Năm 2025, các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến nồng độ cồn vẫn là một vấn đề đáng lo ngại. Các cơ quan chức năng đã và đang tăng cường các biện pháp tuyên truyền, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn khá nhiều trường hợp bất tuân và chủ quan về hành vi đã uống rượu, bia vẫn lái xe gây ra hậu quả nghiêm trọng cho chính bản thân và cộng đồng.
lời hối hận muộn màng
Tối 16/7, vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra và người gây tai nạn là một giảng viên của trường cao đẳng khi điều khiển xe ô tô trong trạng thái say “mèm” với mức đo nồng độ cồn là 0,861 mg/l khí thở. Việc cố chấp lái xe và không làm chủ được tay lái sau cuộc nhậu của nam giảng viên đã khiến một nạn nhân ra đi mãi mãi và khiến nhiều người khác bị thương đang phải cấp cứu trong bệnh viện.

Chiều 17/7, Lê Minh Giáp (41 tuổi, trú tại phường Yên Nghĩa, Hà Nội, giảng viên một trường cao đẳng) cho biết, sau khi hết cơn say, ông liên tục dằn vặt vì đã gây ra vụ tai nạn khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh ly tán, tổn thất nặng nề.
“Tôi không nghĩ có ngày hôm nay” – đó lời khai thều thào và hối hận của tài xế tên Giáp sau khi gây tai nạn. Thậm chí, người này còn không có câu trả lời cho chính bản thân mình vì sao lại điều khiển ô tô sau khi uống rượu bia.
Nam tài xế nói nghẹn: “Câu hỏi đó tôi khó trả lời. Tôi không biết tại sao lại làm vậy. Bình thường sau khi uống, tôi đều gọi xe công nghệ hoặc dùng dịch vụ tài xế lái hộ. Hôm qua thực sự tôi không giải thích được”.
Một lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam 4 tháng đối với Lê Minh Giáp để điều tra về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
những cái chết...chưa cảnh tỉnh
Khoảng 20h ngày 16/7, Lê Minh Giáp điều khiển ô tô biển số 30K-730.12, lưu thông theo hướng Lê Trọng Tấn – khu đô thị Đô Nghĩa. Khi đến khu vực trước tòa nhà CT7 trên đường Nguyễn Trác, xe của Giáp va chạm với xe máy 29T2-130.xx do anh Đồng Quốc V. (SN 1984, trú tại Hà Nội) điều khiển.
Cú va chạm khiến Giáp giật mình, hoảng loạn, đạp nhầm chân phanh thành chân ga khiến xe lao về phía trước, đâm tiếp vào 4 xe máy và 2 ô tô con đang dừng đỗ sát lề đường.
Vụ tai nạn khiến anh Đồng Quốc V. tử vong tại chỗ. Chị L.T.H.G. (SN 1995, trú tại phường Hà Đông, Hà Nội) bị gãy chân, còn con gái 3 tuổi của chị bị chấn thương sọ não, hiện đang được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định nồng độ cồn trong hơi thở của tài xế Lê Minh Giáp là 0,861 mg/l khí thở – vượt hơn 2,2 lần mức kịch khung.
Mới đây, tại tỉnh Bình Định (cũ), nay là tỉnh Gia Lai cũng đã xảy ra vụ TNGT đường bộ giữa xe mô tô 77E1-598.52 do Nguyễn Bá T điều khiển hướng Đông - Tây do không chú ý quan sát đã tông vào xe mô tô 77E1-882.73 do Nguyễn Thị P (SN 1993) điều khiển ngược chiều. Hậu quả, Nguyễn Bá T bị thương và chết tại bệnh viện sau đó. Qua kiểm tra, Nguyễn Bá T có nồng độ cồn trong máu 13,45 mg/100ml máu.
Cũng tại địa phương này, ngày 9/5 vừa qua, ông Lê Văn B (SN 1956) đã chết tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định (nay là Gia Lai) sau khi bị TNGT.
Vụ việc được xác định, ông Lê Văn B điều khiển xe mô tô 77F8-5425 thì va chạm với xe ô tô tải 77C-173.29 do ông Đặng Văn Cường (SN 1985) điều khiển ngược chiều. Nguyên nhân ban đầu được cơ quan Công an xác định do ông Lê Văn B vi phạm nồng độ cồn 0,374 mg/l khí thở nên điều khiển xe không chú ý quan sát gây ra vụ tai nạn…
Theo số lượng thống kê, 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng CSGT cả nước đã kiểm tra, xử lý hơn 1,66 triệu trường hợp vi phạm TTATGT; tạm giữ hơn 424.000 phương tiện, tước gần 150.000 giấy phép lái xe.
Trong đó, xử lý hơn 310.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, gần 2.400 trường hợp dương tính với ma túy, gần 400.000 vi phạm tốc độ, hơn 38.000 trường hợp học sinh vi phạm.
Toàn quốc xảy ra 9.398 vụ TNGT, làm chết 5.293 người, bị thương 6.246 người.
Mặc dù có những con số ám ảnh như vậy nhưng nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông, nhất là những người cố chấp điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia vẫn chưa được cảnh tỉnh.
Nên nhớ, trong rượu, bia có chất cồn (ethanol), khi vào cơ thể sẽ hấp thụ vào máu, gây ảnh hưởng nhiều đến các cơ quan trong cơ thể như dạ dày, gan, lách, thận, tim… đặc biệt là thần kinh.
Uống rượu, bia say sẽ làm chậm hoạt động của tế bào thần kinh sử dụng để truyền tin, điều này làm thay đổi tâm trạng, khiến cho phản xạ của cơ thể chậm hơn và gây mất thăng bằng.
Khi đã sử dụng rượu, bia, nếu điều khiển phương tiện giao thông sẽ làm tăng nguy cơ gây tai nạn, do rượu bia làm giảm khả năng phản xạ, phản ứng, làm hạn chế sự phối hợp của các bộ phận trong cơ thể, làm giảm thị giác, gây buồn ngủ.
Theo nghiên cứu cho thấy người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có uống rượu, bia thì tăng nguy cơ gây tai nạn cao gấp 40 lần so với người không sử dụng rượu, bia. Khi tai nạn xảy ra thì hậu quả để lại di chứng lâu dài, hết sức nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần và sức khỏe của nạn nhân, nếu trường hợp nặng dẫn đến tử vong thì gây ra mất mát to lớn cho gia đình, người thân và xã hội.
Mức phạt vi phạm nồng độ cồn xe ô tô
Theo Điều 6, Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX) của người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Trong đó, mức phạt vi phạm nồng độ cồn như sau:
- Nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở < 50mg/100ml máu hoặc < 0,25 mg/lít khí thở: Phạt tiền 6 - 8 triệu đồng, trừ 06 điểm GPLX.
- Nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở từ 50 - 80mg/100ml máu hoặc 0,25 - 0,4mg/l khí thở: Phạt tiền 18 - 20 triệu đồng, trừ 10 điểm GPLX.
- Nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở > 80mg/100 ml máu hoặc > 0,4mg/lít khí thở: Phạt tiền 30 - 40 triệu đồng, trừ 12 điểm GPLX.
Mức phạt vi phạm nồng độ cồn xe mô tô, xe gắn máy
Theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ về mức phạt nồng độ cồn năm 2025 đối với xe mô tô, xe gắn máy như sau:
- Nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở: Chưa vượt quá 50 miligam/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 l khí thở: Phạt tiền 2 - 3 triệu đồng, trừ 4 điểm GPLX.
- Nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở từ 50 - 80mg/100ml máu hoặc 0,25 - 0,4mg/l khí thở: Phạt tiền 6 - 8 triệu đồng, trừ 10 điểm GPLX.
- Nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở > 80mg/100ml máu hoặc > 0,4mg/l khí thở: Phạt tiền 8 - 10 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 22 tháng đến 24 tháng.