Những loại thuốc không thể thiếu trong ngày mưa bão

Việc chuẩn bị sẵn các loại thuốc cơ bản trong những ngày mưa bão là cực kỳ quan trọng để giúp phòng ngừa và điều trị kịp thời các bệnh thường gặp.

Trong những ngày mưa bão, thời tiết ẩm ướt, nhiệt độ thay đổi thất thường và nguy cơ mất điện, úng ngập tăng cao, nhiều bệnh lý dễ bùng phát, đặc biệt là các bệnh liên quan đến hô hấp, tiêu hoá, mắt và da. Việc chuẩn bị sẵn một tủ thuốc gia đình cơ bản là điều vô cùng cần thiết để chủ động xử lý khi có sự cố sức khoẻ xảy ra.

Nước ngập sau trận mưa lớn ở Hà Nội. (Ảnh: PLO)

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo trong điều kiện mưa bão, giao thông đi lại khó khăn, nhiều nơi bị cô lập, việc tiếp cận cơ sở y tế bị hạn chế. Vì vậy, mỗi gia đình nên có sẵn các loại thuốc cơ bản như thuốc hạ sốt, thuốc điều trị tiêu chảy, thuốc nhỏ mắt, kháng sinh, bông gạc, nước muối sinh lý để xử lý những tình huống cấp thiết.

Thuốc hạ sốt (Paracetamol)

Công dụng: Giúp giảm đau, hạ sốt, thường dùng trong các trường hợp cảm lạnh, cảm cúm, nhiễm siêu vi.

Dạng dùng: Viên uống cho người lớn, gói bột hoặc dạng siro cho trẻ em. Lưu ý: Cần dùng đúng liều theo cân nặng và độ tuổi, không nên dùng nhiều hơn 4 lần/ngày, tránh dùng đồng thời với nhiều thuốc có chứa paracetamol để phòng ngừa quá liều.

Thuốc điều trị tiêu chảy

Công dụng:

- ORS (Oresol): Bù nước và điện giải – cực kỳ quan trọng khi tiêu chảy gây mất nước.

- Berberin: Có tác dụng kháng khuẩn đường ruột, dùng trong trường hợp tiêu chảy nhiễm khuẩn.

- Loperamid: Làm giảm nhu động ruột, dùng trong tiêu chảy cấp không do nhiễm khuẩn.

Lưu ý: Trẻ em dưới 2 tuổi cần thận trọng khi dùng thuốc chống tiêu chảy, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

Thuốc nhỏ mắt  

Công dụng: Phòng và điều trị viêm kết mạc do bụi bẩn, nước bẩn, vi khuẩn từ môi trường ẩm thấp gây ra.

Lưu ý: Sử dụng tối đa 5–7 ngày, không dùng kéo dài. Không dùng chung lọ thuốc nhỏ mắt giữa các thành viên trong gia đình để tránh lây nhiễm chéo.

Thuốc chống viêm da, mẩn ngứa

Công dụng: Giảm viêm da, mẩn ngứa, rôm sảy do ẩm ướt hoặc côn trùng đốt.

Thuốc xua đuổi và chống côn trùng (kem, xịt, vòng đeo). Công dụng: Xua đuổi muỗi, phòng sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản.

Dạng phổ biến: Kem/xịt chứa DEET, Picaridin. Hiệu quả cao, bôi/xịt lên da.

Lưu ý: Không để kem/xịt tiếp xúc mắt, miệng; dùng đúng độ tuổi ghi trên nhãn.

Các vật tư y tế và sản phẩm hỗ trợ khác nên có

- Nhiệt kế: Theo dõi thân nhiệt trong các trường hợp nghi sốt.

- Bông băng, gạc vô trùng, oxy già hoặc povidine: Xử lý vết thương ngoài da nếu bị trầy xước trong điều kiện ẩm ướt dễ nhiễm khuẩn.

- Nước muối sinh lý (NaCl 0.9%): Vệ sinh mắt, mũi, họng, đặc biệt hữu ích với trẻ em.

- Thuốc chống dị ứng (Loratadin, Cetirizin): Phòng khi có các phản ứng dị ứng do côn trùng, thực phẩm lạ.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh:  Người dân không nên tự ý dùng kháng sinh nếu chưa có chỉ định. Tuy nhiên, trong các tình huống bất khả kháng như mưa bão kéo dài, việc có sẵn một số loại thuốc thông dụng sẽ giúp xử lý bước đầu và ngăn chặn bệnh tiến triển nặng.

PGS Dũng cũng khuyến cáo mọi người tăng cường vệ sinh cá nhân bằng cách giữ vệ sinh tay, thực phẩm, nước uống để phòng ngừa các bệnh tiêu hóa và nhiễm khuẩn.