Nối gót HSG, 'ông lớn' Hòa Phát lên kế hoạch lãi 2023 giảm còn 8.000 tỷ đồng, không chia cổ tức

(Vietnamdaily) - HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vừa công bố một số nội dung dự kiến sẽ trình đại hội cổ đông thường niên tổ chức vào ngày 30/3 tới. 

Theo đó, doanh nghiệp của ông Trần Đình Long lên kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 bao gồm doanh thu hợp nhất 150.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế toàn tập đoàn 8.000 tỷ đồng, thấp hơn con số đạt được trong năm trước.
Năm 2022 vừa qua, Hòa Phát ghi nhận tổng doanh thu đạt 141.409 tỷ đồng, lãi sau thuế hợp nhất 8.444 tỷ, đều thấp hơn mục tiêu do đại hội cổ đông đề ra là 160.000 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận 25.000 – 30.000 tỷ.
HĐQT đề xuất trích quỹ khen thưởng phúc lợi 42,2 tỷ đồng, không trích quỹ thù lao Hội đồng quản trị và Quỹ Khen thưởng Ban Điều hành vì kết quả kinh doanh không đạt kế hoạch.
Với phần lợi nhuận còn lại là 8.402 tỷ đồng, Hội đồng quản trị Hòa Phát đề xuất sử dụng toàn bộ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng nghĩa với việc không trả cổ tức tiền mặt năm 2022.
Noi got HSG, 'ong lon' Hoa Phat len ke hoach lai 2023 giam con 8.000 ty dong, khong chia co tuc
 Chủ tịch Hoà Phát - ông Trần Đình Long.
Trong báo cáo về HPG, Chứng khoán SSI cho biết nhu cầu của Trung Quốc cải thiện nhờ chính sách mở cửa trở lại sau ba năm Zero COVID, giúp giá thép khu vực phục hồi tích cực trong ba tháng qua và trở nên ổn định hơn trong năm 2023 sau năm 2022 thực sự khó khăn.
Tuy nhiên, giá thép khó quay trở lại xu hướng tăng do nhu cầu của Trung Quốc được kỳ vọng chỉ phục hồi khiêm tốn sau khi doanh số bán nhà giảm mạnh trong năm 2022, và việc mở cửa trở lại cũng sẽ làm tăng nguồn cung, SSI cho hay.
Ngoài ra, tác động của việc Trung Quốc mở cửa trở lại đối với khối lượng xuất khẩu của Hòa Phát có thể không đáng kể do giá thép trung bình của Việt Nam vẫn cao hơn so với giá thép Trung Quốc.
Chứng khoán SSI ước tính sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Hòa Phát trong năm nay sẽ giảm 4,7% so với 2022 và đạt 4,1 triệu tấn do sự chững lại của thị trường bất động sản và kinh tế vĩ mô.
Sản lượng HRC có thể giảm 12% còn 2,3 triệu tấn so với mức đỉnh trong năm 2022. Sản lượng phôi thép được dự báo đạt 240.000 tấn, sụt 17%. Sản lượng thép thô trong năm 2023 dự kiến là 6,6 triệu tấn, giảm 8,3% so với mức tiêu thụ 7,2 triệu tấn của năm vừa qua. Công suất hoạt động của năm 2023 được dự báo đạt 76%, trong khi con số của cả năm 2022 là 85%.
SSI dự báo doanh thu năm 2023 của Hòa Phát sẽ giảm 14% còn 121.000 tỷ đồng do cả sản lượng tiêu thụ và giá bán cho khách hàng đều giảm. Lợi nhuận ròng ước tính sẽ phục hồi 15% so với cùng kỳ và đạt 9.700 tỷ đồng nhờ giá thép ổn định hơn và giảm ảnh hưởng từ hàng tồn kho giá cao.
Trước đó, ông lớn ngành thép khác là Hoa Sen Group (HSG) của ông Lê Phước Vũ cũng khá bi quan về năm 2023 khi đưa ra 2 kịch bản lợi nhuận.
Phương án 1 với kịch bản sản lượng thành phẩm đạt 1,4 triệu tấn, theo đó chỉ tiêu sản lượng tiêu thụ sẽ là 1,52 triệu tấn, giảm 16% so với thực hiện năm ngoái. Doanh thu kế hoạch là 34.000 tỷ đồng, giảm 32%. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 100 tỷ đồng, giảm tới 60% so niên độ trước.
Với phương án 2, HSG ước sản lượng 1,63 triệu tấn trong đó thành phẩm đạt 1,5 triệu tấn, doanh thu có thể lên mức 36.000 tỷ đồng, giảm 18%. Lãi sau thuế có thể tăng 20% lên mức 300 tỷ đồng.

Con trai bầu Thắng nâng sở hữu tại Gỗ Trường Thành lên 1,1% vốn

(Vietnamdaily) - Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông Võ Quốc Lợi - con trai của ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng) tại TTF được nâng từ 0,85% lên 1,1% vốn điều lệ.

Ông Võ Quốc Lợi - Thành viên HĐQT Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) vừa mua vào 1 triệu cổ phiếu TTF từ ngày 11/1-12/1/2023. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của vị lãnh đạo này tại TTF được nâng từ 0,85% lên 1,1% vốn.

Tập đoàn Hòa Phát dự kiến tổ chức Đại hội cổ đông vào cuối tháng 3

(Vietnamdaily) - HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) công bố Nghị quyết thông qua việc tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 dự kiến vào ngày 30/3. Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông là 27/2/2023, địa điểm tại Hà Nội.
 

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm ngoái, Chủ tịch Hoà Phát Trần Đình Long từng dự báo ngành thép đang không thuận lợi. Nguyên nhân là do xung đột Nga - Ukraine làm nguyên liệu đầu vào tăng sốc. Mặt khác, Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid trong khi nước này chiếm 60% nhu cầu tiêu thụ thép thế giới, làm ảnh hưởng đến lực cầu.

Vụ FLC bị huỷ niêm yết: Vẫn đảm bảo quyền lợi cổ đông, mong sớm giao dịch trên UPCoM

(Vietnamdaily) - Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC - bà Bùi Hải Huyền vừa gửi thông báo đến cổ đông xoay quanh câu chuyện hủy niêm yết của doanh nghiệp.

Trước đó, ngày 14/2, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) đã ra quyết định hủy niêm yết 710 triệu cổ phiếu của Tập đoàn FLC kể từ ngày 20/2.

Ngay trong tối đó, FLC khẩn thiết kiến nghị cơ quan quản lý xem xét lại về việc huỷ niêm yết cổ phiếu FLC, trong đó cần thiết xem xét đến các lý do khách quan, cũng như hoàn cảnh bất khả kháng của doanh nghiệp trong việc thực hiện các nghĩa vụ công bố thông tin.

Bên cạnh việc giải trình về nguyên nhân dẫn đến tình trạng bị huỷ niêm yết do khó khăn sót lại sau khi ông Trịnh Văn Quyết và bà Hương Trần Kiều Dung bị bắt. Bà Huyền cũng trấn an cổ đông và làm rõ quyền lợi của cổ đông.

Vu FLC bi huy niem yet: Van dam bao quyen loi co dong, mong som giao dich tren UPCoM
 Bà Bùi Hải Huyền.

Theo bà Huyền: "Cổ đông vẫn đương nhiên được đảm bảo đầy đủ quyền lợi theo quy định của Luật Doanh nghiệp và điều lệ công ty. Trong mọi trường hợp, cổ đông được toàn quyền sở hữu, định đoạt đối với các cổ phiếu FLC mà cổ đông đang sở hữu".

Cổ đông cũng được phép tham gia đại hội đồng cổ đông, quyền biểu quyết, đề cử và ứng cử thành viên Hội đồng quản trị theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công ty.

Căn cứ quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 133 Nghị định 155/2020: “Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày hủy bỏ niêm yết có hiệu lực, Sở giao dịch chứng khoán có trách nhiệm phối hợp với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu của công ty bị hủy bỏ niêm yết.”

Tổng Giám đốc FLC cho biết Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) đã gửi quyết định hủy niêm yết cổ phiếu FLC đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) – đơn vị trực tiếp quản lý thị trường UPCoM – và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam nhằm phối hợp đăng ký giao dịch cổ phiếu FLC trên hệ thống giao dịch UPCoM.

“Tập đoàn FLC sẽ thông báo về ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu FLC trên hệ thống giao dịch UPCoM ngay sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ban hành Quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch,” Tổng Giám đốc FLC Bùi Hải Huyền viết.