Từ vụ lật tàu ở Hạ Long: Hệ thống siêu giông vùng nhiệt đới hình thành nhanh và nguy hiểm ra sao?

Giông lốc gây ảnh hưởng tới miền Bắc Việt Nam gần đây bắt nguồn từ một loại hình thời tiết phức tạp và nguy hiểm, gọi là Hệ thống siêu giông vùng nhiệt đới (MCS).

Siêu giông vùng nhiệt đới là hiện tượng hàng loạt cơn giông xuất hiện trên phạm vi rộng tạo thành hệ thống. Ảnh: NOAA.

Chiều ngày 19/7, một trận giông dữ dội bất ngờ quét qua miền Bắc Việt Nam và vịnh Bắc Bộ, mang theo mưa xối xả, sét đánh và gió lốc mạnh. Tại vịnh Hạ Long, giông lốc ập đến khiến một tàu du lịch bị lật, gây hậu quả thương tâm.

Hiện tượng cực đoan này không phải do bão hay áp thấp nhiệt đới, mà bắt nguồn từ một loại hình thời tiết phức tạp và nguy hiểm hơn – hệ thống siêu giông vùng nhiệt đới Mesoscale Convective System (MCS), theo thông báo của Cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nguyên nhân hình thành trận giông ngày 19/7 là sự hội tụ của một rãnh áp thấp đi qua Bắc Bộ, kết hợp với ba ngày nắng nóng kéo dài khiến khí quyển trở nên bất ổn. Đây là điều kiện lý tưởng để các tế bào giông có thể hình thành liên tiếp, hợp lại thành một hệ thống MCS chỉ trong vài chục phút. Khi đã tổ chức thành hệ thống, siêu giông không chỉ phát triển theo chiều rộng mà còn tự duy trì trong nhiều giờ, tạo ra các đợt gió giật và mưa lớn cực đoan trên diện rộng.

Cấu trúc một hệ thống siêu giông gồm những gì?

Theo Cơ quan quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), một MCS có thể bao gồm các loại hình thời tiết đặc biệt như:

• Mesoscale Convective Complex (MCC): Là một dạng MCS có hình tròn, hình thành về đêm và có thể kéo dài hàng chục giờ, bao phủ cả một tỉnh hoặc khu vực rộng lớn.

Hiện tượng MCS có thể kéo dài hàng chục giờ, bao phủ cả một tỉnh hoặc khu vực rộng lớn. Ảnh: NOAA.

• Mesoscale Convective Vortex (MCV): Là xoáy thấp nằm bên trong MCS, với đường kính khoảng 50–100 km, chiều cao từ 1–3 km. Dù thường bị bỏ sót trên các bản đồ dự báo thông thường, MCV có thể tồn tại độc lập sau khi MCS tan và thậm chí là “hạt nhân” của một đợt giông mới, hoặc trở thành mầm mống cho bão khi di chuyển ra biển nhiệt đới.

Khi siêu giông tạo ra gió giật trên 150 km/giờ và cả lốc xoáy

Bên trong mỗi hệ thống MCS là một tập hợp các tế bào giông vận hành theo cơ chế riêng biệt nhưng tương tác lẫn nhau. Chính sự phức tạp trong nội tại này có thể tạo ra luồng gió phản lực (jet stream) di chuyển nhanh từ phía sau, thổi về phía rìa trước của hệ thống. Khi các dòng giáng (downdraft) từ các cơn giông đẩy mạnh luồng gió này xuống gần mặt đất, chúng gây ra những cơn gió giật cực mạnh, dễ dàng vượt qua ngưỡng 100 km/giờ – thậm chí có những đợt đạt tới 150 km/giờ hoặc hơn.

Trước khi gió giật và mưa lớn tràn tới, người ta thường quan sát thấy một dải mây thấp hình rìa (shelf cloud) di chuyển nhanh qua các khu dân cư – một dấu hiệu đặc trưng cảnh báo sự đến gần của MCS. Tại rìa của hệ thống, do sự chênh lệch nhiệt độ và vận tốc gió, các vùng xoáy nhỏ có thể hình thành và dẫn đến lốc xoáy ngắn hạn, tuy không kéo dài nhưng vẫn đủ sức gây thiệt hại nghiêm trọng.

MCS kéo dài có thể tàn phá trên diện rộng

Siêu giông quy mô lớn có thể gây tàn phá trên diện rộng nhưng rất khó dự báo trước. Ảnh: The Weather Network.

Một hệ thống MCS sẽ chỉ tan rã khi không còn không khí bất ổn để duy trì hoạt động, hoặc khi cấu trúc nội bộ bắt đầu suy yếu. Tuy nhiên, trước khi tan biến, một MCS mạnh có thể tồn tại trên 8 tiếng và di chuyển hàng nghìn km – đủ để quét qua nửa lục địa Bắc Mỹ chỉ trong một buổi chiều.

Một số hệ thống MCS đặc biệt dữ dội và dai dẳng sẽ tạo ra vùng thiệt hại trải dài hàng trăm km, được gọi bằng tên riêng là derecho – loại hình thời tiết gây ra một số đợt thiên tai tồi tệ nhất vào mùa hè. Không phải MCS nào cũng trở thành derecho, nhưng những hệ thống đủ mạnh để được xếp vào loại này thường để lại hậu quả thảm khốc.

Một trong những trận siêu giông nghiêm trọng nhất từng được ghi nhận ở Canada xảy ra vào tháng 5/2022, khi MCS tấn công Ontario và Quebec, cướp đi sinh mạng của 9 người và để lại vệt tàn phá kéo dài gần 1.000 km.

Cảnh báo thiên tai thời hiện đại: Không thể xem nhẹ các cơn giông

Với việc biến đổi khí hậu toàn cầu gây ảnh hưởng trong những năm qua, các hiện tượng thời tiết cực đoan – đặc biệt là những hệ thống giông như MCS – có xu hướng xuất hiện thường xuyên hơn và khó dự đoán hơn. Dù không phải là bão, những siêu giông như vậy vẫn đủ sức gây thiệt hại nghiêm trọng, cả trên biển lẫn đất liền.

Trên thế giới, các chuyên gia khí tượng khuyến nghị cần tăng cường hệ thống radar thời tiết, cải tiến công tác cảnh báo sớm và đào tạo lực lượng phản ứng nhanh. Mỗi phút chậm trễ trong giám sát hoặc phản ứng với giông bão có thể dẫn đến những hậu quả không thể cứu vãn.