Không ai nghĩ trên núi đá cũng có thể giữ được nước. Ấy vậy mà bằng khối óc bền bỉ và một niềm tin không nguôi vào sức mạnh của khoa học, PGS.TSKH. Vũ Cao Minh cùng nhóm nghiên cứu đã làm được điều tưởng như không tưởng ấy.

"Công nghệ hồ treo thu giữ nước vách núi" của nhóm các nhà khoa học gồm PGS.TSKH. Vũ Cao Minh, TS Vũ Văn Bằng, KS Nguyễn Chí Tôn (thuộc Viện Các khoa học trái đất) kết hợp giữa khoa học địa chất và thủy văn được thử nghiệm thành công năm 2002 tại Đồng Văn (Hà Giang) đã vinh dự được nhận giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2025.
Lời giải từ thiên nhiên cho những vùng khát
PGS.TS Vũ Cao Minh sinh năm 1957 tại Hà Nội, tốt nghiệp chuyên ngành Địa chất Thủy văn tại Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1980. Sau thời gian làm nghiên cứu viên tại Viện Địa chất, ông nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Greifswald (Đức) và trở lại Việt Nam công tác tại Viện Địa chất, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Trong hơn 50 năm gắn bó với địa chất thủy văn và môi trường, PGS.TS Vũ Cao Minh, nguyên cán bộ Viện Địa chất, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chưa từng ngưng trăn trở về bài toán nước sạch cho người dân miền núi.
Chia sẻ về lý do theo đuổi công trình hồ treo, ông cho hay, trước khi bắt tay vào nghiên cứu, ông và các cộng sự đã đứng trước một thách thức thực sự, đó là đồng bào vùng cao núi đá đang thiếu nước sinh hoạt gay gắt.
Đầu những năm 2000, cao nguyên đá Hà Giang chìm trong cơn đại hạn theo đúng nghĩa đen. Nước trở thành một thứ xa xỉ, đẩy cuộc sống và sức khỏe của người dân vào tình thế vô cùng khó khăn.
Tại các xã như Giàng Chu Phìn, Cán Chứ Phìn, Lũng Pù, Sủng Máng, Sủng Chà, Tả Lủng, Thượng Phùng, Sơn Vĩ của huyện Mèo Vạc, hình ảnh người dân, từ già trẻ lớn bé, phải vượt hàng chục cây số xuống tận sông Nho Quế hay sang huyện Yên Minh để cõng từng can nước về dùng đã trở thành một ám ảnh. Mỗi khi trời ngưng mưa, cuộc sống dường như cũng ngưng lại, bởi không có nước cho cả sinh hoạt lẫn chút ít canh tác ít ỏi.

Từ thực tế ấy, một câu hỏi lớn nảy sinh: Liệu có thể "giữ" được nước trên núi? Câu trả lời dần hình thành sau những khảo sát thực địa, ông và nhóm nghiên cứu nhận thấy hiện tượng nước mưa tập trung theo dòng chảy nhỏ, men theo các nếp gãy và vách đá. Vậy nếu có thể thu giữ dòng chảy ấy vào các bể chứa được gia cố an toàn, đặt đúng chỗ, thì sẽ có "hồ nước" trên núi.
Phải trải qua gần một năm khảo sát và qua học tập kinh nghiệm của đồng bào địa phương, qua theo dõi, phân tích số liệu, ông và nhóm nghiên cứu mới xác định được nguồn nước phù hợp với đặc điểm phân bố dân cư vùng cao.
“Để hình thành nên một giải pháp khoa học công nghệ, có thể chỉ cần một vài nhà khoa học. Song để đưa một giải pháp được kiểm chứng thực tế rồi nhân rộng ra thực tiễn sản xuất thì cần có sự đóng góp của nhiều người. Cụ thể, trong công trình này đã có sự đóng góp tích cực của nhiều nhà chuyên môn”, PGS.TSKH. Vũ Cao Minh chia sẻ.
Sẵn sàng đồng hành cùng nhÀ KHOA HỌC TRẺ
“Nguồn nước này chủ yếu bộc lộ trong mùa mưa và có lưu lượng tương đối phong phú, lại phân bố phổ biến gần các khu dân cư sống phân tán. Vì vậy, chúng tôi đã nghiên cứu, thiết kế, thi công biện pháp thu và trữ loại nước này trong mùa mưa để dùng vào trong mùa khô”, ông cho hay.
Tháng 5 năm 2002, một "trái tim" chứa nước đầu tiên – hồ treo với sức chứa 3.000m³ – đã được xây dựng thành công tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn. Còn tại huyện Mèo Vạc, hồ treo Tà Lủng (có quy mô lớn gấp 10 lần hồ "trái tim" tiếp tục được xây ở độ cao 1.200m).
Từ những “trái tim” đầu tiên đó, sau này Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã đồng ý cho ra đời của hàng chục hồ treo trên cao nguyên đá Hà Giang.
Hồ treo giữa lưng chừng núi thu nước ngầm trong vách đá giúp người dân khắc phục "cơn khát nước" vốn kéo dài 6-8 tháng mỗi năm trên cao nguyên có độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển.
Đến năm 2024, trên vùng cao núi đá đã có 125 hồ treo và còn 31 hồ đang tiếp tục được thi công. Hồ treo đã góp phần giải quyết nhu cầu tối thiểu về nước sinh hoạt cho đồng bào vùng cao, góp phần ổn định đời sống xã hội, an ninh quốc phòng, làm đẹp thêm cảnh quan sinh thái.
“Một công nghệ, mỗi công nghệ đều có thể lạc hậu trong tiến trình phát triển xã hội. Công nghệ hồ treo thu trữ nước vách núi dù đã được đưa vào thực tiễn 20 năm vẫn thể hiện được giá trị tích cực của nó. Các kết quả khảo nghiệm của các nhà khoa học quốc tế vào những năm sau này cũng đã chứng minh được khả năng cấp nước tốt của loại nguồn nước này”, PGS Minh chia sẻ.
Nhấn mạnh nhu cầu về nước sinh hoạt, trong đó có nước để phát triển chăn nuôi, ngày một tăng cao và trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, PGS Minh mong các công nghệ tăng cường nước cho các hồ chứa nước trên vùng cao, như công nghệ chống bốc hơi, công nghệ bổ cập nước… sẽ được Nhà nước quan tâm. Đồng thời, ông cũng mong các nhà tài trợ, đầu tư cùng Chính phủ hỗ trợ thêm cho các dự án nước vùng cao.
“Mặc dù phần lớn chúng tôi đều đã nhiều tuổi, song chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng các bạn trẻ, cùng với các cán bộ địa phương làm tốt hơn nữa công tác đưa nước về cho đồng bào vùng cao, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước, góp phần để đồng bào các dân tộc vùng cao có điều kiện tốt hơn nhịp bước cùng đất nước”, ông bày tỏ.
GS.VS Trần Đại Nghĩa là nhà khoa học giàu tâm huyết, uy tín cao có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tập hợp và đoàn kết các hội khoa học và công nghệ, tích cực chuẩn bị cho việc thành lập Liên hiệp hội các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta). Ông là Chủ tịch đầu tiên của Vusta.
Giải thưởng Trần Đại Nghĩa là giải cao quý của Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, được tổ chức 3 năm/lần nhằm vinh danh các nhà khoa học trong, ngoài nước có công trình nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ như toán học, cơ học, khoa học thông tin và máy tính, vật lý, hóa học, khoa học về sự sống, khoa học về trái đất, khoa học biển, khoa học môi trường và năng lượng…
“Với tinh thần kiến tạo và khát vọng vươn mình hùng cường, chúng tôi kỳ vọng rằng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa luôn là nguồn cảm hứng, nguồn động viên to lớn đối với các thế hệ trẻ Việt Nam, góp phần vào công cuộc dân giàu, nước mạnh, đưa đất nước chúng ta có một vị trí xứng đáng trên bản đồ đổi mới và sáng tạo toàn cầu”, PGS.TSKH. Vũ Cao Minh bày tỏ.