Vậy Omoda C5 có gì để cạnh tranh cùng đồng hương Lynk & Co 06 và Mitsubishi Xforce?
Trong phân khúc SUV đô thị cỡ B tại Việt Nam, Mitsubishi Xforce đang là mẫu xe bán chạy nhất tính từ đầu năm đến nay. Đây là điều bất ngờ không chỉ với thị trường Việt mà cả với Mitsubishi Motor, khi mà chiếc xe này không thực sự nổi bật so với các đối thủ khác.
Omoda C5 vừa ra mắt Việt Nam cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng và hãng xe Trung Quốc đã đưa ra chiến lược cạnh tranh về giá bán với tham vọng doanh số trong thời gian tới. Với tầm giá 700 triệu đồng, phiên bản Ultimate của Mitsubishi Xforce chắc chắn sẽ là đối thủ hợp lý của phiên bản Omoda C5 Flagship, cùng với đó là đồng hương Lynk & Co 06.
Cả 3 mẫu xe SUV đô thị này đều được nhập khẩu nhưng Lynk & Co 06 phải chịu mức thuế cao hơn do nhập từ Trung Quốc trong thời điểm hiện tại, so với hai SUV còn lại sản xuất trong khu vực ASEAN được miễn thuế nhập khẩu. Điều này một phần phản ánh giá bán khá thấp của Mitsubishi Xforce và đặc biệt là Omoda C5 (thấp hơn 60 triệu đồng so với đồng hương và 36 triệu đồng so với đối thủ Nhật Bản); trong tương lai, Omoda C5 còn hứa hẹn có mức giá tốt hơn khi lắp ráp trong nước.
![]() |
![]() |
Ngoại hình và động cơ
Về mặt kích thước tổng thể, Omoda C5 có lợi thế về các chiều dài x rộng x cao nhưng có vẻ kém hơn về trục cơ sở cũng như khoảng sáng gầm xe; đồng thời, trọng lượng của xe khá lớn, kém một chút so với Lynk & Co 06. Đáng chú ý nhất là việc mẫu SUV đô thị của Lynk & Co sở hữu hệ thống treo sau dạng liên kết đa điểm nên sẽ cho độ êm ái cao hơn.
Chắc chắn Lynk & Co 06 sẽ có lợi thế về sức mạnh với động cơ 1.5L tăng áp với công suất tối đa tới 178 mã lực và mô-men xoắn cực đại 290 mã lực, đây có lẽ cũng là mẫu SUV đô thị mạnh nhất trong phân khúc. Cùng với đó, xe sở hữu hộp số tự động ly hợp kép 7 cấp dạng ướt, tận dụng tốt động cơ mạnh mẽ. Trong khi đó, Xforce chỉ được động cơ 1.5L hút khí tự nhiên quen thuộc do Mitsubishi tập trung vào đối tượng khách hàng không có yêu cầu cao về vận hành, mà đề cao về chi phí sở hữu.
Omoda C5 lại nằm ở tầm trung với động cơ 1.5L tăng áp kết hợp với hộp số tự động vô cấp CVT, cho công suất tối đa 145 mã lực tại 5.500 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 210 Nm tại 1.750 - 4.000 vòng/phút; điểm yếu của xe là chỉ có 2 chế độ lái thay vì 4 như trên các đối thủ còn lại.
![]() |
Trang bị và tính năng
Trang bị tiện ích chính là điểm mạnh của các mẫu xe Trung Quốc, bộ đôi của Lynk & Co và Omoda sở hữu nhiều và đa dạng các tính năng và hệ thống, đem lại sự thoải mái cho khách hàng khi sử dụng xe. Omoda C5 sở hữu các trang bị khác biệt so với các đối thủ, điển hình là khởi động từ xa cùng với sạc không dây công suất tới 50W.
Trong khi Lynk & Co 06 được chú trọng về tính thể thao với lẫy chuyển số sau vô lăng, bổ sung cửa sổ trời toàn cảnh cho không gian mở tốt hơn cùng với cụm đồng hồ kỹ thuật số với kích thước tới 10,25 inch. Mitsubishi Xforce không quá kém cạnh, thậm chí phiên bản Ultimate cao cấp nhất cũng sở hữu một số trang bị vượt trội hơn, điển hình là 8 loa Yamaha, sạc không dây cũng như đèn nội thất đồng thời là cốp đóng mở điện rảnh tay.
Về an toàn, dù là phiên bản cao cấp nhất và cũng bổ sung một số tính năng tiên tiến ADAS nhưng Mitsubishi Xforce Ultimate chưa thể so sánh với hai đối thủ từ Trung Quốc, đặc biệt về khả năng hỗ trợ lái tự động và phòng tránh các loại va chạm khác nhau. Omoda C5 được bổ sung một số tính năng ADAS khác, đáng chú ý như hệ thống hỗ trợ giữ làn, cảnh báo chệch làn, cảnh báo va chạm phía sau, hỗ trợ xuống dốc...
![]() |
![]() |
Trong khi đó, Lynk & Co 06 gây ấn tượng mạnh nhất khi sở hữu đầy đủ hệ thống ADAS trong phân khúc, điển hình như: Hỗ trợ cảnh báo, giữ và chuyển làn đường; cùng với đó là các tính năng khác như cảnh báo phương tiện tới gần, cảnh báo mở cửa, hỗ trợ chống lật và bảo vệ khi lật, hỗ trợ hình ảnh khi xe, camera 360 độ và quan sát gầm 180 độ...
Kết luận
Mitsubishi Xforce xe không quá vượt trội về số lượng trang bị nhưng phục vụ đầy đủ nhu cầu của khách hàng, rộng rãi bên trong, ổn định khi sử dụng và mức giá bán cũng chỉ từ 599 - 710 triệu đồng và được xem là khá phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Lynk & Co 06 có mức giá 729 triệu đồng sở hữu hàng loạt trang bị hiện đại, đặc biệt mạnh mẽ về hệ thống động cơ cũng như an toàn, những thứ sẽ mang lại ấn tượng cho khách hàng trong giai đoạn đầu tiếp xúc với xe. Điều này cũng là những ưu điểm không quá bất ngờ được các mẫu xe Trung Quốc mang lại, đây sẽ là lựa chọn phù hợp cho người dùng có nhu cầu mua xe cỡ nhỏ với giá bán không quá cao nhưng có thể trải nghiệm đầy đủ tính năng như những ô tô trong phân khúc cao cấp.
Như vậy, Omoda C5 có điểm mạnh nhất về giá bán và đi kèm trang bị khá dồi dào, cạnh tranh trong phân khúc SUV đô thị. Ngoài ra, nhà sản xuất cũng nhấn mạnh vào chất lượng khi bảo hành tổng thể xe tới 7 năm hoặc 1.000.000 km (riêng với động cơ, hãng bảo hành 10 năm hoặc 1.000.000 km). Đây là những ưu điểm lớn nhất, sẽ là các yếu tố rất đáng cân nhắc khi khách hàng chọn mua xe thuộc phân khúc này, đặc biệt với giá 589 - 669 triệu đồng thuộc dạng rẻ nhất phân khúc hiện nay.