Phản ứng của EU sau khi Ukraine có động thái đi ngược lại với châu Âu

Liên minh châu Âu (EU) ngày 22/7 bày tỏ lo ngại sâu sắc sau khi Quốc hội Ukraine thông qua một đạo luật làm suy giảm tính độc lập của hai cơ quan chống tham nhũng then chốt, vốn được xem là nền tảng trong quá trình cải cách để gia nhập EU.

Dự luật gây tranh cãi được ông Zelensky ký ngay trong ngày sau khi Quốc hội bỏ phiếu. Ảnh minh họa. Nguồn: Ukrinform. 

Ủy viên phụ trách Mở rộng của EU, bà Marta Kos, viết trên mạng xã hội X: “Rất lo ngại về cuộc bỏ phiếu hôm nay tại Rada (Quốc hội Ukraine). Việc dỡ bỏ các biện pháp bảo vệ tính độc lập của Cục Chống tham nhũng Quốc gia Ukraine (NABU) là một bước thụt lùi nghiêm trọng”. EU từ lâu coi sự độc lập của NABU và vai trò của Văn phòng Công tố viên Chống tham nhũng Chuyên trách (SAPO) là “thiết yếu cho lộ trình gia nhập EU của Ukraine”.

Động thái gây tranh cãi này diễn ra chỉ một ngày sau khi một nhân viên của NABU bị bắt vì bị tình nghi làm gián điệp cho Nga. Tuy nhiên, một bộ phận dư luận trong nước cho rằng thay vì củng cố, Quốc hội Ukraine lại đang vô hiệu hóa các thể chế chống tham nhũng bằng cách đặt chúng dưới quyền kiểm soát trực tiếp của Tổng Công tố – một vị trí do Tổng thống bổ nhiệm.

Với 263 phiếu thuận và 13 phiếu chống, Quốc hội Ukraine đã thông qua sửa đổi luật, chuyển quyền kiểm soát NABU và SAPO cho Tổng Công tố. NABU vốn có nhiệm vụ điều tra các vụ tham nhũng trong các cơ quan nhà nước, còn SAPO chịu trách nhiệm truy tố các vụ án liên quan. Cuối ngày 22/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký ban hành luật.

Một tổ chức phi chính phủ tại Ukraine gọi là Trung tâm Hành động Chống tham nhũng, nhận định đạo luật mới về thực chất khiến hai cơ quan này “mất đi vai trò”, khi “Tổng Công tố của ông Zelensky sẽ dừng mọi cuộc điều tra nhắm vào bạn bè của Tổng thống”.

Đại diện EU nhấn mạnh rằng khối này đang cung cấp sự hỗ trợ tài chính đáng kể cho Ukraine, nhưng khoản hỗ trợ đó đi kèm điều kiện cụ thể, bao gồm “tiến bộ về minh bạch, cải cách tư pháp và quản trị dân chủ”.

Hiện chưa rõ liệu EU có ngừng hỗ trợ tài chính sau khi Ukraine đi ngược lại với các giá trị của châu Âu hay không.

Bất chấp các nỗ lực cải cách trong suốt một thập kỷ qua để đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu, Ukraine vẫn chưa thể thoát khỏi các bê bối tham nhũng, ngay cả khi đang trong tình trạng chiến sự.

Cục Chống tham nhũng Quốc gia Ukraine được thành lập năm 2015, một phần trong loạt cải cách sau phong trào biểu tình ủng hộ châu Âu năm 2014 – được biết đến với tên gọi “Cách mạng Phẩm giá”. Theo bảng xếp hạng Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2024 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Ukraine đứng thứ 105 trong tổng số 180 quốc gia, cải thiện so với vị trí 144 vào năm 2013.