡ, kéo căng vòng một, cắt mí, sửa mũi... hòng níu kéo tuổi xuân.

Phụ nữ trở về nhà, ngỡ mình đã đạt đến đỉnh cao của công phu giữ chồng. Thế nhưng rồi, họ chợt nhận ra, không biết từ bao giờ thời gian mong ngóng chồng bên bàn ăn tối đã kéo dài thêm từ 2 đến 4 tiếng. Có những hôm rất khuya mới nghe tiếng xe nổ máy xình xịch rồi tắt ngấm trước cửa nhà. Họ vội vã chạy ra ôm về cái cơ thể đàn ông mềm nhũn nồng nặc mùi bia rượu, chân nam đá chân chiêu bước qua ngưỡng cửa.

Nửa đêm, thấy điện thoại chồng nhấp nháy, chồng thì đã say, ngủ vùi từ lúc nào, phụ nữ với tay tắt máy thì đập vào mắt mình dòng tin nhắn: “Anh ơi, đêm dài quá, em nhớ anh” từ một số máy được đặt tên là Mèo mun…

Phụ nữ tự hỏi, mình đang sống ở thời đại nào? Mọi điều mình đã làm vì chồng, vì con còn chưa đủ hay sao?

Phụ nữ không hiểu rằng, những gì tự chạy đến để được là của mình và thực sự thuộc về mình thì không cần phải khư khư mà giữ. Đàn ông tốt khắc biết ghi nhận công lao của vợ, biết chung vai gánh vác, cùng vợ vận hành tốt một gia đình. Đàn ông đã sẵn máu trăng hoa thì có cố giữ cũng vậy thôi. Chi bằng vợ cứ sống vui, sống tự tin, biết chăm sóc bản thân để luôn tươi mới cho chồng... phải thèm, cớ gì phải cố giữ chồng bằng những chiêu trò thực chất là tự làm mất giá một cách không cần thiết?

Khó ly hôn vì chồng “thoắt ẩn thoắt hiện“

Chồng chị tuy bỏ quê, bỏ vợ con sống với người phụ nữ khác ở tít tận đâu, nhưng cứ một năm đôi lần anh ta lại đảo qua nhà...

“Đối với tôi, ông ấy mất tích thật rồi, nhưng đối với chính quyền, tòa án, ông ấy vẫn hiện diện. Thử hỏi thế thì bao giờ tôi mới ly hôn được?”. Lời giãi bày trong nước mắt của người phụ nữ nông thôn đã có hơn 5 năm trời đệ đơn xin ly hôn mà không được giải quyết, nghe thật đắng lòng.

“Lẽ nào tôi phải mang tiếng có chồng hoài?”

Chị Thung là giáo viên của một trường cấp 2 thuộc huyện ngoại thành Hà Nội. Dạy văn nên tính chị nhẹ nhàng, nhẫn nhịn, trái ngược hẳn với ông chồng thợ mộc thô lỗ và hung bạo.

Lấy nhau được vài năm, khi đứa con gái đầu lòng 2 tuổi, chị Thung bắt đầu bị chồng chửi rủa, chê bai là “nhạt nhẽo như nước ốc”. Hóa ra trong một chuyến đi đóng đồ mộc xa quê, chồng chị Thung đã phải lòng một người phụ nữ buôn chuyến.

Khi con gái chị Thung lên 3, chồng chị đã bỏ nhà đi biệt tích. Được 5 năm như vậy thì chị Thung quyết định đệ đơn xin ly hôn. Cán bộ Tòa án hướng dẫn chị phải làm thủ tục tuyên bố mất tích cho ông chồng mới giải quyết ly hôn được. Nhưng chính quyền địa phương nơi chị Thung sống thì vẫn khăng khăng khẳng định chồng chị Thung còn sống.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Đến lúc này, chị Thung mới biết, chồng chị tuy bỏ quê, bỏ vợ con đi sống với người phụ nữ khác ở tít tận đâu, nhưng cứ một năm đôi lần anh ta lại đảo qua nhà mấy ông chính quyền trò chuyện dăm lời, rồi lại đi biệt tích mà không nói cho ai biết là anh ta đang ở đâu.

Làm như vậy, trong mắt chính quyền anh ta không mất tích, nên người vợ cũng khó có thể ly hôn để lấy người khác được. “Tôi không ngờ lão ta lại có mưu kế hèn hạ đến thế” - chị Thung ngao ngán nói.

Nghe chuyện của chị Thung, PV chợt nhớ đến chương trình tư vấn pháp luật “Lối thoát ly hôn” do một tờ báo thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức vào giữa năm ngoái để “mở điểm nghẽn” cho bạn đọc gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý trong quá trình ly hôn.

Trong chương trình tư vấn đó, “làm sao để ly hôn với người vắng mặt” là vấn đề nóng nhất. Có những câu chuyện thoạt nghe tưởng khó tin nhưng lại là sự thật. Ví dụ như chuyện của chị P.T.B.P. (ngụ tại P.2, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Chồng chị có địa chỉ thường trú ở Q.3 nhưng đã bỏ đi từ năm 1995.

Sau nhiều năm đơn thân nuôi con, năm 2012 chị đến TAND Q.3 xin ly hôn nhưng Tòa án ra quyết định đình chỉ thụ lý vụ án vì chồng chị không còn ở nơi đăng ký hộ khẩu. “Lẽ nào tôi phải mang tiếng có chồng hoài?” - chị P.T.B.P khắc khoải hỏi.

Như chị P.T.B.P, chị B.T.T.K. đã phải chịu cảnh có chồng mà như không 4 năm nay. Chồng chị đã bỏ mẹ con chị về Quảng Nam sống. Chị gọi điện về quê đề nghị ly hôn, anh ta dứt khoát không đồng ý. Chị nộp đơn, Tòa án Bình Dương không nhận, đề nghị chị ra Quảng Nam. Chị ra tận Quảng Nam, Tòa ở đây cũng không cho chị đơn phương ly hôn vì anh chồng còn có mặt ở địa phương này.

Tỉnh táo để tự cứu mình

Có thể thấy, về vấn đề thủ tục ly hôn nói chung và ly hôn với người vắng mặt nói riêng, Bộ luật Tố tụng Dân sự đã quy định rất rõ ràng, đơn giản.

Nhưng trong thực tế, những vấn đề mà những người phụ nữ, đàn ông đang vướng mắc khi ly hôn với người vắng mặt lại vô cùng đa dạng. Được biết, Nghị quyết số 03 (ban hành ngày 3/12/2012) của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn phần “Những quy định chung” của Bộ luật Tố tụng Dân sự có hiệu lực thi hành trong năm 2013 đã và đang là “lối thoát” cho những người vướng thủ tục ly hôn với người vắng mặt, mất tích. Căn cứ vào đó, rất nhiều trường hợp sẽ được tháo gỡ.

Tuy nhiên, theo các luật sư, luật có quy định nhưng trong nhiều trường hợp, chính người trong cuộc do nôn nóng, thiếu hiểu biết các thủ tục đã vô tình làm cho việc ly hôn lẽ ra đơn giản của mình ở tòa bị kéo dài, để rồi bản thân họ phải gánh chịu.

Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) lưu ý: khi chuẩn bị ly hôn, tuyệt đối không được suy đoán thủ tục, bởi đây là một vấn đề phức tạp, không thể tự suy đoán. Mỗi người phải tự tìm hiểu trình tự những quy định pháp luật có liên quan đến hoàn cảnh của mình.

Bên cạnh đó, khi đến tòa phải hỏi thật kỹ trường hợp của mình có những vướng mắc, khó khăn gì. Khi đã hỏi Tòa mà vẫn chưa hiểu, nên xin tư vấn từ người có chuyên môn như luật gia, luật sư. “Sở dĩ nói vậy vì khi có vướng mắc về thủ tục pháp lý, nếu không có người hướng dẫn, các đương sự sẽ rất khó dứt khoát được với cuộc hôn nhân” – Luật sư Trương Thị Hòa nhấn mạnh.